xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảy đời giữ lửa ca trù

KIM KHÁNH

Nguyễn Kiều Anh - cô gái 18 tuổi là ca nương trẻ thuộc thế hệ thứ bảy trong gia đình có truyền thống 7 đời dạy và biểu diễn nghệ thuật hát ca trù ở Hà Nội

Từng xuất hiện với phần thi ca trù ấn tượng trong vòng loại cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt (Vietnam’s got talent) mùa thứ hai, Nguyễn Kiều Anh gây ngạc nhiên cho khán giả bởi tài năng và niềm đam mê của mình đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống ca trù không dễ hái ra tiền này.

Thế hệ thứ bảy của gia tộc ca trù

Những khán giả mê ca trù Hà thành có lẽ không xa lạ gì giọng ca Nguyễn Kiều Anh, bởi cô đã sớm tạo dấu ấn từ năm 11 tuổi với bề dày thành tích: giải vàng Liên hoan Ca trù toàn quốc lần I năm 2005, giải A Liên hoan Dân ca toàn quốc năm 2009 và một số giải vàng tại các cuộc thi do TP Hà Nội tổ chức.

Người Hà Nội yêu mến nghệ thuật truyền thống ca trù có lẽ từ lâu đã biết đến giáo phường ca trù Thái Hà ở phố Thụy Khuê, gia tộc độc đáo bởi tính truyền nghề liên tục trong dòng họ. Bắt đầu từ người khởi nghiệp là cụ tổ Nguyễn Đức Ý (từng đỗ thủ khoa năm Nhâm Tý 1852, đời vua Tự Đức và được bổ làm tri huyện Hải Dương), những thành viên của gia tộc đã cùng sống chết với nghề, gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật ca trù qua từng thế hệ cho đến ngày nay.

img
Kiều Anh trong một chầu hát cùng ông nội - nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi và bác ruột - NSƯT Nguyễn Văn Khuê. Ảnh: NVCC

Nòng cốt của giáo phường hiện nay là nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi – người đánh trống chầu, con trai ông - Nguyễn Văn Khuê chơi đàn đáy và đặc biệt là con gái ông - ca nương Thúy Hòa - chính là “đệ tử” chân truyền của cố NSND Quách Thị Hồ, giọng ca nổi danh từng có đóng góp vô cùng to lớn trong khôi phục và quảng bá nghệ thuật ca trù của dân tộc. Nguyễn Kiều Anh cùng Nguyễn Thu Thảo - các cháu gái ông Mùi - là 2 ca nương trẻ tuổi thuộc thế hệ thứ bảy của gia tộc giàu truyền thống này.

Được sinh ra trong “cái nôi” ca trù, Kiều Anh cho rằng đó là điều may mắn của cô so với những người bạn cùng trang lứa. Cô tâm sự: “Em bắt đầu học hát ca trù từ năm 6 tuổi. Khi đó ông, cô, bác em là những người đã dìu dắt và truyền dạy cho em. Có lẽ, ca trù ngấm vào em từ khi em biết nhận thức, bởi ngay khi chưa ra đời em đã được sống trong môi trường mà ngày ngày vang lên tiếng hát, tiếng trống phách, tiếng đàn”.

Ca nương tuổi trăng tròn

Tiếp thu tinh hoa nghệ thuật từ trong trứng nước, Kiều Anh sớm lĩnh hội được những kỹ năng cần có của một ca nương. Những ai từng theo dõi phần thi của Kiều Anh đều có thể thấy những động tác gõ phách rất đặc biệt, ăn khớp với lời ca của cô khi hát khúc Đò đưa. Kiều Anh giải thích: “Khác với các loại hình âm nhạc khác, ca trù không có nhịp mà tuân thủ theo một nguyên tắc riêng biệt, trong đó ca nương gõ phách cũng là người chỉ huy tất cả. Khi biểu diễn phải kết hợp vừa hát vừa gõ phách, một người cùng lúc phải thực hiện hai động tác khác nhau, đòi hỏi sự tập trung cao, sự thuần thục trong từng động tác - đó là nét đặc biệt trong ca trù”.

Ngoài động tác gõ phách, kỹ thuật hát đặc trưng của ca nương trong ca trù là “nảy hạt” – tức ngân tiếng hát không liên tục mà ngân ngắt đoạn như âm thanh những hạt châu rơi trên mâm. Đây là một kỹ thuật rất khó, muốn thuần thục và đạt được chuyên môn đòi hỏi người học phải mất nhiều năm. Nhờ được truyền dạy từ những nghệ nhân hết lòng truân chuyên cùng nghiệp cầm ca của gia đình cùng sự say mê luyện tập nên dù còn rất trẻ, Kiều Anh đã sở hữu chất giọng chắc, vang, hát tròn vành, rõ chữ và “nảy hạt” như một nghệ nhân thực thụ. Lắng nghe Kiều Anh hát, khán giả như cảm nhận được nỗi lòng của con người, lời người xưa răn dạy thế nhân trong từng ca từ những bài hát của môn nghệ thuật kết hợp đỉnh cao giữa âm nhạc và thi ca này.

Bên cạnh kỹ thuật thì thần thái toát ra từ gương mặt ca nương trẻ tuổi này cũng là một yếu tố chinh phục khán giả và từng giúp cô “gặt hái” nhiều huy chương tại các liên hoan ca trù. “Vì ca trù là một môn nghệ thuật bác học nên trước đây khi hát, ca nương mắt phải nhìn thẳng, nét mặt tươi nhưng cười không hở miệng. Hiện tại, để ca trù gần gũi hơn với người nghe, ca nương khi hát có thể chủ động giao lưu với khán giả” - ca nương 18 tuổi cho biết.

Phát huy truyền thống gia tộc

Đam mê ca trù nhưng Kiều Anh không hề tách mình khỏi đời sống âm nhạc hiện đại. Cô  vẫn yêu thích những thể loại âm nhạc khác như jazz và những ca khúc quốc tế của nữ ca sĩ Adele như bạn bè mình nhưng ca trù dường như vẫn cuốn hút cô hơn cả. Gửi thư, Hát giai hát ru, Xẩm huê tình… là những làn điệu Kiều Anh thích hát nhất, vì như cô thổ lộ, mỗi khi cất giọng hát những khúc ca này, cô luôn được khán giả cổ vũ rất nhiệt tình.

img
Ca nương Nguyễn Kiều Anh trong một lần biểu diễn ca trù (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 
Hiện tại, Kiều Anh tham gia biểu diễn cùng gia đình là chính. Trong một chầu hát của giáo phường Thái Hà thường có sự tham gia của cả 3 thế hệ cùng ngồi trên chiếu chầu, trong đó gồm “quan viên” cầm trống chầu là nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi (ông nội của Kiều Anh), “kép đàn” là bác ruột - NSƯT Nguyễn Văn Khuê, các ca nương có Kiều Anh và cô ruột Thúy Hòa.
 
Nơi biểu diễn thường là những không gian ấm cúng, mang đậm chất truyền thống và với đặc trưng của ca trù như Trung tâm Văn hóa Pháp, Nhà Thái học (Văn Miếu Quốc Tử Giám) và có thể là tại gia đình. Theo truyền thống, các thành viên trong một chầu hát đều mặc áo dài khăn đóng màu nâu và đen. Kiều Anh có khi biểu diễn ca trù trong bộ trang phục váy ngắn rất “xì tin”. Kiều Anh giải thích: “Vì em muốn tạo sự bất ngờ cho khán giả. Qua đó, em muốn mọi người hiểu rằng ngay cả một thiếu nữ trẻ trung, hiện đại vẫn hoàn toàn có thể biểu diễn ca trù một cách say sưa, để thấy ca trù có thể sống trong đời sống hiện đại nếu nó thật sự được mọi người quan tâm và giữ gìn”.

Ý thức bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật tâm huyết của dòng họ trong Kiều Anh rất mãnh liệt. Điều đó không chỉ xuất phát từ truyền thống mà còn bởi niềm say mê tha thiết với ca trù của cô. Cô bộc bạch: “Ca trù có một không gian riêng dành cho nó. Chính vì vậy, khi được đắm mình trong không gian ấy, em chỉ biết cất tiếng hát với tất cả cảm xúc trong từng lời hát, nhịp phách… Ca trù đã thực sự là một phần không thể thiếu trong đời sống gia đình em”.

Giữ gìn truyền thống gia tộc là điều đương nhiên nhưng mong muốn của Kiều Anh không dừng lại ở đó. “Em sẽ rất tiếc nếu như ca trù chỉ trường tồn trong dòng họ của mình” - Kiều Anh từng chia sẻ. Vì vậy, cô tìm đến với sân chơi Tìm kiếm tài năng Việt, ngoài mong muốn được khẳng định bản thân còn có nguyện vọng đem nghệ thuật ca trù đến gần hơn với tất cả mọi người. Trong tương lai, cô còn muốn tham gia với các đoàn nghệ thuật biểu diễn tại các sự kiện trong và ngoài nước, gắn kết nghệ thuật truyền thống với hiện đại để tiếp cận gần hơn với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Làm đĩa để truyền bá

Theo Kiều Anh, giáo phường ca trù Thái Hà hiện đã kết hợp phát hành được 2 CD ở nước ngoài, 1 ở Pháp và 1 ở Anh, còn ở trong nước thì đã kết hợp với Hồ Gươm Audio cho ra đời 1 DVD và được không ít khán giả đón nhận. Kiều Anh cho biết thêm: “Qua cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt , em thấy đã có nhiều khán giả quan tâm, tìm hiểu về ca trù hơn, em rất vui về điều này. Việc giới thiệu ca trù bằng hình thức ra đĩa là một việc không dễ vì cần phải có sự đầu tư lớn nhưng sắp tới gia đình và bản thân em sẽ cố gắng làm DVD ca trù và em rất mong được khán giả ủng hộ”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo