xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Còn đâu sô ca nhạc quy mô!

Thùy Trang

Việc kinh doanh nghệ thuật gặp khó khăn đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng đến mức các nhà tổ chức biểu diễn phải buông tay, quay lưng là điều ít ai ngờ

Giọng ca Peabo Bryson huyền thoại, với ca khúc nổi tiếng “Tonight I celebrate my love for you” dành cho ngày Valentine, dự kiến sẽ có 2 đêm diễn tại Hà Nội và TP HCM. Thế nhưng, trước buổi diễn ở Hà Nội (ngày 12-9) 1 tuần, đơn vị sản xuất chương trình thông báo “sẽ hủy bỏ đêm diễn Peabo Bryson tại TP HCM vì lý do không bán được vé”.

Thói quen xem miễn phí

Với những người làm nghề, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc Công ty Mỹ Thanh dám đầu tư đêm diễn của Peabo Bryson tại Việt Nam là quá dũng cảm. Bởi lẽ, mức đầu tư cho đêm diễn này khá đắt đỏ. Còn với khán giả yêu nhạc, đây là cơ hội hiếm do đã khá lâu, sân khấu ca nhạc không có những đêm diễn thực sự ấn tượng. Vì vậy, khi thông báo phải hủy bỏ đêm diễn của Peabo Bryson tại TP HCM, ban tổ chức cho biết họ cảm thấy mình đã thất bại.

Mỹ Tâm trình diễn trong đêm nhạc “Câu chuyện hòa bình 2”Ảnh: Minh Trần
Mỹ Tâm trình diễn trong đêm nhạc “Câu chuyện hòa bình 2”Ảnh: Minh Trần

Thực tế, các chương trình ca nhạc không bán được vé là tình hình chung. Khán giả tại TP HCM đã có thói quen đi xem sô ca nhạc miễn phí do các công ty quảng cáo và các đài truyền hình tổ chức để đưa lên sóng. Ngoài ra, giá vé những chương trình ca nhạc tạp kỹ tổ chức tại các sân khấu ngoài trời diễn ra hằng đêm cũng chỉ trên dưới 100.000 đồng, lại có đủ các thể loại giải trí trong suốt 3 giờ.

Ở chương trình ca nhạc đầu tư lớn về chất lượng nghệ thuật, để kinh doanh, nhà tổ chức phải chật vật với những bài tính về giá vé và cách thức tiêu thụ vé. Kết quả thường là thu không đủ bù chi, thậm chí lỗ nặng đến mức nhà đầu tư không còn khả năng tái đầu tư. Chẳng hạn, chuỗi chương trình mang tên “Khoảnh khắc vàng” do Công ty Legato tổ chức được đánh giá có đầu tư về chất lượng nhưng phải sớm dừng vì không bán được vé. Chương trình “In the spotlight” của Công ty Mỹ Thanh, từng được đề cử giải Âm nhạc Cống hiến, cũng làm năm có năm không. Tình hình ế ẩm của phòng vé tại các chương trình ca nhạc càng đe dọa ý định tổ chức đêm diễn cá nhân của giới ca sĩ.

“Nếu không có điều kiện làm live show miễn phí thì đừng nghĩ đến nó” - đó là quan điểm chung của nhiều ca sĩ hiện nay. Vì vậy, những hoạch định về mùa live show cuối năm của nhiều ca sĩ còn phụ thuộc vào kết quả có tìm được nhãn hàng đồng hành hay không. “Không có gì bảo đảm chắc chắn. Hiện nay, kế hoạch và thực tế có khoảng cách khá xa” - ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh khẳng định.

Nhiệm vụ bất khả thi

Hầu hết các đơn vị sản xuất đều thấy chán nản với tình hình kinh doanh chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện nay. Công ty Phương Nam Phim từng ngao ngán sau khi tổ chức xong đêm nhạc Vũ Thành An tại Nhà hát Hòa Bình (TP HCM).

Đại diện Công ty Viet Vision, vừa thực hiện chương trình “Câu chuyện hòa bình 2” tại Nhà hát Hòa Bình, thổ lộ: “Chúng tôi biết trước sẽ eo sèo nhưng không nghĩ tình hình lại tệ đến vậy. Ngay với những chương trình mà nhà đầu tư đã xác định từ đầu là phải bỏ tiền để duy trì cũng không dám nói sẽ đi đến đâu dù kế hoạch là xây dựng thành chuỗi chương trình có thương hiệu”.

Trong khi đó, đại diện Công ty Mỹ Thanh cho biết: “Chúng tôi tự bỏ tiền đầu tư với hy vọng tiền bán vé có thể bù đắp được chi phí. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng tôi cũng dự đoán đúng thị trường nên thua lỗ cũng thường xảy ra”.

Hiện nay, một trong những vấn đề khó nhất của các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật bán vé là kêu gọi tài trợ. Tài trợ cho một chương trình biểu diễn tại sân khấu không có truyền hình trực tiếp chẳng thu được gì về hiệu quả quảng bá thương hiệu, trong khi tài trợ cho các chương trình truyền hình thì lợi ích về mặt truyền thông là điều thấy rõ.

Chi phí sản xuất chương trình biểu diễn nghệ thuật ngày càng cao bởi đòi hỏi của người xem. “Tổ chức đêm diễn có lời là nhiệm vụ bất khả thi. Khó trăm bề nên chẳng lạ gì khi các nhà tổ chức biểu diễn đang rút dần khỏi lĩnh vực kinh doanh này. Người có nhiều vốn chọn đầu tư sản xuất chương trình truyền hình, người ít vốn thì tập trung cho các chương trình tổ chức sự kiện” - bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc Phương Nam Phim, cho biết.

Vì thế, nhiều người lo ngại khán giả rồi đây sẽ khó tìm thấy những sô diễn ca nhạc có chất lượng tốt và quy mô đầu tư lớn.

“Ionah show” - thử nghiệm mới

Kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: múa, kịch, xiếc mới, hip hop, nghệ thuật thị giác, âm nhạc, kỹ xảo, ánh sáng... và các công nghệ hiện đại để tạo ra những màn biểu diễn đặc sắc, mới lạ trong không gian nhà hát, “Ionah show” được ê-kíp thực hiện xem là một sự thử nghiệm mới mẻ.

Nhân vật chính của vở diễn là cô gái trẻ mang tên Ionah. Giữa những hờn ghen, giận dữ của tình yêu, Ionah tình cờ rơi vào một thế giới siêu thực. Cô phiêu lưu trong ảo ảnh, gặp gỡ những nhân vật kỳ lạ và đấu tranh, vật lộn với những cảm xúc bất tận để thoát ra, trở về với tình yêu của mình... Trong 1 giờ, những màn biểu diễn đã đánh thức cảm xúc người xem về sự mềm mại cũng như tài năng của các nghệ sĩ khi được hỗ trợ bởi hiệu ứng 3D đầy hư ảo. Ionah có những hoạt cảnh thú vị khiến người xem phải tò mò về những phần diễn biến tiếp theo.

Nghe tên tưởng là tây nhưng Ionah hóa ra chỉ là đảo ngược của Hà Nội - một cách chơi chữ của người làm chương trình. Điểm đặc biệt trong “Ionah show” không đơn thuần chỉ là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật mà còn là sự bắt tay của cả ê-kíp sáng tạo: đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Quốc Trung, biên đạo múa Trần Ly Ly, nhà thiết kế Công Trí, NSƯT xiếc Tống Toàn Thắng - những gương mặt gạo cội hàng đầu của làng giải trí.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho hay anh nhận được lời đề nghị từ nhà sản xuất là phải làm một chương trình nghệ thuật lạ và khó. “Nghe đến lạ và khó là tôi nhận lời ngay. Chúng tôi thực sự xem đây là cuộc chơi để thỏa đam mê với nghệ thuật” - Phạm Hoàng Nam cho biết.

Trong khi đó, nhạc sĩ Quốc Trung cũng trải qua những thử nghiệm mới mẻ khi lần đầu tiên làm nhạc cho nghệ sĩ xiếc. Các diễn viên xiếc thường biểu diễn theo ngẫu hứng tự do, không phụ thuộc vào tiếng nhạc. Bởi vậy, để âm nhạc vừa bắt tai mà vẫn phù hợp với xiếc là điều không hề dễ dàng nhưng Quốc Trung nói anh thích điều đó. Nó cũng giống như việc biên đạo Trần Ly Ly phải sang tận Mông Cổ, Canada... để săn lùng tài năng trẻ về cho sân khấu Ionah vì cô muốn có những diễn viên thật toàn diện. Để có trang phục đúng yêu cầu cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế Công Trí đã mất 8 tháng bay ra bay vào giữa hai miền Nam - Bắc, thậm chí sang tận Las Vegas - Mỹ tham khảo, tìm ý tưởng.

Bỏ ra chi phí lớn, “Ionah show” được xem là nỗ lực làm mới để thoát khỏi cách làm sân khấu truyền thống của nhà sản xuất. H.L.Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo