xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia tài của bố mẹ cho con là nghề

MINH NGA

NSƯT Đặng Hùng nói nếu ngày đó chúng tôi không kiên quyết thì chắc Linh Nga cũng chỉ theo nghề một cách nghiệp dư chứ không được như ngày hôm nay

Nghệ thuật múa quả là người se duyên mát tay cho vợ chồng NSƯT Đặng Hùng và NSƯT Vương Linh. Bảy năm từ khi lướt những bước chân đầu tiên ngập ngừng trên mặt sàn tập ở Khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội) cho đến khi tốt nghiệp Trường Múa Hà Nội, cộng thêm 6 năm du học ở Liên Xô đã ghép Đặng Hùng - Vương Linh thành một đôi trên sân khấu và cả trong cuộc đời.

Nuốt nước mắt để con đi xa

Hơn 20 năm, NSƯT Đặng Hùng vẫn chưa quên được những ngày tháng khổ luyện ở nước Nga xa xôi, lạnh giá và khi về Việt Nam, 2 vợ chồng phải gửi con gái 3 tháng tuổi cho ông bà ngoại, bôn ba với múa từ Bắc vào Nam. “Ngày nào chúng tôi cũng phải tập và biểu diễn từ sáng sớm đến khuya. Tôi đèo vợ trên chiếc xe đạp lọc cọc, đi diễn từ sô lớn, sô nhỏ khắp các ngõ ngách Sài Gòn, có đêm diễn đến 13 sô” - ông kể.

 

Vợ chồng NSƯT Vương Linh - NSƯT Đặng Hùng và con gái Linh Nga (hàng đầu) trong chương trình múa Sen năm 2011 
(Ảnh do NSƯT Đặng Hùng cung cấp)
Vợ chồng NSƯT Vương Linh - NSƯT Đặng Hùng và con gái Linh Nga (hàng đầu) trong chương trình múa Sen năm 2011 (Ảnh do NSƯT Đặng Hùng cung cấp)

 

Những tưởng nếm đủ bao khó khăn, vất vả trong nghề múa, Vương Linh - Đặng Hùng sẽ không đời nào cho con gái theo nghề. Nhưng lúc Linh Nga ra đời, họ đã quyết tâm phải để con nối nghiệp mẹ cha. NSƯT Đặng Hùng bảo, cả đời cha mẹ theo nghề múa, chẳng có tài sản gì lớn lao để lại cho con ngoài cái nghề này cả. Lúc Linh Nga 5 tuổi, ông chủ động cho con tiếp cận với múa trong khi học lớp khiêu vũ của NSND Kim Quy. Năm 1995, Linh Nga học tại lớp múa “Những ngôi sao nhỏ” do bố mẹ mở. Năm 1998, Linh Nga 12 tuổi, được cha mẹ cho sang học tại trường múa Quảng Đông - Trung Quốc.

Để con gái đi học xa lúc mới 12 tuổi, Vương Linh - Đặng Hùng đã trăn trở biết bao nhiêu. “Từ nhỏ Linh Nga được cưng chiều, chăm sóc chu đáo. Lúc chuẩn bị lên đường, con bé còn xỏ tất ngược mà!” - ông bùi ngùi. NSƯT Vương Linh nhớ lại: “Lúc ra sân bay, con gái ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi vừa khóc vừa nắm tay chồng, hỏi: Liệu mình có quyết định đúng hay không anh?”. Hai vợ chồng phải nuốt nước mắt vào trong, cố gắng vui cười để con yên tâm đi học. “Có lần Linh Nga gọi điện về khóc: Con đang tập luyện vui vẻ với bạn bè trong nhóm thế kia, sao bố mẹ lại bắt con đi? Lòng tôi đau như cắt. Chúng tôi sống tằn tiện, thậm chí bán đi nhiều vật dụng trong gia đình để mua vé máy bay sang thăm con. Nhìn con tập luyện vất vả, ký ức về những ngày tháng nhọc nhằn theo nghề của 2 vợ chồng lại trỗi dậy” - ông chia sẻ.

“Nhiều người nói rằng vợ chồng tôi quá liều lĩnh khi để con gái đi học như vậy. Hai năm sau, Linh Nga viết thư bảo: Con có thể nhịn ăn nhịn uống 2 ngày nhưng con không thể nhịn múa được 1 ngày. Chúng tôi thấy nhẹ nhõm hẳn, thấy quyết định của mình là đúng đắn” - NSƯT Đặng Hùng nói.

Thấm hết đam mê và nhọc nhằn của cha mẹ

Theo NSƯT Đặng Hùng, khi con có năng khiếu và đam mê, định hướng gia đình rất quan trọng. Việc để con đi học múa ở Trung Quốc - nơi có nền nghệ thuật múa phát triển mạnh là định hướng mang tầm chiến lược. “Nếu ngày đó chúng tôi không kiên quyết thì chắc Linh Nga cũng chỉ theo nghề một cách nghiệp dư chứ không được như ngày hôm nay. Thành công nào cũng có cái giá của nó. Tuy cả tuổi thơ Linh Nga phải xa gia đình, học hành và luyện tập vất vả nhưng nay con bé đã trở thành một đồng nghiệp xứng đáng nối nghiệp vợ chồng tôi, gìn giữ và phát huy nghề múa. Chúng tôi cũng phải chấp nhận hy sinh rất nhiều, tài chính lẫn tình cảm để con theo nghề” - ông nói.

Vợ chồng Đặng Hùng - Vương Linh chẳng bao giờ kể cho con gái nghe những vất vả nhọc nhằn mà họ trải qua với nghề, bởi: “Từ khi còn trong bụng mẹ, con đã nhảy múa rồi. Lúc con theo bố mẹ đi diễn, khi bước xuống sân khấu, tôi thường ôm con gái vào lòng. Trong hơi thở dồn dập, mồ hôi, hơi ấm của tôi truyền cho con còn có cả niềm đam mê” - ông nói. Với Linh Nga, 6 năm học trung cấp múa ở Quảng Đông và 4 năm học khoa diễn viên múa ở Bắc Kinh cũng đủ để cô “thấm” hết bao nỗi nhọc nhằn của nghề múa, niềm đam mê bố mẹ đã truyền cho mình. Từ đó càng trân trọng và biết ơn con đường mà họ thay cô chọn lựa. “Tôi biết bố mẹ đã dành cho tuổi trẻ để theo đuổi, nỗ lực và gầy dựng nghề múa, thành ra càng theo nghề, tôi càng ý thức phải giữ gìn, kế nghiệp của gia đình” - Linh Nga nói thêm.

Cũng như Linh Nga, Tạ Thùy Chi, con gái của NSND Kim Dung và GS-NSND Tạ Bôn cũng nối nghiệp mẹ. Tạ Thùy Chi may mắn khi được bố mẹ dẫn dắt, làm quen, biết đến nghệ thuật, hiểu được những cái đẹp trong nghệ thuật từ bé. Và quan trọng hơn là họ mang đến cho cô một bước đi rõ ràng hơn. Biên đạo múa Trần Ly Ly cũng là con nhà nòi về múa, bố là hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, mẹ từng là diễn viên ba-lê của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Trần Ly Ly cho rằng: “Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, múa là “số phận” của tôi nên tôi phải kế nghiệp gia đình là đương nhiên”.

Nhưng NSƯT Đặng Hùng cho rằng cha mẹ định hướng cho con phải trên cơ sở con thực sự có khả năng và yêu nghệ thuật múa. Nếu không thì sẽ trở thành khiên cưỡng, ép buộc và không đạt được thành quả cho con cũng như mong muốn của bố mẹ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo