xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nghiệp TP HCM trước áp lực cạnh tranh

Bài và ảnh: Thanh Nhân

TP HCM cần xác định lại các ngành công nghiệp trọng điểm để ưu tiên phát triển cho phù hợp tình hình mới

Ngày 6-12, hội nghị "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển" do Thành ủy TP HCM chỉ đạo tổ chức đã nhận được nhiều góp ý giá trị từ các chuyên gia kinh tế.

Nhiều bất cập khó tháo gỡ

Báo cáo đưa ra tại hội nghị cho thấy TP HCM hiện có trên 50.000 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành chế biến chế tạo, chiếm khoảng 13% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, hóa dược - cao su - nhựa, chế biến tinh thực phẩm và điện tử có hơn 21.800 cơ sở sản xuất (trong đó có hơn 9.800 DN), đóng góp 9,86% GRDP của TP.

Công nghiệp TP HCM trước áp lực cạnh tranh - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP HCM và Bộ Công Thương tham quan các gian hàng tại hội thảo

Đến thời điểm hiện tại, phát triển công nghiệp vẫn được xem là xương sống của kinh tế TP nhưng theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, còn gặp nhiều bất cập, chưa tương xứng tiềm năng. Nguyên nhân do phần lớn DN sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành; sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa còn chưa cao. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất trên địa bàn ngày càng tăng dẫn đến xu hướng DN chuyển dịch đầu tư ra các tỉnh lân cận ngày càng nhiều. Một vấn đề rất khó giải quyết hiện nay là quỹ đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của DN với đa phần là DN nhỏ và vừa về diện tích, giá thuê. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa DN sản xuất công nghiệp các ngành, DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, cho rằng ngành công nghiệp TP còn nhiều thách thức để phát triển. Giai đoạn 2011-2015, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có giá trị đầu tư ra các tỉnh cao nhất. Những năm gần đây, tỉ lệ DN TP dịch chuyển ra các tỉnh tiếp tục tăng và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ trọng khu vực công nghiệp TP năm 2018 giảm 1,12% so với 2016. Một nguyên nhân nữa là do việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm và kinh tế số đã từng bước định hình xu hướng phát triển công nghiệp TP trong tương lai.

"Trong một thời gian dài TP chủ trương phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương khác trong mối liên kết vùng, việc xác định 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu để tập trung phát triển không còn phù hợp, các nguồn lực khó có thể đáp ứng được" - PGS-TS Trần Hoàng Ngân chỉ rõ. Ông đề xuất định hướng phát triển công nghiệp TP trong thời gian tới không tiếp tục lựa chọn 4 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như trước mà dựa trên 4 trụ cột chính gồm công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển và liên kết vùng.

GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, đề nghị TP cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu theo chiều sâu, tức cần xác định lại các sản phẩm trọng yếu thay vì nhóm ngành như 4 ngành công nghiệp trọng yếu hiện nay. Khi đã xác định được các sản phẩm trọng yếu cần có chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư công nghệ cao vào các ngành sản phẩm này, như huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, cải tiến môi trường đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nói riêng và các sản phẩm chủ lực của các ngành trọng yếu nói chung.

Sở Công Thương TP cũng nhất trí ưu tiên giữ lại và phát triển ngành cơ khí, sản xuất thiết bị điện, chế biến lương thực thực phẩm. Riêng ngành hóa chất phải giảm thiểu vì không phù hợp với quy mô, tính chất phát triển của TP. Thay vào đó, tập trung phát triển ngành điện tử - công nghệ thông tin, tập trung hỗ trợ phát triển mạnh một số sản phẩm tiêu biểu của ngành như phần cứng, phần mềm, nội dung số.

Tăng giải pháp đột phá

Từ thực tế tăng trưởng các ngành công nghiệp trọng yếu ở mức thấp trong 10 tháng đầu năm 2019, PGS-TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP, dẫn lời một số chuyên gia cho rằng cần được đánh giá lại động lực tăng trưởng từ những ngành công nghiệp này, đặc biệt là ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, hóa dược, đồng thời tăng cường giải pháp mang tính đột phá, tạo điều kiện cho các ngành phát triển.

Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, các xung đột về thương mại gần đây đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó đầu tư sản xuất một số khâu từ Trung Quốc sang Việt Nam. "Chiến lược Trung Quốc + 1" cùng với việc gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế. Cơ hội lớn như vậy nhưng vẫn hiện hữu nhiều thách thức đặt ra đối với công nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, trong khi nhiều nước tham gia gần như toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết đến lắp ráp và phân phối, Việt Nam chỉ dừng ở khâu thấp nhất của chuỗi giá trị, đó là lắp ráp các chi tiết nhập khẩu và phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia mà thiếu vai trò của các DN nội địa. Lợi thế nhân công giá rẻ sẽ không kéo dài lâu cộng với thời hạn ưu đãi đầu tư kết thúc, nếu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước không phát triển để cắt giảm giá thành sản phẩm, các tập đoàn đa quốc gia sẽ di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác hấp dẫn hơn. Khi đó, DN công nghiệp Việt Nam không có đủ khả năng cạnh tranh và phát triển. "Nếu không kịp thời có chính sách khôn ngoan, phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ từ sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam sang hệ thống DN nội địa, sớm hình thành các DN có quy mô khu vực và quốc tế để dẫn dắt nền công nghiệp, Việt Nam sẽ mất cơ hội" - PGS-TS Lê Hoài Quốc nhận định.

Ghi nhận tất cả ý kiến đề xuất, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ nghiên cứu để sắp tới có định hướng nhằm phát huy hết tiềm năng công nghiệp trên địa bàn. "Chúng ta đều biết nguồn lực phát triển công nghiệp có giới hạn (về vốn, quỹ đất và lao động chất lượng cao) nên cần phải xác định những ngành công nghiệp nào là trọng tâm để tập trung đầu tư ưu tiên phát triển cho phù hợp" - ông Nguyễn Thành Phong nói. Theo Chủ tịch UBND TP, sắp tới TP sẽ xác định lại các tiêu chí một cách chặt chẽ, khoa học, chú ý đến các vấn đề lớn như lợi thế của DN trên địa bàn, những ngành có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa rộng đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu. "Ưu tiên tới đây của TP là sẽ xây dựng chính sách mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo. TP cần lập hội đồng phát triển DN ở từng lĩnh vực để đến năm 2025 TP có được tập đoàn kinh tế mạnh" - người đứng đầu chính quyền TP nói.

Riêng về quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong cho hay Chính phủ đã đồng ý cho TP chuyển hơn 30.000 ha đất nông nghiệp sang đất khác, theo lộ trình từ đây đến năm 2021, TP sẽ dành 1.999 ha cho phát triển công nghiệp. 

Cơ cấu quản lý công nghiệp chưa tối ưu

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh phát triển công nghiệp TP là mối quan tâm chung của Đảng bộ, chính quyền và DN TP HCM. "Những hạn chế hiện nay là do cơ cấu quản lý công nghiệp chưa tối ưu. Cụ thể, về mặt quản lý nhà nước, tại TP HCM chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm về phát triển công nghiệp. Sở Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước mảng công nghiệp nhưng không có thẩm quyền quản lý các KCN, khu công nghệ cao. "Vì vậy, sắp tới sự liên kết giữa Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư với KCN, khu công nghệ cao phải làm tốt hơn; tăng cường đối thoại với DN nhiều hơn và tiến tới hình thành chương trình phát triển công nghiệp TP" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo