xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tâm nguyện đẹp chưa thành

Kim Khánh

Nhà sưu tập người Nhật Shoichiro Wada qua đời khi “Bảo tàng Nghệ thuật Wada” chưa kịp khánh thành khiến giấc mơ của ông khó thành hiện thực vì gia đình chưa đồng thuận và thiếu nguồn kinh phí cần thiết

Cuộc giám định chu đáo, tỉ mỉ do các chuyên gia khảo cổ uy tín của Việt Nam cùng đội ngũ sinh viên ĐHQG TP HCM thực hiện đã chứng nhận giá trị nghệ thuật lớn của kho hiện vật đồ sộ của ông Wada, mà cụ thể là bộ sưu tập 602 tượng đồng vô cùng sống động. Thế nên, việc Wada không kịp giới thiệu bộ sưu tập dày công gầy dựng đến với công chúng Việt Nam khiến những chuyên gia từng làm việc với ông không khỏi tiếc nuối. PGS-TS Phạm Đức Mạnh, Trưởng Bộ môn Khảo cổ ĐHQG TP HCM, hồi tưởng: “Ông ấy từng định sẽ lại mời tôi, TS Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và các chuyên gia trước đây cùng làm cố vấn để ra các tờ bướm, tập san khi bảo tàng này đi vào hoạt động”. Nhưng tất cả giờ đây đã dang dở và từ khi ông mất, tòa nhà khang trang ở quận Bình Tân - nơi định dùng làm bảo tàng - vẫn thường xuyên đóng cửa.

Nhà sưu tập người Nhật Shoichiro Wada (trái) và TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, đang làm sạch cổ vật (Ảnh do TS Nguyễn Việt cung cấp)
Nhà sưu tập người Nhật Shoichiro Wada (trái) và TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, đang làm sạch cổ vật (Ảnh do TS Nguyễn Việt cung cấp)

Tìm đâu kinh phí?

Sau khi Wada mất vì bạo bệnh, một số người bạn muốn giúp ông làm tiếp những phần việc còn lại nhưng để một bảo tàng tư nhân ra mắt công chúng không hề đơn giản, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn phục vụ việc duy tu, bảo dưỡng hiện vật cũng như bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên trông coi.

Từ tình cảm tốt đẹp giữa ông Wada với Bộ môn Khảo cổ ĐHQG TP HCM trong quá trình giám định kho hiện vật 10 năm trước, nhiều sinh viên từng tham gia nhóm nghiên cứu, sau này vẫn tiếp tục giúp ông hoàn tất các thủ tục hồ sơ, trong đó có Th.S khảo cổ học Phạm Thị Ngọc Thảo, hiện là giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM. Gần như tất cả giấy tờ hoàn thiện thủ tục mở bảo tàng cho ông Wada đều do một tay cô Thảo thực hiện và cô hiện cũng là người được gia đình ông Wada nhờ cậy trông coi giúp kho hiện vật (vẫn đang lưu giữ tại ngôi nhà trên đường Trần Đại Nghĩa, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân TP HCM) từ khi chủ nhân của nó không còn. Ngày nào chưa thực hiện được giấc mơ của ông thì ngày ấy lòng cô vẫn day dứt không nguôi.

ThS Phạm Thị Ngọc Thảo cho biết: “Người nhà ông Wada một nửa không ủng hộ thành lập bảo tàng, còn lại ủng hộ nhưng họ không có kinh phí”. Chính vì vậy, đã nửa năm trôi qua từ ngày ông mất, bảo tàng vẫn chưa thể mở cửa đón công chúng vào tham quan. Theo cô Thảo, người nhà của Wada hầu như đều ở nước ngoài, còn lực lượng bảo vệ hiện đang trông coi bảo tàng (cả cơ ngơi và hiện vật) đều là những công nhân cũ từng làm nhân viên của ông từ nhiều năm trước đây.

Tưởng nhớ một tấm lòng

Trải qua cả một chặng đường trắc trở rồi lại về cõi vĩnh hằng khi chưa kịp nở nụ cười nhìn “đứa con” tâm huyết của mình chính thức chào đời, số phận thật oái oăm đối với giấc mơ của nhà sưu tập Shoichiro Wada. Nhưng những chuyên gia từng sát cánh làm việc cùng Wada luôn nhớ mãi niềm ấp ủ đẹp và tấm lòng của ông, không chỉ với cổ vật mà với cả nền giáo dục Việt Nam.

Ngoài những học bổng Wada từng trao tặng cho sinh viên khảo cổ trước đây, PGS-TS Phạm Đức Mạnh còn kể rằng ông từng có ý đưa bộ sưu tập lên Hội trường Thống Nhất để trưng bày, bán vé thu tiền khách du lịch quốc tế, một phần dùng để chi trả cho đội ngũ bảo quản hiện vật, còn lại dùng làm trợ cấp cho các giáo viên lương thấp và làm học bổng cho sinh viên theo các ngành vào loại “quý hiếm” như khảo cổ, Hán - Nôm. Chính những suy nghĩ vì giáo dục ấy đã tạo nên nét đặc biệt nơi con người Shoichiro Wada. Nhưng PGS-TS Phạm Đức Mạnh lập tức giải thích: “Bộ sưu tập của ông căn bản chịu ảnh hưởng của thần thoại, văn minh Ấn Độ và ảnh hưởng văn hóa Chăm trong khi Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau nên thậm chí nếu có trưng bày ở bảo tàng của ĐHQG TP HCM trong tương lai thì cũng chỉ được một gian”. Hiểu rõ tất cả điều đó, ông đã dành tiền mua cả khu đất rộng ở quận Bình Tân để tự tổ chức xây dựng khuôn viên bảo tàng và làm điều mà mình luôn mong mỏi.

Khi còn sống, ông Wada từng chia sẻ với một trong những người bạn là TS Nguyễn Việt về tâm nguyện tạo dựng một bảo tàng chủ đề “Huyền thoại Chăm” (Champa Myth) bằng số hiện vật đồ sộ của mình. Giá như ông được ở lại thế gian lâu hơn, có lẽ công chúng đã có cơ hội chiêm ngưỡng một bảo tàng tư nhân thật sự độc đáo. Với những khó khăn hiện tại, chưa biết khi nào bảo tàng nghệ thuật Wada mới có thể chính thức phục vụ công chúng nhưng ông đã để lại không chỉ cơ ngơi bảo tàng mà còn cả một câu chuyện đẹp về tình yêu cổ vật và đất nước Việt Nam đáng để cho chúng ta tự hào.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-2

Việt Nam như quê hương thứ hai

Với những chuyên gia khảo cổ từng làm việc cùng Shoichiro Wada, ông là một tấm gương kỳ lạ về sự nhẫn nại hy sinh và niềm say mê cổ vật Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung. PGS-TS Phạm Đức Mạnh bày tỏ: “Ông Wada cùng với TS khảo cổ Nishimura Masanari - vừa mất vì tai nạn giao thông - đều là những người Nhật yêu Việt Nam tha thiết như quê hương thứ hai”.

Tấm lòng của hai ông như những đóa hoa góp phần vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Nhật thêm thắm thiết, nhất là khi hai nước vừa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo