xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngày xuân nghệ sĩ kể chuyện vai diễn để đời

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

(NLĐO) - Đối với người nghệ sĩ, vai diễn để đời luôn là ký ức khó quên từ những trải nghiệm lao động nghệ thuật, là báu vật của đời nghệ sĩ


NSƯT Thanh Ngân, Quế Trân trong vai Trưng Trắc, Trưng Nhị

NSƯT Thanh Ngân, Quế Trân trong vai Trưng Trắc, Trưng Nhị

Ba thế hệ một vai Trưng Trắc

Dư âm về vở cải lương Tiếng trống Mê Linh được gia đình NSƯT Bảo Quốc thực hiện nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập thương hiệu Thanh Minh, Thanh Nga vẫn được khán giả yêu sân khấu bình luận, nhất là trong những ngày cận tết, rất đông khán giả mến mộ cố NSƯT Thanh Nga đã đến viếng mộ bà. Công chúng có phần xét nét về sự tiếp nối sáng tạo của thế hệ diễn viên trẻ đối với một nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga tài sắc vẹn toàn. Dĩ nhiên so sánh sẽ là khập khiễng vì hào quang của cố nghệ sĩ Thanh Nga với vai Trưng Trắc quá lớn, nhưng xét về mặt nỗ lực của các nữ diễn viên đã từng thể hiện thành công vai Trưng Trắc, sẽ thấy họ đã có nhiều sáng tạo mới, xứng đáng là hậu bối của NSƯT Thanh Nga.

NSƯT Thanh Nga vai Trưng Trắc
NSƯT Thanh Nga vai Trưng Trắc

Đầu tiên phải kể đến sự xuất hiện thật bản lĩnh của nghệ sĩ Thanh Hằng khi đạo diễn Việt Hùng tái dựng vở Tiếng trống Mê Linh (tác giả Việt Dung - Vĩnh Điền) năm 1997 trên màn ảnh nhỏ HTV. “Đối với tôi đó là thời khắc để đời, vì lúc tôi còn nhỏ tuổi đã tham gia diễn những tiết mục múa trong các vở tuồng mà cô Thanh Nga đóng vai chánh. Nên khi được mời hóa thân vào nhân vật Trưng Trắc, tôi xúc động vô cùng, thầm nguyện vong linh cô Nga sẽ phù trợ để tôi hoàn thành vai diễn của mình” – NS Thanh Hằng xúc động kể.


NSƯT Thanh Sang và Thanh Nga trong vở Tiếng trống Mê Linh

NSƯT Thanh Sang và Thanh Nga trong vở "Tiếng trống Mê Linh"

Và chị đã tạo được ấn tượng bên cạnh một Thi Sách – Thanh Tuấn oai phong, lẫm liệt. Chất lãng tử hào phóng trong ca diễn của Thanh Hằng đã làm cho vai diễn Trưng Trắc trở nên gần gũi, mộc mạc. Từng ánh mắt, cử chỉ, sự nén lòng trước cơn đau thắt khi hay tin chồng sa vào tay giặc đã chở nặng bao nỗi niềm của một người phụ nữ chịu nhiều gian truân trong đường đời như Thanh Hằng. “Cô Thanh Nga diễn để đời nhiều vai, trong đó Trưng Trắc là một phần tự hào đối với nghề nghiệp của bất cứ một nữ diễn viên trẻ mới vào nghề. Thần sắc của cô Nga, mình chỉ thừa hưởng một chút xíu cũng đủ để gọi là mừng vì đó là dấu hiệu của “tổ đãi”, nói chi đến việc được đóng một vai để đời của cô, mùa xuân năm 1997 mãi mãi sống trong ký ức của tôi” – NS Thanh Hằng chia sẻ.

NS Thanh Hằng đã từng diễn vai để đời cua cố NSƯT Thanh Nga
NS Thanh Hằng đã từng diễn vai để đời cua cố NSƯT Thanh Nga

Kế đến là NSƯT Phương Hồng Thủy trong chương trình Đêm huyền diệu (đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc). Vai Trưng Trắc chỉ là một lớp độc diễn nhưng thắm đượm niềm trăn trở trước cơn sinh ly tử biệt. Lớp quấn khăn tay tế sống Thi Sách, NSƯT Phương Hồng Thủy không khóc nhưng người xem quặn đau vì tiếng lòng bất khuất của người phụ nữ đặt nợ nước lên trên tình riêng. Dứt câu hò, chuyển hơi ai, ánh mắt chị bừng lên một niềm tin nhưng sâu lắng bên trong là nỗi đau thắt của người vợ vĩnh viễn xa chồng. Khi ấy, bàn tay rung rung tuốt kiếm rồi thét lớn câu tiến quân được NSƯT Phương Hồng Thủy diễn đầy tinh tế và cảm động.

NSƯT Thanh Ngân mỗi khi nhận vai diễn của cố NSƯT Thanh Nga, chị đều đến Nghĩa trang nghệ sĩ viếng mộ bà. NSƯT Thanh Ngân kể: “Tôi đã khấn nguyện cô Nga hãy phù trợ cho mình có thêm niềm tin để tiếp bước sáng tạo của cô. Tôi không dám nghĩ mình sẽ tạo được một Trưng Trắc với thương hiệu Thanh Ngân, mà chỉ dám tin rằng mình đang “đồ” lại những nét diễn của cô, để qua VTV 1 khán giả cả nước có dịp xem lại vai diễn của cô, đồng cảm sâu sắc với một kịch bản cải lương mang tính kinh điển của sân khấu cải lương. Tôi chỉ là thế hệ kế tục những gì cô Thanh Nga và các cô chú, anh chị nghệ sĩ đi trước đã làm”.

NSƯT Phương Hồng Thủy và tác giả
NSƯT Phương Hồng Thủy và tác giả

Với tinh thần cầu tiến đó, NSƯT Thanh Ngân đã có một vai Trưng Trắc xứng với nỗ lực của một diễn viên trẻ đang hồi xuân sắc. Nếu so với NS Thanh Hằng và NSƯT Phương Hồng Thủy, lực diễn của NSƯT Thanh Ngân chưa bằng, nhưng trong tổng thể một vở diễn, NSƯT Thanh Ngân nổi bật với vai trò lĩnh xướng. Mặt khác phải thừa nhận đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã dành nhiều đất diễn và khai thác chi tiết tâm lý vai diễn, giúp NSƯT Thanh Ngân xâu chuỗi một cách có hệ thống những trạng thái tâm lý thay đổi liên tục trong vai Trưng Trắc.

Dòng đời vẫn trôi đi, sân khấu rồi sẽ có nhiều thế hệ tiếp nối sáng tạo nhân vật Trưng Trắc – một tấm gương phụ nữ trung kiên, đặt nợ nước lên trên tình nhà. Các thế hệ trẻ rồi sẽ có người làm nên những vai diễn để đời, nhưng để xứng đáng là hậu duệ của nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga – người nghệ sĩ là biểu tượng của niềm tự hào trên sân khấu cải lương, thì mỗi bản thân những nữ nghệ sĩ trẻ phải luôn rèn luyện và tôn kính những bài học xuất phát từ cái Tâm làm nghệ thuật.

NSƯT Thành Hội và Ái Như trong tác phẩm Cơn mê cuối cùng
NSƯT Thành Hội và Ái Như trong tác phẩm "Cơn mê cuối cùng"

Ba người đàn ông trong “ Cơn mê cuối cùng”

Ngày xuân, nhớ về cố nhà văn Ngọc Linh, tôi bỗng nhớ đến một tác phẩm sân khấu nổi tiếng của ông do đạo diễn Ái Như dàn dựng, vở Cơn mê cuối cùng.

Không khí kịch nghiêng về sự ngột ngạt tưởng chừng phá vỡ không gian mộc mạc mà đạo diễn Ái Như đã mang đến cho vở kịch của người tác giả nặng lòng với văn chương. Ở đó, có lớp diễn quyết liệt, nâng cao tính nhân bản trong tác phẩm của nhà văn Ngọc Linh. Ba vai diễn của ba nam nghệ sĩ trong tác phẩm này, đều là ba nhân vật để đời, khiến họ luôn khơi nguồn cảm xúc khi nhắc đến nhà văn Ngọc Linh – một bậc thầy mà họ tôn kính.

Nếu xét về mặt nghệ thuật, đó là lớp diễn hay nhất khi tác giả và đạo diễn đã để ba người đàn ông trong cuộc đối mặt nhau. Út Hơn (NSƯT Thành Hội) không thể chịu đựng sự dằn vặt khi Dũng (NS Khánh Hoàng) vẫn tin rằng người cậu dở điên, dở tỉnh đã hại đời con gái Mận - người yêu của Dũng. Trước bàn thờ chị mình, người đàn bà đã chết tức tưởi vì không thể tha thứ cho chồng, Út Hơn đã nói ra sự thật, chính Hai Khương (NS Tấn Thành), người mà dân làng miệt Cù Lao tôn kính gọi là “thần hoàng” vì những công đức mà cả đời ông đã làm cho họ- là thủ phạm. Dũng nhìn cha chờ đợi sự phản ứng, nhưng anh thất vọng. Chính cơn mê chợt đến từ mùi hương bưởi sực nồng đã khơi gợi lại mối tình cũ, biến Hai Khương thành kẻ sẩy chân trong dục vọng thấp hèn.

NS Khánh Hoàng
NS Khánh Hoàng

Nếu cả đời Hai Khương từng làm việc thiện, thì cái ác làm hại đời con gái Mận không thể đứng sau dấu trừ để ngang nhiên giáo điều dân làng Cù Lao. Tôi thích dấu lặng trong diễn xuất của Tấn Thành khi nhân vật Hai Khương của anh chệnh choạng cầm cây dùi bước đến chiếc kẻng kêu gọi dân làng chống lũ sắp nhấn chìm ngôi làng mà ông đã ra công khai phá. Nếu trước đây ông là người lao mình vào mưa gió để cứu Mận, thậm chí làm cả công việc đỡ đẻ cho người nghèo, thế mà sau một cơn mê, sức lực của ông đã không đủ để gióng lên hồi kẻng báo động.

NS Thanh Hằng
NS Thanh Hằng

NSƯT Thành Hội kể: “NS Tấn Thành trong vai Hai Khương đã ôm một nỗi đau âm ỉ về một kiếp nhân sinh chập chùng bể khổ. Nhân vật của anh làm cho người xem thấm thía sự cảm nhận về khoảng cách giữa thiện và ác, con người được sống đúng nghĩa thì phải biết thức tỉnh trước những đam mê. Còn vai của tôi với cá tính tưng tửng của nhân vật Út Hơn đã cho tôi cơ hội đi vào chiều sâu ngóc ngách của tâm lý vai diễn này. Nhân vật rặt chất nông dân là sở trường của tôi, nhưng tôi đã diễn khác với các vai: Tám Luông (Gió rừng tràm), Năm Biền (Chuyện bây giờ mới kể), Tư xích lô (Trầu cau)... để vai Út Hơn rộng đất cày và cho tôi thỏa sức khắc họa những mảnh vỡ của mỗi số phận trong cuộc sống. Chính từ sáng tạo này mà diễn viên Quang Thảo đã tiếp bước tôi, thể hiện vai diễn này trên sân khấu Hoàng Thái Thanh hiện nay” – NSƯT Thành Hội chia sẻ.


NS Tấn Thành

NS Tấn Thành

Với NSƯT Thành Hội, sự hoàn thiện vai diễn trên sân khấu chính là sự đa chiều trong tâm lý nhân vật. Anh tâm đắc khi đọc kịch bản của tác giả Ngọc Linh, vì cái lõi của câu chuyện chính là sự trình bày góc cạnh “không có bài toán trừ giữa thiện và ác”, hay nói đúng hơn cuộc hành trình mà các nhân vật đã theo ngòi bút của tác giả để đi hết con đường chia đôi ranh giới giữa ác quỉ và thiên thần, thì Út Hơn của anh đã được khán giả khâm phục bởi vẻ đẹp đáng yêu của một anh bộ đội bị trọng thương ở chiến trường Tây Nam, sống dở điên, dở tỉnh nhưng biết quý trọng đạo đức và tình yêu. Ở cuộc sống đời thường có nhiều người bất hạnh như Út Hơn, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của họ giá trị về những mất mát đó đã giúp họ vững vàng hơn trong cuộc sống.

NS Khánh Hoàng có biệt tài bất chấp những nhân vật khô khan. Bằng chứng cách đây hơn 30 năm vai Đồng Đen, một chiến sĩ cách mạng trong Điểm hẹn vùng ven (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) đã từng được đồng nghiệp tin yêu bởi những cảm xúc tinh tế mà anh đã phả cho vai diễn. Dũng trong Cơn mê cuối cùng cũng thế, rất dễ rơi vào chai sạn cảm xúc nếu anh bị cuốn theo sự căng thẳng của tuyến kịch. Chính lối diễn bản lĩnh, biết tiết chế đúng lúc đã giúp cho nhân vật có một ấn tượng đẹp trong lòng người xem. Đối với Khánh Hoàng bao giờ anh cũng dành cho mình công việc đi tìm bằng sự quan sát thấu đáo cuộc sống và lắp kín những khô cứng hoặc bi lụy trong một vai diễn khó. Đó là cách thừa nhận và khắt khe với chính mình để sống đúng nghĩa với nhân vật.

Cảnh trong vở Cơn mê cuối cùng
Cảnh trong vở "Cơn mê cuối cùng"

Tôi hỏi NS Khánh Hoàng: “Anh có nghĩ ngoài đời sẽ có trường hợp tương tự như tâm trạng mà Dũng đã trải nghiệm?”. Anh khẳng định : “ Có, bi kịch của cuộc đời đôi lúc còn lớn hơn sân khấu. Nhưng cái kết quá tuyệt, khi Dũng đã chấp nhận hy sinh tình yêu của mình, đưa cả số tiền dành dụm cho Út Hơn để cậu mình từ nay yêu thương Mận, lo lắng cho mẹ con Mận, mà con của Mận là ai kia chứ, nó chính là giọt máu của cha Dũng. Tôi nghĩ cái kết đó không thuần lý trí, mà là bài học giá trị đối với những mảnh đời không tìm ra lối thoát nên phải mở rộng lòng mình để sự vị tha xóa tan thù hận”.


Cảnh trong vở Cơn mê cuối cùng

Cảnh trong vở "Cơn mê cuối cùng"

Khi xem lại vở Cơn mê cuối cùng tôi chợt hiểu vì sao nhà thơ Ngô Hoàng Giang đã từng nói: “Trên cuộc đời ai cũng có nỗi đam mê, nhưng quan trọng là biết dừng lại”. Nhân vật Hai Khương là mẫu đàn ông đã sa chân vào cạm bẫy đó, nhân vật Út Hơn đã chạm đến nỗi đam mê và nhân vật Dũng của NS Khánh Hoàng thì đại diện cho những thanh niên, yêu nhưng bất lực trước hoàn cảnh cay nghiệt. Họ là ba người đàn ông đáng thương và cũng đáng trách trong một tác phẩm sân khấu, để lại cho người xem nhiều suy ngẫm. Sân khấu kịch nói hôm nay, có quá ít tác phẩm hay như Cơn mê cuối cùng để đủ sức mang mùa xuân về cho sàn diễn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo