xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khán giả tri âm: Sự gắn kết, giao thoa

Bài và ảnh: MINH NGA

Sự có mặt thường xuyên của những khán giả tri âm đã trở thành nét đẹp rất riêng của nghệ thuật sân khấu. Họ không chỉ là người giúp sân khấu sáng đèn hằng đêm mà còn là những người giúp nghệ sĩ có động lực để thăng hoa trong từng vai diễn

Tri âm, tri kỷ là ý nói đến những người hiểu, tâm đầu ý hợp, đồng hành lý tưởng của nghệ sĩ. Vì vậy, mỗi sân khấu sẽ có một lượng khán giả tri âm khác nhau theo từng sở thích, gu thưởng thức nghệ thuật kịch khác nhau. Nhưng dù ở dòng kịch nào, họ cũng là những khán giả yêu nghệ thuật với một thái độ nghiêm túc và trân trọng.

Say sưa, hào hứng như lần đầu

Bà Phạm Bích Thọ cho biết mình yêu kịch của Sân khấu Hoàng Thái Thanh vì “dòng kịch rất tử tế, tâm lý có chiều sâu. Trong khi nhiều đơn vị sân khấu chạy theo kịch ma, kinh dị thì sân khấu này vẫn kiên định con đường duy nhất”. Bà cũng xem sân khấu là “thánh đường, là nơi tôn kính thiêng liêng”. Cũng như các nghệ sĩ, mỗi khi bước vào sân khấu, bà luôn quan niệm: “Phải bỏ đôi hài bẩn bên ngoài thánh đường nghệ thuật”.

 

Ái Như, Thành Hội trong vở Chuyện bây giờ mới kể
Ái Như, Thành Hội trong vở Chuyện bây giờ mới kể

Có chứng kiến mới thấy hết được sự nghiêm túc, chăm chú, say mê của những khán giả tri âm này với vở diễn đến mức nào. Bà Thọ dõi mắt theo từng cảnh diễn, từng câu thoại, khóc cười như xem lần đầu tiên. “Tôi đã thuộc vở diễn nhưng mỗi khi bước vào khán phòng đều có cảm giác háo hức” - bà Thọ nói. Bà Nguyễn Doãn Cẩm Vân cũng hồi hộp theo từng diễn biến của câu chuyện, cũng cười phá lên mỗi khi đến cảnh hài hước. “Nhắm mắt lại cũng có thể hình dung diễn viên sẽ nói gì, làm gì, trang phục gì, đi đứng ra sao nhưng lần nào xem, tôi cũng chờ đợi diễn biến tiếp theo. Vòng xoay của những Tư Nhớ, Út Lý, bà Hai trong Nửa đời ngơ ngác ở Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh cứ cuốn hút tôi” - bà Vân cho biết.

Hôm 18-10, vở Nửa đời ngơ ngác diễn suất thứ 100, khán giả Nguyễn Văn Phước chia sẻ rằng: “Trong 100 suất, tôi chỉ xem được 10 suất. Mỗi lần xem tôi lại khóc. Kịch ở Hoàng Thái Thanh đối với tôi như một trang sự đời, rằng sẽ chẳng giòn tan tiếng cười, chỉ là những nụ cười ý nhị nhưng thấm thía”.

Có một không gian trầm lắng, yên bình, gần gũi giữa khán giả và nghệ sĩ trong sân khấu kịch. Nghệ sĩ Ái Như bảo: “Thậm chí có lúc đứng trên sân khấu, tôi còn cảm nhận được nhịp tim hồi hộp, thổn thức theo dõi câu chuyện của họ. Họ im lặng, lắng nghe từng câu thoại với thái độ thưởng thức rất nghiêm túc”. NSƯT Thành Lộc lại bảo có những khán giả đến sân khấu không còn tò mò về câu chuyện của vở kịch nữa, họ đến vì hâm mộ nghệ sĩ. Vậy nên, họ yêu, chấp nhận, vỗ tay cả những lúc nghệ sĩ diễn không hay, thoại không trôi chảy. “Nhiều lần tôi muốn khóc khi cánh màn nhung khép, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay không ngớt. Có người còn nán lại để được gặp tôi, đơn giản chỉ là để bắt tay chúc mừng” - anh cho biết thêm.

Như bạn tâm giao

Ở bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào, nghệ sĩ đều có những khán giả tri âm. Nhưng cái đặc biệt ở sân khấu, không lời tung hô, tán dương, không la hét, reo hò, không quà cáp rình rang, những khán giả cứ lặng lẽ đến, ngồi xem say sưa và vỗ tay đúng lúc. Họ là những người yêu nghệ thuật bằng tình cảm chân thành. Sân khấu thân quen, ấm cúng, nghệ sĩ như những người bạn tâm giao. “Có một sợi dây vô hình giữa nghệ sĩ và khán giả đã được thắt chặt. Ở đó, nghệ sĩ đã cống hiến hết mình trên sân khấu, khán giả chăm chú lắng nghe, không một tiếng cười lớn, tiếng điện thoại vô duyên. Chỉ có những tiếng vỗ tay không dứt vang lên đúng lúc” - NSƯT Thành Lộc chia sẻ.

Người hâm mộ của sân khấu luôn có cách thể hiện sự yêu thích nghệ sĩ rất riêng. Khán giả Nguyễn Văn Phước bày tỏ: “Chưa một lần tôi được ôm lấy họ, chỉ lặng thầm đứng từ hàng ghế chắp tay tạ ơn vì những gì họ mang lại cho cuộc sống này - ít nhất là cuộc sống của tôi”. Nghệ sĩ Ái Như không ít lần muốn thốt lên: “Khán giả thật tuyệt vời!” khi chị đứng trên sân khấu hay trong cánh gà chứng kiến những tràng vỗ tay giòn giã của khán giả. Họ không chỉ là người giúp sân khấu sáng đèn hằng đêm mà còn là những người bạn thân quen, lâu năm; là những người giúp nghệ sĩ có động lực để thăng hoa trong từng đêm diễn. “Làm nghệ thuật truân chuyên nhưng thú vị vô cùng. Chúng tôi có những khán giả tri âm, họ là những người đồng sáng tạo để tôi hoàn thiện mình trong những đêm diễn kế tiếp” - Ái Như đúc rút.

 

Tìm khán giả  tri âm không dễ

Đạo diễn Ái Như cho rằng: “Khán giả tri âm là những người đồng hành cùng lý tưởng của chúng tôi từ những ngày đầu. Họ rất khó tính. Vì thế, chúng tôi không thể phụ lòng họ được. Dù bán được ít vé, chúng tôi cũng vui vì luôn có lượng khán giả ủng hộ, chia sẻ”. Khán giả tri âm ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh luôn có những góp ý chân thành trong từng đêm, từng nghệ sĩ, từng nét diễn. Để giữ chân được những khán giả tri âm không dễ, sân khấu này quan niệm phải duy trì được dòng kịch thương hiệu, không chạy theo xu hướng mới. Còn với nghệ sĩ, ngoài tên tuổi sẵn có thì sự sáng tạo chính là điều duy nhất có thể giữ chân và làm tăng lượng khán giả tri âm lên mỗi ngày.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo