xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyện tiếp nối con đường thầy Khê đã đi

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Họ - những học trò tâm phúc của GS-TS Trần Văn Khê - mơ ước thực hiện di nguyện của thầy, xây dựng trung tâm âm nhạc dân tộc Việt tại châu Âu

Nhạc viện Taverny phía Bắc thủ đô Paris chiều 3-10 khác với mọi ngày khi dòng người kéo về không phải để nghe hòa nhạc như thường lệ mà tham dự một chương trình đặc biệt: Lễ tưởng niệm 100 ngày mất của cố GS-TS Trần Văn Khê. Cùng thời điểm này, một ngôi chùa ở miền Nam nước Pháp đã làm lễ cầu siêu và một nhà thờ ở phía Bắc Paris đã làm lễ siêu thoát cho ông.

Tiếng đàn tranh của cô bé Quỳnh Vy 5 tuổi đến từ Na Uy với bài “Tam pháp nhập môn” đã mở màn chương trình lễ trong niềm xúc động của khán thính giả. “Lễ tưởng niệm của thầy Khê không có đọc kinh cầu nguyện của tôn giáo nào, cũng không có khói hương, thay vào đó là nhạc lễ miền Trung, miền Nam Việt Nam được ngân vang như chính nguồn thương yêu vô bờ của chúng tôi kính dâng lên thầy để báo đáp công ơn”, GS - nhạc sĩ Phương Oanh, Giám đốc Trường Âm nhạc dân tộc Phượng Ca tại Paris - Pháp, xúc động nói.

 

GS - nhạc sĩ Phương Oanh và ban nhạc truyền thống Trường Âm nhạc dân tộc Phượng Ca tại Pháp biểu diễn trong lễ tưởng niệm GS-TS Trần Văn Khê
GS - nhạc sĩ Phương Oanh và ban nhạc truyền thống Trường Âm nhạc dân tộc Phượng Ca tại Pháp biểu diễn trong lễ tưởng niệm GS-TS Trần Văn Khê

 

Mọi người tham dự lễ tưởng niệm đều xúc động và dường như trong những cái bắt tay, ôm choàng lấy nhau vì lâu ngày gặp lại, đã có sự tiếc nuối bởi họ đều không được gặp GS-TS Trần Văn Khê lần cuối khi ông lâm trọng bệnh.

Từ Bỉ sang Pháp để lái ô tô đón đưa các học trò của thầy Khê đến từ nhiều quốc gia khác nhau ở châu Âu, chị Đoàn Vinh - trước đây làm việc tại Hội Chữ thập đỏ Bỉ, nay đã về hưu. Chị cho biết qua sự kết nối của GS - nhạc sĩ Phương Oanh, chị đã gặp thầy Khê, thọ giáo thầy không chỉ về kiến thức âm nhạc, văn hóa mà còn về nhân cách sống.

Chị Đoàn Vinh xúc động kể: “Tinh thần yêu dân tộc, tự hào về truyền thống âm nhạc nước nhà ở thầy Khê rất lớn. Khi hay tin thầy bệnh, chúng tôi mỗi ngày đều liên lạc hỏi thăm nhau, mỗi học trò của thầy ở nhiều quốc gia khác nhau đã truyền đến nhau những lời động viên, rằng thầy sẽ mau chóng khỏe lại. Rồi thầy ra đi mãi mãi, trong khi chúng tôi vẫn chưa thể lĩnh hội hết tất cả những bài học từ thầy”.

Nhân cách lớn từ GS-TS Trần Văn Khê mà GS - nhạc sĩ Phương Oanh đã học, đó là vượt qua tất cả khó nhọc trên xứ người để bảo vệ thành công luận án đưa đàn tranh vào Nhạc viện Pháp và được chính phủ Pháp phong hàm giáo sư. Bà nhớ mãi lời thầy Khê dạy: “Con có được người Pháp công nhận thì con mới đường đường, chính chính thực hiện ước mơ gầy dựng một trường dạy âm nhạc dân tộc mình trên xứ người” - lời GS-TS Trần Văn Khê dạy cho đến bây giờ GS - nhạc sĩ Phương Oanh vẫn nhớ rõ. Bà trở thành 1 trong 7 vị nghệ nhân âm nhạc dân tộc các nước được chính phủ Pháp phong hàm giáo sư từ tháng 6-1996. Bà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, soạn thảo giáo trình giảng dạy đờn tranh bằng ngôn ngữ Pháp.  Sau GS - nhạc sĩ Phương Oanh, cô giáo Hồ Thụy Trang cũng đã được nhận bằng giáo sư quốc gia Pháp, thành lập nhóm Tiếng tơ đồng biểu diễn giao lưu văn hóa không chỉ với âm nhạc dân tộc Việt, mà vươn xa hơn với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống của các nước. Tiết mục giao lưu giữa đàn tranh Việt Nam do Hồ Thụy Trang hòa tấu với tiếng đàn Kayagum của nữ nghệ sĩ Kwon Hye Kyoung đã làm khán phòng tràn ngập niềm xúc động.

Từ Hà Nội bay về Paris đúng ngày 1-10, sau khi tham dự các kỳ họp về chuyên môn về việc thực hiện hồ sơ trình tổ chức UNESCO xét duyệt nghệ thuật hát then của Việt Nam được công nhận di sản văn hóa đại diện nhân loại, GS-TS Trần Quang Hải, con trai của GS-TS Trần Văn Khê, đã có mặt và làm chủ lễ chương trình tưởng niệm được tổ chức long trọng tại Nhạc viện Taverny.

Nghệ sĩ đàn tranh  TS Nguyễn Thị Hải Phượng mang cây đàn tranh mà GS - nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo vừa đóng sang, đã hòa quyện với tiếng đàn tranh của GS - nhạc sĩ Phương Oanh, cùng các ngón đàn của: Hồ Thụy Trang, Ngọc Dung, Vân Anh, Phi Thuyền, Nguyệt Ánh, Văn Trực... như rót thêm đầy niềm tri ân, lòng biết ơn đối với người khai sáng hướng đi chung cho họ: Dùng âm nhạc dân tộc kết nối tình đoàn kết, hướng về cội nguồn của bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống.

Những yêu thương mà GS-TS Trần Văn Khê để lại cho đời còn là vòng tay lớn kết nối những tâm hồn đồng điệu. Chị Elise - giáo viên dạy sáo tây Nhạc viện Antony phía Nam Paris - xúc động nói: “Tôi biết giáo sư là một người có tinh thần dân tộc và yêu văn hóa Việt rất lớn. Tôi ngưỡng mộ ông và xúc động khi có mặt trong lễ tưởng niệm này, để cùng với các học trò của ông hòa tấu bài Dạ cổ hoài lang”. Chị Elise đam mê sáo trúc Việt Nam, chị thổi rất có hồn bản nhạc làm nên bài vọng cổ có xuất xứ từ Bạc Liêu, để rồi qua đó tìm hiểu về sự nghiệp âm nhạc của ông Sáu Lầu, hỏi cho tường tận câu chuyện làm nên bản nhạc diệu kỳ mang tên “Dạ cổ hoài lang””.

Hơn 100 học trò được xem là hạt giống quý mà GS - nhạc sĩ Phương Oanh đã đào tạo, họ đã tỏa đi khắp nơi, gieo thêm nhiều ước mơ giữ gìn và phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc. Lễ tưởng niệm cũng là lễ họ báo công với thầy, chúc nhau vươn tới giá trị đích thực của việc học, nghiên cứu, truyền thụ âm nhạc dân tộc Việt trên khắp năm châu. Những tâm hồn đồng điệu ở đây đang quyết tâm thực hiện ước mơ xây dựng một trung tâm âm nhạc dân tộc Việt tại châu Âu, ngôi nhà chung của những ai yêu thích âm nhạc và nghệ thuật nước nhà.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo