xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cho thế giới biết đờn ca tài tử

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

GS Nguyễn Vĩnh Bảo được xem là bậc thầy trong việc nghiên cứu và truyền bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đến nhiều quốc gia trên thế giới

Có ý kiến cho rằng GS Nguyễn Vĩnh Bảo đón nhận bằng khen của Thủ tướng cho những đóng góp của ông đối với đờn ca tài tử (ĐCTT) ở tuổi 97 là quá muộn. Công lao của ông trong việc nghiên cứu và quảng bá nghệ thuật độc đáo này ra thế giới là rất lớn. Đặc biệt, ông đã cùng GS-TS Trần  Văn Khê thực hiện thu âm đĩa nhạc ĐCTT Nam Bộ đầu tiên để có được tư liệu giá trị gửi đến tổ chức UNESCO đề nghị công nhận ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngón đàn có hạng

Trước khi trở thành giáo sư âm nhạc, ông Nguyễn Vĩnh Bảo là một nghệ nhân ĐCTT có hạng. Ông thuộc thế hệ học trò của các nhạc sĩ bậc thầy: Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu, ở Bạc Liêu), Trầm Văn Kiên (tức Mười Kiên, ở Cần Thơ); cùng thời với các nhạc sĩ: Chín Kỳ, Nguyễn Văn Thinh (tức Giáo Thinh), Hai Biểu, Chín Trích (cha của nghệ sĩ Tú Trinh), Hai Khuê, Bảy Hàm, Mười Tiễng, Năm Cơ, Văn Vĩ, Sáu Tửng... Ông sớm tiếp cận văn hóa phương Tây khi giảng dạy tiếng Pháp ở Trường Ngô Quang Vinh (khoảng năm 1947) và chơi rất thạo các nhạc cụ: piano, violon, mandoline, guitar.

GS-TS Trần Văn Khê nhớ lại: “Tôi chưa nghe ngón đàn tranh nào hay hơn GS Nguyễn Vĩnh Bảo, vừa bay bướm vừa sâu lắng. Không chỉ chơi giỏi đàn tranh, anh còn đờn tuyệt diệu nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác, như: kìm (nguyệt), gáo, tỳ bà, độc huyền (bầu)... Anh bước vào làng âm nhạc chuyên nghiệp rất sớm, từ năm 1938. Một đĩa hát giá trị còn lưu trữ thu âm tiếng đờn gáo của anh hòa quyện với tiếng đàn tranh của Năm Nghĩa (cha của NSƯT Bảo Quốc), tiếng đàn kìm của Ba Cần và tiếng ca của cô Ba Thiệt (chị của cô Năm Cần Thơ). Bộ đĩa Béka mà tôi đã được nghe đó rất giá trị”.

Với NSND Ngọc  Giàu, lắng nghe từng tiếng rung, tiếng nhấn điêu luyện, tha thiết trên phím đàn kìm, trên dây đàn gáo, đàn tranh của GS Nguyễn  Vĩnh  Bảo, thế hệ nghệ sĩ sân khấu của bà cảm nhận tâm hồn họ sảng khoái, tươi trẻ bởi âm thanh tinh tế, rất có hồn mà ông đã gieo vào lòng người nghe.

Nhà sáng tạo có một không hai

Nhắc đến sự đóng góp của GS Nguyễn Vĩnh Bảo với nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, ThS Huỳnh  Khải cho biết: “Ông còn là nhà sáng tạo âm thanh và nhạc cụ. Tôi được biết ông đã sáng tạo “dây tỳ” (quãng tám), “dây xề-liu” (quãng tư) hồi năm 1935 và minh họa một cách hết sức nhuần nhuyễn kỹ thuật diễn tấu 2 loại dây lạ lùng, thú vị này. Ông mạnh dạn cải tiến đàn tranh với 17, 19 và 21 dây. Trước đó, đàn tranh chỉ có 16 dây. Ông cũng là người đầu tiên thử nghiệm thành công khi đóng hộp đàn tranh bằng gỗ kiri của Nhật Bản. Đây là một loại gỗ có vân sớ tuyệt đẹp, chất xốp vừa đủ tạo nên tiếng âm vang trong sáng cho đàn tranh Việt Nam”.

 

GS Nguyễn Vĩnh Bảo phát biểu tại một hội thảo quốc tế về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ do UBND 
TP HCM cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2013
GS Nguyễn Vĩnh Bảo phát biểu tại một hội thảo quốc tế về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ do UBND TP HCM cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2013

 

Theo GS-TS Nguyễn Thuyết  Phong, hai nhà khoa học Edward Burns và Douglas Keefe tại ĐH Washington  - Mỹ đã đánh giá loại đàn tranh của GS Nguyễn Vĩnh Bảo có độ vang dài nhất trong các loại đàn tranh châu Á. “Ngoài âm sắc đẹp, quý phái, kết quả thử nghiệm đó đáng ghi nhận là hay nhất trong lịch sử chế tác đàn tranh Việt Nam” - GS Phong nói.

Về công việc giảng dạy của GS Nguyễn Vĩnh Bảo, Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan cho rằng đóng góp to lớn của ông chính là áp dụng phương pháp truyền khẩu ở một nghệ nhân có quá trình nghiên cứu nghệ thuật ĐCTT lâu dài. “Tôi học ở thầy rất nhiều sự kết hợp tinh tế giữa nghiên cứu, giảng dạy và tìm sự kết nối tương đồng để sinh viên dễ hiểu, dễ tiếp thu. Với cách đó, người đam mê ĐCTT Nam Bộ đã có nhiều phương pháp học đàn tranh và các loại nhạc cụ khác một cách dễ dàng” - bà nhận xét.

Vẫn truyền dạy ở tuổi 97

GS Nguyễn Vĩnh Bảo cho biết ở tuổi 97, dù đã già yếu nhưng niềm đam mê công việc giảng dạy của ông vẫn không vơi. Hằng ngày, ông vẫn lên mạng từ 2 đến 4 giờ để hướng dẫn học sinh của mình ở mọi nơi qua internet. Nhiều sinh viên người Việt ở các nước Mỹ, Pháp... đang thọ giáo tiếng đàn tranh của ông. Ông cho biết học trò học đàn tranh của ông qua internet với nhiều mục đích khác nhau nhưng tựu trung đều muốn góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Theo GS Nguyễn Vĩnh  Bảo, nhờ thích những trang thơ tiếng Pháp, viết những bài nghiên cứu ĐCTT bằng tiếng Anh nên trí óc ông “vẫn còn sáng”. “Nói một cách nào đó, tôi luôn đặt mình trong tâm thế nâng cao tầm tri thức về âm nhạc, vì vậy không cho phép mình ngơi nghỉ” - ông thổ lộ. 

 

Cánh chim đầu đàn

GS Nguyễn Vĩnh  Bảo là cánh chim đầu đàn của thế hệ hoạt động âm nhạc dân tộc ở miền Nam giữa thế kỷ XX. Ông đã góp công đào tạo các thế hệ giảng viên nòng cốt của Nhạc viện TP HCM và cả nước mà ngày nay, họ đang tiếp bước giảng dạy âm nhạc dân tộc như: Thầy giáo Nguyễn Văn Đời (nguyên Chủ nhiệm Khoa Nhạc cụ dân tộc), Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan, Quỳnh Hạnh, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Hải Phượng... “Điều cao quý ở thầy là sống bằng tình yêu âm nhạc dân tộc. Thầy không dạy vì tiền, có khi lại “năn nỉ” học trò học để giữ vốn quý của âm nhạc dân tộc và tiếp tục lưu truyền” - Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan cho biết.

 

Kỳ tới: Xứng danh bậc thầy đờn, ca

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo