xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Chiêu trò" bị vạch mặt trên truyền hình thực tế thế giới

K.Khánh (tổng hợp)

(NLĐO) - Không riêng gì X-Factor phiên bản Việt Nam mà ngay cả X-Factor phiên bản nước ngoài và nhiều chương trình truyền hình thực tế khác cũng từng “dính” xì-căng-đan bởi những "chiêu trò" khi của thí sinh, khi của ban tổ chức

Dựng chuyện từng bị lạm dụng tình dục

Ở vòng thi thử giọng chương trình truyền hình thực tế X-Factor Anh 2008, nam thí sinh Alan Turner đã bị báo chí chỉ trích nặng nề sau khi cố tình nói dối giám khảo rằng mình từng được nhận làm con nuôi từ năm 4 tuổi, không biết cha mẹ thật là ai và đã bị lạm dụng tình dục từ năm 4 tuổi, nhưng sau đó bố ruột và cậu của Alan đã công khai phủ nhận thông tin này trên mặt báo.

Mẹ của Turner sau đó ũng khẳng định rằng con trai bà đã nói dối và đã làm tổn thương bà. Ban đầu, Turner cho rằng chính cách dựng clip giới thiệu thí sinh của chương trình đã khiến anh trông có vẻ không thành thật, nhưng sau đó Turner đã thừa nhận dối trá.

img

Nam thí sinh Alan Turner dựng chuyện trắng trợn về quá khứ để lấy lòng giám khảo

Cha mẹ của Alan Turner chia tay nhau khi thí sinh này còn nhỏ và anh chủ yếu được ông bà nuôi dưỡng, do đó Turner đã lấy việc không gần gũi cha mẹ làm cớ đển nói dối. Thí sinh này sau đó đã nói lời xin lỗi: “Cảm xúc của vòng audition (vòng thử giọng) khiến tôi bị choáng ngợp. Tôi đã không nhận ra mình đang nói gì và đã để cảm xúc chi phối. Xin hãy cho tôi một cơ hội khác! Tôi không phải người xấu. Tôi không định lừa dối ai. Tôi đã bị bối rối và chỉ muốn một mối quan hệ đúng nghĩa với cha mẹ mình nhưng đã không tự giải thích đúng sự thật”. Cuối cùng Alan Turner vẫn tiếp tục cuộc thi nhưng bị loại ngay trước vòng liveshow.

Sau vụ của Alan Turner, Simon Cowell đã công khai tuyên bố ý định thay đổi cách làm chương trình bằng việc giảm chú trọng vào những câu chuyện “lấy nước mắt” của thí sinh bởi những gì đã xảy ra khiến khán giả “bắt đầu mất lòng tin vào những chuyện như vậy!”.

Nói dối bị chấn thương não trong chiến tranh

Trong cuộc thi American Idol 2013, thí sinh điển trai Matthew Farmer cũng dựng một câu chuyện bi thương ở vòng thi thử giọng. Bế theo cô con gái nhỏ Cadence, anh chàng 26 tuổi lấy lòng giám khảo với câu chuyện từng phục vụ trong quân ngũ và bị một vết thương đe dọa tính mạng ở Kuwait.

Anh còn nói với MC Ryan Seacrest rằng số thuốc mà anh uống để điều trị vết thương não khiến anh gần như vô sinh, việc con gái anh chào đời được đã là một phép màu. Chưa hết, anh còn nói với bộ tứ giám khảo Randy Jackson, Mariah Carey, Nicki Minaj và Keith Urban rằng anh dành tặng tiết mục thử giọng cho những người bạn trong quân ngũ.

img

Matthew Farmer và con gái

Sau đó, Farmer đã quyết định dừng cuộc chơi khi người ta khám phá ra anh hoàn toàn dựng chuyện và thí sinh này cũng đã thừa nhận nói dối. Những đồng đội từng đi lính cùng Farmer đã nói lên sự thật rằng anh này chưa từng phải tham gia bất kỳ trận đánh trực tiếp nào và chưa từng bị thương, còn “tổn thương não” của Farmer không phải do chiến tranh mà là do một lần bị sốc rượu và thuốc trị mụn, vốn là những chất bị cấm sử dụng trong quân đội.

Giả làm quân nhân từng bị thương do lựu đạn

Tương tự trường hợp của Matthew Farmer là Timothy Poe tại cuộc thi American’s Got Talent 2012 với câu chuyện từng bị thương khi nhập ngũ, nhưng Timothy còn nói dối trắng trợn hơn khi gửi tấm hình một quân nhân khác và khẳng định đó chính là mình. Người lính trong tấm ảnh mà Timothy gửi cho Ban tổ chức khi đăng ký dự thi thực chất là ảnh một trung sĩ tên Norman Bone và đã từng được đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ.

img

Timothy Poe khiến khán giả thất vọng vì hành vi lừa dối

 

Người lính trong tấm ảnh là một người khác

Người lính trong tấm ảnh là một người khác

Khi đứng trước giám khảo, Timothy còn mô tả rất sống động về việc bị thương trong chiến tranh Afghanistan năm 2009: “Tôi thấy quả lựu đạn rơi xuống, tôi chỉ kịp quay lại, nhảy lên người các đồng đội và la lên “lựu đạn”, và rồi nó nổ trúng tôi”.

Thật ra, Timothy có phục vụ trong quân đội bang Minnesota một thời gian từ năm 2002 đến 2011, nhưng chỉ làm chuyên viên tiếp tế chứ chưa hề bị thương trong trận đánh nào ở Afghanistan. Chương trình sau đó đã phải công khai xin lỗi trung sĩ Norman Bone vì không kiểm tra kỹ thông tin.

Giấu nhẹm quá khứ hát chuyên nghiệp

Khi đang tham dự mùa thứ ba của cuộc thi X-Factor Anh, nhóm nhạc Avenue đã bị tố gian lận sau khi xuất hiện thông tin họ đã từng ký hợp đồng quản lý với ông trùm âm nhạc Ashley Tabor, người bị cho là định dùng cuộc thi để tìm kiếm sự nổi tiếng cho nhóm. Các phương tiện truyền thông còn tiết lộ rằng thành viên Jamie Tinker của nhóm từng có hợp đồng thu âm với hãng Sony BMG. Các thành viên Avenue khẳng định họ không gian lận và họ vẫn có thể tiếp tục cuộc thi do không bị cho là làm trái quy định, nhưng cuối cùng họ cũng bị loại khỏi vòng tốp 12.

img

The Avenue từng ký hợp đồng thu âm trước khi đi thi X-Factor

 

Kể chuyện bố mất để lấy lòng khán giả

Một thí sinh nữ tên Từ Hải Tinh trong chương trình The Voice của Trung Quốc năm 2012 đã “trải lòng” rằng cô tham gia cuộc thi vì người bố vừa mất 3 tháng  trước để hoàn thành giấc mơ dang dở của ông và bố cô vốn là fan của Huấn luyện viên Lưu Hoan (nam ca sĩ nổi tiếng từng biểu diễn trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh), khiến Lưu Hoan xúc động đến rơi lệ.

img

Từ Hải Tinh bị tố là kẻ "đạo đức giả"

Nhưng sau đó, một số khán giả phát hiện ra rằng đây không phải lần đầu tiên Từ Hải Tinh tham gia thi hát và nói về việc cha mất. Cuộc thi hát gần nhất mà cô tham gia là Blossoming Flowers diễn ra trước The Voice Trung Quốc 2012 đã 3 năm và lúc đó cô cũng nói rằng cha mình vừa qua đời. Điều đó nghĩa là cha của Hải Tinh qua đời ít nhất đã được 3 năm trước khi cô tham gia The Voice nhưng cô vẫn nói dối rằng cha vừa mới mất. Nhiều nguồn tin tiết lộ Hải Tinh từng tham gia rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng nhưng đều không đạt giải cao và lần nào cũng kể chuyện bố mất, mẹ ốm để lấy lòng khán giả.

Không chỉ bị tố nói dối, diễn quá nhiều, Từ Hải Tinh còn bị những người quen biết tố rằng từng lăn lộn khá lâu trong nghề hát nhưng không tạo được bước đột phá.

Đại gia hóa… nông dân

Cũng tại The Voice Trung Quốc, thí sinh Trâu Hoành Vũ kể chuyện là nông dân nghèo ở tỉnh Liêu Ninh, nhưng thực tế anh đang sống ở Đại Liên và cuộc sống rất sung túc. Một thí sinh nam khác là Hoàng Dũng cũng tâm sự anh từng sinh ra trong gia đình nghèo khó và từng phải đi làm thuê, thế nhưng các bức ảnh được truyền thông Trung Quốc khám phá ra sau đó lại cho thấy anh là con trai của một tài phiệt giàu có.

img
img

Trâu Hoành Vũ tại vòng giấu mặt The Voice Trung Quốc và bức ảnh tố cáo thân phận nông dân "dỏm" của anh.

Trước tình trạng The Voice Trung Quốc quá nhiều thị phi, nam ca sĩ Lưu Hoan đã tuyên bố rời khỏi ghế Huấn luyện viên vì không chịu được quá nhiều giả dối cùng với áp lực công việc từ nhiều phía.

Cậu bé hát “Gặp mẹ trong mơ” bị tráo giọng hát

Tại cuộc thi China’s Got Talent 2011, cậu bé người Mông Cổ Uudam 12 tuổi với giọng hát truyền cảm ca khúc Gặp mẹ trong mơ (Mother in the dream) đã lay động trái tim 1300 khán giả tại trường quay cùng giám khảo và gây sốt cả thế giới. Bố mẹ Uudam đã mất sớm vì tai nạn giao thông càng khiến người nghe cảm thấy giọng hát của cậu bé truyền cảm hơn. Nhưng sau đó không lâu, một đoạn clip thu giọng thật của Uudam được tải trên YouTube đã cho thấy một sự thật rằng giọng hát gây sốt cư dân mạng bấy lâu vốn là giọng của Ba Đặc Nhĩ, một cậu bé người Mông Cổ khác, đã được thu âm từ năm 2007.

img

Cậu bé Uudam vốn có giọng hát thật rất nhẹ nhàng, mềm mại

 

img

Ba Đặc Nhĩ- chủ nhân giọng hát trên truyền hình

Ban tổ chức bị cho là “giở chiêu” đánh lừa khán giả truyền hình bằng việc lấy giọng của Ba Đặc Nhĩ thay vào giọng thật của Uudam. Nhiều người không hiểu lý do gì nhà đài làm như thế vì giọng hát thật của Uudam vốn hay ngang giọng của Ba Đặc Nhĩ và sự thật đúng là trong buổi ghi hình ban giám khảo đã xúc động đến mức bật khóc.

Trong vụ lùm xùm này, cả hai cậu bé đều chỉ là nạn nhân và thật sự cả hai đều hát rất hay. Trong phiên bản của Ba Đặc Nhĩ, “mẹ” mà cậu bé hướng tới là quê hương nên cậu bé hát rất mạnh mẽ, tự hào, còn “mẹ” trong ca từ của Uudam là người mẹ đã mất của em nên cách hát của em rất mềm mại và giàu tình yêu thương.

Lỗi chính là ở khâu biên tập trước khi phát sóng mà đến nay người ta vẫn không hiểu tại sao các nhà tổ chức lại phải tráo giọng hát của Uudam. Không rõ là do tạp âm hay do dụng ý muốn tạo xì-căng-đan ngay từ đầu nhưng đây là hành động thiếu tôn trọng khán giả của Ban tổ chức, không chỉ khiến chương trình bị ảnh hưởng mà còn khiến cậu bé Uudam bị nghi hát nhép suốt một thời gian.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo