Thị trường phát hành phim tại Việt Nam hiện được xem là năng động bậc nhất thế giới, tuy chưa lớn nhưng vài năm nay, tốc độ tăng trưởng đạt đến 20%-30%/năm. Tổng doanh thu phòng vé rạp chiếu phim ở Việt Nam năm 2014 ước tính khoảng 83 triệu USD và năm 2015 lên đến 105 triệu USD. Trong đó, doanh thu phim Việt chiếm khoảng 35% so với phim nước ngoài. Đây là những con số thống kê hoàn toàn có cơ sở.
Phát hành phụ thuộc
Trong số hơn 70 cụm rạp chiếu phim đang hoạt động tại các thành phố lớn hiện nay như: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ..., số rạp của nhà đầu tư nước ngoài (CGV, Lotte Cinema, Platinum) chiếm trên dưới 80%. Phần còn lại là của các công ty trong nước (Galaxy, BHD...).
Các chuyên gia cho rằng trong tương lai, thị trường chiếu phim tại Việt Nam còn mở rộng hơn khi CGV đặt mục tiêu có 55 cụm rạp trên cả nước. Lotte Cinema tiếp tục đua tranh với CGV về thị phần. Platinum cũng đặt mục tiêu có nhiều cụm rạp ở các đô thị lớn. Những đơn vị trong nước như BHD hay Galaxy cũng có kế hoạch phát triển hệ thống rạp của mình ra các thành phố lớn khác.
Với đà tăng trưởng này, các chuyên gia cho rằng chẳng mấy chốc doanh thu chiếu phim tại Việt Nam cán mốc 200 triệu USD/năm. Kinh doanh điện ảnh thực sự đang hái ra tiền nên khả năng đầu tư của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều và mở rộng.
Thế nhưng, thị trường phát hành và chiếu phim tại Việt Nam vẫn đang do các công ty nước ngoài chiếm đa phần, nắm vai trò chủ chốt, thậm chí chi phối khi có hệ thống rạp nhiều hơn hàng chục lần so với các công ty nội địa, đồng thời chủ động được nguồn phim ngoại nhập. Dù nỗ lực đến mấy, các công ty sản xuất và phát hành phim của Việt Nam vẫn tỏ ra yếu thế.
Các nhà làm phim và phát hành Việt Nam mới đây đã gửi thư khiếu nại đến cơ quan chức năng vì cho rằng đang bị CGV chèn ép thông qua tỉ lệ ăn chia phòng vé. Họ cáo buộc CGV dựa vào hệ thống cụm rạp lớn nhất đang có tại Việt Nam hiện nay để áp đặt tỉ lệ ăn chia bất hợp lý đối với phim Việt. Nếu không đồng ý tỉ lệ này, phim sẽ không được chiếu trên 40% số rạp của thị trường mà họ đang sở hữu, nghĩa là sẽ mất 40% doanh thu.
Các doanh nghiệp điện ảnh nêu trên cũng cáo buộc CGV có xu hướng chiếu phim nước ngoài, đặc biệt là phim do chính nước họ sản xuất, với số lượng nhiều hơn, thời gian ở các khung giờ vàng lâu hơn... Vì thế, họ bày tỏ lo ngại CGV sẽ dần củng cố vai trò, tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh Việt Nam.
Các nhà phát hành, sản xuất phim trong nước lên tiếng là cần thiết nhưng trong cuộc cạnh tranh này, lợi thế luôn thuộc về kẻ mạnh. Muốn tạo thế cân bằng, điện ảnh Việt Nam phải tính đến chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp.
Mở rộng thị trường: Quyết định sống còn
Để mở rộng thị trường chiếu phim, đòi hỏi phải mở rộng hệ thống rạp và chủ động nguồn phim. Cả 2 yếu tố này, điện ảnh Việt Nam đang thiếu.
Theo thống kê được Cục Điện ảnh công bố, hiện cả nước có 64 trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng của nhà nước. Trong đó, 4 công ty đã cổ phần hóa, 11 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng được sáp nhập với trung tâm văn hóa. Trong hệ thống rạp của các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng do nhà nước quản lý, 58 rạp đang hoạt động với 103 phòng chiếu trong điều kiện xuống cấp, 10 rạp không hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng; 18 trung tâm không có rạp chiếu phim.
Phim Việt làm sao có thể cạnh tranh với phim ngoại nhập khi thị trường còn hạn hẹp và phát hành phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống phát hành ngoại nhập như hiện nay? Doanh thu trung bình của phim Việt hiện chưa đủ sức cho phép các nhà sản xuất phim đầu tư lớn. Vốn đầu tư hiện nay cho một phim gọi là “bom tấn” của Việt Nam không thể vượt qua con số 1 triệu USD. Gần đây, một số nhà sản xuất bắt đầu tìm đối tác liên kết sản xuất phim với nước ngoài để giải quyết bài toán đầu tư lớn và mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa phải là giải pháp căn cơ.
Làm sao phim Việt có được thị trường mở rộng ra 63 tỉnh, thành? Đó là bài toán khó hiện nay.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, khẳng định căn cứ pháp lý để phát triển hoạt động phát hành - phổ biến phim đã được quy định rõ trong Luật Điện ảnh, cụ thể là “trong quy hoạch đô thị phải dành quỹ đất để xây rạp chiếu phim”.
Quyết định 88 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020” cũng đã nêu rõ tổng số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng mới là 106, trong đó xây mới 57 rạp, nâng cấp 49 rạp. Quyết định 199 của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030” cũng khẳng định sẽ cải tạo, nâng cấp khoảng 24 rạp chiếu phim tại các tỉnh, thành miền Bắc, 16 rạp tại miền Trung và 8 rạp ở miền Nam; phấn đấu xây dựng 10 rạp ở phía Bắc, 24 rạp ở phía Nam, 15 rạp tại miền Trung với trang thiết bị kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, ưu tiên địa phương chưa có rạp...
Liệu ngân sách nhà nước có đủ sức để hiện thực hóa đề án này không hay ngành phát hành phim nhà nước vẫn tiếp tục ngồi giữ khư khư cơ chế không hợp thời và lối tư duy cũ kỹ? Vì thế, hình thức liên doanh liên kết đầu tư xây dựng hệ thống rạp chiếu hiện đại giữa địa phương có quỹ đất với công ty tư nhân phát hành phim trong nước là cách làm hiệu quả nhất để mở rộng thị trường phim Việt ra các tỉnh, thành còn lại. Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư. Một khi thị phần được mở rộng, sản xuất điện ảnh nội địa mạnh lên, chủ động được nguồn phim thì khả năng đối trọng, thậm chí làm chủ thị trường, của điện ảnh trong nước không còn đáng lo ngại. Phim Việt có điều kiện doanh thu cao, nhà sản xuất có đủ tự tin đầu tư lớn cho tác phẩm, sức cạnh tranh với phim ngoại từ đó cũng được tăng lên.
Bình luận (0)