xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ai mới làm cho mình hạnh phúc?

Theo Gia Đình/PNO

Năm 2007, bà Nguyễn Thị Diệu nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Ba lần hòa giải của tòa, tưởng có lúc đã thành công, nhưng rồi suy đi nghĩ lại, bà vẫn cương quyết chia tay. Đứa con mới lên hai cũng không giữ được tình cảm vợ chồng.

Năm 1995, Robert Lucas nhận được giải Nobel kinh tế với một lý thuyết mang tên Dự báo hợp lý. Những ý tưởng, kết luận, đậm chất kinh tế của ông không ngờ lại tạo cảm hứng cho cả ngành khoa học xã hội và giới tâm lý kết nối vào các nghiên cứu chuyên môn.
Các nhà xã hội học đã tâm đắc nhận ra trong cuộc sống, nhất là trong hôn nhân, khi có những dự báo hợp lý, con người sẽ giảm được độ sốc trước những tình huống bất lợi.

Bà là nha sĩ, đang mở phòng răng tại nhà rất đông khách. Chồng bà là bác sĩ, thuộc hàng chức sắc ở một bệnh viện lớn. Hai vợ chồng đều tận tình với nghề, sống có tâm, được mọi người yêu mến. Cả hai từng  yêu và ngưỡng mộ nhau. Cuộc hôn nhân của họ được xem là mọi sự như ý.

Một hôm, có người  khách mới đến phòng răng của bà nhìn tấm hình hai vợ chồng treo trên tường đã cho bà biết một sự thật đau lòng: “Tôi thấy chồng chị cũng có vợ con, ở ngay cạnh nhà tôi”. Bà nghe như sét đánh ngang tai.

Được sự giúp đỡ của người khách này, bà tiếp cận khá dễ dàng với “vợ” của chồng  mình. Nhìn đứa con trai riêng của ông giống hệt bố, bà muốn ngất xỉu. Nó ra đời đúng vào thời điểm vợ chồng bà đang mặn nồng, chuẩn bị chuyến nghỉ mát tại châu Âu kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Bà cay đắng nhận ra mình đang  sống với một kẻ lừa đảo.

Sự việc đổ bể, ông giải thích: cô ấy là y tá, không có chồng, muốn có một đứa con, không đòi hỏi, ràng buộc trách nhiệm. Mối quan hệ  của hai người không có tình yêu. Chỉ có điều, tiếng gọi của con trẻ có sức lôi cuốn kỳ lạ. Ông không cưỡng được niềm vui được bế con, hôn con nên hay đến nhà, tặng quà cho con và dõi theo sự khôn lớn của nó.

Cô y tá đó cũng đã chuyển công tác sang nơi khác, hai người chỉ là bạn. Lời giải thích và thái độ ăn năn của ông chồng không đủ để bà  “ân xá”.  Oái ăm thay, khi đứa con mà cả hai cùng mong ước ra đời, nó lại không có cơ hội lớn lên trong một mái nhà có đủ mẹ cha.

Bà không quy kết ông tội ngoại tình. Bà biết ông không vô trách nhiệm với gia đình, ông vẫn còn tình cảm với vợ nhưng bà không thể mở lòng chấp nhận người chồng như thế.

Bà Trịnh Kim Hiền, giáo viên cấp III, cũng suy sụp hoàn toàn khi biết tin chồng bị cơ quan cho nghỉ việc. Ông đã “lông nhông” cả năm trời qua mà bà cứ tưởng ông vẫn đi làm bình thường. Đến khi không thấy ông mang tiền về nhà, lại “trộm” tiền của vợ, một việc chưa từng xảy ra, bà dò hỏi các đồng nghiệp mới rõ sự thật. Bà không đau vì chuyện ông mất việc mà “choáng” vì lý do ông bị kỷ luật.

Vốn là một người hiền lành, tốt bụng, nhưng không ngờ ông lại “dính” vào một vụ “lừa đảo” ở cơ quan: lấy hết tiền thưởng, tiền làm ngoài giờ của anh em công nhân. Ông là  trưởng văn phòng đại diện, nên chỉ cần nói “tiền chưa có” là mọi người tin. Thật ra, ông và cô kế toán chia chác sạch.

Mọi người còn cung cấp cho ban thanh tra nhiều bằng chứng cho thấy ông và cô kế toán có quan hệ tình cảm với nhau. Bà vợ sốc đến mức phải nhập viện nhưng ông tỉnh bơ, giải thích với vợ: “Tại tôi tài giỏi nên người ta ghen ghét, đặt điều, muốn đẩy khỏi công ty. Từ từ tôi tìm việc làm, có khi còn tốt hơn chỗ cũ”. Ông gạt phăng chuyện quan hệ với cô kế toán, nhưng cũng không giải thích được việc thỉnh thoảng ông đi suốt đêm. Bà vợ gượng dậy sau khi xuất viện, viết đơn ly hôn, coi đó là cách giải quyết duy nhất.

Ly hôn vốn được coi là giải pháp để giải thoát, nhưng khi “còn lại một mình”, bà nha sĩ còn khổ đau hơn. Bà vẫn xin gặp lại vị thẩm phán từng hòa giải cho bà chỉ để được trút bỏ nỗi niềm. Có lúc, bà như người già bị “lẫn”, cứ luôn miệng nói: “Tại sao nghịch cảnh lại rơi vào tôi?”.Đơn viết rồi nhưng bà Kim Hiền vẫn chưa nộp cho tòa vì cứ phân vân. Nghe chuyên viên tư vấn khuyên “ly hôn đi”,  thì bà ngập ngừng nhưng lại phản ứng quyết liệt với những ai đưa ý kiến “xem xét”, cho ông chồng cơ hội  làm lại.

Hai bà vợ, người đã tự do, người đang lựa chọn đều từng nhìn đời  toàn màu hồng. Họ lên xe hoa với dự báo “mọi sự đều sẽ tốt đẹp”. Phẩm chất, đạo đức, tình yêu...  của người đàn ông mà họ chọn làm bạn đời là những điều đã thể hiện rất rõ. Với dự báo tương lai như thế, họ ngã quỵ khi xảy ra sự cố.

img


Hình dung “cuộc hôn nhân sẽ êm đềm” còn vì kinh nghiệm sống quá mỏng của người trong cuộc. Trong chương trình "Người phụ nữ thời đại" của HTV, ba người phụ nữ trẻ đến trường quay, mỗi người một hoàn cảnh nhưng câu chuyện của họ cho thấy: không ai nghĩ hôn nhân là khởi điểm của một hành trình đầy chông gai, mà có lúc đã vắt kiệt sức lực của họ.

Chị Hà Dung lấy chồng khi vẫn chưa sẵn sàng để đảm hết các vai: mẹ, vợ, chị chồng, con dâu... nên vai nào chị cũng không đạt. Mẹ chồng mất sớm. Vất vả làm việc, nuôi con nhỏ... chị không để ý đến ông bố chồng. Mười năm sau khi bố chồng mất, chị vẫn còn ân hận: “Ngày ông mất trong bệnh viện, chẳng có ai bên cạnh. Lẽ ra mình phải dành thời gian cho bố nhiều hơn”.

Chị Thanh Giang thì không lường nổi là những thiếu thốn, khó nghèo lại có thể biến chị thành một người con dâu có thể nặng lời xúc phạm bố chồng, đến nỗi ông phải về quê sống với những người bà con xa. Chị Kiều Lam, lại không ngờ người chồng mà chị yêu quý vì tính thật thà lại có một đứa con riêng. Anh thì thản nhiên cho rằng chuyện đó không liên quan gì đến chị.

Vì sao khi lập gia đình, các chị không lường được trước những khó khăn? Cả ba có cùng ý kiến: “Chúng tôi lấy chồng lúc còn trẻ, chưa hiểu biết, vốn sống không nhiều, lại đang yêu nên cứ nghĩ mọi chuyện chẳng có gì ghê gớm. Chúng tôi cũng biết sẽ có khó khăn nhưng như người dự báo thời tiết, tưởng bão chỉ cấp 1, cấp 2, đến lúc bão tăng lên cấp 7, cấp 8 thì không kịp trở tay”.

Mong muốn cuộc sống vợ chồng không bao giờ xảy ra rắc rối là một dạng mong muốn không hợp lý, thiếu sự dự báo. Khi đó, nếu những chuyện ngoài ý muốn kéo đến, bạn sẽ rơi ngay vào trạng thái thất vọng. Nhưng, cũng không nên bước vào hôn nhân với  dự báo cuộc đời toàn những điều bất hạnh để rồi luôn sống trong sợ hãi, cảnh giác. Không ít bà vợ, ông chồng nghĩ  cuộc sống chung sẽ có nhiều “bi kịch”, nhưng lại tặc lưỡi: “Đến đâu hay đến đó. Hết sức chịu đựng thì chia tay”.

Nhận biết cuộc sống chung vợ chồng sẽ có nhiều thử thách và tự chuẩn bị những giải pháp để vượt qua mới thật sự là một dự báo tích cực mà người lập gia đình cần có.

Trish Summerfield - Giám đốc Trung tâm Inner Space (Làm giàu thế giới nội tâm – TPHCM) chia sẻ: “Bạn thường mong đợi ai đó sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Trong hôn nhân, “ai đó” luôn được gắn với người  phối ngẫu. Đó là điều không tưởng vì không ai có thể làm được điều đó một cách trọn vẹn trừ chính bản thân bạn.  Mỗi khi thất vọng, bạn nên tự hỏi lòng: “Mình thật sự mong đợi điều gì?”. Có thể sự thất vọng của bạn chỉ đơn giản là kết quả của những điều mong đợi và dự báo không hợp lý. Những rủi ro, thất bại, trắc trở... bất ngờ là một phần của cuộc đời. Bạn phải không ngừng vượt qua các khó khăn đó để bước đến hạnh phúc. Nếu có “tư duy” như thế, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn”.

Chúng ta có thể bỏ qua rất nhiều niềm vui, nhiều cơ hội nếu cứ mong chờ những điều không bao giờ xảy ra với sự dự báo không hợp lý. Chúng ta có thể trở thành một người hạnh phúc nếu biết thay đổi những mong muốn không thực tế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo