xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm việc thiện để tri ân

Thanh Hiệp thực hiện

Đời ca sĩ đã cho tôi nhiều cơ hội làm việc thiện, không chỉ đem lời ca tiếng hát xoa dịu bất hạnh mà còn vận động nhiều người cùng làm việc nghĩa

img

Ca sĩ Phương Dung. Ảnh: C.T.V


* Phóng viên: Có phải chị muốn đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày khởi nghiệp bằng đêm diễn Ánh sáng tình thương?


- Ca sĩ Phương Dung: Tôi về nước hơn 20 lần rồi, lần nào cũng âm thầm làm công tác từ thiện. Năm mươi năm trôi qua đối với tôi là một chặng đường dài nhưng đầy niềm vui vì đời ca sĩ đã cho tôi nhiều cơ hội làm việc thiện, không chỉ đem lời ca tiếng hát xoa dịu bất hạnh mà còn vận động nhiều người cùng làm việc nghĩa. Khi sang Úc định cư theo diện đoàn tụ gia đình, tôi đã có ý nghĩ làm việc gì có ích cho cộng đồng và được những khán giả, những mạnh thường quân, nhà hảo tâm là kiều bào yêu nước ủng hộ. Hội từ thiện của tôi đã tổ chức nhiều đợt cứu trợ đồng bào miền Trung sau những cơn bão lũ, riêng tôi đã trợ cấp nhiều sinh viên nghèo trong nước ăn học thành tài, nhiều em bây giờ đã tốt nghiệp trở thành bác sĩ, kỹ sư... Chương trình Ánh sáng tình thương là một trong những hoạt động từ thiện mà tôi muốn thực hiện trong nước, để kỷ niệm bước ngoặt 50 năm “con nhạn trắng Gò Công” đã bay không mỏi trên bầu trời nghệ thuật.


* Đi hát từ năm 13, 14 tuổi với giọng ca lảnh lót, truyền cảm, đến nay chị đúc kết lại nửa thế kỷ gắn bó với nghề, chắc chắn có nhiều điều muốn chia sẻ với khán thính giả?


- Tôi sinh năm 1945 ở Gò Công trong một gia đình công chức. Trước khi cưới mẹ tôi, cha tôi đã từng xuất gia như mối duyên lành đối với nhà Phật. Có lẽ ảnh hưởng ở đức tính nhẫn nại của cha, nét hiền hòa, yêu thương con của mẹ mà tôi làm việc gì cũng nghĩ đến đoạn kết. Nếu bảo tôi quá cầu toàn trong công việc thì đó là một đức tính tôi thừa hưởng ở cha mẹ, nhưng tính tôi đã không làm thì thôi, lao vào làm bất cứ công việc gì thì cũng ngăn nắp, cẩn thận. Mỗi độ tuổi mình có cái nhìn khác nhau về nghề nghiệp. 13, 14 tuổi tôi sợ nhất mặc áo dài lên sân khấu vì thấy ngượng nghịu, khó chịu làm sao, nhưng rồi 17, 18 tuổi bắt đầu e ấp, tiếng hát chở nặng niềm yêu thương. Tôi rót hết tất cả những tình cảm qua sự cảm nhận của con tim để làm nên tên tuổi bài hát. Điều tôi không hổ thẹn với mình đó là lao động nghệ thuật nghiêm túc để có thể bay cao, bay xa hơn trong tình thương yêu của công chúng.


* Nghĩ về thời còn trẻ, chị nhớ nhất giai đoạn nào?


- Sau khi học hết bậc tiểu học, gia đình cho tôi lên Sài Gòn thi vào lớp đệ thất Trường Trung học Gia Long. Trong khoảng thời gian này tôi một mình tìm đến Đài Phát thanh Sài Gòn để dự thi tuyển chọn ca sĩ. Lúc đó tôi rụt rè lắm, dừng xe đạp trước cổng mà không dám vào. Bác bảo vệ hỏi: Cô bé định đi thi hả, cứ dựng xe đó bác xem giùm cho, vào bên trong quẹo trái có ông nhạc sĩ đeo kính cận nhận hồ sơ làm thủ tục dự thi. Và tôi đã dự thi bài Em bé quê đạt số điểm cao để bước vào nghề ca hát.


* Chị đã từng tâm sự mình là người yêu thích văn thơ, sáng tác, có phải đó là bí quyết giúp chị thành công trong nghề ca sĩ?


- Tôi thực sự mê văn thơ, yêu thích sách của nhà văn Nguyễn Tuân, Hồ Biểu Chánh... nhất là tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn. Tôi thừa hưởng từ cha mẹ niềm say mê này vì cha tôi lại rất cởi mở, hướng con cái đến với trào lưu mới. Có lẽ vì vậy mà từ nhỏ tôi đã thích dòng nhạc tiền chiến, tôi say mê hát: Thiên thai, Khối tình Trương Chi, Suối mơ, Buồn tàn thu... Thú thật khi nhận bài hát, tôi thích đọc lời ca trước khi ký xướng âm giai điệu, tôi sợ những bài hát não nề lắm hoặc ca từ thiếu tính văn học thì tôi từ chối. Ba tôi thường dạy, là người của công chúng, được yêu mến nhiều tức là có duyên nghiệp với cửa Phật, càng tích đức thì duyên lành sẽ bền bỉ.


* Nhưng đời ca sĩ của chị không hẳn chỉ là niềm vui?


- Có nhiều nỗi buồn lắm chứ, nhưng quan trọng là biết vượt qua và sống tốt. Tôi luôn kể cho con mình nghe những giai đoạn khó khăn của nghề nghiệp. May mắn là con gái tôi – Phương Vy - hiện cũng theo nghề ca sĩ, đã hiểu và trân trọng con đường nghệ thuật. Trong chuyến về nước lần này, Phương Vy muốn được học tiếng Việt để cảm nhận rõ hơn những bài hát trữ tình của quê hương.


* Kế hoạch của chị trong chuyến về thăm quê hương với chương trình Ánh sáng tình thương?


- Tôi sẽ tổ chức các đêm diễn chương trình Ánh sáng tình thương tại TPHCM, thị xã Gò Công – Tiền Giang, Nhà hát Tây Đô – TP Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre... Tất cả doanh thu đều dành trao tặng đồng bào nghèo xây nhà tình thương và giúp trẻ em mổ mắt. Ba năm qua, chúng tôi đã thực hiện hơn 3.000 ca mổ mắt nhân đạo, đem ánh sáng lại cho người nghèo. Tôi được nhiều nghệ sĩ giúp đỡ để thực hiện ước nguyện này. Đó là nghĩa cử của tôi nhằm tri ân tình thương mà công chúng đã trìu mến dành cho “con nhạn trắng Gò Công” đã 50 năm bay hoài không mỏi.

Sẽ hát những ca khúc vang bóng một thời


Tối 11-12, ca sĩ hải ngoại Phương Dung sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật mang chủ đề Ánh sáng tình thương tại rạp Hưng Đạo (TPHCM). Đêm diễn nhằm mục đích trao tặng doanh thu cho đồng bào nghèo xây nhà tình thương và giúp trẻ em bị đục thủy tinh thể mổ mắt.

Tham gia chương trình Ánh sáng tình thương có các nghệ sĩ: Lệ Thủy, Minh Vương, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Giàu, Bảo Quốc, Thanh Ngân, Kim Tử Long, Trọng Phúc, Trinh Trinh, Anh Vũ, Kiều Mai Lý, Tiểu Bảo Quốc, ca sĩ hải ngoại Kim Anh, Quang Thành... Ca sĩ Phương Dung sẽ hát những ca khúc vang bóng một thời, gắn liền với tên tuổi của chị: Về đâu mái tóc người thương, Chuyến tàu hoàng hôn, Chuyến đò không em...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo