xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Phải lòng” Việt Nam

Thùy Trang

Đến từ những đất nước khác nhau với nhiều công việc khác nhau nhưng họ có điểm chung là đam mê nghệ thuật; cùng lựa chọn Việt Nam để sinh sống như quê hương thứ hai và góp phần cho sự đa dạng của văn hóa Việt

Lĩnh vực nhạc hàn lâm ở Việt Nam luôn ở thế “lép” so với dòng nhạc nhẹ. Điều đó khiến không ít người trong giới nản lòng về cả danh tiếng lẫn kinh tế. Thế nhưng, lại có một số người theo dòng chảy ngược, từ bỏ những “thiên đường” nhạc hàn lâm để đến và ở lại Việt Nam. Vì sao họ lại lựa chọn như vậy? Tất cả các nghệ sĩ trót yêu đất nước hình chữ S đều có cùng câu trả lời: “Việt Nam - Quê hương thứ hai của tôi!”.
img
Nghệ sĩ Cho Hae Ryong biểu diễn trong chương trình của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM. Ảnh: Ngọc Hiền

Xem Việt Nam là “nhà”

Cho Hae Ryong - nữ nghệ sĩ đến từ xứ kim chi - từng được trao bằng khen tại Concours thanh nhạc quốc tế mang tên Obraztsova ở Nga, trợ giảng cho giáo sư Z. Didenko tại Nhạc viện Glinka Novosibirsk năm 2000. Năm 2007, nữ nghệ sĩ này đoạt giải nhất Concours nhạc trữ tình Hàn Quốc.

Cô từng biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc quốc tế: dàn nhạc Nhà hát Opera Novosibirsk Nga, dàn nhạc quốc gia Kazakhstan và các dàn nhạc của Hàn Quốc như dàn nhạc thành phố Busan,  Seoul, Chang won.

Với bảng thành tích như vậy, Cho Hae Ryong hoàn toàn có thể chọn bất cứ nơi nào để làm việc nhưng chắc chắn sẽ khó nghĩ đến Việt Nam, nơi nhạc hàn lâm chưa thực sự phát triển. Thế nhưng, định mệnh lại có tiếng nói riêng của nó và giờ cô là người của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM.

Cho Hae Ryong chọn lựa Việt Nam vì chồng cô, nghệ sĩ kèn clarinet Đào Nhật Quang - một người Việt. Cả gia đình họ quyết định “về nguồn” sau bao năm bôn ba ở nước ngoài không chỉ để cống hiến âm nhạc mà còn để con cái biết nói tiếng quê cha.

Nếu với nữ nghệ sĩ Hàn là “xuất giá tòng phu” thì với Genta - anh chàng người Nhật (diễn viên múa của đoàn Arabesque) - lựa chọn Việt Nam đơn giản vì múa ở đây có nhiều đất diễn hơn ở Nhật Bản. Anh thường nói vui rằng: “Ở Việt Nam an toàn hơn vì Nhật Bản hay động đất!”…

“Khi nghệ sĩ Tấn Lộc sang học tập, làm việc tại Nhật, tôi có cơ hội tìm hiểu về Việt Nam thông qua hình ảnh và lời kể của anh, tìm hiểu về các thể loại múa của Việt Nam. Tôi theo anh Lộc sang Việt Nam học thêm các thể loại múa và quyết định ở lại đây để tiếp tục sự nghiệp” – Genta chia sẻ. Tuy lý do ban đầu chỉ là muốn tìm hiểu nhưng sau một thời gian gắn bó, Genta đã xem Việt Nam là “nhà”.

Đam mê và có khiếu cảm thụ âm nhạc từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Âm nhạc tại Hàn Quốc, Eun Young Joo đã theo học tại Nhạc viện quốc gia ở Vienna - Áo, Moscow - Nga và ở London - Anh. Năm 2000, cô tốt nghiệp loại xuất sắc tại Nhạc viện Vienna. Năm 2007, cô tiếp tục đoạt hạng 5 tại Viện Âm nhạc Moscow…

Thành tích là thế nhưng cuối năm 2007,  Eun  Young  Joo đến Việt Nam và rồi “phải lòng” xứ sở này lúc nào không hay. “Bỗng dưng tôi nghĩ Việt Nam sẽ là nơi tôi lưu lại lâu nhất và có thể là ngôi nhà thứ hai của mình” - nghệ sĩ  Eun Young Joo tâm sự.

Sau khi đến Việt Nam cùng chồng và hai con, nữ nghệ sĩ này đã gặp giáo sư piano Nguyễn Thái Linh. Với sự giúp sức của giáo sư Thái Linh, chị đã tham gia giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM với cương vị giáo sư piano.
img
Nghệ sĩ Eun Young Joo

Một tình yêu đặc biệt

Lựa chọn Việt Nam, những nghệ sĩ trên đều buộc phải hy sinh lợi ích vật chất. Bởi mức lương ở Việt Nam chắc chắn không bằng ở nước ngoài. Hơn thế, danh tiếng cũng như cơ hội tỏa sáng trên nhạc đàn quốc tế không nhiều bằng những nước phát triển khác. Dẫu vậy, đa số đều hài lòng với sự chọn lựa của mình bởi… một tình yêu đặc biệt, kỳ lạ dành cho xứ sở này.

Cho Hae Ryong cho biết bản thân chị hài lòng với cuộc sống hiện tại khi Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM đã luôn tạo điều kiện để hai vợ chồng có nhiều buổi diễn. Chị giảng dạy ở nhà hát và mở một lớp hợp xướng cho trẻ em Hàn Quốc. Cho Hae Ryong thường xuyên biểu diễn trong các chương trình quan trọng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM, như Giai điệu mùa thu và các chương trình chào mừng lễ lớn của TPHCM.

“Tôi và chồng có chung mục đích thiện nguyện, hướng đến các quỹ người nghèo, học bổng của các hội yêu thích người Việt Nam ở Hàn Quốc. Tôi muốn hiểu hơn văn hóa quê chồng, nói tiếng Việt với con cái và biểu diễn ca khúc tiếng Việt. Tôi mua sách dạy nấu các món ăn Việt, mỗi ngày cho anh thử một món. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà tôi đang có!” - Cho Hae Ryong tâm sự.

Còn Genta tiết lộ ngoài thời tiết nóng, làm việc ở Việt Nam quá tốt bởi có nhiều chương trình, sự kiện để diễn. Hơn hết, người Việt Nam rất thân thiện và điều đó đủ để kéo bất cứ ai, kể cả anh, ở lại Việt Nam. Nói về kế hoạch lâu dài của mình, Genta chia sẻ: “Tôi sẽ tập trung cho những chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, kiếm sống bằng các chương trình biểu diễn sự kiện, sau đó là cưới vợ và ổn định cuộc sống tại Việt Nam”.

 “Tôi đã từng ở Áo, Nga, Anh nhưng đến thời điểm này, tôi có thể nói rằng Việt Nam là tổ ấm của gia đình tôi. Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, âm nhạc, ẩm thực, tôi cảm thấy ở Việt Nam như là ở nhà của mình vậy” - nghệ sĩ piano  Eun Young Joo chia sẻ.

Không ít lần, chị nhận được thắc mắc tại sao lại là Việt Nam mà không phải nơi nào khác. Chị chỉ cười mà rằng: “Chính tôi cũng đâu biết vì sao. Đơn giản là một tình yêu đặc biệt tôi dành cho nơi này!”.
 
Kỳ tới: “Kiếp trước, tôi là người Việt”
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo