xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Thiệt là tào lao hết sức”

Trà Dư

Mấy cái chuyện đánh đập, chửi mắng, chì chiết… nếu người trong cuộc không khai ra thì ai mà biết đâu để xử phạt? Nhưng nếu đi tố cáo để người thân mình bị phạt thì mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa? Rồi thì lại phát sinh từa lưa vấn đề rắc rối phức tạp…

Chưa bao giờ cái quán nước của cô Tư nhí nhảnh đầu hẻm lại vui như mấy ngày nay. Cứ hết người này ra, lại có người khác tấp vào. Từ bác hưu trí, anh xe ôm, chị bán cháo lòng, cô bán vé số, anh công nhân vệ sinh. Cả mấy anh chị công nhân viên ở cái công ty gần đó giờ giải lao cũng chen lấn góp mặt. Chung quy là cũng bởi “cơn phấn khích quá độ” từ những quy định của Nghị định 167/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong “từa lưa lĩnh vực” (như cách nói của bác Năm hưu trí) chính thức có hiệu lực hôm nay 28-12.

Rất nhiều chuyện hay ho khiến mọi người phải vui mừng vì nhà nước đã có một quy định quản lý xã hội chặt chẽ, văn minh, hiện đại từ nhỏ đến lớn, từ trong nhà ra ngoài phố, từ chuyện riêng đến chuyện chung, từ công khai đến bí mật, từ dưới đất đến trên trời. Nhất là cái nghị định ấy toát lên sự tôn trọng đặc biệt quyền tự do cá nhân khiến mỗi con người đều thấy phẩm chất của mình được nâng lên cao vời vợi.

“Tụi tui khoái nhất mấy cái quy định xử phạt trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình đó nha. Từ nay bà chằn lửa nhà tui hết đường la mắng, chì chiết chồng con mỗi khi có chuyện bực bội trong người. Hễ chửi tui là tui báo công an phạt liền”- anh Tư xem ôm hí hửng.

Trong xóm, ai cũng biết vợ anh nổi tiếng hung dữ, chanh chua, đanh đá, miệng chửi không kéo da non. Đến nỗi, cha con anh phải đi tị nạn liên tục ở nhà hàng xóm hoặc quán xá ngoài đường để tránh bị bạo hành về tinh thần. Nhược điểm của chị vợ anh Tư là rất hà tiện, nếu biết chửi chồng, mắng con bị phạt tiền chắc chắn chị sẽ cân nhắc, bớt bớt cái miệng lại để khỏi tốn tiền.

“Tui cũng khoái cái quy định đó vì từ nay mình được bảo vệ. Nhưng cái tật ông nhà tui là chuyên trị đánh lén, đánh khi không có ai, đánh vào những chỗ không để lại dấu vết… Vậy thì làm sao tôi có cớ bằng mà đi thưa ổng? Không khéo người ta lại nói tôi đặt điều vu khống?”- chị Ba cháo lòng băn khoăn.

 

img
 

 

“Ừ hén, mấy cái chuyện đánh đập, chửi mắng, chì chiết… nếu người trong cuộc không khai ra thì ai mà biết đâu để xử phạt? Nhưng nếu đi tố cáo để người thân mình bị phạt thì mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa? Rồi thì lại phát sinh từa lưa vấn đề rắc rối phức tạp…”- cô Út bán vé số vừa cưới chồng hơn tháng góp chuyện. Cô Bảy cơm tấm ngồi gần bên giờ mới lên tiếng góp chuyện: “Còn khuya mới phạt được. Tố cáo tui hả, tui cấm vận coi ai thiệt thòi? Nếu không chửi mắng, chì chiết, nói nhiều thì không phải là đàn bà. Thiệt là tào lao hết sức”.

Chẳng biết chị Bảy nói cái gì “tào lao” nhưng không khí có vẻ trầm lắng khi vấn đề được đẩy đi vào ngỏ ngách của các mối quan hệ. Mọi người cho rằng, người Việt Nam mình, nhất là một bộ phận người lao động nghèo vẫn còn có thói quen nói tục, chửi thề, sử dụng tay chân để giải quyết bức xúc. Những thứ ấy quen thuộc đến nỗi người ta cho là bình thường, không phải bạo hành nên mặc nhiên chấp nhận. Hơn nữa, cái quan niệm “xấu chàng, hổ thiếp” đã ăn sâu nên chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”.

“Bà xã tui thì lại khác. Mỗi lần giận chồng lại lên phây-bút kể lể, chửi mắng không tiếc lời; có khi lại lôi cả dòng họ tôi ra mà chửi khiến bạn bè, anh em xa gần đều biết; tôi ê cả mặt nhưng không lẽ lại đi tố cáo bả? Mà tố cáo chắc gì có người xử lý?”- Đến lượt anh Tám công nhân viên than phiền. Câu chuyện lại xoay quanh vấn đề “định lượng hành vi” đến mức độ nào, cụ thể như thế nào thì mới bị quy vào vi phạm?

Ý kiến của anh Sáu vệ sinh là “nặng nhẹ do mình nghĩ. Nói nhẹ thì là nhẹ, cho rằng nặng thì là nặng”. Anh Sáu nói vợ anh hay gọi chồng là “thằng móc cống, quét đường, người ngợm hôi như chuột cống”, anh nghe riết thấy bình thường. Thế nhưng má anh ở quê lên chơi, tình cờ nghe vậy thì giận tím mặt, bỏ về luôn vì cho rằng con dâu hỗn hào, mất dạy.

“Nói cho vui vậy thôi chớ mấy chú, mấy bác, mấy dì, mấy anh chị em có dám cá với tui không? Bảo đảm là quy định đưa ra cho vui thôi chớ không ai bị phạt và cũng không có ai phạt đâu. Như chuyện hút thuốc lá nơi công cộng đó. Cả năm trời mới phạt được có 8 vụ trong cả nước, ý là cái chuyện hút thuốc lá nó sờ sờ ra trước mắt mọi người. Còn cái chuyện bạo lực gia đình á hả? Nói cho vui thôi”- cô Tư nhí nhảnh giờ mới lên tiếng.

Mọi người lại trầm ngâm, lại suy tư về cái sự “bất cập”, về những kẻ hở của quy định. Tâm lý chung của mọi người là “e rằng luật có như không”. Đang rôm rả, bỗng bác Năm hưu trí xem đồng hồ rồi vội vàng kêu cô Tư tính tiền: “Tới giờ tui phải đi tập dưỡng sinh với bả rồi, về trễ một cái là bả chửi tắt bếp”.

Câu chuyện của mọi người tạm dừng vì ai cũng có công, có chuyện phải về. Họ hẹn nhau ngày hôm sau. Trước khi ra về, anh Tám công nhân viên chốt lại: Chỉ mong nhà nước mình nói được thì làm được chớ đừng ban hành rồi bỏ đó; lâu lâu lại… sửa đổi, bổ sung, thay thế thì tốn tiền của dân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo