xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một thời nổi danh, cuối đời khốn khó

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Một thời họ đứng trên đỉnh cao danh vọng, từng có trong tay tài sản kếch sù nhưng khi về chiều sống khốn khó, hẩm hiu

Theo chân nghệ sĩ Hiếu Cảnh đến thăm căn nhà chật hẹp của nghệ sĩ (NS) Điền Phong, thành viên đoàn Huỳnh Long xưa, mới hiểu rõ cuộc sống về chiều của một nghệ sĩ chỉ biết yêu nghề, sống trọn đời với nghề.
img
NSƯT Diệu Hiền và nghệ sĩ Linh Châu trong vở Nhụy Kiều tướng quân

Hẩm hiu tuổi già

Thời trước, ông nổi tiếng với những điệu bộ vũ đạo đẹp mắt. NSƯT Vũ Linh kể: “Anh Điền Phong khi diễn trên sân khấu, khán giả ném tiền lên tặng như mưa, có suất diễn tiền thưởng dành cho ông lớn hơn tiền lương. Thời tôi mới học nghề, tên tuổi của anh đã nổi như cồn”.

Năm nay, NS Điền Phong đã gần 70 tuổi, cả đời bôn ba vẫn không thể giúp ông thoát khỏi cảnh nghèo. Ông cho biết hiện vẫn đi diễn để có được 2 bữa cơm mỗi ngày. Vốn quen sống đơn độc, không có gia đình, đoàn hát được ông xem là mái nhà của mình. Từ khi đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long giải tán, ông trở về sống cô độc trong căn nhà nhỏ của mình, thỉnh thoảng nhận lời đi diễn cho các lễ hội cúng đình, cúng miễu. Mỗi ngày đi diễn, ông kiếm được vài chục ngàn đồng, đủ ăn cơm với tương chao. Hơn 2 năm qua, ông bị bệnh bao tử rồi cả bệnh thấp khớp nhưng có suất hát thì vẫn khăn gói đến điểm diễn. NS Hiếu Cảnh, người bạn chí cốt của ông, kể: “Có khi hát mấy suất không đủ tiền trả xe ôm, vậy mà anh Phong vẫn thích được đi hát, được gặp gỡ đồng nghiệp và khán giả. Tháng rồi, NS Hồng Nga, ca sĩ Cẩm Ly tặng ít tiền, anh Phong mua bảo hiểm y tế đi khám bệnh và mua thuốc uống để có sức tiếp tục đi hát”.

NSƯT Diệu Hiền còn khổ sở hơn. Ở tuổi 68 nhưng bà vẫn là trụ cột lo từng bữa cơm cho 7 miệng ăn. Bà kể trong nước mắt: “Tôi được học trò cưng là NS Vũ Linh mua tặng một miếng đất ở Thủ Đức để cất nhà sống dưỡng già nhưng vì cháu nội bị bệnh, rồi em gái bị tai nạn, thế là phải bán để có tiền xoay xở. Thời buổi nhà đất xuống giá, tiền bán đất không được là bao nên “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”.

Bà cho biết mỗi sáng thức dậy là phải nghĩ đến việc tìm sô diễn để có tiền đi chợ, tiền trả xe ôm. Ở tuổi này nhưng bà vẫn phải đi hát quán, hát đình, hát cả đám ma để có tiền lo cho cuộc sống gia đình. Thời vàng son, bà làm đào chánh các đoàn hát lớn, tiền lương mua được mấy căn nhà. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, mấy căn nhà đó phải lần lượt bán đi.

Tuổi về chiều, khi còn cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, bà được cấp một căn hộ tập thể. Nay căn hộ đã xuống cấp. “Mỗi lần trời mưa lớn, cả nhà phải thức để tát nước, đến khi tạnh mưa thì trời cũng sáng” - bà khóc khi nói về hoàn cảnh của mình.

“Lạy tổ cho có nhiều bông”

NS Thanh Thế lúc đương thời là một đào chánh sáng giá. Từ ngày chồng bà qua đời (NSƯT Bửu Truyện), bà vẫn bám sàn diễn để lo kế sinh nhai. Hai người con đã lớn nhưng gia cảnh nghèo khó nên bà không muốn làm khổ con. “Về ở với con sẽ là gánh nặng nên tôi thuê nhà để sinh sống và đi hát kiếm tiền lo cho bản thân” - bà từ tốn cho biết. Chỉ vào góc nhà nơi chứa nhiều kịch bản cải lương do NSƯT Bửu Truyện sáng tác, bà nói: “Nhờ những vở tuồng này, nhiều NS sử dụng biểu diễn trả tiền bản quyền cho nên cũng sống tạm”.

Thời còn nổi danh, bà và cố NSƯT Bửu Truyện sống trong nhung lụa. Chỉ biết tối đến đi hát, còn mọi việc đều do kẻ ăn người ở trong nhà quán xuyến. Khi sân khấu vắng khách, bà lui vào bóng tối. Nhiều năm nay, ít có đoàn hát dựng nguyên vở, “cho nên thu nhập đi hát chỉ dựa vào những buổi hát chầu”, bà cho biết.

Nếu trước đây, bà nổi tiếng là nữ NS diễn vai Đào Tam Xuân và Phàn Lê Huê hay nhất thì nay đôi mắt đã yếu, điệu bộ không còn linh hoạt, mỗi lần đoàn hát chầu mời diễn là bà sợ nhất khi phải diễn hai vai này, nhưng “vì đi diễn kiếm cơm thì phải ráng, ra đến sàn diễn luôn miệng lạy tổ thương tình cho mình diễn tròn vai”, bà tâm sự trong nước mắt.

Nghệ sĩ Minh Tuấn, diễn viên của đoàn Huỳnh Long xưa kia, bây giờ  đi bán vé số kiếm sống. Anh thường đến quán NS của Nguyễn Minh (chồng của NS Thy Trang) để xin được hát phục vụ khách. Hát ở quán không có thù lao, chỉ có tiền “boa” của khách được kẹp trong những cành bông nhựa, sau khi hát hết bài vọng cổ hoặc xuống xề mùi mẫn, khách sẽ lên tặng. Tổng số tiền bông khách cho được chia 3 phần: quán và ban nhạc cổ lấy 2 phần, phần còn lại NS chia nhau, có đêm anh được thưởng đến gần 200.000 đồng. Vì vậy, đêm nào đi hát, anh cũng cầu “Tổ cho có nhiều bông”.

Còn được hát là vui

NS Kiều Phượng Loan một thời làm bầu gánh, đến nay vẫn bám sàn diễn với vai trò diễn viên. Chị sống kham khổ trong giai đoạn sau này bởi một thân một mình nuôi đứa con bại liệt và người cha già bệnh tật. Cách đây không lâu, chị đi diễn về bị cướp mất chiếc xe máy, tài sản được xem là quý giá nhất. Từ ngày mất xe, chị đi diễn bằng xe ôm. Thù lao lĩnh có lúc còn phải nợ lại tiền xe. Khó khăn trăm bề nhưng chị nhất định không rời sàn diễn. Hiện nay, gia đình chị sống trong căn nhà thuê ở một con hẻm gần chợ Gò Vấp, TP HCM. Khi không còn gắn với đoàn hát chuyên nghiệp vì sàn diễn không có, chị gắn bó với nhóm cải lương đồng ấu Bạch Long, diễn phục vụ khán giả tại sân khấu Cầu Vồng Tuổi Thơ và Sân khấu Sen Hồng Công viên 23-9. “Thù lao mỗi suất là 200.000 đồng nhưng vui vì được gặp khán giả và được ca diễn trên sân khấu. Nghệ sĩ nghèo mà còn được hát là vui lắm rồi” - NS Kiều Phượng Loan nói.

Kỳ tới: Tàn nhưng không phế

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo