xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bản quyền văn học đâu rẻ đến thế!

Hòa Bình

Mục đích cao nhất của người làm công việc sáng tạo là tác phẩm của họ phải đến được với đông đảo công chúng, độc giả nhưng không bằng cách phát miễn phí

189 đầu sách của các nhà văn Việt Nam được Ban Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam bán bản quyền cho một tạp chí điện tử phát hành không thu phí của độc giả. Mới đây, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tác giả của “Quyên” - một trong 189 đầu sách được bán bản quyền - đã lên tiếng đòi lại công bằng cho tác phẩm của mình.

Miễn phí tức là… hạ thấp mình

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ tỏ ra rất bất ngờ và bất bình khi biết tiểu thuyết “Quyên” của ông đang được bán với giá 0 đồng trên tạp chí điện tử Waka. Ban đầu, ông tưởng nhầm là mình bị vi phạm bản quyền. Sau khi tìm hiểu, nhà văn Nguyễn Văn Thọ mới vỡ lẽ “Quyên” được bán chung trong một hợp đồng trọn gói 189 đầu sách của các nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ bất bình khi tiểu thuyết “Quyên” được bán với giá 0 đồng Ảnh: Trần Nhương
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ bất bình khi tiểu thuyết “Quyên” được bán với giá 0 đồng Ảnh: Trần Nhương

Cho dù mục đích của việc bán bản quyền thử nghiệm khai thác trên môi trường số là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý - như ông Đỗ Hàn, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc Ban Bản quyền khẳng định - nhưng rõ ràng, việc mời độc giả đọc miễn phí là rất dễ mắc phải hiệu ứng xấu đối với tâm lý của người làm công việc sáng tạo.

Ông Đỗ Hàn cho biết: “Chúng tôi không bán bản quyền trọn gói mà chỉ bán quyền khai thác 189 tác phẩm với mức thu ban đầu là 50 triệu đồng cho thời gian khai thác 1 năm. Đến cuối năm, hai bên sẽ đối soát xem tất cả đầu sách đã được bán với doanh số như thế nào, nhà phát hành được hưởng 50% doanh số. Căn cứ trên doanh thu thực tế đó, nhà văn được hưởng 80%, ban bản quyền hưởng 20%. Còn số tiền thu ban đầu là 50 triệu đồng sẽ được chia cho các nhà văn sau khi đã trừ đi lệ phí quản lý”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ tính toán: Nếu vậy thì cuối năm, mỗi nhà văn chỉ thu được khoảng vài trăm ngàn đồng. Ông Thọ cho biết chỉ riêng tiền bán bản quyền cuốn tiểu thuyết “Quyên” để làm phim, ông đã thu về 200 triệu đồng. Nhà văn này không đồng ý với cách bán giá 0 đồng của tạp chí điện tử Waka. Ông cho rằng Ban Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam đem bán tác phẩm của ông với giá không bằng “cân giấy vụn”. Theo ông, cách làm này lợi bất cập hại. Việc mời độc giả đọc miễn phí cũng đồng nghĩa với việc tự mình “hạ giá” xuống một cách quá thấp. Chưa kể, yếu tố đến cuối năm sẽ đối soát và tác phẩm nào được mua nhiều thì được trả cao hơn các tác phẩm khác khiến nhà văn hết sức bất bình.

Theo điều 4.2 của hợp đồng ủy quyền giữa tác giả với Ban Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam, ban có trách nhiệm thông báo ngay tới tác giả về việc thay đổi phương thức quản lý và khai thác hay tạm đình chỉ việc quản lý và khai thác. Thế nhưng, nhà văn Đỗ Hàn giải thích rằng nhân sự của ban không đủ để làm ngay những việc đó với mấy trăm nhà văn.

Không thể bán với giá 0 đồng

Tác giả tiểu thuyết “Quyên” thừa nhận có một phần lỗi của ông khi không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng ủy quyền tác phẩm ký kết với Ban Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn tuyên bố sẽ rút lại ủy quyền, không gửi gắm tác phẩm cho ban bản quyền tiếp tục quản lý nữa.

“Tiếp tục ủy quyền hay không là quyền của nhà văn” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định. Ông nhìn nhận: “Tôi nghĩ mục đích cao nhất của mỗi người làm công việc sáng tạo là tác phẩm của họ phải đến được với đông đảo công chúng, độc giả. Còn các công ty mua lại bản quyền tác phẩm đó có quyền sử dụng theo cách của họ, dựa trên những gì luật pháp cho phép”.

“Tâm lý nhà văn cảm thấy bị hạ giá tác phẩm đúng là vấn đề rất tế nhị nên chúng tôi đã lập tức có ý kiến với tạp chí điện tử Waka” - nhà văn Đỗ Hàn cho biết thêm. Theo ông, phía Waka cũng lý giải rằng chỉ miễn phí cho độc giả đã là thành viên của tạp chí - tức đã đóng phí đọc nguyên năm, còn đối với các độc giả vãng lai thì lựa chọn cuốn nào vẫn phải trả tiền cuốn đó.

Trong khi đó, nhà văn Ma Văn Kháng - tác giả của rất nhiều tiểu thuyết nổi danh làng văn học Việt như “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Mùa lá rụng trong vườn”… - cho biết từ trước đến nay, cũng đã có nhiều đơn vị ký hợp đồng khai thác ấn bản điện tử sách của ông. Với tâm thế của một người viết, ông chẳng quan tâm lắm chuyện doanh thu được bao nhiêu. “Có điều chắc chắn là không thể bán với giá 0 đồng, vì như thế là rẻ rúng tác phẩm một cách quá đáng” - nhà văn Ma Văn Kháng nhấn mạnh.

Kỳ tới: Loay hoay bán bản quyền

Chưa thể hy vọng doanh số lớn

Hiện tại, tiểu thuyết “Quyên” đã được gỡ khỏi tạp chí Waka. Nhà văn Đỗ Hàn cho biết: “Chúng tôi đã rất cố gắng bảo vệ tác phẩm, thương thuyết, vận động theo sự ủy nhiệm của nhà văn để mang lại thêm những quyền lợi cả về tinh thần lẫn vật chất cho họ. Tuy nhiên, việc thử nghiệm trên những môi trường mới không đơn giản. Sách điện tử thông thường rất rẻ, chỉ từ 5.000-7.000 tới 20.000 đồng/cuốn nên cũng chưa thể hy vọng cách phát hành này mang lại doanh số lớn cho nhà văn”.

Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam giải thích thêm: “Trong việc hợp tác này, phía Waka phải thực hiện số hóa 189 tác phẩm của các nhà văn. Với các tác phẩm mà nhà văn nộp bản mềm thì dễ dàng rồi nhưng nhiều tác phẩm được xuất bản đã lâu nên Waka buộc phải đánh máy và so sánh lại, rất vất vả. Chúng tôi rất trân trọng công sức của họ”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo