xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vỉa hè lại bị… xâu xé

LÊ PHONG - SỸ HƯNG - PHAN ANH - QUỐC CHIẾN

Trong khi lãnh đạo quận 1, TP HCM liên tục trực tiếp ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè thì các quận khác nói có cách làm riêng. Thực tế từ "cách làm riêng" này ra sao?

Chủ trương chấn chỉnh, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè của TP HCM có từ nhiều năm trước. Nhưng đến khi Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải mạnh tay xử lý các công trình lấn chiếm vỉa hè hay cẩu xe đậu sai quy định, thậm chí là xe biển số xanh của lãnh đạo vào đầu năm 2017, thì chủ trương ấy mới thật sự "bùng cháy".

Cách riêng = mất kiểm soát

"Cách làm của ông Hải có thể gây nhiều tranh cãi nhưng chúng ta phải thừa nhận là sự lấn chiếm giảm hẳn, vỉa hè quận 1 cũng thông thoáng hơn. Thế nên, thà làm nhưng chưa đạt còn tốt hơn nhiều không làm gì" - ông Thanh, một cán bộ hưu trí ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, đánh giá như vậy khi so sánh vỉa hè quận 1 với quận Tân Phú - nơi mà lãnh đạo địa phương nói rằng có cách làm riêng để vừa có vỉa hè thông thoáng vừa "được lòng" người.

So sánh của ông Thanh không quá với thực tế chúng tôi ghi nhận về thực trạng chiếm vỉa hè ở quận Tân Phú những ngày gần đây. Ngày nào cũng vậy, đường Trường Chinh chạy qua quận Tân Phú, lòng đường trở thành điểm tập kết xe bán hàng rong; vỉa hè thì bị các hộ kinh doanh tận dụng hết làm nơi bày hàng, để bàn ghế bán đồ ăn, thức uống. Nhiều tiệm sửa xe, tiệm sắt chiếm trọn vỉa hè làm nơi sản xuất, sửa chữa.

Đặc biệt, khu vực ngã ba Trường Chinh - Âu Cơ, vốn nhỏ hẹp và dày đặc xe cộ nhưng 2 bên đường các quầy hàng, bảng hiệu, đồ đạc để tràn lan trên vỉa hè, lấn xuống lòng đường khiến tình trạng kẹt xe càng trở nên nghiêm trọng. "Người dân không còn lối đi bộ, buộc phải chen giữa dòng xe cộ đông đúc để di chuyển" - bà Lê Thị Thảo (ngụ trên đường Âu Cơ, quận Tân Phú) bức xúc.

Vỉa hè các tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý, Âu Cơ, Lũy Bán Bích, Thoại Ngọc Hầu… cũng bát nháo, nhếch nhác không kém. Ông Nguyễn Minh Tuấn (một hộ kinh doanh trên đường Trường Chinh) thản nhiên nói: "Ở đây nhà nào không lấn ra vỉa hè mới là lạ. Muốn dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè thì phải công bằng chứ người ta lấn thì mình cũng phải lấn thôi".

Ở quận Bình Tân, trên nhiều tuyến đường, băng-rôn, biểu ngữ kêu gọi lập lại trật tự vỉa hè vẫn còn giăng đầy. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm thì đâu vẫn hoàn đó. Đơn cử như đường Bình Trị Đông (kéo dài từ phường Bình Trị Đông đến phường Bình Trị Đông A) ghi nhận ngày 26 và 27-9, cho thấy hầu hết cửa hàng tọa lạc ở mặt tiền đường này đều lấn chiếm một phần hoặc toàn bộ vỉa hè. Nhiều người ngang nhiên đậu xe ngổn ngang dưới đường, thậm chí trước biển cấm.

Đáng nói, ở cuối con đường này còn hình thành một chợ tự phát với hàng hóa được bày bán cả trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường. Nhiều tiểu thương còn chế biến thịt cá tươi sống và xả nước thải ra đường nhầy nhụa, hôi thối.

Theo người dân địa phương, khu chợ này nằm giữa 2 phường Bình Trị Đông và Bình Trị Đông A nên mỗi khi chính quyền lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè thì các tiểu thương di chuyển qua lại hai bên. Vì vậy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nơi đây trở thành căn bệnh kinh niên.

Vỉa hè lại bị… xâu xé - Ảnh 1.

Ngày 27-9, một cửa hàng lấn chiếm toàn bộ vỉa hè trên đường Trường Chinh, quận Tân PhúẢnh: QUỐC CHIẾN

Vỉa hè lại bị… xâu xé - Ảnh 2.

Tình trạng bát nháo trước cổng Trường ĐH Công nghệ TP HCM Ảnh: SỸ HƯNG

Còn ở nơi được mệnh danh là đường nội đô đẹp nhất TP HCM - đường Phạm Văn Đồng (chạy qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp) - vốn được lãnh đạo các địa phương này nói "quyết tâm" làm đẹp vỉa hè hồi đầu và giữa chiến dịch thì nay vẫn còn hàng loạt hàng quán lấn chiếm.

Chiều 27-9, thấy 1 quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (phường 1, quận Gò Vấp) dựng xe lấn chiếm hết vỉa hè, chúng tôi hỏi thì nhân viên nói: "Có sao đâu". Cách đó không xa, 1 công trình đang xây dựng đổ cả đống gạch, cát ra hết phần đường dành cho người đi bộ. "Mong chính quyền các cấp tiếp tục làm quyết liệt như ở quận 1 để các hộ kinh doanh trả lại vỉa hè cho người đi bộ" - ông T. (người dân địa phương) kiến nghị.

Phức tạp nhất là tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh trước cổng Trường ĐH Công nghệ TP HCM (đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh). Theo quan sát, hằng ngày, tại khu vực này nhộn nhịp cảnh mua bán; giờ cao điểm, sinh viên tan trường luôn gây nên cảnh ách tắc giao thông. Đáng nói, phía sau nhà chờ xe buýt còn xuất hiện nơi để xe, chiếm gần hết phần đường dành cho người đi bộ.

Điệp khúc "sẽ xử nghiêm"

Trả lời câu hỏi vì sao lãnh đạo không thường xuyên tham gia xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho rằng mỗi địa phương có một cách làm khác. "Việc ra quân chúng tôi có phân cấp, giao nhiệm vụ ở cơ sở rất chi tiết. Căn cứ vào đó mà kiểm tra cán bộ để xử lý" - ông Thái thông tin.

Cách làm mà ông Thái nêu ra như sau: Việc giành lại vỉa hè không phải một mình lực lượng Đội Quản lý Trật tự đô thị mà có sự tham gia cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… Mỗi con đường sẽ phân cấp cho một lực lượng đảm nhiệm. Nghe thì hay, vậy sao vỉa hè ở Tân Phú bị chiếm dụng tràn lan? Không trả lời thẳng vào vấn đề, ông Thái chỉ thông tin tuần tới địa phương cho ra mắt phần mềm quản lý vỉa hè. Người dân có thể lên kho ứng dụng điện thoại thông minh tải về. Hễ thấy ở đâu lấn chiếm thì người dân hãy chụp hình tải lên ứng dụng.

Cuối cùng, ông Thái phân trần rằng địa phương phần lớn là dân nhập cư, có người sống bằng những nghề buôn thúng bán bưng. Vì thế, việc xử lý cũng nhẹ nhàng khôn khéo để họ hiểu. "Điều quan trọng là lấy được tình cảm bà con (!)" - ông Thái nói.

Còn lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho biết sẽ không rầm rộ ra quân như quận 1 mà giải pháp địa phương này đưa ra là ghi nhận những trường hợp lấn chiếm, lấy số điện thoại. Từ đó, xây dựng hệ thống phát tin nhắn nhắc nhở. "Kế hoạch thì luôn hay, luôn khoa học nhưng có một thực tế không chối cãi được là gần như lãnh đạo quận, phường không xông pha "đòi" lại vỉa hè một cách rốt ráo" - ông Doãn, 1 hộ dân sống trong khu dân cư công nghiệp Tân Bình, phường Bình Hưng Hòa, than thở như vậy khi gần như vỉa hè của khu dân cư này đã biến thành hàng quán riêng của người kinh doanh.

Trong khi đó, sau khi xem hình ảnh lấn chiếm mà phóng viên ghi nhận, ông Dương Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, thừa nhận tình trạng bát nháo trước cổng Trường ĐH Công nghệ TP HCM và khẳng định quận đang họp bàn phương án di dời, sắp xếp để người dân có nơi kinh doanh, buôn bán theo đúng quy định. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm quyết liệt và giao trách nhiệm cho từng địa phương, nơi nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xử lý nghiêm" - ông Thắng nói.

Chợ đầu mối Bình Điền "kêu cứu"

Bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (TP HCM), cho biết đường Nguyễn Văn Linh (đoạn thuộc xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) và đường nối 36 m dẫn vào chợ Bình Điền luôn bị vây kín bởi nhiều điểm bán trái cây, gia cầm sống…

Khi bảo vệ của chợ Bình Điền nhắc nhở thì một vài người kinh doanh tỏ ra manh động. Vì vậy, chợ Bình Điền đã nhiều lần kêu gọi chính quyền tham gia giải tỏa nhưng vẫn không thấy có sự chuyển biến.

Cách làm… Đoàn Ngọc Hải!

Những tháng đầu năm 2017, vỉa hè quận 1 như có "cơn bão lớn" lướt qua, cuốn theo những vật cản vi phạm. Hình ảnh ông Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu đoàn công tác thực thi pháp luật luôn "nóng" trên các phương tiện truyền thông. Những đợt ra quân của ông Hải đã làm vỉa hè thoáng hơn, nền nếp hơn. Thế nhưng, đến cuối tháng 3, ông Hải ngưng xuống đường mà giao cho phường chịu trách nhiệm. Hệ quả là vỉa hè quận 1 nhếch nhác, bầy hầy trở lại.

hinh box ong hai

Đường Trần Quang Khải (quận 1) trước đây nổi tiếng về nạn lấn chiếm vỉa hè, nay đã chuyển biến. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sau 4 tháng ngừng xuống đường, ông Hải bất ngờ dẫn đầu đoàn liên ngành ra quân kiểm tra và xử phạt nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè vào đầu tháng 8 và liên tục ra quân cho đến thời điểm hiện tại. Giờ, ai đi qua những con đường Trần Quang Khải, Nguyễn Thái Học… ở quận 1 trước nay nổi tiếng về sự lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì nay đã chuyển biến. "Tôi phải đi thường xuyên để anh em 10 phường suy nghĩ, làm việc tích cực hơn, tốt hơn. Được như thế tôi rất vui" - ông Hải tâm sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo