xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trẻ con làm trò giải trí cho người lớn: Còn đâu thế giới tuổi thơ

Thùy Trang

Bây giờ, thần tượng của các em là ca sĩ người lớn cả trong và ngoài nước vì các em chỉ được nghe nhạc người lớn thôi

Bước chân vào một cuộc thi, áp lực thắng thua, thành bại là điều khó tránh.  Những đứa trẻ đi thi hát, nhảy phải gánh chịu những áp lực không đáng có từ người lớn. Tuổi thơ của chúng còn đâu sự trong trẻo, hồn nhiên khi phải chạy theo hư danh mà bố mẹ chúng đang cần và những món tiền lợi nhuận mà các nhà sản xuất chương trình muốn có.

“Chín ép”

Vì hướng đến sự chuyên nghiệp trong giải trí cho khán giả người lớn nên các tiết mục biểu diễn trong các chương trình thi hát, múa của thí sinh thiếu nhi được dàn dựng theo thị hiếu của người lớn. Bởi khi dàn dựng theo sở thích của người lớn, ê-kíp sản xuất chương trình mới có đất để dàn dựng phần nhìn trên sân khấu và khai thác khả năng trình diễn của thí sinh.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, một trong những huấn luyện viên của chương trình “Giọng hát Việt nhí” nhiều mùa qua, từng cho biết: “Nhiều bé tham gia chương trình cũng rất tài năng, đôi khi các bài hát dành cho thiếu nhi đơn thuần thì chưa đủ “đô” về mặt kỹ thuật thanh nhạc của các bé. Việc lựa chọn bài hát cho thí sinh trình diễn trong chương trình không có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Chúng tôi sẽ tìm cách xử lý, như sửa lời bài hát sao cho phù hợp với các em chẳng hạn”.

 

Bé Cao Khánh trình diễn bài hát “Vết chân tròn trên cát” (Trần Tiến) trong “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu tiên. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung nói như thế sẽ biến các em thành “cụ non” chứ chưa chắc thẩm mỹ âm nhạc của các em đã được nâng lên Ảnh: LEON TRẦN
Bé Cao Khánh trình diễn bài hát “Vết chân tròn trên cát” (Trần Tiến) trong “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu tiên. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung nói như thế sẽ biến các em thành “cụ non” chứ chưa chắc thẩm mỹ âm nhạc của các em đã được nâng lên Ảnh: LEON TRẦN

 

Nhạc sĩ Minh Vy từng tham gia tập luyện cho các em trong “Giọng hát Việt nhí” cho rằng trẻ em bây giờ lớn rất nhanh, tâm sinh lý phát triển sớm đôi khi người lớn còn chưa kịp cảm nhận được. Ngoài ra, các em cũng có sự yêu thích và cập nhật xu hướng âm nhạc mới nhanh không kém người lớn. Vì vậy, việc chọn bài hát người lớn cho các em trình diễn cũng là bình thường”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung nói rằng: “Không ai bảo cứ nhí nhảnh hát “Con cò bé bé”, “Con chim non”… mới là thiếu nhi. Nhưng ca khúc người lớn được sử dụng phải truyền tải được tinh thần của tuổi thơ chứ đừng ép các em vào những bài hát quá lớn và quá nghiêm túc. Như thế sẽ biến các em thành “cụ non” chứ chưa chắc  thẩm mỹ âm nhạc của các em đã được nâng lên”.

Nhìn lại các tiết mục trình diễn trong “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, người lớn không khỏi giật mình khi tất cả những gì diễn ra không còn dấu ấn trẻ thơ. Những điệu nhảy chỉ dành cho người lớn trên các sàn nhảy đang được những người sản xuất chương trình tập luyện cho các em trình diễn với những lời khuyến khích và tung hô. Có ý kiến nhận xét rằng những tiết mục trình diễn trong “Bước nhảy hoàn vũ nhí” được dàn dựng theo một câu chuyện thì chỉ có người lớn mới cảm nhận được ý nghĩa, thông điệp của nó. Nên gọi đây là sân chơi dành cho khán giả thiếu nhi quả là quá xa lạ.

Trẻ em là kết quả của người lớn

Huấn luyện viên Hồ Hoài Anh của “Giọng hát Việt nhí” nói rằng “trẻ đã biết ăn cơm sao phải bắt các em ăn cháo” không nhận được sự đồng tình của nhiều người cả trong và ngoài giới. Có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều thứ thuộc về người lớn nhưng trẻ con rất thích vì tò mò, muốn khám phá và để chứng tỏ mình đã lớn. Không phải cái gì cứ trẻ con thích là người lớn phải chiều theo, chấp nhận.  Nếu không ngăn cấm, định hướng đúng đắn thì sẽ nguy hại vô cùng. Trẻ con cần người lớn khi bản thân chúng chưa đủ khôn lớn để nhận biết đúng sai, điều gì có ích hay có hại. Tất nhiên, người lớn không áp đặt những gì thuộc về mình lên con trẻ nhưng phải là chỗ dựa của trẻ em, nâng đỡ, che chở các em trong hành trình đến tuổi trưởng thành. Trẻ em là kết quả của người lớn.

Thế hệ trẻ con hơn 10 năm trước được sống trong thế giới âm nhạc của tuổi thơ, bởi khi đó chương trình ca nhạc cho thiếu nhi trên đài phát thanh, truyền hình, băng đĩa nhạc khá đa dạng và phong phú, phù hợp với tâm hồn và khả năng cảm thụ của các em. Bé Xuân Mai từng là thần tượng của nhiều thế hệ thiếu nhi thời đó qua những ca khúc phù hợp lứa tuổi mà cháu trình bày. Bây giờ, thần tượng của các em là ca sĩ người lớn cả trong và ngoài nước vì các em chỉ được nghe nhạc người lớn. Chương trình “Gương mặt thân quen nhí” còn cho các em thi bắt chước phong cách trình diễn và hát nhạc của người lớn rồi tung hô như một tài năng.

Cảm nhận nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng bằng tâm hồn để có thể tỏa sáng bằng tâm hồn, ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi truyền dạy cho học trò nhí của mình như vậy. Anh tin rằng: “Khi nền tảng giáo dục được xây dựng một cách chắc chắn, chính các em sẽ tự biết loại bỏ những thứ không phù hợp với mình”. Nhưng vấn đề giáo dục thẩm mỹ lại là câu chuyện khác, rất dài, rất bức xúc ở showbiz Việt.

 

Không cần ca khúc cho thiếu nhi?

Giới nhạc sĩ cho rằng hiện nay không thiếu ca khúc thiếu nhi, chỉ là thị trường không cần những ca khúc thiếu nhi mà thôi. Thực tế, nhiều nhạc sĩ vẫn theo đuổi và sáng tác mảng ca khúc thiếu nhi nhưng những ca khúc đó phần lớn không có đầu ra. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, với dự án theo đuổi mảng ca khúc thiếu nhi 2 năm gần đây, gặt hái được nhiều thành công là một trong những trường hợp hiếm hoi của làng nhạc Việt. Nói về điều này, Nguyễn Văn Chung thừa nhận: “Nhiều nhạc sĩ thế hệ cha chú vẫn sáng tác ca khúc thiếu nhi đều đặn nhưng họ không tìm được đầu ra cho tác phẩm của mình. Trong khi đó, nhạc sĩ trẻ không thấy ca khúc thiếu nhi mang lại lợi nhuận cho mình vì nhu cầu của khán giả dành cho mảng ca khúc này hầu như rất ít, nên không mấy quan tâm. Đầu tư một sản phẩm âm nhạc thiếu nhi tốn tiền gấp đôi người lớn vì nhạc thiếu nhi cần có hình ảnh để minh họa. Vậy nên ngày càng ít người viết ca khúc thiếu nhi là có lý do”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên thừa nhận khoảng 5 năm trở lại đây, những phong trào vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi, một dạng đặt bài, không còn. Những đơn vị có chức năng như Nhà Thiếu nhi TP HCM cũng không mấy bận tâm nên mảng ca khúc này ít đi và không có ca khúc mới nổi bật.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo