xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tranh giả thành “kiệt tác”

Hòa Bình - Ngọc Lê

15 bức tranh bị cho là giả và 2 bức tranh bị cho là mạo danh trong số 17 bức tranh tại triển lãm bị tạm giữ. Giới chuyên môn nghi vấn có hay không trò "rửa tranh"

Sáng 20-7, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã chính thức gửi văn bản xin lỗi đến công chúng vì đã chấp thuận để triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” diễn ra tại bảo tàng này khi các thông tin về những bức tranh được trưng bày chưa đủ tính xác thực, bị dư luận tố cáo là làm giả.

Toàn tranh giả và tranh mạo danh

Không như không khí hồ hởi, phấn khởi xen lẫn tự hào của ban tổ chức trong buổi họp báo công bố tổ chức triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” diễn ra trước đó, những bức tranh được giới thiệu là những kiệt tác của nhiều danh họa nổi tiếng trong làng mỹ thuật Việt Nam trưng bày ở triển lãm bị giới chuyên môn nghi ngờ có dấu hiệu làm giả ngay trong giờ khai mạc (ngày 10-7).

Tổng số 17 bức tranh đang trưng bày tại triển lãm của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, có 15 bức tranh bị nhiều ý kiến cho là giả (không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện), 2 bức bị mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc).

Ảnh chụp lại phác thảo bức “Trừu tượng” do họa sĩ Thành Chương cung cấp
Ảnh chụp lại phác thảo bức “Trừu tượng” do họa sĩ Thành Chương cung cấp

Bức “Trừu tượng” trong bộ sưu tập “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ký tên họa sĩ Tạ Tỵ
Bức “Trừu tượng” trong bộ sưu tập “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ký tên họa sĩ Tạ Tỵ

Tại buổi khai mạc cuộc triển lãm này, họa sĩ Thành Chương xuất hiện và “tố” bức “Trừu tượng” là tác phẩm của ông chứ không phải của Tạ Tỵ như bản đang treo tại triển lãm. Ngày 16-7, họa sĩ Thành Chương công bố phác thảo bức “Trừu tượng” mà ông còn lưu giữ. Nhiều chuyên gia trong giới mỹ thuật khẳng định đây là sự sỉ nhục cho nền hội họa Việt Nam, là cú lừa ngoạn mục, một vụ án kinh tế lớn, có tổ chức và kéo dài từ nhiều năm trước.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động sáng 20-7, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung khẳng định ông vẫn có lòng tin vào những bức tranh mình đã mua. Ông Chung cho rằng để có thể thẩm định được thực sự, cần đưa tranh ra nước ngoài, chẳng hạn như đưa sang Hồng Kông hoặc Pháp.

Nhiều nhà phê bình uy tín như Nguyễn Quân, Phan Gia Hương và phần đông họa sĩ đều cho rằng không cần nghiên cứu, chỉ nhìn qua đã thấy toàn bộ các bức tranh này đều là giả. Thậm chí, có người còn đặt sinh mệnh nghề nghiệp vào việc khẳng định toàn bộ các bức tranh ở đây đều không phải tranh thật.

Khẩn trương xử lý

Trước “nghi án’’ tranh thật - tranh giả trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung thuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, đặc biệt trước sự tố cáo mạo danh bức “Trừu tượng” từ họa sĩ Thành Chương, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã tổ chức cuộc họp thẩm định hôm 19-7 với các nhà quản lý, các chuyên gia mỹ thuật để trao đổi xung quanh những vấn đề gây dư luận về triển lãm này.

Điêu khắc Phan Gia Hương (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên hội đồng thẩm định 17 bức tranh) cho biết: “Những bức tranh trong triển lãm, theo hội đồng thẩm định, đều có vấn đề. Hội đồng đã nhờ công an giữ lại các bức tranh để điều tra xuất xứ, ai là người làm tranh giả, ai thực hiện mua bán”. Riêng bức “Trừu tượng” của họa sĩ Thành Chương, bà Hương khẳng định đó là tác phẩm của ông Chương vì khi còn hoạt động mỹ thuật ở Hà Nội, bà biết ông Chương đã vẽ bức này.

Sáng 20-7, ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, khẳng định: “15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện; 2 bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc).

Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM tạm giữ toàn bộ 17 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ điều tra; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý và sớm có kết luận vụ việc này.

Cần hành lang pháp lý

Nhà điêu khắc Phan Gia Hương cho rằng qua sự việc trên, cần xây dựng, củng cố ngay một hành lang pháp lý để bảo vệ mỹ thuật Việt cùng các họa sĩ Việt khi vấp phải tình trạng phát hiện tranh giả.

“Sắp tới, tôi nghĩ nên có một hội đồng thẩm định tranh cấp nhà nước. Nạn tranh giả, tranh nhái, tranh mạo danh không chỉ là những “vụ án” kinh tế, văn hóa, làm đau đầu những người sáng tạo và còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá trị nghệ thuật của quốc gia. Cần thẩm định lại tất cả tranh của các họa sĩ lớn mà tôi và bạn bè tôi cho rằng đã bị làm giả rất nhiều” - bà Hương đề nghị.

Có hay không trò "rửa tranh"?

Giới chuyên môn đang đặt nghi ngờ vụ triển lãm tranh “Những bức tranh trở về từ châu Âu” bị cho là giả có thể là một vụ “rửa tranh” mà mắt xích câu chuyện này là nhà sưu tập Hà Thúc Cần nhưng ông đã không còn nữa để hóa giải.

Theo các họa sĩ, ông Hà Thúc Cần là người chơi đồ cổ, từng về Việt Nam xin tranh, mua tranh mang ra nước ngoài, trong đó có nhiều tranh giả. Những bức tranh giả được buôn đi bán lại lòng vòng. Mỗi lần như vậy là có người thu lợi. Sau cùng, vì chúng là giả nên lại bị “hắt” trở lại Việt Nam. “Người Việt Nam tự làm hàng giả của chính mình. Người nước ngoài chỉ giúp sức, cộng tác ở cái khâu “chứng nhận hộ”, quảng cáo, bán hàng hộ. Vậy là nỗi nhục lại quay trở về Việt Nam. Thật ê chề” - nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương thốt lên cay đắng.


Bức Cô gái của Nguyễn Sáng tại triển lãm bị cho là tranh giả

Bức "Cô gái" của Nguyễn Sáng tại triển lãm bị cho là tranh giả

Theo họa sĩ Ngô Đồng, nếu việc “rửa tranh” thành công ở nơi có uy tín nhưBảo tàng Mỹ thuật TP HCM thì những bức tranh (nghi) giả sẽ nghiễm nhiên trở thành tranh thật. “Vong linh của các danh họa sẽ bẽ bàng vì họ bị cho là làm ra những tác phẩm không xứng đáng là danh họa. Những nhà sưu tậptử tế đang sở hữu các tranh thật sẽ đau đớn vì thật - giả “lộn sòng”; trong khi đó, những kẻ làm tranh giả thì hả hê vì lừa được mọi người mà không ai làm gì! Ung dung cất tiền vào túi và chuẩn bị cho ra lò các tranh giả khác” - họa sĩ Ngô Đồng bức xúc nói.

TS Nguyễn Đình Đăng - chuyên gia ngành vật lý hạt nhân, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết muốn xác định tranh thật hay giả không khó. Ở Việt Nam, nếu chưa có công nghệ thẩm định tranh giả mà không gây hư hỏng cho tranh thì có thể đem ra nước ngoài nhờ kiểm tra. “Nếu thực sự ông Vũ Xuân Chung đã bỏ một số tiền lớn mua tranh mà giá trị của nó có thể lên tới cả triệu USD, thậm chí chục triệu USD thì nhằm nhò gì vài ngàn hay vài chục ngàn USD chi phí để thử tại một trong những trung tâm tiên tiến trên thế giới?” - họa sĩ Đình Đăng nêu ý kiến.

Giới chuyên môn cho rằng có thể ông Vũ Xuân Chung là nạn nhân của nạn buôn bán tranh giả vì nạn tranh giả phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau: người thân, con cái, nhà sưu tập, phòng trưng bày. Có tranh thật chép lại, cất bản gốc, bán bản sao. Có bản nét bằng giấy chuyển thành sơn mài, sơn dầu tay nghề cao vẽ hao hao giống phong cách của họa sĩ, ký tên họa sĩ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái... Đa phần các nhà sưu tập mới đụng vào là dính tranh giả, người nào thận trọng, nhờ chuyên gia, họa sĩ hiểu biết thẩm định từ các hướng may ra không bị mua tranh giả.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông Chung không phải là nhà sưu tập “mới đụng vào”, càng không dễ dàng bỏ ra số tiền lớn để mua tranh của Nghiêm, Liên, Sáng, Phái mà không thẩm định thật giả.


Bức tranh Trước giờ biểu diễn của Nguyễn Xuân Phài treo tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM nhưng bức tranh giả đã từng được Sothebys đem bán đấu giá

Bức tranh "Trước giờ biểu diễn" của Nguyễn Xuân Phài treo tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM nhưng bức tranh giả đã từng được Sotheby's đem bán đấu giá

Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, cũng cho rằng: “Trong vụ này, có khả năng ông Vũ Xuân Chung cũng là nạn nhân. Bởi theo tôi, ông ấy đã bỏ ra một số tiền rất lớn để mua các bức tranh này, có sự bảo đảm từ một chuyên gia người Pháp (ông Jean-François Hubert làcộng tác viên của nhà đấu giá Christie’s)” - ông Yên nói. Theo ông Yên, do đang chờ kết luận từ cơ quan điều tra nên chưa thể nói vụ này là “rửa tranh”.

Theo thông tin từ giới chuyên môn, ông Jean-François Hubert (vốn là một chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á) đã chứng thực rất nhiều tranh giả mạo của Việt Nam cho nhà đấu giá Christie’s. Tuy nhiên, khi các họa sĩ Việt nhờ phía Christie’s xác nhận về ông Hubert thì nhà đấu giá này cho hay đã chấm dứt công việc với ông Hubert từ năm 2013. Hội đồng thẩm định từ Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cũng nêu ra ý kiến cần có hành động để ngăn chặn việc chứng nhận giả mạo trên của ông Hubert, tránh tiếp diễn những trường hợp khác.

Có ý kiến cho rằng sự việc nêu trên xuất phát từ sự thiếu chuyên nghiệp, nghiệp vụ kém và sự vô trách nhiệm trong công tác thẩm định tranh triển lãm. TS Nguyễn Đình Đăng kể: Năm 2006, họa sĩ Yoshihiko Wada (66 tuổi) được tặng thưởng Giải thưởng Nghệ thuật của Bộ Văn hóa Nhật Bản nhờ các tác phẩm phản ánh cuộc sống đô thị ở Ý. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa Nhật Bản đã quyết định thu hồi giải thưởng này ngay sau khi ông Wada bị tố cáo là đã sao chép các tác phẩm của họa sĩ Alberto Sughi, người Ý, 77 tuổi. Đồng thời với việc tước giải thưởng của Wada, Bộ Văn hóa Nhật còn sa thải toàn bộ các ủy viên hội đồng giải thưởng, thay thế bằng các chuyên gia mới.

Ngọc Lê - Hòa Bình

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo