xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mai rồi mưa tới

Truyện của NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

Ngày cưới, bố mẹ, họ hàng không ai vào, cô cười trong nước mắt: - Anh không có gia đình, em cũng không có gia đình. Tụi mình huề nhau.

Anh không biết bố mẹ là ai, cũng chẳng bà con, chỉ nghe nói hồi ba tuổi, anh được mẹ nuôi đưa đi khỏi đất nước chôn nhau cắt rốn. Mẹ nuôi anh tốt nhưng nghèo, năm anh mười chín tuổi, bà mất. Anh lại một lần nữa mồ côi. Hai mươi tám tuổi, anh tình nguyện đi chi nhánh, bởi nơi đó gọi là quê hương anh.

So với cô có gia đình, anh bất hạnh hơn nhiều. Ban đầu anh nghĩ những người thân của cô, vì lý do bất khả kháng nên không vào dự, nhưng sau đó cô cũng không đả động gì đến chuyện dẫn anh về giới thiệu. Cô chỉ ngắn gọn “bố mẹ giận em, để ít bữa ông bà nguôi ngoai, mình về”.

Ít bữa, là gần bốn năm...

Con gái cũng đã ba tuổi, chuyện gì cũng hay, nói năng y bà cụ non, cô nói con bé giống bà ngoại, nghe bảo, từ khi hai tuổi, bà ngoại con bé đã biết lắc lư người, ê a theo giai điệu của những bài dân ca phát trên loa. Cô ngược lại, ít nói, có chuyện gì cũng chôn chặt trong lòng một mình. Anh mường tượng thấy nhưng không hiểu đó là gì.

 

Minh họa: KHỀU
Minh họa: KHỀU

 

Cô có những ngày trầm lắng, lặng lẽ như cái bóng, cái thùng giấy cũ trên nóc tủ lâu lâu lại được cô lấy xuống, mắt đỏ hoe, cô nói với anh là bị bụi bay vào mắt. Có lần còn bị nghẹt mũi mất mấy ngày.

Trong thùng nào có gì, chỉ là mấy tấm ảnh cũ, những món quà còn mới được gắn tên người nhận. Mấy cái vé máy bay.

Có điều, quà vẫn nằm đây, vé máy bay còn mới nguyên.

Cô hai mươi hai tuổi, dám chống lại quyết định của gia đình về một đám cưới xếp đặt, họ hàng đã mai mối cho cô một đám, là anh con trai làng bên, công việc ổn định. Cô nói không, một mình bươn chải nơi thành phố nắng xa lạ.

Bất hạnh của anh lây sang cô, vì quyết lấy anh mà cô bị bố mẹ từ mặt. Có con mà gả chồng gần... Bố tím mặt giận dữ, mẹ khuỵu ngã khi đứa con gái bấy lâu ngoan ngoãn đột nhiên giở chứng như bị bỏ bùa.

Cô cười buồn kết thúc câu chuyện:

- Cũng tại hồi bé em hiền quá.

Anh sực nhớ những ngày gần Tết, cô thường đi đâu đó một mình, rất lâu. Hóa ra cô đi tìm mua quà cho người nhà. Năm đầu tiên, chúng được trả về nguyên vẹn, năm thứ hai, thứ ba cũng không khác.

Cô phá giao ước, bỏ đi, mẹ cô nằm liệt giường không nói, bố cô cũng không dám đi đâu, phần vì phải chăm vợ, phần không dám nhìn ai. Đã thế, chỉ mấy tháng sau, cô còn báo tin mình lấy chồng, lại là người không quê hương bản quán. Làng trên xóm dưới xì xào bàn tán, nói ông có con gái tham giàu, trong thôn ngoài ngõ yên bình chợt náo nhiệt như buổi chợ phiên...

Gia đình của cô, quê hương của cô gói gọn trong cái thùng giấy nhỏ. Những bức ảnh cũ chụp cả gia đình đã mờ, những gói bưu phẩm được trả về, chắc nó đã được bố hay mẹ cầm lấy dù trong ít phút. Chúng thay cô nhìn thấy bố mẹ, nhìn thấy ngôi nhà cũ. Anh chợt hiểu giấc mơ của cô và cái giá cô phải trả. Anh không dám oán trách họ, hẳn họ phải có lý do gì đó, cái gọi là dư luận chẳng sống cho ai nhưng lại làm khối người khốn khổ, đất lề quê thói, họ bảo vệ thứ họ coi là đúng cũng như cô không chút ân hận với quyết định của mình. Có điều, buồn vẫn day dứt buồn.

Nhớ hồi Tết, trong bữa cơm, anh ướm lời:

- Năm nay mình đi nước ngoài đi. Tết nhất ở nhà cũng buồn.

Cô sững người, ánh mắt loang loáng nước. Anh nghe đau nhói đâu đó trong ngực. Anh, là một phần của tội lỗi cô đang mang.

- Không khí Tết, chỉ nước mình mới có.

Cô ngắn gọn sau mấy phút chần chừ. Sao cô không nói thẳng Tết là dịp gặp gỡ, đoàn tụ. Cô thèm không khí gia đình sum vầy có gì đáng xấu hổ. Hay cô nghĩ một thằng đàn ông lớn lên ở nước ngoài như anh sẽ không hiểu được sự đầm ấm của bà con làng mạc. Anh nhớ có lần cô còn hỏi:

- Ở nước ngoài ấy, có phải khi con đủ mười tám tuổi là bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà không?

Anh phì cười, cô còn nói thêm:

- Em nghe mấy chị bạn nói nếu người con muốn ở trong nhà bố mẹ thì phải trả tiền thuê nhà, tiền ăn.

Anh không biết khi đó, cô đang nhớ lại những tháng ngày êm đềm bên gia đình hay cô thèm khát có được sự tự do khi đủ tuổi thành niên.

Anh có chuyến công tác về phương Bắc, mùa hè nơi này thật khó chịu, người người nhăn nhó, dài bước chân, vội vã chui vào nhà tránh nóng. Thế nhưng, sắc màu khăn áo vẫn rộn rã. Anh nhớ tới hai người phụ nữ, một ồn ã, một trầm lắng trong nhà mình, anh cần làm điều gì đó cho họ. Cho cả anh.

Lấy lý do công trường hoạt động liên tục, con gái vừa được nghỉ hè, anh rủ cô ra với anh, kết hợp du lịch. Cô đồng ý ngay, vì muốn gần anh hay vì ý nghĩ được gần nhà thêm chút nữa?

Đứng sau anh là người đàn ông già nua khắc khổ, thấp thỏm:

- Mẹ con nó... có ra không?

Anh nhìn ngôi nhà cũ, nhìn người phụ nữ lặng lẽ ngồi góc giường, gật đầu.

Tìm về, anh chấp nhận mọi dằn vặt, xa cách lẫn xua đuổi, thỉnh thoảng bâng quơ kể về cô, về thùng giấy cũ, về vẻ lặng lẽ của cô khi Tết sắp đến và cả đứa con gái bé bỏng. Cuối cùng, anh cũng nhận được câu “Thôi thì, trời đành chịu đất” kèm theo những lá thư viết cho cô mà không được gửi. Cầm tập thư anh muốn hét “tại sao?”. Chỉ còn một bước nữa là đến gần nhau, sao ai cũng ngập ngừng. Để bốn năm trôi qua trong day dứt?

Anh rũ rũ cổ áo, cái nóng xứ này thật đáng sợ. Nhưng chỉ mai thôi, cô và bé con sẽ đem cơn mưa mát lành về cho căn nhà, anh không biết cô sẽ khóc trong bao lâu, bốn năm không phải là cái chớp mắt.

Nhưng khóc xong sẽ cười.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo