xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Akhundzada và tương lai Taliban

NGUYỄN CAO

“Nhân danh thánh Allah, tôi kêu gọi tất cả những người tự cho là người Afghanistan, là tín đồ Hồi giáo, là chiến binh Thánh chiến hoặc tự cho là người tị nạn Afghanistan, hãy tiếp tục cuộc chiến!”

Đó là tuyên bố đầu tiên của giáo sĩ Abaitullah Akhundzada - 47 tuổi, thủ lĩnh Taliban đời thứ ba - hôm 24-5, 3 ngày sau khi giáo sĩ Akhtar Mansour bị máy bay không người lái Mỹ bắn chết. Theo tuyên bố chính thức của Taliban, ông Akhundzada đã được Rahbari Shura (Hội đồng Tối cao Taliban) bầu chọn theo di nguyện của cố thủ lĩnh Mansour lúc còn sống.

Đây là lần thứ hai Akhundzada được bầu thay thế giáo sĩ Mansour. Đầu tháng 12-2015, Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin “kênh 14” của đài truyền hình Pakistan tiết lộ Mansour đã bị bắn chết trong cuộc đọ súng tại nhà riêng thủ lĩnh Taliban Abdullah Sarhadi ở khu vực Kuchlak gần Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan - Pakistan. Bốn thủ lĩnh cấp thấp khác cũng tử vong. Bản tin kèm theo cả hình tử thi được cho là của Mansour. Phó tướng Akhundzada được bầu kế vị Mansour. Tuy nhiên, nguồn tin và ảnh xuất phát từ Afghanistan đã bị Taliban và Bộ Ngoại giao Pakistan bác bỏ hoàn toàn.

Ưu tiên đoàn kết nội bộ

Thủ lĩnh Taliban mới là người gốc gác ở Kandahar, cái nôi truyền thống của Taliban. Akhundzada từng là cánh tay mặt của thủ lĩnh Omar. Là học giả uyên thâm về đạo Hồi với biệt danh “cheikh ul-hadith”, một bậc thầy về diễn giải lời thánh tiên tri Mohammed, Akhundzada cũng từng là cố vấn về các vấn đề tôn giáo của giáo sĩ Omar.

Abaitullah Akhundzada, thủ lĩnh mới của Taliban Ảnh: AP
Abaitullah Akhundzada, thủ lĩnh mới của Taliban Ảnh: AP

Thời chính phủ Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Akhundzada được giáo sĩ Omar bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp, gìn giữ kỷ cương đạo Hồi, chủ tọa các phiên tòa án binh. Sau khi chính quyền Taliban bị Mỹ lật đổ, ông tiếp tục được tín nhiệm xử lý những vụ án hình sự và tôn giáo ở các vùng kiểm soát của Taliban.

Nhìn vào lý lịch thủ lĩnh mới của Taliban, nhiều nhà quan sát quốc tế tỏ ra bi quan về triển vọng hòa bình và hòa giải dân tộc ở Afghanistan. Nhật báo Pháp Le Monde nhận định: Chọn Akhundzada làm thủ lĩnh tối cao, người Taliban Afghanistan trước hết chọn sự đoàn kết thống nhất phong trào vốn bị chia rẽ sau khi giáo sĩ Mansour dùng mưu mẹo để lãnh đạo tổ chức cách đây gần 3 năm.

Nay Mansour chết rồi, nguy cơ nội bộ xào xáo càng gia tăng khiến Rahbari Shura chọn một thủ lĩnh không có kinh nghiệm về quân sự nhưng được hầu hết thành viên Taliban kính trọng và tin tưởng, qua đó kỳ vọng sẽ phục hồi thời hưng thịnh của tổ chức. Điều này cũng có nghĩa dưới sự lãnh đạo của Akhundzada, Taliban sẽ quay về cội nguồn của nó, triệt để thực thi luật Hồi giáo hà khắc đồng thời tiếp tục cuộc Thánh chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Mờ mịt hòa đàm, hòa giải

Như đã nói, Akhundzada không có kinh nghiệm chiến trường nên tên ông ta không được ghi nhận trong hồ sơ cuộc chiến chống Liên Xô hồi thập niên 1980 hay chống Mỹ sau 2001 - năm Taliban bị đánh đuổi khỏi thủ đô Kabul và phần lớn đất đai Afghanistan. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26-5 cũng xác nhận Akhundzada không có tên trong danh sách khủng bố của Mỹ. Vì lẽ đó, Washington hy vọng cuộc đổi ngôi này là cơ hội tốt nhất để thủ lĩnh Taliban mới xoay trục theo hướng hòa bình và hòa giải dân tộc Afghanistan.

Ai cũng biết nhận định trên của Bộ Ngoại giao Mỹ là một động thái nhằm chiêu dụ Taliban quay trở lại bàn đàm phán. Họ thừa biết thực tế không đi đôi với kỳ vọng của mình. Vài giờ sau khi Taliban công bố người kế nhiệm Mansour, một kẻ liều chết nghi là thành viên Taliban đeo bom trong người chạy bộ tới một chiếc xe buýt chở nhân viên tòa án ở ngoại ô Kabul rồi kích nổ làm ít nhất 10 người chết và 4 người bị thương. Một thông điệp rõ ràng dự báo bạo lực sẽ leo thang.

Khi lựa chọn Sirajuddin Haqqani và Muhammad Yaqoob - 2 thủ lĩnh cao cấp Taliban từng bất phục tùng Mansour - làm phó tướng của Akhundzada, Rahbari Shura dường như đã chọn đường lối chính trị và quân sự theo hướng chủ chiến. Việc gắn kết Taliban với mạng lưới Haqqani cho thấy giáo sĩ Akhundzada muốn bảo đảm sự sống còn của phong trào Taliban bằng sức mạnh quân sự.

Các giới chức trong lực lượng NATO do Mỹ cầm đầu không lạ gì - và có phần nào đó e dè - cái tên Sirajuddin Haqqani, tư lệnh mạng lưới Haqqani, một tổ chức vũ trang có mối quan hệ mật thiết với Taliban. Haqqani, kẻ đang bị Mỹ treo giải thưởng 10 triệu USD, từng gieo sầu cho lực lượng Afghanistan và liên quân NATO - Mỹ với những vụ đánh bom đẫm máu. Theo tình báo Mỹ và Afghanistan, Haqqani còn là người quen của quân đội Pakistan nên không dễ đối phó.

Muhammad Yaqoob - trên 30 tuổi, con trai trưởng của cố lãnh tụ tối cao Mohammed Omar - đóng vai trò quân sự quan trọng. Ông ta được giao trách nhiệm phụ trách Ủy ban Quân sự Taliban ở 15/34 tỉnh, thành Afghanistan. Ủy ban này có nhiệm vụ giám sát các vấn đề quân sự của phong trào. Yaqoob còn là 1 trong 7 ủy viên Rahbari Shura.

Bình luận về cơ cấu mới của dàn lãnh đạo Taliban, Inayatullah Kakar, chuyên gia phân tích chính trị về Afghanistan ở Karachi, bi quan: “Tôi tin rằng tình hình ở Afghanistan sẽ còn xấu hơn. Làm sao lôi kéo được thủ lĩnh Taliban mới vào bàn đàm phán sau khi vừa giết chết thủ lĩnh cũ của họ?”.

Tranh cãi về ảnh Akhundzada

Bức ảnh chân dung Akhundzada xuất hiện trên các mạng xã hội và cơ quan truyền thông đại chúng thế giới 2 ngày sau khi Taliban công bố danh tính thủ lĩnh mới đã gây tranh cãi sôi nổi. Nó có độ nét hết sức bất thường so với hình ảnh các thủ lĩnh trước. Ảnh giáo sĩ Akhtar Mansour vừa bị máy bay không người lái Mỹ bắn chết chẳng hạn, rất xấu và hiếm. Ảnh giáo sĩ Mohammed Omar, cha đẻ phong trào Taliban, càng bí hiểm hơn, trước sau chỉ có 2 tấm không biết chụp hồi nào và mờ mờ ảo ảo.

Vấn đề là Ủy ban Truyền thông Taliban đã xác nhận đó là ảnh thật, chụp cách đây 12 năm, khi Akhundzada hành hương đến Mecca. Một thành viên ủy ban giải thích: “Giờ ông ấy già hơn, râu tóc đều bạc. Chúng tôi không thể tiết lộ ảnh mới chụp vì vấn đề an ninh”. Câu chuyện càng trở nên ly kỳ hơn khi Zabihullah Mujahid, người phát ngôn Taliban, cho biết: “Chúng tôi không có ý định công bố ảnh ông ấy và cũng không rõ ai tung ảnh đó”. Một viên chức phương Tây ở Kabul nghi ngờ bức ảnh lấy từ nguồn tư liệu tình báo nào đó, có thể của một nước phương Tây. Nếu đúng vậy thì động cơ tung ảnh này là gì?

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo