xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mai Trần: Ngựa hoang mỏi gối

Bài và ảnh: MINH NGA

Hơn 60 năm, một kiếp người, Mai Trần ví mình là ngựa hoang lang thang, nhiều lần mỏi gối, chồn chân nhưng suốt đời ông không bao giờ gập gối

Mai Trần sinh năm Giáp Ngọ (1954), ngót nghét tuổi 61. Xưa, được bạn bè gọi là “ngựa sắt”, nay ông tự nhận mình là “ngựa già”. Mà thôi, xưa hay nay gì bóng dáng ông tự hồi nào đến giờ vẫn như một con ngựa hoang, tháng ngày chất chồng trên vó ngựa. Số phận đầy nghiệt ngã khiến ông cứ mãi rong cương cất vó, lang bạt suốt bề dài tuổi xuân đến khi tóc hoa râm.

Gian nan chạy suốt kiếp người

Mai Trần từ nhỏ thông minh, có máu kịch nghệ, chữ nghĩa lai láng, chả thế mà con đường sự nghiệp khởi đầu khá suôn sẻ. 16 tuổi học ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (khoa kịch), 17 tuổi tốt nghiệp Khoa Diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 rồi về Đoàn Ca múa kịch tỉnh Đồng Nai, 20 tuổi về lại trường học đại học đạo diễn. Vốn số phong lưu, đào hoa nên ông yêu sớm, có vợ sớm và sinh con sớm. Nghệ sĩ Hải Yến là bạn học, bạn diễn cũng là bạn đời của ông. Những năm sau 1975, hạnh phúc nở hoa càng làm cho nét diễn thăng hoa. Họ từng là “cặp đôi sóng thần” trên các sân khấu.

Nghệ sĩ Mai Trần ngoài đời thường
Nghệ sĩ Mai Trần ngoài đời thường

Khi sàn diễn rệu rã, không nuôi đủ áo cơm cho gia đình nên ông phải bươn bả đủ nghề như bán bánh mì, bắp dạo, bánh bao ở khắp các chợ dạt, hang cùng ngõ hẻm thành phố. Có thời ông còn nhận gia công dây cu-roa để sống. Đến khi cay đắng ngọt bùi không thể san sớt cùng nhau, vợ ông bỏ đi lao động ở nước ngoài, Mai Trần đắng cay ở lại nuôi con. Trên đường đời lẫn đường tình, ông tự nhận mình là kẻ thất bại. Cũng vì không lo đủ no ấm cho gia đình, yên vui cũng không giữ nổi. Con nhỏ thơ dại, bỏ mặc sao đành nên cứ thản nhiên bỏ lại những phiền toái sau lưng, tung vó bụi mù. Với cuộc sống mưu sinh, Mai Trần chắc chắn là kẻ vật lộn hết mình. Bươn chải không quản hiểm nguy và vắt kiệt đến từng hơi thở.

Dù có cương nghị đến đâu chăng nữa, những đêm dài cô lẻ làm sao không cồn cào lên những ám ảnh riêng tư. “Ngựa hoang vui thì ghếch mõm hí vang trời, buồn thì âm thầm sải bước giữa mênh mông”. Có lẽ Mai Trần cũng vậy! Người đàn ông vượt qua, xuyên qua bao đêm trắng bỗng thấy mình đơn độc. Những ngày cô lẻ, chông chênh, ông từng mơ màng trong những đêm chợt tỉnh giấc, bật dậy viết bài thơ: “Có một sợi tóc thật dài vương trên áo gối/ Anh giật mình quay quắt nhìn quanh/Em đã về sao? Chẳng lẽ? Tóc còn xanh!”. Vậy mà bẽ bàng: “À, không phải, tóc con mình, con gái”. Khi đường đi chất đầy hoang vu cô độc nhớ nhung thì cũng đến lúc lối về ông tìm được bạn chung tình. Ông bảo cuộc đời thật ngộ, đẩy người này đi xa thì đưa người khác lại gần.

Chuyện tình của Mai Trần với cô nhân viên trực tổng đài thơ mộng và khó tin như phim, như kịch. Chả thế mà nghệ sĩ Minh Hoàng đã viết thành kịch bản Tình 281 ăn khách một thời ở Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Hạnh phúc lần 2 đơm hoa kết trái cho đời ông thêm 2 đứa con: 1 trai, 1 gái ngoan ngoãn, hiền lành. Vậy mà vận hạn chưa dứt. Vợ ông làm ăn thua lỗ, nợ nần ngập đầu sinh ra buồn chán, có lúc không thiết sống. Nhiều đêm Mai Trần kéo chăn đắp cho vợ, vô tình quệt phải giọt nước mắt mà đau xoáy vào tim, ông bèn bảo: “Mất một tỉ đồng anh có thể làm kiếm lại được nhưng mất mẹ 2 đứa nhỏ anh biết sống làm sao?”. Vậy là ông bán căn nhà khang trang trả nợ, ra thuê một căn phòng trọ nhỏ tá túc tạm. Có lúc túng thiếu không có tiền trả, ông đành dắt vợ con về gửi bên ngoại, còn mình thì lang bạt khắp nơi.

Ngôi nhà mơ ước

Một người bạn Mai Trần than thở: “Muốn tìm Mai Trần, chẳng biết tung tích ở đâu. Mỗi lúc một nơi, nay ở phim trường quận 2, mai lại về quận 12, nay ở quận 9, mai về Thủ Đức”. Mai Trần cười khoe: “Mai về Thủ Đức là lâu dài luôn đó! Cất nhà ở đó rồi, không khang trang lắm nhưng cũng có chỗ chui vào chui ra với người ta”. Tưởng ông đùa mà thật. Thì ra thấy ông rày đây mai đó mãi, bạn bè thân tình đã hùn hạp, đóng góp mỗi người một ít để cho ông xây cái nhà. Nhà nhỏ mà cái tình không nhỏ. Ngày xuống nhà ông chơi, một vóc dáng thấp đậm, phong phanh trong chiếc sơ mi sờn vai, lẹp xẹp đôi dép cũ, Mai Trần dẫn tôi đi một vòng quanh nhà, kể thấy thương lắm: “Ban đầu, tôi chỉ có chừng hơn 20 triệu đồng nên anh em đồng nghiệp người cho xi măng, người cho gạch, người cho tôn, đến cả cái bồn cầu đàng hoàng cũng một đứa em gái tặng. Riêng bộ cửa độc này cũng là người ta không dùng nữa, cho tôi đó. Kệ, mình nghèo nên ai cho cái gì quý cái đó”.

Hơn 60 năm, một kiếp người, Mai Trần là ngựa hoang lang thang, nhiều lần mỏi gối, chồn chân nhưng suốt đời ông không bao giờ gập gối. Ông bảo giờ vẫn đang “cày” để có tiền mua lại miếng đất này vì rốt cuộc cũng chỉ là đang xây nhà ở đậu đất của một người bà con. “Nếu họ lấy đất lại, trả tiền xây dựng cho mình, lúc đó phải tìm nơi tá túc tiếp. Tôi đang ráng làm có tiền để thương lượng, mua đứt miếng đất này luôn, chắc họ cũng bán giá rẻ thôi, như vậy mới an cư được” - Mai Trần cho hay. Mấy tháng gần đây, công việc của ông có vẻ “ngon lành” hơn khi có hợp đồng đóng phim liên tục. Ông lao động càng quần quật hơn, có thể không màng sức khỏe để vợ và con gái vui cười trong ngôi nhà mới, còn mình thì đêm về khóc một mình cũng cam.

Một nghệ sĩ tài hoa

Không quá chói lọi, ồn ào; không phải mồi ngon của dư luận, đề tài báo chí nên Mai Trần có thể được ít khán giả biết đến. Nhưng có hề gì. Mai Trần làm nghề chứ không khoe nghề. Chắc chắn danh vọng chưa bao giờ làm bận lòng ông. Có thể nhắc đến tên ông, nhiều người mập mờ không biết nhưng nhắc đến nhân vật cam đoan ai cũng mê. Ông từng xuất hiện hiên ngang, có những vai diễn hay trên sân khấu như Hoàng Tú (Nhân danh công lý), trung úy Phêđo Rốpki (Đêm họa mi), Lỗ Quý (Lôi Vũ), Jourdan (Trưởng giả học làm sang), thầy giáo điên (Ai điên?)...

 

Nghệ sĩ Mai Trần bên cây đàn guitar. Ảnh Facebook

Nghệ sĩ Mai Trần bên cây đàn guitar. Ảnh Facebook

 

NSƯT Việt Anh từng nhận xét: “Mai Trần là một lão làng trong nghề, rất giỏi về lý luận kỹ thuật biểu diễn, khai thác hành động rất sáng tạo”. Nghe kể lúc diễn xong vai thầy giáo điên trong vở Ai điên?, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã vào hậu trường và nói vui với ông rằng: “Nếu có quyền, chị sẽ trao giải Oscar cho em”. Trên màn ảnh, ông cũng từng giành giải Cánh diều vàng 2005 cho diễn viên phụ xuất sắc trong vai Năm Đực phim Sống trong sợ hãi. Về công tác đạo diễn, ông từng là phó đạo diễn phim Những nẻo đường phù sa, đạo diễn chương trình Tài - Tiếu - Tuyệt và Vitamin cười trên HTV2.

Mai Trần là một diễn viên không đẹp nhưng chắc khỏe. Ông không phải là “tài tử” nhưng lại vô cùng tài hoa. Ngoài tài diễn và dàn dựng, ông hát cũng hay mà chơi guitar cũng giỏi, chơi bida tài mà võ nghệ cũng tinh thông không kém ai, làm thơ đã tuyệt mà nghe ông ngâm thơ càng mê mẩn hơn. Khi nghe ai muốn bỏ nhậu là ông quăng liền mấy câu thơ: “Đừng trách ta say như tên bợm nhậu/Vì nhiều thằng không nhậu, bợm hơn ta”. Quay phim khổ quá, ông than: “Làm phim cực lắm trời ơi/ Sao đang nắng gắt... mưa rơi bất thường”. Trong phim Sống trong sợ hãi, Năm Đực đọc ca dao xưa khiến nhiều người kinh ngạc: “Trời sinh trâu thì sinh cỏ/Đất sinh giếng thì sinh mo/Người sinh o thì sinh tui/O một mình thì khôn đặng”. Bất cứ nơi đâu, ông cũng xuất khẩu thành thơ. Nếu bán thơ mà giàu chắc Mai Trần cũng khá giả rồi!

Mai Trần sống chân tình, cởi mở, giản dị; cái tâm bát ngát bốn phương, giúp đỡ khi bạn cần, không câu nệ tính tình nên lắm bạn nhiều bè. NSƯT Việt Anh bảo Mai Trần là người có nhiều tài vặt, tài nào cũng hay cũng giỏi; tuy cuộc sống kham khổ nhưng luôn phớt lờ khắc nghiệt; dạt dào tình cảm nên được nhiều người thương kẻ mến. Tất cả cuộc vui có ông tham dự đều trở nên tưng bừng, sôi nổi. Ông đàn hát, ngâm thơ, kể chuyện tếu, pha trò rất duyên dáng làm mọi người cười nghiêng ngả, say mê, bái phục. Nếu ai chưa nghe ông hát Còn thương rau đắng mọc sau hè đậm chất rock Tây Nguyên thì sau khi đọc bài này, hãy xem một lần, bảo đảm sẽ tuyệt cú mèo.

Đoạn trường tìm được cha mẹ ruột

Từ nhỏ đến cách đây 4 năm, Mai Trần luôn nghĩ quê hương mình là Quảng Trị nhưng nào phải. Một ngày yên lành bỗng xáo trộn khi ông hay tin mình chỉ là con nuôi, ba mẹ xin về từ Trà Vinh hồi ông còn ẵm ngửa. Vậy Quảng Trị là quê hương nhưng Trà Vinh mới là cội nguồn. Trước khi mất, mẹ ông chỉ trăn trối lại đúng câu: “Hãy về Trà Vinh tìm ông Tư què thì sẽ biết cha mẹ con là ai”. Cứ sợ như không kịp với thời gian, Mai Trần gác bỏ lại tất cả, lao đi tìm. Sau hơn 10 năm gian lao khắp chốn, ông mới tìm lại được cha mẹ ruột. “Ngày xưa, mẹ ruột tôi là người ở trong nhà, vì ba ruột tôi không có con gái nên lấy mẹ để kiếm đứa con gái nhưng không ngờ cũng có con trai. Mẹ tôi buộc phải đem tôi cho người khác. Cha mẹ nuôi sợ có ngày mất con nên mang tôi về tuốt Quảng Trị sinh sống” - Mai Trần kể. Dù có bao nhiêu phân bua và tủi hờn khi gần 60 năm cuộc đời không biết mặt cha mẹ ruột, bao phen chao đảo cuộc đời, giờ Mai Trần bảo mình là người có phước khi có thêm cha mẹ ruột, một em gái ruột và nhiều người anh em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo