xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lỗ hổng nguồn lực diễn viên: Thoải mái đầu vào

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Năng khiếu có nhưng nền tảng văn hóa, kiến thức yếu là nguyên nhân khiến thế hệ diễn viên trẻ ngày nay không bằng được với lớp diễn viên đàn anh, đàn chị đi trước

Một số sân khấu kịch như Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Sân khấu Kịch Phú Nhuận, Sân khấu Kịch IDECAF, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Thế giới trẻ... hiện đã mạnh dạn tạo đất diễn cho các diễn viên trẻ, đạo diễn trẻ đã và đang chuẩn bị tốt nghiệp trong các trường nghệ thuật sân khấu. Đó là tín hiệu tốt để xây dựng nguồn nhân lực cho sân khấu đang hồi cạn kiệt. Tuy nhiên, xét về mặt đầu ra của các khóa học, dù sàng lọc khắc nghiệt vẫn chưa thực sự mang lại những hạt giống tốt do đào tạo thiếu chất lượng.

Ưu tiên sắc vóc

Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Công Ninh, Trưởng Khoa Đạo diễn Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, phân tích: “Mỗi năm, chúng tôi tuyển từ hơn 1.000 học viên dự thi, khoa sàng lọc để còn 20 em đủ chuẩn đậu. Khóa đạo diễn sân khấu cũng vậy, từ 500 em chỉ lấy khoảng 15 em. Cái được trong thời điểm này là chọn nguồn diễn viên có sắc vóc, còn khiếm khuyết về mặt đài từ hoặc cảm xúc sẽ đào luyện sau. Ưu tiên cái đẹp bởi các em tốt nghiệp ra trường có thể đi đóng phim truyền hình, tham gia quảng cáo, có nhiều cơ hội hơn bên cạnh nghề diễn viên sân khấu. Còn cái mất chính là ưu tiên sắc vóc nên trong số bị loại, có em đủ tiêu chuẩn về kiến thức, văn hóa và năng khiếu nhưng ngoại hình không đạt chuẩn. Do vậy, mới có hiện tượng học viên dự thi vào Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM bị loại chạy sang Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM để dự thi”.

Hầu hết diễn viên của lớp đào tạo đạo diễn Vũ Minh đều tuyển từ nguồn diễn viên, đạo diễn trẻ tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM nhưng không có việc làm. Trong ảnh: Một cảnh trong vở
Hầu hết diễn viên của lớp đào tạo đạo diễn Vũ Minh đều tuyển từ nguồn diễn viên, đạo diễn trẻ tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM nhưng không có việc làm. Trong ảnh: Một cảnh trong vở

NSƯT Nguyễn Công Ninh cũng chỉ ra rằng: “Vì ưu tiên cho hình thức nên phần lớn các em có điều kiện chạy sô, đi đóng phim, đi diễn tấu hài, thời trang... bỏ ngang việc học. Đó là tình trạng hiện nay của rất nhiều khóa học”.

Lâu nay, việc thiếu chỉ tiêu để khai giảng là nguyên nhân khiến đầu vào của các ngành đào tạo diễn viên, đạo diễn chưa coi trọng. “Cứ nhận vào cho đủ chỉ tiêu rồi lãng phí thời gian, tiền của để đào tạo nhưng sinh viên ra trường không đủ sức kế cận lớp đàn anh, đàn chị là cái tội lớn của những người giữ cương vị tuyển sinh” - NSƯT Hữu Châu bức xúc. Anh thẳng thắn nói lên điều này khi nhìn thấy rất đông sinh viên phí phạm thời gian học đến 4 năm nhưng ra trường không có khả năng diễn, phải lâm vào cảnh thất nghiệp.

Nguồn giảng viên giỏi không còn

Điều băn khoăn nhất của nghệ sĩ Công Ninh hiện nay trong việc đào tạo diễn viên chính là nguồn giảng viên giỏi không còn. Nguồn giảng viên được cử đi đào tạo nước ngoài học xong không về nước. “Thế hệ các thầy cô như: Trần Minh Ngọc, Ca Lê Hồng, Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Bá, Lê Văn Tỉnh... đã bắt đầu đứng lớp thưa dần vì sức khỏe suy giảm. Thế hệ giảng viên được thỉnh giảng rất giỏi về chuyên môn nhưng để đứng lớp với đúng chức năng thì lại thiếu bằng cấp” - NSƯT Nguyễn Công Ninh nói.

NSƯT Thành Hội cho biết: “Tôi không nhận lớp giảng dạy vì muốn tập trung đào tạo trên sàn tập, qua đó chỉ dẫn cụ thể kinh nghiệm cho những diễn viên sống chết với nghề của mình”. Còn như NSƯT Thành Lộc: “Tôi chỉ có bằng trung cấp diễn viên nên không dám nhận mình là thầy của ai. Chỉ qua mỗi vai diễn, tôi muốn truyền lại những kinh nghiệm diễn xuất cho đàn em”. NSND Hồng Vân thì nói: “Nguồn nhân lực của sân khấu phải do chính sàn diễn chắt lọc. Tôi tin khi chỉnh đốn việc đào tạo, “cánh cửa” làm nghề ở các sàn diễn sẽ được mở rộng hơn cho dàn diễn viên trẻ ra nghề”.

Điều đạo diễn - NSƯT Nguyễn Công Ninh băn khoăn cũng chính là nỗi niềm của nhiều nghệ sĩ muốn cống hiến cho công tác đào tạo ở trường nhưng lại thiếu bằng cấp. Đây là điều mất lớn nhất khiến lỗ hổng đào tạo diễn viên trẻ cứ lớn dần khi mà đội ngũ có đủ bằng thạc sĩ, tiến sĩ của 2 trường thì yếu về chuyên môn, không có tác phẩm, không có nhiều kinh nghiệm để truyền đạt; trong khi đó, các nghệ sĩ giỏi nghề, muốn được cống hiến thì lại không có bằng cấp. “NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, đạo diễn Thanh Thủy... là những điển hình, họ chỉ tốt nghiệp trung cấp, không thể lên lớp dạy bậc CĐ. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người dạy bậc ĐH phải có bằng tiến sĩ, dạy CĐ phải có bằng thạc sĩ, dạy trung cấp phải có bằng cử nhân. Về điều này, tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cái nhìn thoáng hơn vì ngành nghề này có đặc trưng riêng, không thể đào tạo rập khuôn như những ngành nghề khác” - NSƯT Nguyễn Công Ninh đề xuất.

Cần trong sáng trong đào tạo

Để có thể đào tạo tốt nguồn nhân lực diễn viên trong thời hội nhập, không thể chấp nhận việc thầy cũng chạy sô như trò. Các buổi học bị dời lại đến nửa khuya bởi thầy cô bận đi quay phim, đi tập kịch. Sinh viên làm việc lúc 2-3 giờ sáng. Chưa kể đến những tiêu cực phía sau bục giảng của ngành đào tạo diễn viên khi mà quyền lực nằm trong tay thầy cô và họ có các mối quan hệ chằng chịt với các hãng phim, các sân khấu xã hội hóa. Thầy cô chia phe, chia cánh để nâng đỡ học trò cưng với những hợp đồng đen tối phía sau bục giảng; những câu chuyện đổi tình nhận vai kịch, phim và thoải mái chạy sô mà vẫn “đủ điểm đậu” cứ âm ỉ trong đời sống sân khấu học đường. Chấn chỉnh để trả lại không gian trong sáng trong đào tạo diễn viên là việc làm cần thiết trước khi có quy hoạch cụ thể về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu.

Cung - cầu lệch pha

Ông Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng: “Nếu đầu vào và đầu ra được tính toán mang tính chiến lược thì nguồn nhân lực của sân khấu không lâm vào cảnh khủng hoảng thiếu như hiện nay. Chất lượng đào tạo ngày càng kém, hiệu quả diễn xuất của thế hệ diễn viên, đạo diễn từ trung cấp cho đến CĐ, kể cả ĐH đều thua xa thế hệ diễn viên đã từng tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu II”. Nguyên nhân chính được ông Lê Duy Hạnh phân tích là giáo trình giảng dạy lạc hậu, không tiếp cận được với sân khấu thế giới. Thiếu chế độ đãi ngộ để sinh viên tốt nghiệp ra trường, có ý hướng học lên cao học để đào tạo nguồn lực cho giảng viên sau này. Đây cũng là lý do vì sao thiếu giáo viên giỏi trong đào tạo nguồn lực cho sân khấu. “Muốn chấn chỉnh phải bắt đầu ở khâu chiến lược tuyển sinh và phân bố hợp lý. Nếu cung và cầu vẫn còn chênh lệch, đội ngũ giảng viên vẫn còn nặng về hình thức, tôn thờ chủ nghĩa lý thuyết nhiều hơn thực hành thì sẽ không thể có được đội ngũ đạo diễn, diễn viên sân khấu giỏi nghề cho tương lai” - ông Hạnh cảnh báo.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo