xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhớ mãi tiếng cười Xuân Phát

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Hơn 60 năm theo nghề, những vai diễn, sáng tác, bài học kinh nghiệm nghề của ông mãi mãi là di sản quý của khán giả sân khấu và nghệ sĩ

Nghe nghệ sĩ Kim Tuyến (từng là diễn viên Đoàn Cải lương Kim Chung) báo tin ông qua đời vào ngày 11-6, nhiều người trong giới bất ngờ. Cách đây không lâu, tôi có dịp cùng nghệ sĩ Kim Tuyến đến thăm danh hài Xuân Phát tại nhà riêng của ông ở quận Cam, bang California - Mỹ. Trông ông lúc đó rất khỏe mạnh, hoạt bát. Ông tâm sự rất nhiều về nghề và cho biết có ý định tặng hết bản quyền sáng tác kịch bản cải lương cho Hãng dĩa Việt Nam tại TP HCM để giới thiệu rộng rãi những tác phẩm của ông đến với công chúng.

“Nghề đã chọn tôi”

Xuân Phát tự trào khi nói về con đường đưa ông đến với nghề diễn viên mà trước đó ông chẳng bao giờ nghĩ mình có thể trở thành người của công chúng. “Tôi có tính nhanh nhẹn, hay chọc phá đám bạn nên thầy giáo chẳng những không trách phạt mà còn chọn tôi vào đội văn nghệ của trường. Vai diễn đầu đời tôi đóng là vai con cáo dụ mấy con gà ra sân để ăn thịt. Thầy cô cười, đám bạn cười, còn tôi thì tự hỏi “ủa, có gì đâu mà mọi người cười rần rần vậy?”. Càng hỏi, tôi càng nghe tiếng cười. Từ đó tôi hiểu cụm từ “có năng khiếu” để bắt đầu ý định gắn bó với nghề sân khấu mà chưa bao giờ hình dung mình sẽ thành công” - ông kể khi nói về bước ngoặt cuộc đời nghệ sĩ của mình và cho rằng: “Nghề đã chọn tôi”.

Nghệ sĩ Xuân Phát
Nghệ sĩ Xuân Phát

Giai đoạn hưng thịnh nhất của sự nghiệp là khi một lúc ông giữ đến 5 trọng trách: diễn viên, tác giả, đạo diễn, thầy giáo truyền nghề và quản lý. Ông cười dung dị: “Người ta làm một công việc đã chịu nhiều áp lực, tôi ôm đồm 5 vị trí mà không thể để cái này trội hơn cái kia, nghĩ lại thấy mình quá liều”.

Nghệ sĩ Xuân Phát trong phim Lửa phật (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nghệ sĩ Xuân Phát trong phim Lửa phật (Ảnh nhân vật cung cấp)

NSND Kim Cương nhớ lại: “Thời kịch nghệ Sài Gòn phát triển, nhiều ban kịch ra đời, anh Xuân Phát là một trong những người đứng ra lập 2 ban kịch và cải lương nhưng không dành cho diễn viên chuyên nghiệp mà dành cho con em nghệ sĩ. Hai ban kịch này diễn định kỳ tại Đài Truyền hình Sài Gòn. NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Bạch Lựu, Bạch Lý… được đào tạo từ bé trong chiếc nôi này”.

Nghệ sĩ lão thành Bé Hoàng Vân (từng là diễn viên Đoàn Cải lương Dạ Lý Hương) nhớ lại: “Sân khấu kịch thời đó hễ cần vai phụ là người ta nhớ đến anh Xuân Phát. Cùng thời với các danh hài Tùng Lâm, Phi Thoàn, Thanh Việt, Khả Năng, Tư Rợm, La Thoại Tâm, Thanh Hoài… nhưng so về tài nghệ, Xuân Phát rộng đường diễn hơn; đóng lão bi, lão hài, đến kép lẳng, kép độc… Còn với sàn diễn cải lương, anh ca bài bắc “ngon ơ”, với cách nói trong ca, ca trong nói, quăng bắt hết sức nhịp nhàng. Nghề đã chọn anh Xuân Phát và nghề chẳng bao giờ phụ anh, nên anh nhận được rất nhiều lộc tổ”.

Danh hài Tùng Lâm nhận xét: “Về diễn xuất, Xuân Phát không bao giờ dùng ngoại hình để tạo tiếng cười. Chất hài của anh ấy dí dỏm, tự bộc phát nhờ vào sự tác động của tình huống. Tôi học từ anh ấy rất nhiều”.

Nhiều vai diễn, tác phẩm để đời

Danh hài Xuân Phát có nhiều vai diễn nổi bật thời đó, như: Chú Tám Tèo (Chuyện công viên), Lục Bình (Mai vẫn nở), Dũng râu (Vàm láng bên sông), Mục Kiền Liên (vở diễn cùng tên)… Riêng trên sân khấu cải lương, hàng trăm vai phụ của ông đã là khuôn mẫu thể hiện nhiều tính cách từ nông dân, bác sĩ cho đến những ông lão bệnh tật, dẫu xuất hiện ngắn nhưng bao giờ cũng để lại ấn tượng. Một số vai diễn hay của ông trên sân khấu cải lương như: Tể tướng (Đắc Kỷ ho gà), Gù (Thằng gù nhà thờ Đức Bà), Tư Đồ (Phụng Nghi Đình), ông Thiêng (Tình nghèo), Hoài Văn (Thiên thần áo trắng), A Kiệu (Duyên tình Sơn Nữ), Tào Tháo (Tào Tháo dâng đao), Nhất Thiêng (Triệu Minh - Vô Kỵ)… được khán giả yêu thích. Ông còn góp tên trong hàng loạt bộ phim ăn khách thời đó.

Xuân Phát cũng từng sáng tác những kịch bản nổi tiếng, như: Tình chú Thoàng, Tình anh Bảy Chà, Tiết Giao đoạt ngọc, Đắc Kỷ ho gà… “Sáng tác của Xuân Phát rất đời, mỗi kịch bản đi vào cuộc sống với những lát cắt đầy cảm xúc. Đó là chuyện gia đình, vợ chồng, chuyện dạy con và lên án những xung đột bạo hành. Đi vào bản thảo sáng tác của Xuân Phát như chính những bức xúc của anh cần được giãi bày với mọi người. Vì thế tác phẩm lay động lòng người, có tiếng vang cảnh tỉnh trong xã hội” - soạn giả  - NSND Viễn Châu nhìn nhận.

Năm ngoái, khi Dustin Nguyễn - con trai của danh hài Xuân Phát - thực hiện bộ phim nhựa Lửa Phật tại Việt Nam, ông đã tái ngộ khán giả sau 30 năm không tham gia đóng phim. Và chuyến về nước làm phim phiêu du mấy tháng tại Phan Thiết đã cho ông nhiều kỷ niệm khó phai. Nghệ sĩ Kiều Mai Lý kể: “Đi quay phim với chú, tôi cười no nê, vì chú kể chuyện hài rất duyên. Chú lạc quan nên lúc nào cũng truyền nghị lực cho diễn viên trẻ”.

Vĩnh biệt đại thụ của làng hài kịch miền Nam! Những sáng tác, vai diễn và bài học kinh nghiệm của ông mãi mãi là di sản quý báu của khán giả yêu sân khấu và nghệ sĩ.

NSƯT Thành Lộc:  Tôi hãnh diện được là học trò ông!

Ngày đó, trên Đài Truyền hình Sài Gòn có rất nhiều ban kịch thiếu nhi lừng danh được yêu thích phát sóng mỗi tối từ 19 giờ đến 20 giờ liên tục trong tuần và Ban Thiếu nhi Xuân Phát là một trong số đó. Tôi hãnh diện được là học trò của ông. Ông chính là người thầy đầu tiên dạy tôi diễn kịch từ lúc tôi mới 8 tuổi. Khi ấy chương trình luôn có 20 phút đầu là ca múa nhạc, thời gian còn lại dành cho một vở kịch cổ tích hoặc hiện đại. Và qua đó tôi đã thấy hết tài năng của chú Phát. Chú ngồi ôm đàn guitar dạy chúng tôi hát từng câu. Chú là người dạy chúng tôi nhảy múa, là người viết kịch bản và dàn dựng cho đám con nít chúng tôi diễn xuất luôn, trong đó có cả con trai của chú tên là Xuân Trí mà bây giờ chính là tài tử điện ảnh Dustin Nguyễn, còn tôi lúc này đã nổi tiếng với “nghệ danh” là bé Thành Tâm diễn kịch giỏi và hát hay dưới bảng hiệu “Ban Thiếu nhi Xuân Phát”.

Sau khi sang Mỹ định cư, vài năm gần đây, chú Xuân Phát về Việt Nam. Chú cháu tôi gặp lại, ôm nhau mà khóc. Chú nói: “Chú không biết Thành Lộc là Thành Tâm hồi đó, khi biết rồi chú vui lắm, hãnh diện lắm! Chú có 2 niềm vui: Ở Mỹ có Trí (Xuân Trí nổi tiếng ở Mỹ với cái tên Dustin) và ở trong nước là con đó!”...

Có chi tiết này thật ngẫu nhiên thú vị. Bên Mỹ, chú có tham gia vở kịch Ngôi nhà không có đàn ông, đóng ngay vai ông Thiện là vai diễn của tôi đóng trước đây ở trong nước, trên sàn diễn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Thường thì hậu bối đóng lại vai của tiền bối mới đúng nhưng trường hợp này ngược lại. Tôi nhớ hoài câu chú nói: “Tại đóng vai ấy mà chú mới biết con là Thành Lộc đó chớ” . Âu cũng là cái duyên...!

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo