xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trong khu vườn nắng

Truyện ngắn Nguyễn Quỳnh Trang (Viết tặng El, H., Ngh. và Sài Gòn)

Nắng đang mỏng dần, rồi tan loãng đi, thành một vệt sáng mờ trên hiên nhà. Trên cội mai già, được trồng trong chiếc bồn nhỏ, ủ đầy đất đen trộn xơ dừa, vài chùm nụ xanh non đang tách mình ra khỏi vỏ nâu dày sần sùi. Có một nụ mai chơ vơ đầu cành, đang he hé búp trắng bên trong đài xanh mướt.

Thy ngồi nép mình trong làn không gian phủ màu xam xám, nét mắt mũi miệng mờ đi nhìn như màn sương mỏng không thật, ngón tay gầy, mềm thấp thoáng làn da ửng màu trăng trắng, ngắt khẽ từng chiếc lá mai già biếc xanh.

E. lơ đễnh nhìn Thy, rồi quay nghiêng ngắm nụ mai. Trời đang 28 độ C. Chẳng có hơi gió lạnh hay chút se se mùa đông năm nào. Lần đầu tiên đón Tết giữa thành phố sực mùi vị ấm, thấy lòng thoáng chênh chao.

- “Có phải Nam mới từ viện về không?”.

Thy hỏi, tiếng rất nhẹ mà trong. Đột ngột phá vỡ khoảng yên tĩnh của chiều, làm cô thoáng giật mình.

- “Ừ, Nam có nhắn tin bảo thế”.

- “Sao Nam không nằm viện cho khỏe hẳn đã, rồi về?”.

- “Ở viện một mình buồn lắm đấy, mà 3 ngày nữa là giao thừa rồi còn gì”.

- “Về nhà còn buồn hơn, ít ra ở viện còn có y tá, hộ lý vào ra...”.

Thy nói đến đó rồi thở dài. Tiếng thở sượt qua tán lá mai, chạm vào tai cô nhè nhẹ. Nếu không vì Thy mà ở lại thành phố, hẳn E. cũng đang một mình, giữa lúc Thy một mình, mà Nam cũng một mình.

Đôi khi, cần một phút chạm vào tim của nhau, để thấy đời có gì đó vui vui mà sống tiếp.

...

Lần nghỉ Tết dài đến 9 ngày này, thay vì vác vali đến một miền đất xa nào đó, nằm thư giãn trên bãi cát trắng ngắm biển mênh mang vô tận xanh, cũng có thể ngồi trên lưng chừng một ngọn núi cao phủ tuyết trắng trên dãy Himalaya để cảm nhận từng nhịp thở hoặc như nằm giữa thảo nguyên Mông Cổ mà cho lên miệng nhâm nhi một nhành cỏ thì cô lại chọn bay vào đây gặp Thy, khi nhận ra từ các bài viết ngày ngày Thy post đều đặn trên diễn đàn đang nhuốm màu bất thường.

Thy là người Sài Gòn gốc, ba má và anh trai đều đã sang Mỹ định cư, chỉ còn Thy chần chừ chưa muốn đi. Thy không làm công việc gì cụ thể, cô sống bằng tiền ba má gửi về. Ham mê nhất của Thy là du lịch. Cứ mỗi chuyến đi xa, trở về lại Sài Gòn, Thy thường không ra khỏi phòng. Cô cứ vùi mình trong chăn trên nệm, day dứt không muốn rời khỏi miền nhớ từ vùng đất xa.

 


Minh họa: Đỗ Hoàng Tường

Minh họa: Đỗ Hoàng Tường

 

Sau khi chia tay mối tình kéo dài 7 năm với Nam, Thy không yêu thêm ai nữa. Cô chọn sống một mình để được tự do đi đến những nơi cô muốn.

Nam cũng chẳng yêu ai, anh ngoài việc thiết kế bán thời gian cho một tòa soạn báo chuyên về thời trang, lại chui về căn phòng nhỏ thuộc về một chung cư cao cấp ven thành phố.

Nam quê ở Huế, anh đến Sài Gòn từ năm 19 tuổi, theo học Khoa Mỹ thuật công nghiệp của Trường Đại học Kiến trúc, rồi ham mê sự náo nhiệt nơi đây mà ở lại luôn. Giờ đã sang tuổi 35, Nam vẫn đi về những căn hộ thuê với giá cao. Anh không muốn cố định nơi ở nào quá 2 năm. Mỗi lần dọn nhà, dù mệt mỏi với hàng chồng sách, băng đĩa và đồ đạc lỉnh kỉnh nhưng Nam được hưởng cái thú vui được ở một không gian mới mà khép kín, hàng xóm chẳng kịp nhớ tên hay biết mặt mình.

E. là người Hà Nội, một kẻ cô đơn kiệt cùng, giữa nơi không thuộc về ai. Để tránh việc bố mẹ liên tục giục giã kết hôn, E. dọn ra ở riêng, thuê một căn nhà nhỏ gần hồ Tây, vừa làm chốn ở vừa làm xưởng điêu khắc. Học Trường Đại học Mỹ thuật ra, kịp có vài giải thưởng quốc tế quan trọng, từng có triển lãm cá nhân ở nhiều nước, tranh có mặt ở một số bảo tàng đương đại lớn ở Mỹ, Pháp, Đức... E. dù ngoài 30 tuổi nhưng đã có đủ tiền để mua nhà riêng như ý.

E. yêu nhiều, để rồi thất vọng nhiều. Đàn ông đến với E. rốt cuộc đều muốn tựa nương vào sự mạnh mẽ, độc lập của cô. Cũng vài người sử dụng cô như món đồ trang sức sang trọng mà không mất tiền mua.

Dù có khéo léo che giấu hay lịch thiệp trong giao tiếp đến đâu thì những người đàn ông từng thuộc về E. không lấp liếm được sự lười biếng trong việc kiếm tiền, sự trì trệ thiếu mục tiêu xác định trong đời, sự ỷ lại vào đàn bà khi chọn sống bên họ. Những thất bại tạm thời từ thói quen, chạm vào thất bại lối sống để tạo ra khuôn mặt những người đàn ông thất bại. Thế nên, khi nhận được sự tin tưởng của E. rồi, họ lại sẵn lòng bội bạc để tìm kiếm thú vui mới nơi người đàn bà khác nhưng vẫn giữ chặt E. lại để giam trong khối sắt nóng chảy của ghen tuông và nghi kỵ.

Vậy mà, sau mỗi lần chia tay, tưởng đi thẳng vào vùng tự do, E. lại trầm cảm giữa cô đơn. Dường như cô không thể chấp nhận nổi việc quen với sống không đàn ông. Rốt cuộc, sau một trận ốm thập tử nhất sinh mà cô độc không một ai bên cạnh, E. chui vào góc tối, hoàn toàn không gặp bạn bè cũ, tránh luôn việc làm quen với đàn ông, chỉ tập trung vào công việc và trò chuyện với một vài bạn mới trên mạng xã hội mà chẳng hề nghĩ đến chuyện gặp ngoài đời thực, trong đó có Thy, Nam. Và cũng như Thy, E. tiêu tiền vào các chuyến đi xa.

E. quen Thy qua một diễn đàn về du lịch trên mạng, sau đó lại quen Nam trên Facebook.

E. hợp chuyện với Thy, hợp tính với Nam, vừa đủ để là bạn thân của cả hai người. Thế nhưng, phải mất đến 3 năm sau, E. mới ghép nối được câu chuyện kể về người yêu cũ của Thy, lẫn Nam. Ban đầu, E. tính giữ kín bí mật thú vị này nhưng sau đó, cảm thấy không nên giấu hai người bạn đều đang tin tưởng mình, E. kể với Thy trước. Thy biết chuyện, đột ngột ngừng liên lạc. Nam biết chuyện, cũng im lặng rồi chặn Facebook của E.

Khi ấy, E. đã chìm trong hoang mang dài ngày, cô chưa hiểu vì sao mình lại bị mất một lúc hai người bạn thân. Ngày ngày, cô náu mình trong nhà, tắt điện thoại, ngắt nguồn mạng trong 3 tháng, tập trung vào làm các tác phẩm điêu khắc. Với E., mọi thứ luôn có thể rời bỏ cô, trừ sáng tạo. Nghệ thuật với E. không bao giờ bội bạc hay chia ly. E. biết cô sinh ra để làm công việc duy nhất này.

Nam là người liên lạc với E. đầu tiên, khi kết nối lại Facebook với E. bằng một tin nhắn xin lỗi. Sau đó là Thy. Cô tỏ ra lo lắng, hoang mang đến lạc giọng, nước mắt đẫm từng lời nói, khi E. mở máy trở lại.

Tiếp tục tình bạn với Thy và Nam, E. luôn tránh, không bao giờ kể chuyện của Thy với Nam hay ngược lại. Có gì đó đang vỡ nát bên trong Thy lẫn Nam, mà E. không gọi được tên. Dù thế, E. hiểu, vẫn còn những vương vấn không thể dứt bỏ, cũng chẳng thể nói thành lời giữa Thy và Nam. Có lẽ, mối tình ấy đã trở thành máu thịt của cả hai rồi.

Mỗi khi đi xa, Thy lại mang chiếc váy lụa trắng do Nam tặng. Ngồi chênh chếch dưới gốc cổ thụ nơi châu Phi xa xôi hay mơ màng trên thuyền dọc sông Seine - Paris, Thy đều mặc chiếc váy rồi chụp ảnh. Tóc Thy cắt tém, để dài ép thẳng, uốn cong hoặc tết từng sợi nhỏ, mặt lúc cười, lúc nghiêm, in dấu thanh xuân hay chập chờn vết nhăn mảnh như sợi chỉ nơi khóe mắt... thì cơ thể vẫn rất vừa vặn dưới lớp váy lụa.

Đi đâu, Thy đều gửi hình về cho E. Xếp các tấm hình mà Thy chụp cùng váy lụa trắng riêng ra một album, để mỗi khi nhìn, E. đều thấy sống mũi cay và mắt ươn ướt.

- “Nếu như Thy còn yêu Nam và Nam vẫn còn nhớ đến Thy, sao cả hai không quay về với nhau?”.

E. từng mấy lần muốn hỏi cả hai điều ấy. Mà chỉ sợ sẽ chạm vào vỏ bọc chứa nỗi đau vẫn còn mưng chặt mủ. Nó mà vỡ ra thì rất có thể E. không còn nhìn thấy hai khuôn mặt thân thương hơn cả ruột thịt ấy nữa.

Cho đến khi biết Nam mắc bệnh, phải vào viện, E. nói với Thy, hòng mong cô có chút quan tâm đến Nam khi anh đang tận cùng cô độc nơi thành phố chật người. Các kết nối của anh với thế giới con người đang dần tan loãng, mỏng mảnh, hư vô. Ngoài Thy, hẳn chẳng còn ai nghĩ về Nam như một thực thể hiện hữu.

- “Nam bị sao?” - Thy hỏi qua điện thoại, bằng cái giọng nhỏ nhẹ mà rất ơ hờ.

- “Suy thận đó”.

- “Mức độ nào rồi?”.

- “Chức năng thận giảm xuống 50 phần trăm rồi”.

- “Do ăn uống, thói quen sinh hoạt không ý thức đây mà...”.

Thy nói đến đó, cứ như bệnh của Nam chẳng làm cô bận tâm, rồi bỗng nhiên tắt máy.

E. nhắn tin qua Facebook cho Nam, E. dặn để số máy của E. vào chế độ người thân và ghi tên vào sổ bệnh nơi phòng khám, có việc gì nghiêm trọng thì Nam hoặc y tá, bác sĩ gọi điện cho E.

E. nghĩ ở xa thế này thì chẳng thể nào giúp gì Nam được nhưng ít ra Nam sẽ có cảm giác còn người nào đó đang quan tâm, dõi theo Nam. Hoặc giả sử khi ấy, có thể nhờ được Thy thì thật may mắn.

Sau khi nghe E. thông báo, Thy không hỏi thêm gì bệnh của Nam nữa. Tuy nhiên, một ngày, Thy gửi cho E. các thông tin về bệnh suy thận.

Đại khái, thường thì người bệnh không có triệu chứng gì cả, dưới dạng tiềm ẩn, cho đến khi chức năng thận suy giảm. Người bệnh sẽ bị nôn, không muốn ăn, chân tay bị phù, cảm giác mệt mỏi, uể oải, có khi thấy ngứa ngáy toàn thân.

Căn cứ vào sinh hoạt lành mạnh, tránh hút thuốc, uống rượu bia, ngủ đúng giờ, ăn thực phẩm sạch, nhất là rau củ quả, kiêng muối, kiêng những thức ăn có nhiều chất phốt-pho hay potassium, ngày ngày tập thể dục, hít thở sâu chậm đều, làm mọi liệu pháp để thư giãn tinh thần, uống các loại lá thải độc, uống nước ấm, tắm nước nóng, tránh lạnh... thì sẽ phục hồi chức năng thận. Thế nên, nếu không thay đổi nếp sống, nếp nghĩ vốn tiêu cực từ trước thì chẳng mấy chốc bị mắc lại. Hành trình chữa bệnh cần kiên trì, nghiêm khắc với chính bản thân...

E. đọc kỹ tài liệu, suy ngẫm, thấy có lý.

Thay vì chuyển tài liệu cho Nam, E. chỉnh lại chế độ ăn, sinh hoạt như trong hướng dẫn. Lập lên một bảng thời gian biểu, E. thực hiện như thể chính mình đang mắc bệnh. Ít ra, E. cần biết liệu pháp này có thực sự hữu dụng không, trước khi chia sẻ với Nam. Nói thì dễ lắm nhưng làm thì mới khó. Muốn thuyết phục được bạn thì bản thân phải trải nghiệm. Mạng sống con người, có phải chỉ là lời khuyên suông là xong đâu. Nhiều khi lên Facebook, đọc các status trong danh sách bạn bè, E. muốn trầm cảm vì đủ thứ được soạn bày trên đó. Hôm qua, người ta vừa ầm ĩ việc cô hoa hậu nằm ngủ gác chân hớ hênh, hôm nay người ta phát điên lên vì một vụ đạo văn, bao chuyện đời tư chẳng rõ thực hư không liên quan gì đến văn chương có dịp lôi ra bới móc chửi rủa, ngày mai chỉ việc đổi màu quốc kỳ Pháp để tưởng niệm những nạn nhân chết thảm dưới tay IS cũng đủ để người ta phán xét, châm chích, cãi lộn lẫn nhau...

Chuyện vui thì tan theo gió mây, chuyện cay độc thì ở lại. Facebook là thế. E. thấy mệt mỏi nên lắm khi đóng cửa Facebook lại, im lìm trong góc tối riêng mình với những luyện tập định kỳ và ngẫm nghĩ ý tưởng sáng tạo bộ tác phẩm mới.

Tại sao thay vì làm chủ bản thân, các thói quen, cảm xúc, ý nghĩ miên man của chính mình trước đã hay khởi động làm việc gì đó hết sức cụ thể thì người ta mất quá nhiều thời gian để bình luận, phán xét người khác để hòng thay đổi điều gì? Có lúc, E. nghĩ việc trao đổi thông tin trên thế giới Facebook có thể giúp cô tức thời hơn trong công việc. Nhưng đó là lầm tưởng tai hại. Các độc tố trong lối suy nghĩ bản năng cũ mòn của hàng ngàn người kết nối nhau từng tích tắc trên Facebook đang giết chết mọi tư duy sáng tạo. Một tác phẩm chỉ thực sự hình thành trong im lặng lẫn chiều sâu tĩnh mịch bình an của tâm hồn.

Chỉ một tuần thay đổi các thói quen theo chiều hướng tích cực, E. thấy thể xác khỏe hơn, tinh thần cũng sáng. Có nhiều cơn vui bất ngờ không nguyên nhân từ đâu ập tới. Vai mỏi, xương cột sống nhức hay mọi biểu hiện suy giảm chức năng của các cơ quan nội tạng đều đi vào cảm nhận của E. rõ nét. Khi nhận biết, E. có thể làm nơi đau tức ấm nóng lên bằng cách tập trung chú ý hết sức vào đó cùng duy trì hơi thở chậm, điều hòa, sâu.

E. nói chuyện với Nam về điều này nhưng không nhắc tới việc cô làm theo tài liệu Thy gửi. Nam tỏ ra hào hứng vì anh cũng đang tìm phương pháp điều trị tốt nhất. Khi biết tin mình bị suy thận, Nam chưa vội vàng áp dụng phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Anh cần trấn tĩnh tinh thần sau cú sốc. Tự hỏi mình có còn tha thiết mong có một cơ thể khỏe mạnh nữa không. Nếu thực sự muốn thì anh có tiếp tục cách sống trước đây hay thay đổi nó? Đứng sát bên sự suy kiệt sinh lực nơi thể lý, Nam mới hay mình đã trải qua gần 35 năm làm người vô thức lẫn vô nghĩa đến thế nào.

- “Giờ tớ mới hiểu vì sao Osho nói chúng ta đang ngủ mơ dù đang thức. Chúng ta là những con người mơ” -

Nam nói.

- “Có thể là cậu phải mắc bệnh này, nghe hơi bất nhẫn nhỉ, thì mới đủ cú đánh mạnh buộc cậu phải ngừng ngủ mơ lại” - E. cười.

- “Tớ cũng nghĩ vậy, bất kể điều gì xảy ra đều có lý do của nó. Mà lý do ấy chẳng gì ngoài việc bắt chúng ta phải trưởng thành thực sự không những về lối nghĩ, tinh thần, lẫn hiểu biết tâm linh” - Nam cười theo.

- “Cậu đang khác đi đấy, trước đây, cậu chẳng bao giờ chấp nhận những thứ cậu vừa nói đâu” - E. ngạc nhiên.

- “Thì thế, đây là một cú đánh quá mạnh, làm dòng chảy của cuộc đời tớ bị thay đổi đột ngột và muốn lưu thông cần đào lối thoát khác” - Nam nói, giọng mơ hồ như đang vọng về từ cõi xa xăm.

Cùng chung tài liệu, E. và Nam ngày ngày duy trì chế độ tập luyện. Trước khi đi ngủ, theo giờ hẹn trước, cả hai cùng trao đổi với nhau mọi thông tin cũng như những hiểu biết mới mà một trong hai tìm kiếm được.

Nam tìm đến một lương y nổi tiếng chuyên thuốc nam, đều đặn lấy 10 thang thuốc một lần về đun lá uống thải độc. Anh nói với E., không hiểu sao, anh khao khát muốn tiếp tục sống.

- “Đêm qua, trong khu nhà tớ, có một người đàn ông lao thẳng từ lầu hai xuống đất. Ly hôn vợ, không người thân, sống một mình, là bác sĩ, tránh tiếp xúc với người khác, hay ru rú trong nhà... Có ai đó nói rằng ông ta làm vậy vì buồn chuyện tình cảm...”.

- “Có rất nhiều lý do để người ta không thiết sống” - E. nói.

- “Cũng có nhiều lý do để nên sống” - Nam trả lời.

...

- “Kết quả xét nghiệm gần đây của Nam thế nào?” - Thy hỏi đột ngột, phá vỡ loạt hồi tưởng miên man trong E.

- “Tốt hơn rồi đấy, bác sĩ bảo đúng là thần kỳ”.

- “Thì làm sao có thể chữa bệnh cho một người chỉ nghĩ đến cái chết chứ?”. Thy nói rồi hỏi thêm: “Thế sao bác sĩ vẫn muốn Nam nhập viện?”.

- “Vì ông ấy muốn theo dõi Nam thêm thôi. Bao giờ chẳng thế, bác sĩ dù thấy phương pháp chữa bệnh của Nam đang tốt thì ông ấy vẫn muốn tây y có thể can thiệp được”.

- “Mâu thuẫn thế?”.

- “Vì ông ấy không chấp nhận được việc tây y đầu hàng trước nhiều căn bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến tế bào, nội tạng, xương cốt... Mà những bệnh tưởng chết người ấy lại có thể được chữa lành khi tinh thần con người được cân bằng và lối sống của con người biết nương theo các quy luật tự nhiên” .

Thy không nói gì thêm, cô lại tập trung vào việc ngắt từng lá mai.

- “Đôi khi phải bỏ những lá già, lá sâu đi thì cây mới nở hoa rực rỡ được, nhỉ!”.

E. chống cằm, ngắm những mầm nụ non đang hé, khẽ lẩm nhẩm.

E. tính hỏi có nên rủ Nam sang nhà Thy cùng đón giao thừa không nhưng thấy chẳng cần thiết nữa.

Bên trong Nam và Thy luôn có sợi dây gắn kết hai người. Trái tim vẫn được sưởi ấm nơi góc nhỏ của nó, khi còn ai đó biết cách quan tâm chân thành tới nhau.

Ngày mai, nắng ôm trùm lên khu vườn nhỏ này, với một bông mai trắng, nở sớm.

Sài Gòn, tháng 11-2015

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo