xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữa vầng sáng ân tình

Cát Vũ

Tôi trở lại thăm nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc sau một thời gian dài, kể từ lúc anh và người vợ đầu - ca sĩ Họa Mi - mỗi người một lối rẽ.

Căn nhà thấp nhỏ ngày nào trong con hẻm ở cuối đường Nguyễn Ðình Chiểu (quận 3 - TPHCM) giờ đã là một ngôi nhà 3 tầng khang trang, sáng sủa. Còn gia chủ, nghệ sĩ kèn tài hoa Lê Tấn Quốc, cũng không khác xưa mấy, dáng dấp tuy có "tròn" ra chút ít vì tuổi tác nhưng nhìn chung vẫn còn rất phong độ. Ðiều làm tôi mừng hơn là nụ cười luôn nở trên môi anh trong suốt buổi trò chuyện, nụ cười của một người đã bình tâm khi "họa đến biết chịu và phước đến biết hưởng", dù đôi mắt anh giờ đây, sau hàng chục năm cố vùng vẫy giành giật ánh sáng, đã thực sự chìm hẳn vào bóng tối.
 
img
Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 
Lê Tấn Quốc nửa đùa nửa thật, gọi ngôi nhà lầu "ba tấm" đẹp đẽ mình mới xây là… ngôi nhà tình thương. Anh kể khi căn nhà cũ gia đình anh ở trên dưới 30 năm đã bắt đầu mục nát, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, muốn gia cố lại cũng không có tiền nên anh định bán đi, ra miệt ven mua miếng đất dựng nhà lá ở tạm. Biết tin, một người cháu làm ngành xây dựng nói rằng nếu chú cần xây nhà để con lo.
 
Học trò, khi nghe ý định của anh, cũng vội can, thầy không thể sống xa trung tâm thành phố, phải ở lại đây. Rồi không biết bằng cách nào, họ hàng bà con, bạn bè tứ xứ, học trò cũ mới khắp nơi, chính quyền phường, khóm… cùng gom góp được một số tiền lớn đủ xây lên ngôi nhà. Người cho sơn nước, kẻ tặng dàn cửa, người khác trang bị dàn bếp… Học trò, kẻ khiêng đến cái giường, người đem qua máy nước nóng, người khác nữa tặng thầy bàn cầu… Rơm rớm nước mắt, anh tâm sự: "Suốt gần 2 năm qua, nhiều khi ngồi đây, tôi không hiểu sao mình có được ngôi nhà!". Rồi anh mỉm cười tự lý giải: "Bị mù đôi mắt, bị đổ vỡ hôn nhân là cái họa nhưng có khi lại là cái phúc".

Lê Tấn Quốc lâu nay chỉ chịu làm thầy những ai thực sự yêu thích cây kèn saxo. Trước khi nhận dạy, bao giờ anh cũng chỉ dẫn cho họ rất kỹ, vậy nên, học trò anh không chỉ có những em luyện thi để vào trường nhạc chuyên nghiệp mà còn gồm nhiều thành phần như sinh viên, công nhân, công chức, bác sĩ… Tất cả họ đến với anh chỉ vì đam mê và đều dành cho ông thầy "khiếm thị" tình thương vô bờ bến.

Trong cái phúc của Lê Tấn Quốc, có một người mà anh trìu mến gọi là bà tiên đỡ đầu. "Bà tiên" ấy là chị Quỳnh Nga (người vợ đầu của cố nhà báo Lý Quý Chung), một bà chủ lớn trong ngành ẩm thực ở thành phố với nhiều nhà hàng nổi tiếng, mở đầu là nhà hàng Thanh Niên. Ngày ấy, anh từ Pháp trở về với nỗi đau của một người đàn ông phải bất lực buông tay xa lìa tổ ấm gia đình, cùng với nỗi buồn bất tận về đôi mắt bị thoái hóa võng mạc sắc tố không phương cứu chữa. Ðau buồn, anh chỉ muốn chui vào vỏ ốc, không thiết bon chen gì nữa nhưng rồi một hôm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họa sĩ Trịnh Cung dẫn một phụ nữ đến nhà tìm anh, giới thiệu là bà chủ nhà hàng Thanh Niên, muốn mời Lê Tấn Quốc về chơi cho "Piano bar" mới mở tại nhà hàng.
 
Những ngày đầu, anh vừa thổi kèn vừa rơi nước mắt, khóc cho số phận mình. Thấy vậy, bà Quỳnh Nga nhẹ nhàng nói với anh rằng người ta đến nhà hàng này với mục đích tìm hai người, tìm Quỳnh Nga để ăn và tìm Lê Tấn Quốc để nghe. Ăn xong về người ta quên nhưng nghe xong về người ta nhớ. Mình mù nhưng có cái để lại được trong lòng người ta, mù nhưng chỉ huy 8 người sáng mắt, mù nhưng là trụ cột của gia đình, không sống bám vào ai… Từ đó, nước mắt anh thôi chảy theo tiếng kèn và sự nồng ấm của tình người, của khán giả đã làm trái tim anh thôi buốt giá.
 
Anh nói chị Quỳnh Nga là người đã kéo anh lên từ vực thẳm, là ân nhân mà suốt đời anh mang ơn. Lê Tấn Quốc miệt mài làm ở đây 13 năm và sau khi nhà hàng Thanh Niên đóng cửa, anh lại tiếp tục cộng tác với ân nhân của mình tại nhà hàng Maxim Nam An trên đường Ðồng Khởi, quận 1 suốt 6 năm qua. Anh tâm sự, có những bữa vắng khách cầm chắc lỗ, chị vẫn trả tiền ban nhạc đầy đủ. Thấy anh tỏ vẻ ái ngại, chị cười trấn an "… thì tui nghe". Vì vậy, suốt hơn 20 năm qua, cây saxophone Lê Tấn Quốc đã luôn từ chối mọi lời mời với lương bổng hậu hĩnh từ nhiều nơi.

Với nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc, thời gian chính là thần dược. Trở về sau cuộc chia ly buồn ở sân bay Paris, 3 năm sau, anh quyết định tái hôn. Người vợ mới tên Hương Loan, vốn là "cô bé" đến sống với gia đình anh năm 13 tuổi, xinh đẹp, đảm đang và rất có tình. Suốt 3 năm đầu ca sĩ Họa Mi định cư ở Pháp, 3 đứa con nhỏ của anh ở đây được Hương Loan chăm sóc, thương yêu như người mẹ thứ hai. Rồi khi mẹ anh bệnh, nằm liệt giường suốt 9 năm, cũng một mình cô bón từng muỗng cơm, bồng bế tắm rửa, vệ sinh hằng ngày. Tuy cô không hề nói nhưng anh hiểu, phải dành cho anh tình cảm sâu đậm như thế nào đó, cô mới đủ sức mạnh để làm được những điều ấy. Anh và người vợ sau đã có với nhau 2 cậu con trai (18 và 10 tuổi) rất khôi ngô.

Hỏi về người vợ đầu nổi tiếng mà Lê Tấn Quốc luôn thân tình gọi là "bà Mi", anh cho biết giữa họ bây giờ là một tình bạn đẹp. Chính Họa Mi ngày ấy đã biên thư về nhờ cô Hương Loan thay mình chăm sóc "lâu dài" người chồng cũ. Và năm 2009, một trong 3 album Họa Mi về nước thực hiện có sự cộng tác của Lê Tấn Quốc trong vai trò người đệm kèn.

Nhạc sĩ Lê Tấn Quốc cầm tinh con rắn, tuổi Quý Tỵ, bước vào mùa Xuân này là tròn 60 tuổi. Cây tenor sax tài hoa cho rằng từ đây, những năm tháng anh sống chính là món lộc trời cho và anh sẽ sống hết mình để đáp lại những ân tình mà cuộc đời đã trao tặng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo