xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Game show truyền hình vô bổ: “Triệt” từ đâu?

Thùy Trang

Sự gắn kết lợi ích giữa nhà đài, nhà sản xuất và nhà quảng cáo mang tính sống còn nên “triệt” game show truyền hình vô bổ không phải dễ

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Cần “triệt” game show truyền hình vô bổ” trên số báo ra ngày 27-2, rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến đồng tình và mong muốn cơ quan chức năng sớm can thiệp. Liệu có “triệt” được game show vô bổ trên sóng truyền hình không, khi lợi ích nhà đài, nhà sản xuất, nhà quảng cáo gắn kết nhau mang tính sống còn? Đó là câu hỏi cần có lời giải.

Tranh sóng giờ vàng

Xã hội hóa về sản xuất các chương trình truyền hình là xu thế tất yếu. Thế nhưng, mục đích liên kết tốt đẹp ban đầu dần dần trở thành chuyện phân giờ bán sóng, giao khoán hẳn cho các đơn vị tư nhân tự chủ kinh doanh, chỉ cần họ mang lại doanh số quảng cáo đạt mức yêu cầu của nhà đài.

Một trong những chương trình bị chỉ trích nhiều hiện nay là “Thách thức danh hài”
Một trong những chương trình bị chỉ trích nhiều hiện nay là “Thách thức danh hài”

Nếu để ý, mọi người sẽ thấy giờ vàng trong những ngày cuối tuần của các kênh truyền hình có đông người xem đều được “xí phần” bởi công ty A, B, C, D… nào đó. Thậm chí, chỉ cần xem khung giờ phát sóng ngày nào trong tuần, khán giả cũng biết chương trình đó là của công ty nào. Thuật ngữ “phân giờ bán sóng” truyền hình cũng từ đó mà có, râm ran lâu nay trong giới dù không được thừa nhận chính thức.

“Tất nhiên, không phải cứ có tiền là có thể tham gia liên kết được với nhà đài”- đại diện một đơn vị sản xuất chương trình truyền hình thế hệ đầu tiên xác nhận. Chị khẳng định đến nay, công ty của chị vẫn còn một số chương trình (chủ yếu về đề tài gia đình, nữ công gia chánh) được phát sóng với mức phí bản quyền khá thấp so với thời giá. Vậy nên, việc đơn vị tư nhân nào có kinh nghiệm, có mối quan hệ tốt với nhà đài được ưu tiên giờ phát sóng đẹp và độc quyền sử dụng một kênh riêng là thật. Một công ty tư nhân ăn nên làm ra với chương trình mà họ sản xuất có rating (hiệu suất khán giả theo dõi) cao, hút quảng cáo nhiều lại càng dễ “sở hữu” sóng giờ vàng. Thậm chí, sóng truyền hình các kênh giải trí được bán đứt từ năm này qua năm khác cho một vài công ty.

“Hiện nay, nhiều đơn vị nhảy vào kinh doanh truyền hình giải trí nên cạnh tranh nhau là tất yếu. Nếu không khôn khéo, kinh doanh không hiệu quả là phá sản và bị đơn vị khác lấy mất sóng giờ vàng. Chính vì sự khắc nghiệt này mà không phải ai cũng trụ được” - đại diện một đơn vị sản xuất chương trình cho biết.

“Sống chết” tìm khán giả

Chi phí đầu tư sản xuất một chương trình truyền hình có khi lên đến cả chục tỉ đồng. Nếu đơn vị đầu tư không bán được quảng cáo trong chương trình của mình là thất bại.

Áp lực chỉ số người xem ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo khiến nhiều đơn vị phải dựa vào thị hiếu khán giả để sản xuất chương trình. Sức ép giữ sóng khiến các đơn vị sản xuất chương trình phải “sống chết” tìm khán giả. Thậm chí, áp lực chỉ số khán giả ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo khiến nhà đài chấp nhận dễ dãi về nội dung, miễn sao chương trình có thể thu hút người xem.

“Những chương trình “nhảm” xuất hiện ngày càng nhiều vì lý do đưa ra là khán giả truyền hình hiện nay thích được thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Sự thắng thế của nhiều game show hài là minh chứng” - giám đốc một công ty sản xuất chương trình truyền hình (đề nghị giấu tên) khẳng định.

Các nhà sản xuất biện minh rằng đừng quá coi trọng game show trong việc định hướng thẩm mỹ nghệ thuật bởi đơn giản, đây chỉ là chương trình giải trí không hơn không kém. Thế nhưng, trong khâu quảng bá, nhà sản xuất nào cũng đẩy chương trình của mình lên “tầm cao” với vai trò tìm kiếm tài năng cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của nước nhà. Đây là điều nguy hiểm bởi chính nó làm lệch lạc nhận thức thẩm mỹ của khán giả trẻ và làm đảo lộn thang giá trị.

Chương trình tử tế chịu thiệt

Thực tế, nhiều chương trình tử tế thường không thu hút người xem bằng những chương trình giải trí vô bổ mà dùng chiêu trò. Các chương trình có ý nghĩa giáo dục, phát triển tư duy, bổ sung kiến thức xã hội, thậm chí là du lịch, đều không có nhà tài trợ vì thiếu rating.

“Thực tế cho thấy chương trình tồn tại được phụ thuộc vào nhà tài trợ, quảng cáo. Tôi bỏ tiền túi để thực hiện một chương trình về du lịch. Khi hợp tác với nhà đài để phát sóng, đó chỉ mới là khâu bắt đầu. Nếu sau khoảng thời gian nhất định, chương trình không thu hút được nhà tài trợ thì chắc chắn chúng tôi phải trả sóng. Sự khắc nghiệt đang “giết chết” nhiều đơn vị sản xuất muốn thực hiện các chương trình tử tế” - đại diện một đơn vị làm chương trình truyền hình bày tỏ.

Rõ ràng, công chúng đang dễ dãi tiếp nhận tiếng cười. Điều này là cơ sở để những chương trình chỉ thỏa mãn yếu tố giải trí, thậm chí vô bổ, còn đất phát triển. Một khi nhà tài trợ, quảng cáo chỉ quan tâm đến hiệu ứng người xem mà không nghĩ đến hiệu quả phát triển văn hóa, thẩm mỹ từ đồng tiền tài trợ của mình thì game show vô bổ tiếp tục còn nguồn sống.

Tăng cường thẩm định kịch bản, sản xuất kỹ lưỡng

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Quảng cáo Sóng Vàng, nhận xét: “Mọi người nên nghĩ thoáng rằng game show cũng chỉ là một cuộc chơi chứ không phải thi thố cạnh tranh gay gắt. Game show để phục vụ khán giả đại chúng nên thị hiếu họ ra sao, nhà sản xuất sẽ phục vụ như thế. Nếu thị hiếu chung của họ thay đổi, nhà sản xuất cũng thay đổi theo. Những chương trình được xuất hiện trên truyền hình luôn qua quá trình kiểm duyệt của nhà đài nên yếu tố phản cảm, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục đã được loại bỏ. Hẳn nhiên, người làm văn hóa, nghệ thuật cũng phải nhận biết và tránh đưa những điều thô tục, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục lên truyền hình vì nó ảnh hưởng đến trẻ em, tác động xấu đến thế hệ tương lai”.

Theo ông Thư Hùng, đại diện truyền thông Vietcomfilm, những game show mang tính giáo dục, cập nhật kiến thức dễ bị khô cứng, thiếu hấp dẫn. “Không phải sau sự cố vừa rồi thì các cơ quan chức năng mới cần rà soát. Thực tế hiện nay, các đài đều tăng cường việc rà soát, thẩm định để hạn chế thấp nhất các game show không đáp ứng yêu cầu, không hay hoặc có những chi tiết phản cảm đưa lên sóng. Giải pháp đầu tiên vẫn là tăng cường khâu thẩm định kịch bản và quá trình sản xuất thực hiện kỹ lưỡng hơn. Các đài truyền hình cũng cần có thêm biện pháp để cân đối theo hướng tăng thêm game show mang tính giáo dục, cập nhật kiến thức; khuyến khích, tăng cường kinh phí đầu tư, không quá đặt mục tiêu, áp lực về doanh thu quảng cáo cho loại hình game show này” - ông Hùng đề xuất.

M.Khuê

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo