xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở cửa đón thần Tài

VU GIA, ảnh: trương vững

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/ Sáng mồng một, rượu say túy lúy, dang tay bồng ông Phúc vào nhà”

Câu đối của cụ Nguyễn Công Trứ viết cách nay đã hơn 200 năm song những ngày Xuân về Tết đến này đọc lại vẫn thấy thú vị. Với tôi, chỗ thú vị của câu đối Tết này là nghèo mà không hèn. Nghèo sinh ra hèn (nghèo hèn), chẳng mấy ai trách nhưng tránh được cái hèn ắt có lắm người kính trọng. Thời nào cũng thế, đời nào cũng thế.

img

Hồi nhà văn Sơn Nam còn sống, ông hay nói với tôi, bây chừ người giàu nhiều mà người phong lưu không có mấy. Tôi nói theo ý của mình là người giàu có nhiều nhưng ít người đi với sang (giàu sang) mà thấy lắm kẻ đi với hèn, không hợp lẽ đời. Ông cười cười, đưa tay gỡ cặp kính xuống, kéo vạt áo chùi chùi và nói bâng quơ: “Môi trường sống, nó vậy!”.

Câu chuyện đã qua vài chục năm có lẻ. Bây giờ, tuổi tôi đã đi qua một vòng hoa giáp, ngẫm lại chuyện xưa, chuyện nay thấy dân tộc mình chịu ảnh hưởng của văn hóa cổ đại Trung Hoa lâu quá và “bảo hoàng hơn vua” dù dân bản địa đã thay đổi từ đời nảo đời nao. Chúng ta luôn xem “sĩ, nông” là nhất. Miệng nói “phi thương bất phú” mà luôn xếp “thương” vào hạng bét. Dưới mắt nhiều người, giới “con buôn” chẳng đáng đồng xu mẻ. Ngược lại, thứ “quân tử ăn chẳng cầu no” với “ngày ba bữa vỗ bụng rau bịnh bịch”, rồi ngông nghênh ngâm thơ vịnh nguyệt thì được coi trọng, được người trong xóm, trong làng lấy đó làm “điểm sáng” dạy con. Chợ quê cũng chỉ là nơi trao đổi vật dụng thường ngày chứ chẳng phải nơi kinh doanh đúng nghĩa.

Nhắc chuyện này, không phải tôi “phủ nhận quá khứ” nhưng sự thật là như thế. Vào những năm đầu thế kỷ XX, đại đa số nhân dân ta vẫn coi thường chuyện buôn bán, chuyện làm ăn, làm giàu. Bài “Thể Nông cổ mín đàm ca” đăng trên tờ Nông cổ mín đàm số 36-1902 ở Nam Kỳ có đoạn: “Nghĩ coi Các Chú, Chà Và/ Cùng người Thiên Trước (Ấn Độ - V.G) đều là dị bang/ Hùn nhau buôn bán muôn vàn/ Hãng tàu, hãng gạo, bạc ngàn cho vay”. Ở miền Trung thì Phan Châu Trinh kêu gọi nhân dân lập hội buôn, hội nông, hội học và các buổi diễn thuyết công cộng..., những mong bà con vượt qua đói nghèo, ngu muội. Phan Châu Trinh viết: “Đất bỏ hoang biết đà hiếm mấy/ Lợi chung chung đều thấy bỏ qua/ Để cho Khách với Chà Và/ Chia nhau lấy lợi mà ta ngồi nhìn”... Ở miền Bắc, các cụ mở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng với tinh thần như thế.

Đọc vế đối trên càng thấy rõ điều đó. Thay vì “dang tay bồng thần Tài vào nhà” thì “dang tay bồng ông Phúc vào nhà”. Ông Phúc ở đây là Phúc thần, vị thần đem lại may mắn, tốt lành. Với Nguyễn Công Trứ và mọi người thuở ấy như thế là đủ, bởi “ăn chẳng cầu no” (trên thực tế làm gì có đủ lương thực để được ăn no) thì đâu cần thần Tài viếng nhà. Ở nhiều vùng quê bây giờ dường như vẫn thế. Những hộ buôn bán thì có thờ thần Tài, còn lại không thấy. Vị thần Tài này cũng rặt Tàu chứ chẳng có hơi hướng gì Việt Nam cả. Bây giờ là thời hội nhập nên tôi thấy nhiều nhà còn thờ thần Tài Thái Lan, thần Tài Campuchia...

Nói đến việc có của ăn của để đến giàu có, ông cha ta thường nhắc nhở con cháu: “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”. Ngẫm lại, tôi thấy không sai. Ba đời mà còn nghèo khó thì theo tôi, thứ nhất là huyết thống truyền thừa kém, thứ hai là thiếu nghị lực. Thực tế cuộc sống đã chỉ ra dù huyết thống truyền thừa kém không nghĩ ra được kế gì hay để vượt qua số phận nhưng biết chịu thương chịu khó, biết “ăn bữa trưa, nghĩ bữa chiều” thì không đến độ phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, thậm chí chịu cảnh “đói xanh da”. Qua vài đời chịu thương chịu khó như thế, cuộc sống sẽ khác.

Bây giờ cũng thế thôi, nhiều người bán vé số dạo, làm thuê, nhặt rác mà biết tiện tặn cũng có nhà cửa, có đủ tiền cho con học thành tài, thay đổi cuộc sống. Còn ngược lại, kiểu “con nhà lính tính nhà quan” thì khó vẫn hoàn khó, thậm chí địa phương phải xếp vào danh sách những hộ “đói mạn tính”, nghĩa là phải nhờ vào trợ cấp xã hội.

Đọc đây đó, tôi thấy ở Bolivia, Peru, Argentina, Chile và nhiều nước khác thuộc Nam Mỹ, Ekeko là vị thần Tài được tôn vinh nhiều nhất vào năm mới (cả tháng giêng). Theo truyền thuyết, ngài là người lao động cật lực và trở nên giàu có nhất vùng. Ngài thường mặc áo poncho, vác trên vai các bao tiền, lúa, vật dụng thường ngày..., hễ gặp trẻ em thì cho trẻ em, gặp người già thì biếu người già, gặp phụ nữ thì tặng phụ nữ... Do đó, nhân dân các nước Nam Mỹ xem ngài là người bảo trợ cho các gia đình nghèo khó.

Yêu quý Ekeko, dân gian thường vẽ hình, làm tượng, làm con rối đặt tại nhà hoặc khắc, chạm hình ngài vào các vật phẩm trang trí, những mong được ngài luôn ở bên cạnh phù hộ. Các lễ hội Alasita và Calvario ở Nam Mỹ, nhà nhà, người người mua sắm, biếu tặng các vật dụng có chân tượng ngài với hy vọng người được tặng sẽ được mạnh khỏe, vui sướng quanh năm vì tài lộc luôn dồi dào...

Đón ngày Xuân vui, chúng ta cùng mở cửa đón thần Tài với nụ cười rộng mở. Trước mắt, chúng ta nên học tập Ekeko để có cuộc sống khá hơn. “Dân giàu nước mạnh” cũng là mục tiêu mà chúng ta đã và đang phấn đấu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo