xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tịch thu tài sản bất minh

Lưu Nhi Dũ

Phát biểu về dự Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN, sửa đổi) tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục gặp khó khăn khi chỉ thu hồi được trên dưới 10%.

Theo bà Thủy, hạn chế này do pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

Trên thực tế, trong các văn bản tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN đều có chung nhận xét là thiếu quy định về việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc. Đây chính là điểm tồn tại, hạn chế của luật.

Nhiều đại biểu góp ý cho dự Luật PCTN sửa đổi đề nghị nên đưa vào điều luật phải tịch thu tài sản bất minh nếu người kê khai không giải trình được tài sản đó do đâu mà có, đồng thời cũng phải xử lý trách nhiệm người kê khai về tội gian dối và xử lý trách nhiệm người quản lý, có trách nhiệm xác minh tính trung thực của người kê khai tài sản đó.

Kinh nghiệm PCTN ở nhiều nước cho thấy nếu tài sản không minh bạch thì không thể tồn tại và đều phải bị xử lý. Như ở Trung Quốc, không có luật PCTN riêng nhưng trong luật hình sự có quy định về giải trình nguồn gốc tài sản và nếu không giải trình được thì phần tài sản đó bị coi là bất hợp pháp, bị tịch thu và còn có thể phạt tù. Nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Na Uy, Đan Mạch… giám sát rất kỹ tài sản của các quan chức chính phủ, nghị viện, thậm chí giám sát đến cả quà tặng…

Nhiều quốc gia còn yêu cầu cán bộ cấp cao kê khai cả các khoản chi tiêu, nhất là các khoản chi tiêu có giá trị lớn. Giám sát chi tiêu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong trường hợp việc chi tiêu của công chức không cân xứng so với thu nhập chính thức mà họ nhận được.

Ở nước ta, việc quá nhiều đối tượng kê khai tài sản làm cho khâu xác minh rất khó khăn. Năm 2017 có 1,1 triệu người trên cả nước kê khai tài sản nhưng lại kê khai xong để đó, chỉ xác minh 78 trường hợp và cũng chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không đúng sự thật.

Nhiều cán bộ có biệt phủ, con cái đều du học nước ngoài nhưng không giải trình được nguồn gốc tài chính, đều "bình yên". Thậm chí có cán bộ lý giải nguồn gốc tài sản đó như đùa, kiểu do nuôi heo, bán chổi chít… mà có! Bất thường như vậy nhưng đa số vẫn "qua truông" an toàn.

Quản lý thu nhập của công dân và cán bộ là khâu yếu nhất trong quản lý xã hội hiện nay ở nước ta. Nếu công tác này thực hiện tốt sẽ giúp cho công tác chống tham nhũng dễ dàng hơn.

Với cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản, cũng cần giám sát các khoản chi tiêu có giá trị lớn. Đặc biệt rất cần thiết đưa vào Luật PCTN (sửa đổi) quy định những tài sản bất minh của cán bộ mà không lý giải được nguồn gốc thì phải tịch thu.

Nếu quy định này được đưa vào luật, công tác PCTN chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo