xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nơi nuôi dưỡng tâm hồn

Nguyễn Quang Thiều

Càng ngày, chúng ta càng sử dụng những cái bếp rất hiện đại trong ngôi nhà của mình.

Và càng ngày, chúng ta càng rời xa những cái bếp rơm rạ, tro trấu thuở trước. Cho dù đó là lẽ tất yếu của sự phát triển, của nhu cầu sống, của những điều kiện văn minh nhưng mỗi khi nhóm lửa trong cái bếp hiện đại ở ngôi nhà mình, lòng tôi lại ngập tràn ký ức về cái bếp xưa.

Hầu hết những người tầm tuổi tôi ai cũng mang trong mình một hình ảnh thanh bình, ấm áp và nhớ thương da diết những ngọn khói bếp trong buổi hoàng hôn. Những ngọn khói ấy lúc nào cũng như một con đường dẫn ta trở về ngôi nhà của mình và được ngồi xuống bên bếp lửa. Hơi lửa nồng ấm và những câu chuyện rì rầm trước ngọn lửa trong những ngày giá lạnh đã dựng lên một thế giới kỳ lạ của tuổi thơ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng những cái bếp thuở trước chính là linh hồn của ngôi nhà. Bà tôi, mẹ tôi giờ đã mất nhưng mỗi khi nhớ về cái bếp, tôi lại nhớ bà và mẹ tôi thổn thức. Những năm tháng ấu thơ của tôi là những năm tháng đói rét. Chỉ có căn bếp mới là nơi che chở và an ủi chúng tôi. Trong căn bếp ấy, bà và mẹ đã dạy chúng tôi mọi điều và dựng lên trong tâm hồn chúng tôi những vẻ đẹp của đời sống.
 
img
Ảnh:  Luy Nguyen

Buổi chiều của những ngày gió lạnh, sau giờ tan học hay đi đâu đó về, anh chị em tôi lại ùa vào bếp. Chúng tôi ngồi quanh bà, xòe những bàn tay bé bỏng lạnh cóng hơ trước lửa, ăn vội những củ khoai hay bắp ngô nướng hoặc hít thở thật sâu như đến tận cùng da thịt mùi cơm chín tới đang vùi trong tro nóng, mùi tép kho tương với lá gừng… Rồi sau bữa tối có khi chỉ là những củ khoai nướng hoặc một nồi cháo su hào. Chúng tôi ngồi sát vào bà, trong sự ấm áp tỏa ra từ bếp lửa và từ bà, chúng tôi nghe bà kể chuyện. Thời đó, chúng tôi không có sách. Chính thế, bà và mẹ là hai pho sách khổng lồ, bất tận về thế gian này.

Những ngày rét đậm, bà tôi thường rải rơm trong nền bếp cho anh chị em tôi ngủ. Chúng tôi nằm ôm nhau trong ổ rơm rực ấm và chìm vào giấc ngủ đầy những giấc mơ trong tiếng kể chuyện rì rầm của bà, của mẹ. Trong căn bếp suốt thuở ấu thơ, chúng tôi đã nghe những câu chuyện cổ tích, câu chuyện về một người chú đã bỏ làng đi biền biệt mấy chục năm, về một con cá thần trong đầm nước ven chân đê, về một cây thị cứ đêm xuống là rực sáng bởi những chùm quả chín và hương thị phủ ngập cả làng, về cụ nội chúng tôi đã dựng đình làng như thế nào, về căn hầm bí mật trong bếp bà tôi đã đào để che giấu Việt Minh suốt thời gian chiếm đóng… Tất cả những câu chuyện được kể đêm đêm trong bếp lửa đã dựng lên trong tâm hồn chúng tôi một thiên sử sống động về làng mình, về những vẻ đẹp và sự bí ẩn của cuộc sống và đưa chúng tôi đến những bến bờ xa ngút của giấc mơ.

Sau này lớn lên đi học xa và cả lúc đã đi làm, mỗi lần về quê, sau bữa tối, hai mẹ con tôi vẫn ngồi nói chuyện với nhau trong bếp cho tới khuya. Những buối tối như thế, mẹ lại kể cho tôi nghe mọi chuyện đã xảy ra ở làng trong những ngày tôi đi vắng. Những câu chuyện được kể bên bếp lửa, nhất là những ngày đông rét buốt, luôn có một sức lan tỏa kỳ lạ và đầy quyến rũ. Tiếng xào xạc của gió lạnh thổi qua vườn, ngọn lửa chập chờn, mùi khói lan tỏa, tiếng kể chuyện rì rầm như vọng từ đâu đó rất mơ hồ đã làm nên đời sống tinh thần kỳ lạ.

Rồi khi tôi yêu một cô gái làng, những buổi tối mùa đông đến thăm người yêu, chúng tôi thường ngồi trong bếp. Cả hai ngồi nhìn ngọn lửa. Không gian ấy làm chúng tôi lãng mạn hơn, gần gũi hơn và yêu nhau hơn. Chúng tôi ngồi sát bên nhau im lặng đến khuya khi ngọn lửa đã tàn, chỉ còn những chấm than hồng lấp lánh trong tro như những ngôi sao xa xôi gợi bao điều đẹp đẽ và ấm áp.

Bây giờ ở làng quê, những cái bếp rơm rạ, tro trấu ngày một ít đi. Thôn quê ngày càng hiện đại hơn. Ðến một ngày rất gần thôi, những cái bếp như vậy sẽ không còn nữa. Không thể giữ mãi những cái bếp rơm rạ, tro trấu trong một ngôi nhà hiện đại nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng những cái bếp xưa thực sự là một nơi chốn đã tạo dựng lên một đời sống tinh thần. Những cái bếp thuở ấy đã trở thành một vùng văn hóa, nơi những đứa trẻ như thế hệ chúng tôi đã được sống trong vùng văn hóa ấy và được nhận hưởng bao điều kỳ diệu từ đó rồi lớn lên. Những cái bếp trong thời hiện đại không thể làm được chức năng đó.

Viết về những cái bếp xưa, không phải là tôi đang hoài cổ, đang tiếc nuối. Tôi chỉ muốn nói một điều vô cùng hệ trọng: Trong ngôi nhà hay trên mảnh đất của mình đang ở, cho dù ở thời đại nào, điều kiện sống nào, chúng ta cũng phải tạo ra một vùng văn hóa cho những con người sống trong ngôi nhà đó hay trên mảnh đất đó và đặc biệt cho những đứa trẻ để hình thành tâm hồn chúng. Có thể đó là một căn bếp như thuở xưa, có thể là một phòng sinh hoạt chung, có thể là một khu vườn, có thể là một cái ao hay hồ nước trước nhà… để những đứa trẻ sống cùng chúng ta trong sự yêu thương, che chở và trong sự khai mở, dẫn dắt và vẫy gọi của chúng ta hướng về bến bờ của những giấc mơ đẹp đẽ, tốt lành.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo