Để biến Nhà hát Lớn Hà Nội thực sự trở thành “thánh đường nghệ thuật”, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
(VH-TT-DL) đề ra phương án đưa những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao của các nhà hát, đoàn hát vào trình diễn tại đây, thay thế các chương trình thương mại giải trí chiếm phần lớn lịch diễn lâu nay.
“Được ăn cả…”
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu rõ: Nhà hát Lớn phải là sân khấu chung để biểu diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VH-TT-DL, cho biết phương án này sẽ được thực hiện ngay từ cuối tháng 8, nhân dịp mừng Quốc khánh 2-9.
Cảnh trong vở “Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ diễn đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội Ảnh: TRƯƠNG NHUẬN
Không chỉ gói gọn trong các loại hình hàn lâm như giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, dự án này sẽ dành chỗ cho nhiều loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam: tuồng, chèo, cải lương. Bên cạnh việc giới thiệu rộng rãi đến công chúng những tác phẩm hay, mong muốn của Bộ VH-TT-DL là tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ có cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật của mình, cống hiến nhiều hơn cho khán giả.
Quyết định của Bộ VH-TT-DL tạo nên sự khích lệ đặc biệt đối với các nghệ sĩ tâm huyết, nhất là nghệ sĩ sân khấu truyền thống. PGS-TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng chủ trương đưa các tác phẩm sân khấu chất lượng cao vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội là việc làm mang tính chiến lược trong việc đưa sân khấu truyền thống đến gần hơn với khán giả.
Sau rất nhiều năm khán giả thờ ơ với tuồng, chèo, cải lương..., nhiều nghệ sĩ kỳ vọng sức hấp dẫn của các tác phẩm kinh điển sẽ kéo công chúng đến rạp hát trở lại. NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, mong mỏi sau những đêm sáng đèn, các loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ dần chiếm được trái tim khán giả.
“Hy vọng qua chương trình này, người xem sẽ đến nhà hát đông hơn, các nghệ sĩ sẽ không phải lo “đầu ra” cho những đứa con tinh thần của mình để toàn tâm cống hiến cho nghệ thuật” - nghệ sĩ Thanh Ngoan kỳ vọng.
Tính khả thi đến đâu?
Dự án của Bộ VH-TT-DL sẽ là cú hích cho các địa phương khác nếu thành công. Tuy nhiên, không ít người lo ngại cho tính khả thi của dự án xét về lâu dài.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Liệu có được những tác phẩm nghệ thuật thực sự đỉnh cao như mong muốn, được công chúng chờ đợi để bán vé hay lại phát hành vé mời như lâu nay vẫn diễn ra ở các chương trình, vở diễn của các đoàn hát quốc doanh? Nếu không có được những vở diễn như vậy thì chủ trương “giải cứu” sân khấu khỏi vòng khủng hoảng cũng như mục đích mang đến cho khán giả những tác phẩm chất lượng cao của Bộ VH-TT-DL có thể sẽ phá sản? Liệu dự án này có đi được đường dài trong điều kiện eo hẹp, bấp bênh về tài chính cũng như sự thiếu vắng, mai một dần những nghệ sĩ tài năng?
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, trong năm 2016, lịch biểu diễn ở “thánh đường nghệ thuật” này sẽ dành cho 12 đơn vị công lập trực thuộc Bộ VH-TT-DL. Tuy nhiên, ông Chương khẳng định cơ hội được biểu diễn ở Nhà hát Lớn vẫn mở rộng cho tất cả nhà hát trên cả nước, không phân biệt công lập hay xã hội hóa, miễn là có tác phẩm chất lượng cao.
Ông Chương cho biết theo khảo sát của Bộ VH-TT-DL, cả nước có 130 đơn vị nghệ thuật công lập nên tác phẩm hiện rất phong phú, đa dạng với nhiều tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trực tiếp giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thẩm định tác phẩm nghệ thuật; Thứ trưởng Vương Duy Biên là Phó Chủ tịch Thường trực cùng các đạo diễn, nhà chuyên môn nên vở diễn, chương trình được chọn phải có chất lượng cao. Tới đây, hội đồng sẽ mời các chuyên gia theo từng loại hình nghệ thuật để thẩm định tác phẩm, khi thấy có chất lượng tốt mới mời giới thiệu tại Nhà hát Lớn.
Về kinh phí, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho hay bộ sẽ hỗ trợ các nhà hát bằng nguồn xã hội hóa chứ không dùng kinh phí nhà nước. “Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là đơn vị trực tiếp thực hiện khâu phát hành vé. Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chỉ chuyên tâm sáng tạo nghệ thuật, tạo ra tác phẩm chất lượng tốt nhất để biểu diễn tại nhà hát” - ông Biên giải thích.
Hiện nay, đã có 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang, ngân hàng đồng hành cùng chương trình với tư cách nhà tài trợ. Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL không cho biết mức tài trợ và thời gian tài trợ bao lâu. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, nguồn kinh phí của các doanh nghiệp tài trợ và nguồn thu từ bán vé đều tập trung về đầu mối là Văn phòng Bộ VH-TT-DL. Trên cơ sở doanh thu đó, văn phòng sẽ báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo bộ xem phần nào dành cho Nhà hát Lớn, phần nào hỗ trợ các đơn vị bồi dưỡng nghệ sĩ. Còn doanh thu như thế nào, phân bổ ra sao thì khi thực hiện, bộ mới triển khai. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL cũng đã có kế hoạch phối hợp với các công ty lữ hành và doanh nghiệp đưa nội dung biểu diễn nghệ thuật vào những tour du lịch.
Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, đơn vị có 2 vở diễn được giới thiệu từ nay đến cuối năm là “Công lý không gục ngã” và “Ai là thủ phạm” - cho rằng dù kinh phí dự kiến mà Bộ VH-TT-DL dành cho các nhà hát không nhiều nhưng đó cũng là sự khích lệ lớn. “Điều quan trọng hơn là các nghệ sĩ được thể hiện mình, được cống hiến cho công chúng những tác phẩm xuất sắc” - ông Nhuận nhìn nhận.
Giá cho thuê chỉ 50%
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội, cho hay thông thường, giá cho thuê một đêm diễn của nhà hát này là khoảng 40-45 triệu đồng. Tuy nhiên, trong khuôn khổ dự án của Bộ VH-TT-DL, giá cho thuê nhà hát chỉ 25 triệu đồng, đủ chi phí điện nước và bồi dưỡng cán bộ, nhân viên. Theo bà Nguyệt, nhà hát đang cùng Văn phòng Bộ VH-TT-DL lên kế hoạch chiến dịch truyền thông quảng bá để đưa khán giả đến với các buổi diễn. Mức vé dự kiến mà Nhà hát Lớn đưa ra là từ 300.000-500.000 và 1 triệu đồng/vé.
Bình luận (0)