xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TIẾP SỨC NGƯ DÂN VƯỢT KHÓ, BÁM BIỂN (*): Lao động biển ngày càng khan hiếm

QUANG TÁM - BÍCH VÂN - TỬ TRỰC - KỲ NAM

Hầu hết các tỉnh, thành ven biển đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động trên biển, dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá phải nằm bờ, ngư dân gặp vô vàn khó khăn

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có khoảng 420 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó hơn 40 chiếc đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Nhiều chủ tàu đang gặp phải tình trạng thiếu lao động trầm trọng, một số chủ phải cho tàu nằm bờ hoặc bán tàu.

Tàu nằm bờ, chờ lao động

Ông Nguyễn Giáp (ngụ phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết trước đây, ông có 2 con tàu hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó có 1 chiếc đóng theo Nghị định 67. Tuy nhiên, đầu năm 2021, do khó khăn tìm kiếm lao động, tàu thường xuyên nằm bờ nên ông đành bán 1 chiếc. "Mỗi tàu cần ít nhất 10 lao động nhưng vì kiếm không ra người nên chiếc này xuất bến thì chiếc kia phải nằm bờ " - ông Giáp nói lý do bán tàu.

TIẾP SỨC NGƯ DÂN VƯỢT KHÓ, BÁM BIỂN (*): Lao động biển ngày càng khan hiếm - Ảnh 1.

Sản lượng đánh bắt giảm dẫn đến nhiều chủ tàu ở Quảng Ngãi gặp khó khăn, lao động bỏ nghề tăng .Ảnh: TỬ TRỰC

Còn theo ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An, toàn phường hiện có 122 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó có 23 tàu được đóng theo Nghị định 67. Lực lượng lao động đánh bắt trực tiếp hiện nay chỉ còn 1.118 người, giảm khoảng 30% so với trước đây. Nguyên nhân thiếu hụt lao động do đa phần ngư dân lớn tuổi, không thể tiếp tục gắn bó với nghề; một phần do người đến tuổi lao động chọn vào các tỉnh phía Nam mưu sinh hoặc đi làm việc ở nước ngoài.

Tại các xã Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Lãm - chủ tàu TTH-96266 TS, liên đoàn trưởng Liên đoàn Nghề cá 2 xã Phú Thuận - cho hay trong liên đoàn có 22 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến ra khơi mỗi tàu cần ít nhất 9-10 lao động. Vì thiếu hụt lao động nên các chủ tàu trong liên đoàn phải san sẻ lao động với nhau để tàu nào cũng cơ bản đủ người đi biển.

TIẾP SỨC NGƯ DÂN VƯỢT KHÓ, BÁM BIỂN (*): Lao động biển ngày càng khan hiếm - Ảnh 2.

Nhiều tàu cá ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm bờ nhiều tháng qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiếu hụt lao động .Ảnh: QUANG TÁM

Ở cảng cá Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), khá nhiều chủ tàu cá buộc phải cho tàu nằm bờ. Một trong số đó là chiếc tàu công suất 800CV mang số hiệu ĐNa-91095 TS của ông Nguyễn Phương Bình (ngụ phường Thọ Quang). Con tàu này trị giá 3 tỉ đồng, nằm bờ từ 4 tháng qua vì không có ngư dân. Cũng ở cảng cá này, từ tháng 5 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tàu cá ĐNa-90777 TS của ông Trần Văn Mười (ngụ phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chỉ ra khơi được 2 chuyến. Ông Mười đang liên hệ thuê người cho những chuyến đi biển cuối năm và đầu năm mới nhưng vẫn chưa xoay đủ.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, nói sở dĩ có tình trạng ngư dân bỏ nghề là do loại hình công việc này vất vả, nguy hiểm, thu nhập lại không cao so với các ngành nghề khác.

"Đỏ mắt" kiếm bạn chài

Ông Trần Hoàn (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chủ tàu KH-92655 TS, nói ông có kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy nghề biển lại khó khăn như bây giờ. Trước đây, mỗi lần đi biển thường có từ 11-12 người trở lên nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 6-7 người. Do đó, 4 con trai ông mỗi người sở hữu một tàu, giờ cùng lên một con tàu để vươn khơi, 3 chiếc tạm neo tại cảng Hòn Rớ - chợ cá Nam Trung Bộ (TP Nha Trang). Ông Trần Hoàn thở dài: "Mười năm trước, với nghề câu cá ngừ đại dương, mỗi chuyến đi 15 ngày là kiếm đủ cá để về. Thế nhưng, thời gian gần đây, mỗi tàu đi từ 1 tháng đến 3 tháng, tốn kém chi phí mà sản lượng lại thấp".

Theo ông Hoàn, lượng cá ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa ngày càng cạn kiệt khiến ngư dân rất chật vật. Thời điểm biển động cá về nhiều thì phải đối diện với nhiều rủi ro, sóng gió. Nhiều khi theo luồng cá nhưng vượt qua vùng biển nước khác sẽ vi phạm quy định chống đánh bắt bất hợp pháp (thẻ vàng IUU do Ủy ban châu Âu áp đặt), cá nhập về sẽ không bán được... "Mỗi chuyến đi biển trước đây tổn phí khoảng 100 triệu đồng, bây giờ giá dầu tăng cao khiến chi phí tăng thêm khoảng 30 triệu đồng. Đi 10 chuyến thì lỗ hết 4 chuyến, 4 chuyến lỗ nhẹ, 2 chuyến hòa vốn hoặc lời chút đỉnh" - ông Hoàn nói.

Ông Lê Văn Đồng (chủ tàu KH-96390TS) có 2 người con trai đều là thuyền trưởng của 2 con tàu của gia đình. Gần 5 tháng nay, việc đi biển của gia đình ông gần như đình trệ vì dịch Covid-19. Các ngư dân muốn đi biển phải tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc phải test âm tính thì mới ra khơi. Việc kiếm bạn ra khơi đã khó nay càng khó hơn.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, thông tin: Toàn tỉnh Khánh Hòa có 3.357 tàu cá, trong đó 2.610 tàu hoạt động ở vùng lộng và ven bờ, 747 tàu hoạt động ở vùng biển xa bờ. Những khó khăn của ngư dân đang được chi cục rà soát để báo cáo Tổng cục Thủy sản và lãnh đạo tỉnh đề nghị có hướng giải quyết.

Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố hạn ngạch 791 giấy phép khai thác vùng lộng. Việc cấp hạn ngạch khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt, để việc phát triển nghề cá đi vào hướng bền vững. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-11

Kỳ tới: Tạo điều kiện để ngư dân ra khơi

Chuyển sang đánh bắt gần bờ

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết xã Bình Châu hiện có trên 100 tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở Hoàng Sa, Trường Sa nên cần số lượng lao động rất lớn. Trong mấy năm qua, vì không kiếm đủ số lao động ở địa phương, nhiều chủ tàu phải vào tận Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... kiếm bạn chài đi cùng. Thậm chí có nhiều người thường xuyên không kiếm đủ số lao động phải bán tàu hoặc chuyển sang đánh bắt ven bờ kiếm sống qua ngày.

Đây cũng là thực trạng chung của tỉnh Quảng Ngãi. Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, nghề khai thác thủy sản trên biển của tỉnh đang giải quyết việc làm cho khoảng 38.000 ngư dân, giảm khoảng 2.000 lao động so với năm 2015. Do số lượng tàu cá lớn (hơn 5.500 tàu) nhưng nguồn lao động khan hiếm nên hiệu quả khai thác không cao, dẫn đến việc nhiều chủ tàu gặp khó khăn trong việc đưa tàu ra khơi.

T.Trực

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo