xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngọc Linh - Nhà viết kịch cao tay

Nhà viết kịch Lê Chí Trung

Nhà viết kịch Ngọc Linh đã có nhiều tác phẩm sân khấu để đời nhưng cũng vài lần bị suy diễn, chụp mũ, gán ghép cho những tội về chính trị

Tôi cứ lần lữa mãi khi đặt bút viết về ba vợ mình - nhà viết kịch Ngọc Linh. Thật ra, tôi chưa tìm được chìa khóa, không biết nên bắt đầu từ dung mạo nào của ông: Nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, nhà báo hay một nhà viết kịch. Bởi sự nghiệp hơn nửa thế kỷ sáng tác của nhà văn Ngọc Linh khá đồ sộ với mấy chục bộ tiểu thuyết ăn khách ở miền Nam trước năm 1975. Ông cũng từng làm báo Lẽ sống, ký giả kịch trường, thư ký tòa soạn tuần báo Nhân loại, mở nhà xuất bản Phù Sa ở Sài Gòn từ khi còn rất trẻ. Sau này, ông là Phó Tổng Biên tập Báo Sân khấu TP HCM và là người khởi xướng, chỉ đạo tổ chức Giải thưởng Trần Hữu Trang cho sân khấu cải lương. Ông viết nhiều tác phẩm gây được tiếng vang cho cả kịch nói, cải lương, phim truyện truyền hình…, đoạt nhiều huy chương vàng qua các đợt hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Ngọc Linh - Nhà viết kịch cao tay - Ảnh 1.

Nhà văn - nhà viết kịch Ngọc Linh. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Với tôi, ông vừa là người cha, người thầy đầu tiên trong nghề sân khấu. Chẳng là thời đó, tôi mới chân ướt chân ráo từ bộ đội chuyển ra, làm ở quận 5. Một hôm, bà sếp cơ quan cười cười bảo: "Tôi thấy cậu cũng có văn hóa, hay cậu thử chạy qua dự trại sáng tác sân khấu quần chúng của quận đi". Tôi đến trại sáng tác ở khu vui chơi Đại Thế Giới cũ, nay là Trung tâm Văn hóa quận 5, với tâm trạng hờ hững như để giết thời gian. Bởi sân khấu đối với tôi là một thế giới hoàn toàn xa lạ. Tôi nhìn ông thầy đang ngồi giữa đám học trò dưới tàn cây trứng cá, nghĩ thầm: "Trời ơi, sao lại có một ông thầy to như hộ pháp ngồi dạy viết kịch". Không ngờ những bài giảng về nghệ thuật biên kịch, khát vọng công dân, lý tưởng sáng tác và vốn sống ngồn ngộn của ông đã thu hút tôi ngay từ buổi học đầu tiên. Sau này, tôi mới biết với tên thật Dương Đại Tâm, ông còn là võ sư tam đẳng huyền đai aikido, nhị đẳng huyền đai taekwondo và từng phụ trách một võ đường aikido lớn ở TP HCM.

Kỷ niệm vui vui là trong trại sáng tác lúc bấy giờ có một cô tác giả trẻ trông cũng khá xinh nhưng hễ đến giờ giải lao là nhào lên bưng nước, đưa khăn lau mặt cho thầy. Tôi ghét lắm. Ghét thói nịnh bợ nên chờ dịp cô ấy đọc kịch bản liền phang tới tấp, mà không biết đó là con gái của thầy. Cô ấy hơi hoảng vì cách góp ý quá hung hăng, băm bổ của tôi. Sau này khi thành vợ chồng, cô ấy cho biết ngay từ bữa đó, ông đã bảo: "Thằng Trung nó để ý mày".

Sự nhạy cảm và vốn sống của một nhà văn rất cao tay trong việc khắc họa tâm lý nhân vật đã giúp ông đọc được những ẩn giấu trong lòng người khác. Ông hay ngồi cả buổi để "tám chuyện" với các đồng nghiệp nữ, như nhà văn Trầm Hương, Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Hoa Hạ... Chắc họ không bao giờ ngờ rằng ngoài những câu chuyện nghệ thuật, ông luôn ngầm quan sát họ lấy chất liệu để dành tạo tác những nhân vật nữ của mình sau đó. Với ông, tất cả người xung quanh, ngay cả vợ con, cũng đều là đối tượng nghiên cứu sáng tác văn học nghệ thuật. Ông không bao giờ bỏ phí cơ hội. Hình tượng người đàn bà từng là trung tâm, hạt nhân cảm xúc trải dài trong các tác phẩm của Ngọc Linh. Ông hay nói với tôi rằng: "Người đàn bà không chỉ là nhân vật trung tâm của văn học, nghệ thuật mà còn là đối tượng độc giả chủ yếu, cần hướng đến của văn học, nghệ thuật" hoặc: "Nhà văn có thể bịa ra tất cả nhưng không thể bịa ra chi tiết tâm lý nhân vật". Tôi học được ở ông nhiều điều nhưng không sao học được sự cần mẫn đến từng giây phút sống của một nhà văn như ông.

Ngọc Linh - Nhà viết kịch cao tay - Ảnh 2.

Tác giả Ngọc Linh và các diễn viên tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (Ảnh: T. Hiệp)

Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhà viết kịch Ngọc Linh đã có vài lần bị suy diễn, chụp mũ, gán ghép cho những tội về chính trị. Đặc biệt là đến vở cải lương "Muôn dặm vì chồng" (đạo diễn: Huỳnh Nga) trên sân khấu Đoàn Cải lương Văn công Thành phố. Tác phẩm này ông viết về vợ chồng nhà chí sĩ yêu nước Bùi Hữu Nghĩa (như để trả ơn tên con đường mà gia đình ông đang sống) dám xả thân chống nạn cường hào ác bá tại tỉnh Vĩnh Long, nơi Bùi Hữu Nghĩa làm quan tri huyện. Tác phẩm bị "đánh" lên "đánh" xuống, bắt duyệt đi duyệt lại rất nhiều lần và người tự nguyện giơ lưng chịu đòn cùng anh em nghệ sĩ chính là ông Dương Đình Thảo - cố Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM lúc bấy giờ. Một buổi chiều, ba vợ tôi chạy xe về nhà, bị lên máu, mặt đỏ gay. Tối đến, ông mới nói với riêng tôi rằng một lão siêu hội đồng duyệt vỗ vai ông, cười: "Nếu Ngọc Linh biết đến nhà tôi từ sớm đã không phải khổ thế này". Cuối cùng, vở diễn phải mời Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Linh đến xem. Ông Linh hơi trầm ngâm, nói ngắn gọn: "Trước khi xem, tôi nghe người ta nói vở này ám chỉ chửi chế độ, xúi giục người dân đánh trống kêu oan. Tôi thấy vở lịch sử tốt, có gì đâu. Còn nếu có anh cán bộ địa phương nào xấu như ác bá cường hào phong kiến trong vở diễn thì phê phán là đúng".

Tác phẩm được ra đời, trước hết phải kể đến tri thức quản lý, quyết tâm bảo vệ nghệ thuật của ông Dương Đình Thảo. Nhưng dù được đích thân bí thư thành ủy xem duyệt, tác phẩm của Đoàn Cải lương Văn công Thành phố khi ra khán giả vẫn không được lấy tên "Muôn dặm vì chồng " mà phải đổi thành cái tên ngô nghê, vô thưởng vô phạt "Muôn dặm sơn khê".

Sở dĩ tôi kể chuyện này bởi đến tận bây giờ, nhiều tác phẩm hay về đề tài lịch sử cũng bị bắt đổi tên, nhân vật chính sử bị đổi sang dã sử. Với những lý do của mấy ông hội đồng duyệt hết sức vu vơ, cảm tính, như một số chi tiết lịch sử, nhân vật còn nhạy cảm, vẫn nhiều luồng ý kiến. Trong khi ai cũng biết sáng tạo nghệ thuật không phải sự sao chép tư liệu lịch sử, vốn dĩ đã quá sơ sài, theo thiên kiến chủ quan của các sử thần phong kiến. Không đủ tầm kiến thức, không dám mở cửa sáng tạo, đôi khi chỉ buông ra vài câu phán miệng nhưng lại là những lực cản mà người làm nghệ thuật rất khó vượt qua.

Ngọc Linh - Nhà viết kịch cao tay - Ảnh 3.

Tác giả Ngọc Linh và NSND Doãn Hoàng Giang (Ảnh: Thanh Hiệp)

Còn rất nhiều điều có thể kể về ba vợ tôi. Mà nếu không có ông, tôi đã không có cuộc sống và con đường viết lách như ngày nay. Tôi từng đi giảng bài cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật và tôi hay nói với các em: "Một người làm nghệ thuật có tài mà không có nhân cách thì quá lắm anh cũng ở tầm hoạt ngôn, dối trá".

Vượt qua thói thường của quan hệ gia đình, có thể nói ba vợ tôi - nhà viết kịch Ngọc Linh - đã viết và sống đúng với nhân cách của một nhà văn. Dù vài chuyện được viết ra nhưng trong tâm trạng lúc này tôi vẫn thấy mình viết chưa hay về ông. Tôi còn nợ ông nhiều lắm... 

Giản đơn như tình bè bạn

26-6 tới đây là ngày giỗ lần thứ 15 của nhà viết kịch Ngọc Linh. Ngày ông mất, bạn bè văn nghệ sĩ, báo giới đến viếng rất đông. Ông sống vốn bình dị, quanh năm diện chiếc quần jeans, áo bỏ ngoài quần nên người dân trong hẻm cứ thắc mắc sao đám tang ông nhà văn này, nghệ sĩ đến đông thế. Một chi tiết làm tôi ấn tượng là Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho thư ký riêng mang vòng hoa tới viếng, với dòng chữ "Võ Văn Kiệt vô cùng thương tiếc Ngọc Linh". Vòng hoa không ghi những chữ như "Thủ tướng" hay "nhà văn" mà chỉ giản đơn như tình bè bạn. Phải chăng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghĩ rằng sự coi trọng người làm văn nghệ một cách chân thành của lãnh đạo sẽ đón nhận được nhiều niềm tin của giới nghệ sĩ, ngay cả khi còn chưa thật sự hòa hợp về các quan niệm nghệ thuật?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo