xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lưu Quang Vũ với “số phận văn hóa”

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

L.T.S: TS Nguyễn Thị Minh Thái chọn vở Hồn Trương Ba da hàng thịt - mà theo bà là đã đạt đến “số phận văn hóa” - để khắc họa sự nghiệp viết kịch sáng chói của kịch tác gia Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông

Trong số kịch bản đã được dựng trên sân khấu cả nước của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988), Hồn Trương Ba da hàng thịt của ông đã gánh chịu số phận thật long đong, vất vả ngay từ khi ra đời. Viết xong năm 1981, kịch bản này bị cho là có vấn đề về phản ánh hiện thực, bị nằm im trong ngăn kéo của Lưu Quang Vũ 5 năm.

Sự kết hợp thăng hoa

Sau nhiều nỗ lực cùng với đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi, từ kịch bản này, năm 1986 đã ra đời vở diễn chói sáng và lộng lẫy nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam vào thập niên cuối thế kỷ XX. Thành công liên tiếp theo thời gian, đến nay, Hồn Trương Ba da hàng thịt đã thành vở diễn thể loại kịch, theo tôi, có lẽ là duy nhất ở sân khấu Việt hiện đại đạt tới một số phận văn hóa.

Kịch bản này đã đặc biệt hấp dẫn đạo diễn Nguyễn Đình Nghi bằng phẩm chất văn chương nào để ông nhất định dàn dựng cho bằng được, bất chấp mọi định kiến về nó?

img
Cảnh trong vở Hồn Trương Ba da hàng thịt của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: TƯ LIỆU

Theo đúng tiêu chí mỹ học về nghề đạo diễn của Nguyễn Đình Nghi, ngay lần chạm mặt đầu tiên, ông đã tìm ra cách rất riêng để giải thích tính đa nghĩa của kịch bản văn học này. Cẩn trọng tránh xa cách hiểu kịch bản sai lạc lúc bấy giờ - cho rằng văn bản Hồn Trương Ba da hàng thịt được viết với ngôn ngữ cạnh khóe, có ý “chửi xéo” lề lối làm việc tắc trách, đầy thói dửng dưng vô trách nhiệm của một thời mà tệ quan liêu bao cấp tràn lan như nạn dịch - Nguyễn Đình Nghi đã tỉnh táo lướt qua cái bề ngoài có vẻ “cạnh khóe” của ngôn ngữ vở kịch để bóc lấy cái hạt nhân cơ bản bên trong, chính là nỗi đau nhân thế, nằm chìm dưới đáy sâu của kịch bản.

Không ai không đau đớn khi phải sống phận tha nhân: Hồn của mình “ăn đậu ở nhờ” trong xác  kẻ khác nên đã phải ngậm đắng nuốt cay mà chịu cảnh sống hồn nọ xác kia. Khởi đi từ đó, cuộc hạnh ngộ đẹp đẽ nhất giữa ngôn ngữ văn học vốn “phi vật thể” của Lưu Quang Vũ với ngôn ngữ dàn dựng sân khấu được “vật thể hóa” thành vở diễn của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã được bắt đầu như thể một cơ duyên.

 Bởi ngay từ đầu đã có cái nhìn xuyên thấu tận đáy văn học kịch bản và lập tức thành kẻ tri âm đầu tiên của nó, Nguyễn Đình Nghi thực sự mê đắm cái tứ kịch của Hồn Trương Ba da hàng thịt vốn đậm đặc chất bi kịch - triết học “hồn nọ buộc phải sống trong xác kia”, cùng chất liệu dân gian hồn hậu, tự tại của câu chuyện kịch. Ông còn bị mê hoặc bởi lối viết kịch thông minh, hài hước, sắc bén theo cấu trúc giả định, với ngôn ngữ đối thoại có chiều sâu văn chương (mà ông biết chắc khi lên đến sân khấu sẽ được biến hóa thành “nghệ thuật thốt lời”, đem lại vẻ đẹp “tiềm - đài - từ” của nghệ sĩ giỏi nghề khi thể hiện vai diễn).

Ông biết việc chuyển hóa tất cả phẩm chất văn chương ấy lên sân khấu bằng ngôn ngữ dàn dựng do mình đạo diễn sẽ cầm chắc thành công. Thêm nữa, chất liệu văn học dân gian thấm đẫm trong kịch bản này còn kích thích ông sáng tạo, vận dụng các ngón nghề đạo diễn đã học được từ cả sân khấu cổ truyền Việt Nam lẫn sân khấu phương Tây hiện đại.

Làm nên vai kịch để đời của NSND Trọng Khôi

Năm 1990, Hội diễn Kịch Quốc tế Moscow - thủ đô Liên Xô, với hàng chục nước Đông Âu tranh tài. Phong cách đạo diễn rất độc đáo, hiện đại của Nguyễn Đình Nghi và vai diễn chính cũng rất độc đáo, hiện đại của Trọng Khôi (vai anh hàng thịt), cùng dàn diễn viên thiện nghệ của Nhà hát Kịch Việt Nam: Mỹ Dung - vai vợ ông Trương Ba, Trần Tiến - Tiên Cờ, Trần Thạch - Trương Ba, Lan Hương - vợ anh hàng thịt, Anh Dũng - con trai, Bích Thu - con dâu… đã góp phần đem lại thành công cho Hồn Trương Ba da hàng thịt.

Trong dàn diễn viên gạo cội ấy, Trọng Khôi chói sáng với vai kịch đạt tầm cỡ quốc tế - như đánh giá của báo giới qua cuộc họp báo quốc tế được tổ chức trang trọng sau đêm diễn. Vở kịch nhận được những tràng pháo tay vang dội, những cơn mưa hoa và đánh giá cao nhất của đồng nghiệp, báo chí, đặc biệt dành cho vai diễn để đời của Trọng Khôi.

Vai diễn của Trọng Khôi đã gánh vác toàn bộ sức nặng của tấn bi kịch “tha nhân” mà Lưu Quang Vũ đã đặt vào kịch bản sắc sảo nhất của mình. Hiểu rõ diễn xuất “hai mang” của nhân vật “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, cộng hưởng sáng tạo với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi - đọc “vỡ” những ý chìm sâu trong tính cách nhị nguyên của nhân vật này, Trọng Khôi đàng hoàng, đĩnh đạc bước vào thế giới nội tâm đầy khắc khoải, giằng xé, lưỡng lự của nhân vật Hồn Trương Ba trong thể xác anh hàng thịt.

Ở một cảnh khác, Trọng Khôi đã đẩy tính kịch lên tới đỉnh điểm cần thiết phải “xé đôi” mình thành 2 nhân vật (theo yêu cầu của kịch bản và xử lý đạo diễn) khi ông hiểu đã đến lúc “hồn Trương Ba” chịu hết nổi cảnh sống chung với “da hàng thịt”. Cảnh này đã đạt tới sự hài hòa của 3 vẻ đẹp vốn ít chịu đi cùng nhau trong cùng một vở diễn trên sân khấu: Vẻ đẹp ngôn từ của chữ nghĩa văn chương, của ngôn ngữ dàn cảnh đạo diễn và ngôn ngữ biểu diễn nhân vật của diễn viên.

Trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, cả 3 đã tổng hòa thành một khối nhất nguyên trọn vẹn của cái đẹp và cùng bùng nổ trên sân khấu khiến người xem choáng ngợp. Bao trùm trên hết, chính là bản lĩnh nghề nghiệp của Trọng Khôi - một nghệ sĩ lớn đã biết dâng hiến hoàn hảo tài năng cho một vai kịch lớn.

Rạng danh sân khấu Việt Nam

Hồn Trương Ba da hàng thịt đã thành công trên kịch trường quốc tế, chiếm huy chương vàng, được chấm giải vở diễn thành công nhất của Hội diễn Kịch Quốc tế Moscow 1990, sau này tiếp tục chinh phục công chúng tại hơn 20 trường đại học ở Mỹ vào năm 1998 trong chương trình giao lưu sân khấu Việt - Mỹ. Ngay sau đó là biểu diễn trích đoạn Cái chết của anh hàng thịt cho Hội thảo Sân khấu châu Á tại Hà Nội. Vở diễn lại rong ruổi vào Nam hợp diễn hai miền Nam - Bắc, cũng dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi…

Sau tất cả thành công về mọi phương diện sân khấu ấy, Hồn Trương Ba da hàng thịt xứng đáng đạt tới một số phận văn hóa.

Kỳ tới: Tính thời đại là linh hồn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo