xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạm biệt sếp!

Truyện ngắn của Lê Minh Nhựt

Theo bảng lương thì tôi được xếp loại B với mức thu nhập vào loại thấp cổ bé họng so với những người khác cùng cơ quan. Tuy nhiên, với một anh chàng độc thân như tôi thì đấy cũng đáng hãnh diện lắm lắm. “Tài khoản” được thoải mái chi tiêu, cuối tháng lĩnh lương không cần phải công khai kiểm quỹ đối chiếu với bất cứ một chủ tài khoản nào, không cần phải lén lút lập quỹ đen quỹ đỏ nuôi em út. Giàu út ăn, nghèo út chịu.

Sướng nhất là cái lúc lĩnh lương, nhìn bộ mặt ngơ ngẩn của tay trưởng phòng. Tay này một vợ ba con. Đấy là “chính cung” chưa nói đến “đông cung, tây cung”... lung tung “cung” khác. Tôi để ý: Mỗi lần lĩnh lương xong, lão ta bèn vào phòng chia khoản lương ấy ra làm ba phần. Phần “nặng ký” nhất nhét ngay vào bóp nơi mà vợ thường hay thăm hỏi; phần thứ hai ít hơn nhét vào cổ tay áo xăn lên đương nhiên là bất hợp pháp và mục đích để làm gì thì chỉ có mình lão ta biết. Phần thứ ba mỏng nhất bỏ ngay túi áo trên, để làm gì nhỉ? À để tôi đoán xem: Về đến nhà mụ vợ chằn ăn trăn quấn (theo lời của lão) việc đầu tiên sẽ sờ vào túi quần của chồng móc bóp ra bắt đầu đếm coi số thu của tháng này là bao nhiêu, chênh lệch so với tháng trước là bao nhiêu; tăng thì đương nhiên là toe toét miệng, còn giảm thì lão hãy coi chừng. Việc kế tiếp là mụ sẽ nhìn vào túi áo trên của chồng, mụ sẽ hỏi: Tiền gì đây? Dĩ nhiên là lão sẽ ưỡn ngực lên và nói láo không một chút chớp mắt rằng: Tiền bồi dưỡng của cơ quan cho cán bộ làm thêm giờ, mình cứ lấy đi chợ! Nói câu này thì bà vợ nào lại đành lòng tịch thu sung công quỹ cho được. Công của chồng cả tháng trời thức đêm, thức hôm thâm quầng cả mắt nên để cho đức lang quân bỏ túi đãi anh em chầu cà phê sáng. Chàng được tiếng thì thiếp cũng thơm lây. Còn số tiền lão nhét trong tay áo thì trời không biết đất không hay chẳng cần phải hổ thẹn với lương tâm và cả với các bạn đồng nghiệp vì lão chu toàn hơn họ (?).

Ngày thứ bảy, chủ nhật tôi ở nhà không có việc gì làm, đúng hơn là còn một lô lốc công việc tồn đọng ở cơ quan nhưng tiêu chí của tụi tôi (chỉ hội những chàng trai độc thân của tôi) là chỉ làm việc giờ hành chính. Còn lão trưởng phòng vào làm đêm hả? Kệ lão! Ai biểu lão làm sếp, đứng mũi thì phải chịu sào là lẽ đương nhiên. Chẳng lẽ nằm khoèo gác tay nghe nhịp thời gian trôi trên gác vắng, thế là tôi bèn tập quan tâm đến xung quanh. Đấy là cách minh chứng cho cái luận điệu sai lầm của sếp về việc “các cậu trẻ” bây giờ chỉ biết chăm chăm lo cho bản thân mà không biết quan tâm đến những người xung quanh. Lão còn thẳng thừng phê phán cấp dưới có lối sống vị kỷ, thế mới tức. Tôi sẽ chứng minh cho lão thấy cần phải thay đổi quan điểm của mình.

Nhưng mà làm quen bằng cách nào đây, từ khi tôi mướn nhà ở khu phố này đến nay là hơn một năm tôi vẫn chưa biết hết mặt mũi những người láng giềng của mình.

Khó thì khó vậy nhưng tôi cũng có cách riêng của tôi, bạn bè từ lâu đã phong cho tôi là vua sáng kiến mà (nhưng có mấy sáng kiến của tôi được họ đem áp dụng vì phi thực tế). Ngôi nhà của gia đình này ngăn cách với bên ngoài chỉ bằng cái hàng rào sắt với mấy song sắt lưa thưa trông không lấy gì làm kín đáo lắm. Cũng phải thôi, gia đình họ đều là công chức nhà nước lấy đâu dư dả tiền của như cái biệt thự kia có ông chủ là giám đốc công ty kinh doanh tư nhân. Hoặc là họ thích gu cổng bằng song sắt để tiện cho các em nó gửi phong bì cho dễ (?). Tôi bèn lấy phong thái đĩnh đạc của một anh chàng độc thân đến trước cổng gõ vào tấm cửa và lên tiếng gọi:

- Chú Tư ơi, có ở nhà không? (Tôi không chắc ông chủ nhà này có phải thứ Tư hay không, mặc kệ Tư hay Năm có ăn nhằm gì. Tôi thấy có nơi người ta chỉ cần kêu chú là đủ; và: Con có cái này gởi cho chú, trăm sự nhờ chú... sẽ là câu tiếp theo.

Cửa trong nhà mở toang, “cô con gái rượu” của ông giám đốc bước ra. Ôi trời, hôm nay sao tôi may mắn đến thế. Trời quả không phụ lòng người đã dày công suy mưu tính kế. Một giọng oanh thỏ thẻ cất lên:

- Xin lỗi anh cần gì?

Ôi cô em, tôi là người hàng xóm của cô đây, chưa bao giờ cô nhìn thấy tôi ư? Không sao, đây là lần đầu tiên chúng ta gặp gỡ rồi sẽ còn nhiều lần như thế nữa. Thật tuyệt vời phải không? Anh cần gì ư? Nhiều lắm! Nhưng quan trọng nhất là anh cần được một chỗ trong trái tim của em...

Hàng loạt câu trả lời thuộc dạng “ứng khẩu có cánh” chen chúc trong đầu tôi chờ cơ hội tuôn tràng giang đại hải ra khi vừa gặp mặt cô gái nhưng chẳng biết lý do gì mà tôi chỉ lắp bắp:

- Em... em cho anh hỏi: Nãy giờ có nhìn thấy con Ki Ki của anh chạy qua đây không?

Cô gái tròn mắt:

- Con Ki Ki của anh? Không, chẳng có con Ki Ki nào của anh ở trong nhà cả mà chỉ có con Béc của em. Nó ghét mấy con chó hàng xóm khác lắm! Nói xong, cô ngoay ngoáy cặp mông tròn lẳn của mình đi vào nhà; không thèm hỏi con chó của tôi là con đực hay con cái hoặc ít ra cũng hỏi vài câu xã giao với tôi, tỉ như: Anh nhà ở gần đây à, số nhà mấy hoặc đại loại: Anh cũng có sở thích nuôi chó giống em ư, anh có thường dắt chó đi dạo vào mỗi sáng thứ bảy chủ nhật hay không? vân vân và vân vân...

Cô ta đi vào nhà, còn tôi đứng ngẩn tò te bên ngoài với giấc mộng tan thành mây khói của mình.

Một ngày đầu tiên của một tuần mới nữa lại bắt đầu.

Cứ gì ta phải quan tâm đến mọi người xung quanh nhỉ? Ăn thua là cái túi của mình có trọng lượng trong mắt thiên hạ hay không, có tiếng rồi lo gì không có miếng. Tới chừng đó không chừng người ta sẽ xếp hàng để cầu xin được mình để mắt tới (?). Chẳng phải tôi hô hào lối sống vị kỷ nhưng các bạn thử nhìn xung quanh mình mà xem: Bắt đầu từ khu phố mình đang sống, nhà láng giềng tối lửa tắt đèn với mình; ví dụ một buổi sáng nhà ấy quẳng một bọc rác to đùng ra ngoài lộ. Bạn là người biết quan tâm ắt hẳn bạn sẽ bảo: Ai đời lại thải rác mất vệ sinh như thế, chịu khó xách lại thùng rác công cộng đằng kia có phải văn minh hơn không? Tôi đoan chắc rằng nếu bạn không phải được đáp lại bằng một cái hừ giọng mũi đầy bực bội thì cũng một câu chửi bâng quơ: Đồ ở không xía miệng vào chuyện người khác!

Thế đấy! Suốt ngày đó bạn sẽ cảm thấy ray rứt, vô cùng ấm ức và bực bội vì lòng tốt của mình đã không được đáp lại một cách xứng đáng. Và biết đâu chừng sáng hôm sau bọc rác sẽ không nằm ngoài đường nữa mà nó sẽ chễm chệ an vị ngay trước cổng nhà bạn.

Sáng nay lão trưởng phòng vừa gặp tôi đã vồn vã khoác vai bảo cùng đi ăn sáng. Tôi nhìn lão đầy ngờ vực:

- Nhưng em còn bài báo cáo chưa đánh vi tính xong!

- Ăn nhằm gì, tuần sau xong nộp cũng được! Lo cho cái bao tử trước đã - lão phẩy tay dễ dãi.

Quái lạ thật! Cũng chính lão cách đây mấy ngày một hai lệnh cho tôi thứ ba phải hoàn tất không thể chậm trễ. Lão còn chêm thêm một câu “Quân lệnh như sơn!” nghe y như trong các phim cổ trang của Trung Quốc. Bây giờ lại bảo để tuần sau, trái đất xoay ngược rồi chăng?

Gì thì gì, tôi cũng gượng ra bộ vui vẻ để đi. Lúc ăn cứ thắc tha thắc thỏm trên ghế vì mình đang bị bệnh viêm màng túi trầm trọng. Tôi cứ như thằng ăn trộm rình nhà người khác lại đi ngồi nhằm tổ kiến lửa mà chẳng dám la làng, vì thế tô phở ngon lành tôi chỉ chấm mút chiếu lệ. Lão trưởng phòng sau khi húp đến muỗng nước cuối cùng, ngẩng đầu lên hít hà mãn nguyện và nhìn sang tôi:

- Chú không ăn được phở à? Phí thật!

- Dạ thưa anh, bỗng dưng em bị đau bụng kinh khủng... Tôi chống chế và lầm bầm trong họng: Hừm, đừng nói chi tô phở này mà một chục tô nữa ta đây cũng nuốt gọn!

Tính tiền! Tôi đứng lên cho tay vào túi mà mắt cứ dán chặt vào tô phở còn y nguyên trên bàn và lòng thì đau như cắt. Thì ra tiếc đứt ruột là cảm giác này đây. Nhưng không, lão trưởng phòng đã chặn lại và lên tiếng, câu mà có nằm mơ tôi cũng chẳng thấy nổi:

- Không để cho tôi đãi cậu một lần!

Ôi trời! Phải nói là trong lòng tôi dường như đã trút được tảng đá nặng hàng trăm kilôgam. Tuy nhiên cũng phải khách sáo một chút giả vờ móc bóp ra đếm đếm lựa lựa thật lâu tựa như đang kiếm bạc lẻ để chủ quán khỏi phải thối lại. Và cuối cùng là trưởng phòng của tôi do nhanh tay (?) hoặc tiền của lão để ngay túi trên dễ lấy đã trả trước. Cũng từ lần này tôi bắt đầu xem xét lại đánh giá của mình về sếp bắt đầu từ một tô phở. Xấu hổ thật!

Còn riêng về lão trưởng phòng-sếp tôi thì hết năm nay nữa là lão về quê hưởng cái thú điền viên. Lão còn dạy đời tôi rằng: Cậu còn trẻ cần phải phấn đấu học hỏi thêm nhiều mới mong trụ lại trong cơn bão khoa học kỹ thuật. Lớp trẻ kế thừa như các cậu có cái diễm phúc là lớn lên trong thời bình, được tiếp cận với những kiến thức ưu việt của nhân loại, sau này sẽ vượt xa bọn tôi. Có điều các cậu “lạnh” quá!

Tôi hiểu từ lạnh của lão muốn ám chỉ điều gì. Lão chửi khéo tôi thực dụng đấy các bạn ạ! Vâng thưa sếp, “cái thời đại” bây giờ thực dụng đang là mốt mà.

Sau khi trưởng phòng tôi về vườn, cấp trên bổ nhiệm một tay ở bộ phận khác về. Tôi vẫn tiếp tục làm cu li sai vặt cho kẻ khác. Tay này có hơn gì tôi (?). Xét về năng lực chúng tôi kẻ tám lạng người nửa cân; xét về tuổi tác kinh nghiệm mài đít ở bàn giấy tôi ăn đứt hắn; xét về... mà thôi, các bạn ạ! Dầu gì thì quyết định bổ nhiệm cũng đã có hiệu lực rồi và cũng đâu phải bất cứ ai sống lâu là đều được phong lão làng cả hết đâu.

Chiều nay, sau khi liên hoan đón tiếp tân sếp mới, trở về nhà tôi nhận được lá thư của lão. Vị cựu trưởng phòng khả kính của tôi gởi lời hỏi thăm sức khỏe lính cũ và không quên an ủi tôi rằng: Đừng buồn vì kết quả hiện tại mà hãy tin vào tương lai và cũng không quên lên lớp theo thói quen cố hữu: Có ba thứ rất cần cho những người trẻ như tôi, đó là trái tim - bộ óc - cái túi. Đấy là trật tự không thể đảo lộn, đừng bao giờ để cái túi lên đằng trước. Tuy nhiên, cũng không nên xem nhẹ nó, nếu có thể nên chia cái túi ấy làm ba phần. Một phần dành cho các khoản chi tiêu cần thiết của gia đình, quan trọng lắm! Cuối tháng vợ lục bóp chồng đó cũng là một thói quen hạnh phúc chứ không nên lấy làm khó chịu. Phần thứ hai để ở nơi có thể lấy ra nhanh chóng để khi mời anh em ăn uống, mình luôn là người tự nguyện kêu tính tiền. Bởi sống nhờ đồng lương eo hẹp thì ai cũng thắt lưng buộc bụng như nhau cả, nhưng phải luôn tâm niệm rằng: Mình dù sao cũng đỡ hơn người khác! Còn phần thứ ba chính là khoản dự phòng cho những lúc hữu sự, nên cất kín đáo và phải nghĩ rằng mình chưa từng có phần này, như vậy mới tích trữ vững bền về sau được...

Ôi sếp đáng kính của tôi, vậy mà tôi cứ nghĩ méo mó về ông. Tôi sực nhận ra bấy lâu nay mình đã nhét cái túi vào bộ óc. Còn trái tim thì tôi chưa từng sờ lên ngực xem nó có còn ở đấy hay chăng? Tôi ước gì ngay lúc này đây lão vẫn còn cùng tôi ngồi trong quán phở, tôi sẽ ăn một cách thật lòng thật dạ của mình dù biết đến khi trả tiền tôi sẽ vét hết đồng bạc cuối cùng của mình để chiêu đãi. Và khi tiễn lão ra cổng cơ quan, tôi sẽ thốt lên bằng giọng hết sức chân thành:

- Tạm biệt sếp của tôi!

imgLê Minh Nhựt sinh năm 1981 tại Cà Mau. Hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Hiển - Cà Mau. Anh đã có nhiều truyện ngắn đăng trên các báo và tạp chí.

Sau những truyện ngắn viết về bộ đội, về nông dân ở Đất Mũi, lần này Lê Minh Nhựt viết về đời sống công chức. Trong một cơ quan, thủ trưởng là thế hệ cha chú và nhân viên thuộc thế hệ con cháu. Hai thế hệ này thường khó thông cảm với nhau vì không ai chịu nghe ai. Mãi đến khi về hưu, thủ trưởng mới tâm sự và anh nhân viên trẻ chợt nhận ra từ lâu anh đã hiểu lầm ông.

Với cách viết hơi tếu, Lê Minh Nhựt muốn khuấy động không khí bình lặng, tẻ nhạt của đời công chức. Hãy bỏ đi thành kiến và chịu khó lắng nghe, người ta sẽ dễ dàng thông cảm với nhau.

Đoàn Thạch Biền

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo