xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tại sao “thống đốc”?

AN CHI

Người đứng đầu các bộ thì gọi là bộ trưởng, riêng lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ thì là thống đốc. Vì sao như vậy?

Tuy “thống đốc” là 2 yếu tố Hán Việt nhưng không phải là do ảnh hưởng của hệ thống chức danh bên Trung Quốc. Bên ấy gọi người đứng đầu ngân hàng trung ương là “hàng trưởng”  [行長], nghe ra rất bình dân.

Ở nước ta, từ khi thành lập Ngân hàng Quốc gia theo Sắc lệnh số 15/SL ngày 6-5-1951 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khi đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước (năm 1960), rồi sau khi tiếp quản và quốc hữu hóa Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của chính quyền Sài Gòn thì chức danh của người đứng đầu là tổng giám đốc. Từ tháng 4-1989, chức danh này mới được đổi thành thống đốc.

Nhưng cách gọi “thống đốc” thì đã tồn tại ở miền Nam trước 30-4-1975.

Chữ “thống”[統] có nghĩa gốc là “mối tơ”; vì thế nên nó mới thuộc bộ “mịch” [糸], một chữ có nghĩa là “sợi tơ nhỏ”. Từ nghĩa gốc là “mối tơ”, “thống” mới có nghĩa phái sinh là “gom các mối tơ lại”, tất nhiên không phải là gom kiểu rối nùi mà là áp đầu sợi sau vào đầu sợi trước và cứ thế cho đến hết sợi rồi vuốt thành tép (nếu là ít), thành bó (nếu là nhiều) cho gọn và ngay thẳng. Từ nghĩa phái sinh mang tính tác động này, ta lại có một nghĩa phái sinh mới nữa, thể hiện tính kết quả, là “nối tiếp nhau theo thứ tự”. Tổng hợp lại, ta có một nghĩa phái sinh xa hơn, là “trông coi, kiểm soát, quản lý, cai trị…”. Đây chính là cái nghĩa của chữ “thống” trong “thống đốc”.

“Thống đốc” [統督] vốn là một đơn vị từ vựng xuất hiện từ khi thực dân Pháp xâm lược rồi tổ chức cai trị nước ta. Đây là 2 tiếng dùng để dịch danh từ “gouverneur” của tiếng Pháp, thường thấy trong danh ngữ “gouverneur de la Cochinchine”, tức “thống đốc Nam Kỳ”, để phân biệt với “gouverneur général”, tức “toàn quyền”, thường thấy trong “gouverneur général de l’Indochine française”, tức “toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp”, nói tắt thành “gouverneur général de l’Indochine”, tức “toàn quyền Đông Dương”.

Danh từ “gouverneur” có 3 nghĩa thường thấy mà Le Petit Robert đã cho như sau:

- “Chef de certaines grandes institutions financières, et spécialement, de la Banque de France” (nghĩa 3), nghĩa là “người đứng đầu của một số cơ quan tài chính lớn, đặc biệt là của Ngân hàng nước Pháp”;

- “Anciennement - Fonctionnaire qui, dans une colonie ou un territoire dépendant d’une métropole, était à la fois le principal représentant de l’autorité métropolitaine et le chef de l’administration” (nghĩa 4), nghĩa là “Xưa - Viên chức đồng thời là đại diện chính của nhà cầm quyền chính quốc và người đứng đầu việc quản lý tại một thuộc địa hoặc một lãnh thổ phụ thuộc vào một chính quốc”;

- “Moderne - Aux Etats-Unis, Chef du pouvoir exécutif d’un État, élu généralement pour un mandat de quatre ans, disposant d’un droit de veto et du droit de grâce” (nghĩa 5), nghĩa là “Hiện đại - Tại Mỹ, người đứng đầu quyền hành pháp của môt bang, thường được bầu cho một nhiệm kỳ 4 năm, có quyền phủ quyết và quyền ân xá”.

Với 3 nghĩa trên, “gouverneur” đều được dịch sang tiếng Việt thành “thống đốc”. Riêng trong Nam thì từ trước 30-4-1975, nghĩa 3 của “gouverneur” đã được đối dịch thành “thống đốc” để áp dụng cho người đứng đầu Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (của chính quyền Sài Gòn) mà một trong những thống đốc là ông Nguyễn Xuân Oánh, người được chính quyền cách mạng trọng dụng sau giải phóng. Sau ngày 30-4-1975, danh từ “thống đốc” dành cho ngành ngân hàng đã “trùm chăn”; đến tháng 4-1989 mới được đánh thức để dùng cho đến bây giờ.

Cứ như trên thì ở miền Bắc nước ta trước giải phóng, rồi trên toàn quốc cho đến tháng 4-1989, người đứng đầu ngân hàng trung ương đã từng được gọi là “tổng giám đốc” trong vòng 38 năm. Đến năm 1986, Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI quyết định đổi mới và Việt Nam chuẩn bị mở cửa để hội nhập. Luật Đầu tư nước ngoài ra đời năm 1987 là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo ra khung pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Ta chuẩn bị làm ăn với nước ngoài và chung quanh ta những người đứng đầu các ngân hàng trung ương đều là “thống đốc” cả (tiếng Pháp: gouverneur, tiếng Anh: governor), chẳng lẽ mỗi mình ta trơ trọi “tổng giám đốc” (directeur général, director general)?! Do đó mà đến tháng 4-1989, chức danh “tổng giám đốc” của Ngân hàng Nhà nước đã được đổi thành “thống đốc” để hội nhập quốc tế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo