Vậy là bố đã ra đi thật rồi... “Buồn ơi, chào mi!”, bố đã về nơi miền cực lạc không còn những nỗi buồn riêng mang.
Với 5 Dòng Kẻ chúng con, mấy đứa con gái nhỏ của bố, bố mãi là người cha tinh thần tuyệt vời trên con đường âm nhạc. Chúng con đã thấy mình may mắn biết bao khi có cơ duyên được làm những đứa con được bố yêu thương, dõi theo từ âm nhạc đến đời thường.
Hớn hở, háo hức và ngơ ngác ngày ấy, chúng con bay vào Sài Gòn mang theo biết bao ước mơ. Nhưng hành trang chỉ là niềm đam mê âm nhạc bất tận và sức trẻ không ngại khó khăn, vất vả. Cứ hăng say phấn đấu, cứ hồn nhiên ước mơ. Chúng con đã có được sự dang tay của số phận, có được cơ hội cất tiếng hát ở các phòng trà hàng đầu TP HCM lúc bấy giờ... quả đã là một khởi đầu hơn mơ ước.
Rồi trong dịp “Tiếng tơ đồng” tổ chức đêm nhạc Nguyễn Ánh 9, chúng con đã có một cơ hội không thể quên trong đời: Được chọn trình diễn ca khúc nổi tiếng của bố: “Tình khúc chiều mưa” bên cạnh những ca sĩ đã nổi danh. Cả nhóm vừa vui mừng vừa lo lắng, cùng nhau suy nghĩ để chọn lựa cách trình diễn tốt nhất có thể cho ca khúc này. Người phụ trách chuyên môn của nhóm là Bảo Lan đã quyết định đột phá dựng bài theo phong cách acappella. Đây cũng chính là một thử thách cho nhóm. Chúng con lao vào luyện tập chăm chỉ... Đêm nhạc đã rất thành công, chúng con đã giành được những tràng pháo tay vang dội, ngạc nhiên và vỡ òa yêu thích của khán giả. Bố đã tìm gặp chúng con, hỏi ngay ai hòa âm cho ca khúc này...
Sau này, trong những lần nói về chúng con trên truyền thông, bố đã luôn kể về sự ngạc nhiên và ấn tượng mạnh mẽ của mình khi chúng con dũng cảm chọn phong cách acappella để trình diễn một ca khúc dường như chỉ dành cho đơn ca. Bố đã khen ngợi, đã trao cho chúng con niềm tin rằng mình có khả năng tiến bước.
Lần đầu tiên được một nhạc sĩ nổi tiếng đánh giá cao, chúng con đã vô cùng hạnh phúc. Không có rào cản nào, cứ dung dị, chúng con được trở thành con của bố qua những buổi cà phê nói chuyện âm nhạc, những khi bố gọi cả nhóm qua nhà khoe cây đàn mới mua. Bố mê và yêu đàn lắm, vậy nên ngón đàn của bố mới mê đắm lòng người đến vậy. Chúng con được nghe bố đàn, được bố đệm cho tập hát, được cô nhà nấu cơm cho ăn... Những thân thương ấy, những gần gũi ấy ấm áp biết bao, giúp chúng con vơi đi nỗi nhớ nhà cùng cảm giác bơ vơ xa quê.
Năm 2005, chúng con đã vui mừng khi là nhóm nhạc đầu tiên được sang Mỹ lưu diễn. Thành quả ấy, hạnh phúc ấy có công lao của bố rất nhiều. Bố luôn động viên cả nhóm vượt qua khó khăn để kiên trì trên con đường âm nhạc. Bố không ngừng chia sẻ niềm tự hào về những đứa con gái nhỏ của mình.
Rồi chúng con đã lần đầu tiên được biểu diễn trên sân khấu nhà hát lớn, trong chương trình với ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Chương trình thành công rực rỡ, được bình chọn là sự kiện văn hóa hải ngoại nổi bật. Chúng con được coi như một phát hiện mới, một làn gió mới, mở màn cho những tiếp cận mới về ban, nhóm nhạc. Bố hạnh phúc, tự hào về chúng con. Bố vui vì đã giúp chúng con có thêm niềm tin phấn đấu. Chuyến lưu diễn lịch sử ấy, đối với chúng con quả thật rất ý nghĩa. Chúng con hiểu thêm mình chăm chỉ ắt sẽ có những yêu thương, đền đáp...
Sau này, dù đã biết bao lần được bố đệm đàn cho hát trên các sân khấu, chúng con vẫn bấy nhiêu lần xúc động. Tiếng đàn tinh tế, ngọt ngào, cho cả khán giả lẫn nghệ sĩ như chúng con thăng hoa cảm xúc. Những ca khúc lừng danh của bố như: “Buồn ơi, chào mi!”, “Xin như làn mây trắng”, “Tình khúc chiều mưa”, “Kỷ niệm”, “Ai đưa em về”... đã cùng chúng con vang lên trên khắp các sân khấu ca nhạc trong và ngoài nước, đưa chúng con tới gần hơn với tình yêu của khán giả...
Vậy mà, cũng đã có lúc chúng con chao đảo từ chính trong nội tại của mình. Tất cả dường như bị tổn thương, buồn bã, lo âu và nguy cơ tan vỡ... Giữa “khoảng lặng” dậy sóng ấy, bố đã lại cùng số phận trao cho chúng con cơ hội “nắm tay nhau”... Bố chủ động gọi mấy đứa con gái lại gặp bố ăn cơm. Bố lắng nghe các con chia sẻ, tranh luận, hờn giận và phân bua của từng đứa...
Hôm ấy, bố đã nói một điều mà chúng con không bao giờ quên: “Nếu các con định tan rã, các con cũng sẽ chỉ buồn một thời gian thôi nhưng bố và cô sẽ là người buồn nhất bởi lâu lắm mới tập hợp một nhóm những đứa được như tụi con. Tụi con tan, phần thiệt thòi lại thuộc về khán giả...”. Được nghe bố nói vậy, chúng con chỉ biết nhìn nhau xúc động, thấy mình sao quá ích kỷ, hẹp hòi.
Một nghệ sĩ lớn - tài năng và đầy trải nghiệm đã nói những lời tâm huyết như vậy. Thật đáng để chúng con tự hào và không thể phụ lòng. Chúng con quyết định ở lại bên nhau - thật sự gắn bó và yêu thương, nắm tay nhau thật chặt và luôn vững bước. Bố đã chỉ ra cho chúng con một định mệnh trong nghệ thuật: Nghĩa vụ (của quyền lợi được khán giả yêu thương) là cống hiến.
Bố vẫn luôn dõi theo chúng con trên từng bước đi. Mỗi khi được gặp nhau, bố lại dí dỏm mang điện thoại ra khoe đã lưu được những tấm hình mới của từng đứa mà bố lấy về từ trên mạng...
Chúng con xin vẫn mãi được là những đứa con của bố, vẫn xin được hát lên những bản tình ca làm say đắm lòng người của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Xin được nhớ mãi những lời yêu thương, những nụ cười hiền và hình ảnh của bố. Chúng con ở lại ngơ ngác, buồn quá bố ơi!
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều 14-4 sau thời gian chống chọi với bệnh suy tim, suy thận; hưởng thọ 76 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1939, tại Phan Rang. Năm 11 tuổi, ông cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Học đàn dương cầm từ nhỏ, đến năm 18 tuổi, ông bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc. Bút danh Nguyễn Ánh 9 được ông giải thích là vì “Nguyễn Ánh” có 9 ký tự nên ông chọn đặt nghệ danh này cho có sự khác biệt.
Nhiều nhạc phẩm của ông rất được khán giả yêu mến bao gồm: “Tình yêu đến không giã từ”, “Mênh mông tình buồn”, “Cho người tình xa”, “Cô đơn”, “Buồn ơi, chào mi!”, “Không 1”, “Không 2”, “Ai đưa em về”, “Tình khúc chiều mưa”, “Biệt khúc”, “Bơ vơ”, “Chia phôi”, “Kỷ niệm”, “Lối về”, “Một lời cuối cho em”, “Tình yêu lạc loài”, “Trọn kiếp đơn côi”, “Xin như làn mây trắng”…
Lễ viếng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từ 9 giờ ngày 15-4, tại nhà riêng ở số 23C Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, TP HCM. Lễ động quan vào sáng 18-4, hỏa táng cùng ngày tại Bình Hưng Hòa
Bình luận (0)