xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người “hôn phối” âm nhạc Đông - Tây

Thanh Hiệp

Nhạc sĩ Trí Nguyễn cho rằng anh đến với âm nhạc như niềm khao khát được chinh phục những đỉnh cao, mà chỉ có âm nhạc dân tộc mới đủ sức làm nền tảng để anh vươn xa hơn

Đêm qua, 23-10, nhạc sĩ Trí Nguyễn đã có buổi hòa nhạc ấn tượng cùng các nghệ sĩ dàn nhạc Nhạc viện TP HCM tại Phòng Hòa nhạc Nhạc viện TP HCM. Một cuộc “hôn phối” ngọt ngào trong âm nhạc giữa cây đàn tranh và nhạc cụ phương Tây, đẹp một cách hòa quyện như hình ảnh chiếc áo dài truyền thống của cô dâu và bộ veston của chú rể trong lễ cưới vậy.

Trỗi lên cung bậc yêu thương

Rất đông khán giả đã đến tham dự chương trình hòa nhạc “Đối thoại Đông - Tây” của nghệ sĩ Trí Nguyễn trong tối 23-10. Chương trình gồm 2 phần: Phần 1 “Nhạc Nga & Tango” với các tác phẩm nổi tiếng của Tchaikowsky, Rachmaninoff, Rimsky-Korsakov và Piazzolla. Phần 2 “Trích đoạn từ Album “Consonnaces” (Đối thoại Đông - Tây) là phần hòa tấu đàn tranh - tứ tấu đàn dây - guitar - percussion với các bản nhạc cải lương - tài tử Nam Bộ: “Khóc Hoàng Thiên”, “Khổng Minh tọa lầu”, “Trăng thu dạ khúc”, “Nam ai”, “Ái tử kê”, “Liên khúc Dân ca Nam Bộ: Lý quạ kêu - Lý kéo chài - Lý ngựa ô”, “Tử quy từ”… Mỗi tiết mục mang lại nhiều cảm xúc, thể hiện nguyên vẹn độ rung cảm thiêng liêng mà anh dành cho chuyến quay về này.

 

Nhạc sĩ Trí Nguyễn ( ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhạc sĩ Trí Nguyễn ( ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Tham gia chương trình còn có nghệ sĩ violin Buynta Goryaeva (người Pháp gốc Nga). Nhạc sĩ Trí Nguyễn cho biết Buynta đã gặp anh từ năm 2013, ban đầu cô mê đắm tiếng đàn tranh và cũng từ đây, rất nhiều dự án sáng tạo và hợp tác lưu diễn giữa anh và Buynta đã diễn ra trên khắp nước Pháp.

“Tôi về với quê nhà, cứ nghĩ như mình đang gửi gắm tất cả những ước mơ, hoài bão của thời mới học nhạc. Chỉ có đứng trên sân khấu quê nhà, thể hiện những giai điệu âm nhạc ngũ cung, mình mới cảm nhận hết cung bậc yêu thương đã được học, được trau dồi, đồng thời đất mẹ sẽ tiếp thêm cho tôi niềm tin để tiếp tục khám phá, thể nghiệm. Tôi cảm ơn khán giả đã đến với tôi trong đêm diễn hôm nay” - nhạc sĩ Trí Nguyễn tâm sự.

Tôi gặp nhạc sĩ Trí Nguyễn trong lễ tưởng niệm 100 ngày mất GS-TS Trần Văn Khê tại Nhạc viện Taveny (Pháp), trước khi anh về Việt Nam chuẩn bị cho buổi diễn này. Tôi thật sự kính phục anh khi nghe GS - nhạc sĩ Phương Oanh giới thiệu: “Trí Nguyễn là nghệ sĩ duy nhất trên thế giới có khả năng trình diễn tuyệt vời cả 2 nhạc cụ là piano và đàn tranh. Những buổi biểu diễn của anh tại Pháp luôn mang đến những điều thú vị bất ngờ cho khán giả phương Tây, đó là sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển Tây phương với những giai điệu cổ xưa tuyệt đẹp của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Chính niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt của Trí Nguyễn với cây đàn tranh đã thành động lực giúp anh thực hiện ước mơ bảo tồn và phát huy âm nhạc cổ truyền trong các tác phẩm trình diễn của mình”.

Theo nhạc trưởng Hoàng Điệp (Nhạc viện TP HCM): “Nghệ sĩ Trí Nguyễn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại miền Nam Việt Nam, học piano và đàn tranh từ năm lên 5 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM), anh tiếp tục theo học tại Trường Sư phạm Âm nhạc Paris (Pháp) với những giáo sư nổi tiếng như Jacques Lagarde và Ramzi Yassa. Họ là những người đã chỉ dẫn cho anh những kỹ thuật điêu luyện của các trường phái âm nhạc Nga và thế giới. Tại đây, anh đã lĩnh hội những kỹ thuật điêu luyện của các trường phái âm nhạc thế giới. Các buổi biểu diễn của Trí Nguyễn luôn mang đến những thú vị, như một sự đối thoại của âm nhạc Đông - Tây với những tác phẩm âm nhạc cổ điển và các bản dân ca Nam Bộ, làn điệu - lòng bản cổ của nhạc tài tử Nam Bộ mà chính anh đang mày mò nghiên cứu”.

Với anh, việc đem lại nguồn cảm hứng cho khán giả phương Tây khi thể hiện ngón đàn tranh với thang âm điệu thức của hò, xự, xang, xê, cống, là niềm hạnh phúc. Anh cũng đang âm thầm đi theo con đường của GS-TS Trần Văn Khê, khi giới thiệu đến bạn bè năm châu những giai điệu tuyệt vời của âm nhạc ngũ cung.

Tài năng Việt

Nghệ sĩ Trí Nguyễn và album “Consonnances” của anh vừa nhận được huy chương vàng của Global Music Awards và được bình chọn là 1 trong 3 album được yêu thích nhất tại website của tổ chức này (tháng 7-2015). Đó là niềm vinh dự lớn trong sự nghiệp nghệ thuật của anh, nói theo nhận xét của GS- nhạc sĩ Phương Oanh: “Trí Nguyễn là một tài năng Việt đã chạm tay đến những giải thưởng âm nhạc quốc tế và từng bước tiếp nối công việc của những người đi trước, truyền bá âm nhạc dân tộc đến với khán giả phương Tây”.

 

Nghệ sĩ Trí Nguyễn trình diễn trong chương trình “Đối thoại Đông - Tây” đêm 23-10 tại Nhạc viện TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Nghệ sĩ Trí Nguyễn trình diễn trong chương trình “Đối thoại Đông - Tây” đêm 23-10 tại Nhạc viện TP HCM Ảnh: Hoàng Triều

 

“Tôi luôn chú trọng tới các làn điệu - lòng bản cổ của nhạc tài tử - cải lương Nam Bộ trên nền tảng thang âm hò, xự, xang, xê, cống mà ngày nay người ta ít sử dụng để diễn tả trong âm nhạc. Tôi chú ý đến điều này bởi tôi đặc biệt say mê sân khấu dân tộc Việt Nam. Trong hàng ngàn bài bản đờn ca tài tử Nam Bộ, có vô số bản độc tấu cũng như hòa tấu có thể ứng tác với các nhạc cụ phương Tây. Khi tôi thể nghiệm điều này giữa các loại nhạc cụ phương Tây với đàn tranh, trong “Đối thoại Đông - Tây”, những đồng nghiệp hòa âm của tôi tại Pháp nói thật tuyệt vời, họ cảm thấy như được chiêm ngưỡng một bức tranh sống động bằng âm nhạc”.

Ngoài piano và đàn tranh, nhạc sĩ Trí Nguyễn cũng đam mê hội họa. Anh say sưa với môn nghệ thuật này vì nó có một phần tác động đến trí tưởng tượng của anh, để anh có thêm nhiều cảm hứng, đưa những rung động đó vào trong âm nhạc ngũ cung.

Nếu trong âm nhạc anh say mê khám phá những tìm tòi để những cuộc đối thoại Đông - Tây không dừng lại thì với hội họa, những bức tranh khoáng đạt và trang nhã của anh là nguồn sáng giúp anh vững bước trên con đường đã chọn. Tiếng đàn tranh và piano của Trí Nguyễn là một quá trình nghiên cứu độc đáo, tạo thành quả cho một nhạc sĩ trẻ Việt Nam với những nỗ lực trau dồi kỹ thuật và mỹ cảm tinh tế như anh, được bạn bè năm châu, giới nghiên cứu âm nhạc quốc tế đánh giá cao.

“Tôi trân quý tất cả tình cảm mà công chúng trong nước dành cho tôi qua chuyến về Việt Nam biểu diễn lần này. Tình cảm này sẽ theo tôi mãi trên những chuyến lưu diễn sắp tới, để đem âm nhạc dân tộc hòa điệu cùng nhạc cụ phương Tây, mở rộng giao lưu trong thế giới hội nhập nơi âm nhạc là ngôn ngữ không có rào cản” - nhạc sĩ Trí Nguyễn nói.

 

14 giờ ngày 24-10, tại Nhạc viện TP HCM, nhạc sĩ Trí Nguyễn sẽ có buổi thuyết trình về biểu diễn và nghiên cứu âm nhạc dân tộc khi phối hợp giữa nhạc cụ Đông và Tây, trong đó đại diện là piano và đàn tranh. Một vài dự án biểu diễn tại các phòng trà tại TP HCM đã được xúc tiến với phong cách vừa biểu diễn vừa thuyết trình về sự ngẫu hứng giữa âm nhạc dân tộc với nhạc cụ phương Tây do nhạc sĩ Trí Nguyễn biểu diễn cùng một số ca sĩ chuyên nghiệp.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo