xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi tôi bằng tuổi dì

(KTNN)

Tôi nhấp nhổm không yên giữa đám đông người đón đợi ở sân bay. Mẹ tôi cũng hồi hộp không kém nhưng vẫn cố lấy một vẻ mặt nghiêm trọng mắng tôi:

- Cái con bé này! Mày rối lên như thế thì dì mày ra nhanh hơn đấy chắc?

Tôi nhìn mẹ cười trừ như mọi khi. Thật ra thì mẹ tôi nói cũng có lý. Nhưng bà mắng thì mắng thế thôi chứ bà thừa biết con bà, tức tôi đây, vốn là đứa thiếu kiên nhẫn trầm trọng. Tôi định chống chế:

- Vâng, con...

- Hoa! Hoa!

Tôi chưa kịp nói hết câu đã thấy mẹ tôi vừa gọi tên dì vừa bước nhanh ra phía trước. Theo phản xạ, tôi quay lại nhìn. Dì tôi đã ra kia rồi. Trông dì vẫn thế, chỉ có điều là đẹp hơn xưa, hay đúng hơn là đẹp theo một kiểu khác ngày xưa. Nếu tôi không lầm thì cái khác đó chính là nét già dặn và từng trải trên khuôn mặt người phụ nữ hai mươi bảy tuổi này. Tôi làm một phép so sánh giữa người phụ nữ trước mặt tôi và dì Hoa tôi trong trí nhớ chín năm về trước. Vẫn là vầng trán cao ấy, cặp mắt sáng ấy, cái mũi thanh tú và nụ cười rạng rỡ ấy nhưng tất cả đều toát lên vẻ sang trọng.

Tôi cứ đứng ngắm dì tôi như thế cho đến khi dì tôi quay lại cười với tôi theo hướng tay mẹ tôi chỉ. Tôi bước nhanh lại phía dì, chào hỏi mấy câu cho phải phép mà mẹ đã dặn đi dặn lại từ mấy hôm trước. Tôi đứng bên dì, ước chừng mình cũng đã cao bằng dì rồi.

Dì tôi là con út trong gia đình có đến sáu người con mà mẹ tôi là đầu. Khi mẹ tôi sinh tôi, dì mới lên chín. Đến khi tôi bằng tuổi dì lúc ấy thì hai dì cháu đã thân thiết như hình với bóng đến nỗi người lạ đến đều tưởng chúng tôi là hai chị em.

Dì tôi rất đẹp. Tôi biết điều đó không phải vì một con nhóc chín tuổi như tôi đủ trí khôn để có thể biết được thế nào là một thiếu nữ đẹp mà là do tôi vô tình nghe lỏm được câu chuyện phiếm của mấy bà hàng xóm. Dì tôi có nước da bánh mật nâu giòn của con gái miền biển. Và như tôi đã kể ở trên, vầng trán dì cao, đôi mắt sáng và sống mũi thanh tú. Nụ cười của dì không kiểu cách hay thẹn thùng, e lệ như những cô tiểu thư đài các trong những quyển tiểu thuyết kiếm hiệp thời đó mà rạng rỡ và tươi sáng. Ở làng chài này và cả những làng kế cận, không thiếu những chàng trai ngày đêm mơ tưởng đến nụ cười ấy. Nhờ vậy mà túi tôi lúc nào cũng căng phồng những kẹo bánh mà các chàng "hối lộ" để tôi chuyển giúp thư đến dì. Những bức thư ấy dì tôi xếp cẩn thận trong một cái hộp gỗ nhỏ xinh xắn. Nhưng tôi biết chẳng có ai trong số họ được dì tôi chịu để mắt đến bởi không bao giờ tôi thấy dì kể về ai. Tôi cũng không có cơ hội chuyển cho ai trong số các chàng trai tội nghiệp ấy thư hồi âm của dì. Tôi thắc mắc sao chú Lĩnh đẹp trai là thế (điều này tôi cũng chỉ nghe mấy bà hàng xóm nói với nhau) hay chú Hậu nhà giàu như vậy mà dì không ưng. Dì chỉ trả lời gọn lỏn: "Dì còn phải học. Bây giờ cháu không hiểu nhưng mai mốt bằng dì cháu sẽ hiểu". Quả thật lúc ấy tôi không thể hiểu tại sao dì lại từ chối ngay cả những chàng trai mà các cô bạn của dì mơ ước. Nhưng cũng chẳng cần phải đợi đến khi tôi bằng tuổi dì tôi lúc ấy để tôi hiểu được dì.

Dì tôi chẳng những đẹp người mà còn học rất giỏi. Trong khi hầu hết bạn cùng trang lứa với dì bỏ dở việc học để theo nghề chài lưới hay kiếm lấy một nghề khác nuôi thân và lập gia đình thì dì tôi lại quyết tâm học lên cao. Ngoài giờ lên lớp ở trường học cách xa đến hơn năm cây số, dì phải phụ giúp công việc nhà với bà và mẹ tôi trong khi ông và các cậu tôi lênh đênh ngoài biển. Dì còn kèm tôi học và không ngừng động viên tôi phải học thật giỏi để sau này tiến thân. Bao đám ngấp nghé xin hỏi dì tôi nhưng đều phải thất vọng ra về trước sự cương quyết của dì. Ông bà tôi lúc ấy cũng không có lý do gì để ép buộc dì tôi. Hơn nữa, dì vốn được lòng hết mọi người trong nhà và là niềm tự hào của ông bà. Ông bà cũng muốn dì vào đại học, trở thành người có học thức cao nhất ở cái làng chài vốn ít học và nghèo khó này.

Thế nhưng sự đời không ai tính trước được hết. Trong một cơn bão thình lình ập đến, ông tôi và các cậu vĩnh viễn nằm lại ngoài biển khơi. Bà tôi đau buồn ngã bệnh liệt giường. Mẹ tôi tưởng không vượt qua nổi nếu cha tôi không từ bỏ công việc ở xa để về nhà đỡ đần. Duy chỉ có dì tôi vẫn cứng cỏi chống chọi lại số phận khắc nghiệt. Năm ấy dì tôi mười tám. Hôm bác đưa thư chuyển cho dì tôi giấy báo trúng tuyển vào trường đại học mà dì hằng mơ ước cũng là ngày bệnh của bà tôi trở nên nguy kịch. Mẹ tôi và dì ôm lấy nhau khóc suốt đêm. Tôi lúc ấy chưa đủ lớn để hiểu tường tận vấn đề cũng rúc vào lòng mẹ khóc nức nở.

Qua câu chuyện giữa cha mẹ tôi và dì, tôi phần nào hiểu ra khó khăn của chúng tôi. Riêng chi phí cho việc học của dì đã là một vấn đề nan giải, nay lại thêm bà tôi trở bệnh nặng. Thu nhập từ xưởng mộc của cha và sạp hàng nhỏ của mẹ không đủ trang trải cho nhu cầu thiết yếu nhất của cả năm người chứ nói chi đến tiền thuốc thang cho bà và tiền học cho dì tôi. Dì đành xếp lại ước mơ đặt chân đến giảng đường đại học, chấp nhận lấy chú Huân ở xóm trên.

Chú Huân vốn là bạn thủa nhỏ với cậu tôi và cũng có ý với dì tôi lâu nay. Cách đây vài năm, chú sang Mỹ định cư với gia đình, nay về thăm quê hương, họ hàng. Biết dì tôi lâm cảnh khốn khó, chú xin được hỏi cưới và đưa dì tôi sang bên ấy, đồng thời giúp đỡ gia đình tôi thuốc thang cho bà. Cha mẹ tôi để tự dì quyết định, không có ý khuyên bảo hay ép buộc gì. Dì tôi suy nghĩ ba ngày liền rồi gật đầu đồng ý. Cả làng trên xóm dưới khen dì có phước và mừng cho gia đình tôi. Cha mẹ tôi cũng tươi tỉnh phần nào sau bao lo toan, gánh vác vất vả. Tôi vô tư với quần áo mới chuẩn bị cho đám cưới của dì, lòng cũng chút gợn buồn vì biết dì tôi sắp đi xa. Riêng dì, tôi không thấy nụ cười rạng rỡ của dì quay trở lại từ sau trận bão hôm đó.

Được bồi bổ, thuốc thang, bà tôi dần hồi phục tuy vẫn còn nằm một chỗ trên giường. Thấy vậy dì tôi cũng tạm yên lòng ra đi. Nào ngờ sau khi dì đi được hơn tháng thì một cơn bão còn ghê gớm hơn cơn bão vừa đi qua ập đến và mang bà tôi đi mãi mãi. Mẹ tôi khóc ngất nhưng cũng không dám báo tin ngay cho dì mà chờ mãi đến một năm sau. Mẹ tôi sợ dì sẽ suy sụp khi mới chân ướt chân ráo đến xứ người.

Chín năm nữa trôi qua. Tôi bây giờ bằng tuổi dì tôi hồi ấy, được học hành đầy đủ, ăn ngon mặc đẹp cũng nhờ nhiều nơi sự giúp đỡ của dì. Dì nay là chủ một nhà hàng Việt Nam khá lớn bên Mỹ. Tôi không mấy bất ngờ trước thành công của dì bởi tôi biết dì tôi vốn tháo vát và nhanh nhạy. Tôi chỉ tiếc cho cuộc hôn nhân của dì. Dì tôi vừa ly hôn cách đây vài tháng. Hai em họ tôi đều ở với dì. Khi cha mẹ tôi hỏi lý do, dì chỉ nói ngắn gọn: không hợp nhau. Vẫn là cái lý do muôn thủa của những cuộc chia tay trong hôn nhân cũng như trong tình yêu. Đó chỉ là kết quả cuối cùng của một chuỗi những bất đồng để rồi người ta đi đến một điểm chung là muốn chia tay.

Nghe tin tôi vừa đậu đại học, dì sắp xếp công việc bên ấy để về nước. Tôi đoán dì muốn về thăm quê sau bao năm xa xứ và cũng để cho khuây khỏa sau chuyện ly hôn. Tối hôm đó, tôi rúc vào căn phòng mà cha mẹ tôi đã gấp rút sửa sang lại để đón dì về. Hai dì cháu lại xầm xì đủ thứ chuyện như hồi dì còn bằng tuổi tôi bây giờ. Nghe tôi kể về cậu bạn đang theo đuổi tôi, dì sực nhớ ra điều gì, nhổm dậy bật đèn.

- Vân, mang cho dì cái hộp gỗ ra đây! - Giọng dì khẽ khàng.

Cái hộp gỗ đựng đầy những lá thư tỏ tình gởi cho dì từ thời con gái. Trước khi đi xa dì nhờ tôi giữ. Tôi ngoan ngoãn vâng lời cất kỹ nó và không hề dám mở ra một lần nào theo lời dặn của dì. Nếu dì không nói trước đó là cái hộp đựng thư thì tôi cũng không biết được bên trong đó là gì.

Dì lấy khăn lau nhẹ lớp bụi mỏng phủ trên nắp hộp rồi mới nhẹ nhàng mở ra. Những phong bì đã ngả màu theo thời gian. Một vài cái ghi tên dì phía ngoài với nét chữ nguệch ngoạc, những cái còn lại không ghi gì cả.

- Muốn xem không? - Dì nháy mắt hỏi tôi ra chiều biết ý.

- Dạ, muốn - Tôi gật đầu.

Dù hơi ngại nhưng cái tính tò mò đã rõ mồn một trên mặt tôi không giấu đi đâu được. Dì bốc hú họa một vài lá. Tôi ngạc nhiên, những phong thư còn nguyên chưa từng được bóc. Hóa ra dì tôi chưa bao giờ đọc những lá thư này. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao tác giả của những bức thư kia không bao giờ nhận được thư hồi âm của dì. Dì tôi bóc từng lá thư một. Hai dì cháu chụm đầu vào đọc những dòng chữ đã có phần mờ nhạt sau bao nhiêu năm cất giữ. Có những chàng không hiểu vì quá si tình hay còn vì điều gì đó mà lúc thì viết sai chính tả, lúc lại viết câu nọ xọ câu kia. Hai dì cháu tôi lại nhìn nhau cười khúc khích mỗi lần đọc đến những đoạn như thế. Có những lá thư dì cũng không nhớ nổi người viết là ai. Có những người dì lại nhớ rất rõ và còn kể cho tôi nghe về kỷ niệm thời xa xưa ấy. Qua câu chuyện của dì, tôi biết dì cũng từng có cảm tình với một trong số các chàng trai theo đuổi ngày xưa. Không nén nổi, tôi hỏi: "Sao ngày trước dì không đọc những lá thư này?". Dì nhìn tôi một thoáng rồi nhìn xa xăm ra phía biển. "Ngày ấy...”.

Thì ra ngày ấy dì tôi vì muốn toàn tâm toàn ý lo việc học nên không thèm để ý đến những tình cảm "vụn vặt" tuổi mới lớn. Dù rất trân trọng tình cảm của người khác và có khi cũng thấy rung động nhưng dì tôi vốn là người sống bằng lý trí. Dì đã cất giấu những lá thư cùng với tình cảm của mình vào trong chiếc hộp nhỏ này. Dì từng mong lấy được một người chồng trí thức, học cao hiểu rộng và giàu có. Thế mà bây giờ, khi đã đầy đủ, thậm chí dư thừa về mặt vật chất thì dì chỉ mong có được một gia đình hòa thuận và êm ấm, một người chồng yêu thương vợ và những đứa con ngoan. Đến lúc này tôi không biết phải nhìn dì như một con người thành công hay thất bại. Ai cũng bảo tôi giống dì nhưng giá như dì ở bên tôi suốt thời gian tôi lớn lên thì có lẽ tôi còn giống dì hơn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình có được trí thông minh và sự tháo vát, giỏi giang của dì tôi ngày đó. Từ ngày tôi có trí khôn đến tận bây giờ thì dì vẫn là thần tượng của tôi. Vậy mà kết thúc câu chuyện cuộc đời của mình, dì nói:

- Dì mong Vân sau này sẽ không giống dì.

Tôi hỏi một câu chẳng ăn nhập gì với câu chuyện:

- Sao dì không tiếp tục sống với dượng?

- Dì biết ơn dượng vì đã giúp dì và gia đình mình trong thời điểm khốn khó nhất. Nhưng lòng biết ơn không đủ để duy trì hạnh phúc gia đình.

Tôi hỏi:

- Không lẽ dì không có tình cảm gì với dượng Huân sao?

Mắt dì nhìn xa xăm:

- Dì đã đi qua tuổi trẻ mà chưa kịp biết yêu là gì, hay đúng hơn là chưa nếm được trọn vẹn vị ngọt và cả vị đắng của tình yêu.

Dì quay lại hỏi tôi:

- Vân biết vì sao dì về nước vào đúng dịp này không?

Rồi không kịp để tôi trả lời, dì tiếp:

- Ngay cả ước mơ lớn nhất là học đại học dì cũng không thực hiện được.

- Nhưng đó là vì hoàn cảnh nên dì mới... - tôi chống chế thay cho dì.

- Dì không muốn đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chuyện quá khứ cũng không thể thay đổi được điều gì cả. Dì chỉ mong cháu thực hiện ước mơ dì đã bỏ dở dang. Cháu hãy biết trân trọng tuổi trẻ và tình cảm của mình...

Ánh trăng hắt bóng qua khung cửa sổ rọi vào phòng. Đêm nay biển êm lạ. Gió thoảng nhẹ như là hơi thở đều đều của biển. Tiếng sóng nhịp nhàng xô bờ ru tôi vào giấc ngủ. Tôi mơ thấy khi tôi bằng tuổi dì tôi bây giờ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo