xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Con sông nào đã xa nguồn

Nguyễn Nhã Tiên

Vào những ngày trời đang giao mùa sắp chuyển vào hè, tôi có dịp đưa các cháu về quê giỗ tộc. Cho dù bây giờ đường ô tô chạy liền một mạch, tăm tắp từ phố xá về làng nhưng tôi lại chọn cái lối đò ngang đò dọc lênh đênh để bọn trẻ được tha hồ bơi lội, tắm táp cùng... cổ tích!

"Ôi chao! Con sông nào đã xa nguồn. Thì con sông đó sẽ buồn với tôi" (thơ Hoài Khanh). Vâng, không chỉ là buồn với tôi mà chắc là sẽ còn buồn với nhiều người. Hình như căn bệnh vong thân cũng bắt nguồn từ chuyện xa nguồn quên nguồn đó. Biết gọi tên một nỗi buồn như thế cũng tức là gọi trí nhớ quay về. Thành ra, chẳng phải riêng gì cho bọn trẻ nhỏ mà là cho chính tôi, có lúc quên tuổi tác khi trên những bến xưa còn dư hương của cái đẹp tựa như trong tranh vẽ của cố danh họa Nguyễn Phan Chánh: Sông biết nhớ từ tóc dài em gội!

Nhưng, dòng sông đang dần vào mùa hạ rồi mà con nước còn đục ngầu như thế kia thì có mà nhuộm vàng, nhuộm đỏ tóc tai chứ tắm táp nỗi gì. Đục ở đây không phải là "Từng giọt phù sa tháng ba tháng bảy" mà là do sự tác hại của môi trường vùng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề suốt từ bao năm nay. Thông thường, những dòng sông con về mùa hạ đều trong veo trong vắt và mực nước xuống rất thấp, có đoạn người ta chỉ cần xắn quần lội qua...

Làng tôi như bán đảo nằm giữa sông nước ba bên bốn bề. Trước làng sông trôi, sau làng sông chảy, vắt từ nhánh sông này qua nhánh sông kia lại cũng một dòng sông. Giàu sông nước như vậy nên phù sa màu mỡ cũng thuộc vào hàng ít ai sánh bằng. Ấy là tôi nói chuyện đời xưa, thuở mà các cô các chị "Qua cồn mang giỏ hái dâu. Hái dâu không hái hái câu ân tình". Vâng, dâu xanh bạt ngàn dâu xanh! Những triền gành cồn bãi tít tắp xanh từ đầu sông đến cuối sông. Mà nào chỉ dâu xanh không thôi, còn bao thứ hoa trái khác: dưa hấu, đậu phụng, đậu xanh, mè, ớt, thuốc lá... cứ thi nhau mà tươi tốt, cứ thi thố với nhau mà đẹp. Đẹp nhất là các chị các em, những buổi chiều mùa xuân mùa hạ, sau những buổi hái dâu, hái đậu, hái dưa..., tất cả đổ ra bến sông ngụp lặn gội tắm, tâm tình. Nước sông mát rười rượi và trong vắt nhìn thấu tận đáy. Từng suối tóc mềm mại như tóc tiên buông lơi theo dòng, da dẻ nõn ra hồng hào giữa sông nước mà thỏa sức trong như ngọc trắng như ngà. Cứ nhìn vào đất đai trù phú đó, người ta sẽ hiểu ra sức sống của hoa trái và văn hóa của vùng đất ấy đẹp đến nhường nào!

Bây giờ thì vẫn những dòng sông ấy nhưng hễ đến mùa lũ lụt thì nước xiết chảy điên cuồng, cây rừng trôi đầy sông. Đến nỗi người ta mô tả: Có thể lội bộ trên cây mà qua sông được. Những vùng đất màu mỡ ven sông xói lở hàng trăm hecta, có làng lở trôi mất. Đến mùa nắng mùa khô nào có hơn gì, nước cạn nông đến kiệt dòng, đục ngầu một màu ô nhiễm bệnh hoạn. Hết những nạn lâm tặc đến sa tặc, đến khoáng tặc, rồi còn bao thứ tặc khác tàn phá vùng đầu nguồn. Những dòng sông quê thương tích đầy mình lặng lẽ chảy qua bao bến bờ hoang vắng.

Nhìn dòng nước lừ đừ chảy đục ngầu sùi những bọt thế kia, bọn trẻ nhà tôi chẳng đứa nào còn tơ tưởng đến tắm gội. Hình ảnh con sông quê đẹp như thơ tôi thường kể cho các cháu nghe, bây giờ bọn trẻ ngỡ như là chuyện hoang đường. Dòng sông nào cũng thương tổn, cũng bị bức tử, đến nỗi có dòng hấp hối. Tiếng báo động kêu cứu từ ngày này qua tháng khác cứ như kinh nhật tụng, vậy mà xem ra chẳng thấm tới đâu. Đấy là chưa nói đến mấy cái thủy điện lớn nhỏ ở trên những non cao. Thủy điện nào ở núi non mà chẳng triệt hạ cây rừng, cày xới đất núi. Lẽ đương nhiên, "bài ca" nghe quen thuộc vẫn là: bố trí kinh phí trồng rừng, rồi cắt lũ vào mùa mưa, bổ sung nước tưới cho mùa khô hạn... Vậy mà thực tế đã trả lời từ bao năm qua là bài học nhãn tiền.

Giữa khoảnh khắc ưu tư ấy, bọn trẻ hồn nhiên hỏi tôi mà như hỏi vu vơ tận đẩu tận đâu: Bao giờ sông lại xanh trong? Làm sao tôi có thể trả lời được một câu hỏi nghe ra đẹp như một ý thơ nhưng lại nhuốm màu tuyệt vọng, nó cũng từa tựa như kiểu hỏi: Bao giờ cho đến ngày xưa? Mà để trả lời, tôi chỉ còn biết ngâm nga câu thơ ngày xưa của cụ Tú Xương cho đỡ buồn: "Lắng nghe tiếng ếch bên tai. Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo