xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSND Trịnh Thịnh: Hòa vào lòng sông mẹ

Y.Anh

(NLĐO) - Hòa vào lòng sông mẹ, NSND Trịnh Thịnh đã để lại cho đời sự nghiệp nghệ thuật dài rộng, gương mặt vừa gây cười vừa đầy sức ám ảnh với khán giả, trong đó có các vai diễn trong 2 bộ phim nổi tiếng gắn với dòng sông là "Chung một dòng sông" và "Lời nguyền một dòng sông".

 

NSND Trịnh Thịnh
NSND Trịnh Thịnh

 

NSND Trịnh Thịnh đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội lúc 9 giờ 30 sáng 12-4, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật.

NSND Trịnh Thịnh tên thật là Trịnh Văn Thịnh, sinh năm 1927. Bén duyên với điện ảnh khá muộn, năm 27 tuổi nhưng ông đã để lại nhiều vai diễn gây dấu ấn mạnh mẽ trong nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam như Chung một dòng sông - bộ phim mở màn cho điện ảnh cách mạng Việt Nam; Vợ chồng anh Lực; Trị trấn yên tĩnh; Chuyến xe bão táp; Vợ chồng A Phủ; Lời nguyền của dòng sông - bộ phim đã đoạt giải Phim xuất sắc nhất tại LHP Brucxen, Bỉ năm 1992; Thằng Bờm...

 

Người chiến sĩ cộng sản nằm vùng Tây Bắc cùng đồng bào với mái tóc mái nghiêng trong Vợ chồng A Phủ đã đi vào lòng người xem
Người chiến sĩ cộng sản nằm vùng Tây Bắc cùng đồng bào với mái tóc mái nghiêng trong "Vợ chồng A Phủ" đã đi vào lòng người xem

 

Ông cũng là gương mặt được nhiều đạo diễn Việt kiều và đạo diễn nước ngoài mời tham gia các dự án phim lớn như phim Xích lô của Trần Anh Hùng và trong phim Đông Dương của Régis Wargnier. Bộ phim cuối cùng của ông là dự án hợp tác với đạo diễn Trần Lực - Tết này ai đến xông nhà - ra mắt năm cách đây đã 12 năm, năm 2002.

Ông về hưu năm 1989 và được phong tặng danh hiệu NSND năm 1997.

Không theo học nghệ thuật, cũng không làm nghệ thuật từ tấm bé mà làm ở ngân hàng Đông Dương, gần 30 tuổi ông mới thực sự chạm ngõ nghệ thuật trong vai trò diễn viên lồng tiếng. Và đó cũng là cơ duyên đưa ông đến với bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam mang tên Chung một dòng sông được công chiếu lần đầu ngày 20-7-1959.

2 năm sau bộ phim đầu tiên, Trịnh Thịnh lại đi vào lòng khán giả trong hình ảnh một chiến sĩ cộng sản nằm vùng Tây Bắc trong phim Vợ chồng A Phủ. Những năm sau đó, Trịnh Thịnh đóng phim khá đều tay với rất nhiều vai diễn ở các thể loại khác nhau từ chính diện đến phản diện, từ người nông dân đến ông chủ tịch, quan huyện… Ông đã nhận giải Bông sen vàng cho Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8 với vai ông chủ tịch huyện háo danh trong Thị trấn yên tĩnh, một người ông nổi tiếng khó tính trong Thằng Bờm...

 

NSND Trịnh Thịnh trong phim Lời nguyền của dòng sông

Vai diễn ông vạn chài đầy sức ám ảnh của NSND Trịnh Thịnh trong phim "Lời nguyền của dòng sông"

 

Các vai diễn của NSND Trịnh Thịnh luôn để lại ấn tượng trong lòng khán giả chỉ với sự xuất hiện trong một vài phân cảnh, kể cả khi ông không phải là nhân vật chính của bộ phim như vai diễn ông quan huyện nghiêm khắc trong phim Chị Dậu. Vai ông vạn chài trong phim Lời nguyền của dòng sông là một vai diễn có sức ám ảnh của NSND Trịnh Thịnh, ám ảnh bởi sự khắc khổ của một kiếp người đa đoan, sống trong một thế giới hoàn toàn bị cô lập, hắt hủi. Người cha ấy, vì lời thề năm xưa cũng quyết định cấm hai người con của mình không được phép đặt chân lên bờ. Cái chết của ông cũng là sự chấm dứt cho lời nguyền năm xưa, khi ông được trở về với đất mẹ.

Khán giả yêu mến NSND Trịnh Thịnh vẫn ghi nhớ gương mặt có khả năng "chọc cười" mà cũng đầy sức ám ảnh của ông trong từng vai diễn.

Chị Trịnh Thị Hằng, con gái trưởng của NSND Trịnh Thịnh, tâm sự nghệ sĩ đã bị ốm nặng từ chục năm nay. Hai lần ốm thập tử nhất sinh, một lần phải vào viện phẫu thuật cắt bỏ túi mật năm 2007 và một lần ngã gãy xương đùi năm 2011 khiến ông không đi diễn được. Năm 2012, một cơn nhồi máu cơ tim tiếp tục quật ngã nghệ sĩ khiến ông phải nằm một chỗ từ lúc ấy.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh, người bạn đời đã gắn bó với NSND Trịnh Thịnh hơn 63 năm, nghẹn ngào kể lại những ngày đầu năm vào viện nghệ sĩ còn nói chuyện được bình thường, tuy nhiên sau đó ông mệt dần và những ngày gần đây thì không còn nói được nữa. Các bác sĩ đã hết lòng cứu chữa nhưng ông vẫn từ giã cuộc đời.

Tang lễ NSND Trịnh Thịnh sẽ được cử hành hồi 14 giờ 45 phút thứ Ba ngày 15-4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo