xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hà Nội: 104 di tích bị xâm hại

Thuận Anh

Thực trạng này phường biết, quận biết, TP cũng biết nhưng do tồn tại quá lâu nên việc giải quyết hết sức khó khăn

Theo thống kê mới đây của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, trên địa bàn hiện có 104 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và TP bị các hộ dân và cơ quan lấn chiếm khuôn viên khu vực 1. Nếu tính cả khu vực 2 thì số di tích có hộ dân đang sinh sống là 166. Việc di dời 1.203 hộ dân đang sinh sống và 11 cơ quan đang ở nhờ ngay trong khuôn viên khu vực 1 của 104 di tích được xếp hạng này là điều không hề dễ dàng đối với chính quyền địa phương.

Cửa chùa, ai muốn chiếm thì chiếm?

Cũng theo thống kê nêu trên, nhiều di tích có tới hàng chục hộ dân đang sinh sống như: chùa Đồng Quang (quận Đống Đa), cụm chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa (quận Hai Bà Trưng), chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng), chùa Ngũ Xã (quận Ba Đình), chùa Quang Minh (quận Đống Đa)…

Bị chiếm dụng buôn bán như thế này, khó ai có thể nhớ đây là đình Hà Vỹ, ngôi đình thờ ông tổ nghề hàng sơn tại Hà Nội Ảnh: YẾN ANH
Bị chiếm dụng buôn bán như thế này, khó ai có thể nhớ đây là đình Hà Vỹ, ngôi đình thờ ông tổ nghề hàng sơn tại Hà Nội Ảnh: YẾN ANH

Cụm chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa có tới 40 hộ dân sống trong khuôn viên. Những hộ này vốn đi kinh tế mới về, là người quen của người trông nom di tích hay các trường hợp sau khi bị giải tỏa để xây dựng Công viên Thống Nhất đến ở. Sư trụ trì Thích Đàm Nghiêm ở chùa Quang Hoa cho biết khuôn viên chùa trước đây rất rộng nhưng do bị xây lấn nhiều nên ngày càng hẹp lại. Thậm chí, phía trước tam bảo cũng có 3-4 hộ dân sinh sống nên muốn lên đây phải đi lối cửa ngách.

Cũng do người dân vào ở nhờ nên chùa Đồng Quang hiện có tới khoảng 100 người của 15-16 hộ dân đang sinh sống. Sư trụ trì chùa này cho biết bà đã mua lại phần diện tích của 2 hộ dân sống ngay khu tam bảo để giải tỏa không gian chùa. Trước đây, người ta xây nhà ngay trước hè, sát cột đồng trụ, làm nhà vệ sinh sát mép tường chùa. Ngay cả nhà Mẫu cũng bị người dân dùng làm nơi ở, sau mới trả lại nhà chùa do những bất tiện trong cuộc sống.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Liên Phái - từ khi ông về đây năm 1997, chùa đã có hơn 40 hộ dân với gần 200 người sinh sống. Nhà dân xây dựng sát cửa chùa nên cửa ra vào khu thờ tự không thể mở được, duy nhất cánh cửa bên phải chùa còn có thể ra vào. Cả hiên nhà Mẫu, vườn tháp, nhà tăng cũng đều bị người dân chiếm dụng xây nhà.

Vào đình mở quán, bán rau...

Đến đình Hà Vỹ - số 11 Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm - không ai nhận ra đó là một di tích khi cổng vào bị nhà dân xây kín, chỉ chừa một lối đi cực hẹp. Sân đình bị chủ quán ăn trước cổng chiếm dụng để xoong nồi, bàn ghế, bát đũa, xô chậu ngổn ngang. Thậm chí, đồ đạc bày kín cả trước lầu cô, lầu cậu.

Ông Vũ An Toàn, người trông coi đình Hà Vỹ, cho biết trước đây, vài hộ dân vào di tích này ở nhờ rồi cư ngụ luôn cho đến nay. Tệ hại hơn, người ta còn xây nhà vệ sinh ngay sát đình. Hiện nay, trong khuôn viên đình có 4 hộ gia đình nhưng họ đã khóa cửa, chuyển đi nơi khác ở. Hai cửa hàng phía mặt đường Hàng Hòm bị người chiếm dụng cho thuê bán sơn cồn và cơm bình dân.

Theo ông Toàn, vào ngày rằm, mùng một, người dân xung quanh đến hương khói rất khó khăn khi ra vào. Dù chủ quán ăn được nhắc nhở dọn dẹp nhưng chỉ được ít lâu là đâu lại vào đó.

Trong khi đó, dù là di tích cấp quốc gia song đình Trung Yên (ngõ Trung Yên, quận Hoàn Kiếm) thờ tiến sĩ thời nhà Mạc lại ở trên tầng 2, còn tầng dưới là 3 hộ dân sinh sống. Lối lên đình bị người dân chiếm dụng bày bán rau, mỗi lần khách đến viếng phải chờ dọn hàng sang một bên. Do diện tích chật hẹp nên các gia đình phía dưới cũng sống chen chúc nhau, mỗi hộ chỉ được vài mét vuông, chật chội, ẩm thấp, chỗ phơi quần áo không có, còn khu phụ rất mất vệ sinh...

“Lịch sử để lại”

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, việc các hộ dân vào sống trong chùa là do “lịch sử để lại” từ nhiều chục năm trước.

Những năm 1960, nhiều người Hà Nội đi vùng kinh tế mới trở về không có đất ở nên vào chùa sinh sống. Số khác là người dân ngoài bãi sông Hồng chạy lụt những năm 1971-1972 vào ở nhờ trong di tích. Ngoài ra, một số trường hợp là con cháu, người quen của người trông nom di tích đến ở bên cạnh những người tự ý vào sinh sống. Nhiều UBND phường, xã, các trường học, hợp tác xã không có địa điểm hoạt động cũng vào những di tích này.

Do công tác quản lý di tích lúc đó chưa được quan tâm như bây giờ, các hộ dân ở lâu ngày rồi tự ý xây dựng nhà, kết hôn nên số nhân khẩu ngày càng tăng lên. Ông Tiến thẳng thắn cho rằng phường biết, quận biết, TP cũng biết nhưng do tình trạng này tồn tại quá lâu nên khó khăn trong việc giải quyết, trả lại không gian cho di tích.

Theo Luật Di sản, yêu cầu bắt buộc là phải di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực 1 của những di tích đã được xếp hạng. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng. Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, đến nay, toàn TP có hơn 20 di tích đã di dời các hộ dân, trong đó quận Hoàn Kiếm 10 di tích, quận Hai Bà Trưng 7 di tích và quận Đống Đa 4 di tích. Để di dời hàng ngàn hộ dân và tôn tạo lại các di tích thì Hà Nội cần một nguồn kinh phí, một quỹ nhà tái định cư lớn, không thể giải quyết cùng một lúc.

Kỳ tới: Tiền đâu để di dân?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo