xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hà Nội, mùa này...

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

“Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ. Tôi vội vã trở về. Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen. Dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ…” (Hà Nội ngày trở về - Phú Quang)

Mùa thu đến giống như một cái van xả của thời tiết tâm lý Hà Nội. Sau những tháng mùa hè nóng nực đến khó chịu, ào một cái, gió heo may, mưa thu, nắng thu và nhất là cái lạnh đầu mùa làm biến đổi phố phường đến nỗi như một chốn khác. Nó làm tan đi nỗi nhọc nhằn, như một phần thưởng, như một niềm an ủi cho cuộc sống thực ra rất nhọc nhằn ở Hà Nội. Khoác tấm áo rét lên người, chúng ta cảm thấy nhịp sinh học của mình như thư thái lại. Chúng ta bỗng dưng ngâm nga vài giai điệu thu ca.

Những ngày này, hoa sữa rơi đầy trên các con phố thủ đô Ảnh: PHONG LINH
Những ngày này, hoa sữa rơi đầy trên các con phố thủ đô Ảnh: PHONG LINH

Tôi chợt thắc mắc: Liệu chúng ta yêu mùa thu là vì những lẽ trên hay bởi bản chất mùa thu đẹp? Chúng ta thật khó trả lời cho rành rẽ. Mùa thu đã đi vào vốn văn hóa cổ điển của xã hội Việt Nam như một mối tương giao sâu sắc với các thi nhân, nghệ sĩ. Vốn văn hóa này được duy trì qua nhiều giai đoạn lịch sử, trở thành một khuôn mẫu định hình trong tâm lý, bất chấp sự đổi khác của thực tế. Hà Nội có thể đã xô bồ hơn, biến đổi hơn nhưng mùa thu trong tâm lý là bất biến. “Nhưng còn đó, mùa thu, mùa thu đầy gió. Và rêu xanh bên những gốc cây già” (Hà Nội ngày trở về - nhạc Phú Quang, thơ Thanh Tùng). Bằng những hình ảnh đơn giản nhưng chỉ cần đặt cạnh nhau là người ta mặc nhiên coi đó là hình ảnh Hà Nội. Cho dù gió mưa hay cây cối có ở khắp nơi chứ không riêng Hà Nội. Chỉ là những từ quá bình thường: gió, rêu xanh, gốc cây già song mỗi từ, mỗi hình ảnh như thế chở hàng tấn ký ức chồng lớp qua nhiều năm tháng. Nó là một diễn ngôn cho vẻ đẹp Hà Nội.

Tôi đã có dịp ngồi chơi với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn khi tôi còn là một đứa con trai mới vào đời. Tôi có hỏi một câu hỏi chắc ông đã được hỏi nhiều lần: Sao ông hầu như chỉ viết bài hát về mùa thu? Ông chỉ nói mùa hè nóng quá, rồi cười nửa độ lượng nửa khổ sở. Còn mùa thu, chẳng cần ông giải thích, nghe nhạc của ông là hiểu.

“Với bao tà áo xanh đây mùa thu

Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ

Lá vàng từng cánh, rơi từng cánh

Rơi xuống âm thầm trên đất xưa”

(Gửi gió cho mây ngàn bay - Đoàn Chuẩn và Từ Linh)

Có mùa thu nào để gợi lên được những hình ảnh bàng bạc như trên, có vẻ định lượng được đấy qua các vật thể mà cũng mơ hồ mà đã kịp định tính ra một khung trời thu “đất xưa”, với những con đường mù sương quanh những mặt hồ hay bờ đê. Đó là mùa thu Hà Nội. Nhờ có mùa thu mà những con đường đầy bụi tạm lắng xuống, những sự lổn nhổn như được sắp xếp lại.

Tôi nhận thấy mùa thu Hà Nội như một ám ảnh trăn trở về một không gian lãng mạn, một khung cảnh của thời Hà Nội nằm trong cảm thức hậu thuộc địa. Mùa thu Hà Nội không chỉ là van xả thời tiết mà còn là van xả mở ra những ẩn ức văn hóa. Nó như một cánh cửa mở ra một chân trời cũ, một thế giới ước lệ, một không gian nhiều mộng tưởng. Gặp mùa thu ở Hà Nội dường như khiến người thời nay tin hơn vào những huyền thoại về mảnh đất này.

Vẫn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ông thiên vị mùa thu nên chừng 20 bài hát đã đi tìm một không gian thu riêng cho mình. Trong đấy có những đêm chia tay mối tình với những “người em nhỏ bé, ngồi trong thuyền hoa” trên những con đường tỏa hương hoa sữa, trong những “sớm mùa thu, giữa chân trời tím ngắt”... Cũng như câu hỏi về tình yêu mùa thu, tôi đã tự hỏi mình yêu những bài hát của Đoàn Chuẩn là vì những bài hát ấy hay sẵn hay còn vì chúng đã dệt nên một mùa thu đẹp đến siêu thực trong lòng mình?

Chắc chắn tôi không phải người duy nhất yêu thu và yêu nhạc Đoàn Chuẩn và sẽ có người đặt ra câu hỏi tương tự. Câu trả lời khó như chúng ta tách bạch giá trị của Hà Nội và trời thu. Nhưng ít nhất có thể nói rằng cả hai thành tố đều thu nạp hằng hà vô số di sản văn hóa. Hai thành tố này có vẻ như bất biến nhưng chúng có giữ mãi mối lương duyên không, hình như phụ thuộc vào những lý do trần trụi khác. Những mùa thu sẽ chỉ còn là một đoạn thời tiết đơn thuần mau tàn nếu Hà Nội không giữ được những mạch nối văn hóa của nó.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo