xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Viết cho mẹ mùa Vu lan

TRẦN NHÃ THỤY

Báo hiếu là tưởng nhớ về người đã khuất và làm những điều có ý nghĩa cho người còn sống

1. Má tôi đẻ liền tù tì mấy thằng con trai. Tôi là con đầu, rồi mấy cậu em cứ cách năm một là ra đời. Má đẻ tới đứa thứ ba thì ba chán không đi thăm nuôi nữa. Nói đúng hơn là ông già “hờn mát” vì má “không biết đẻ con gái”! Do vậy, tôi là con đầu phải có nhiệm vụ... nuôi đẻ.

Thắp nhang kính Phật, cầu an dịp Vu lan thắng hội tại chùa Xá Lợi (quận 3, TP HCM) Ảnh: QUANG HUY
Thắp nhang kính Phật, cầu an dịp Vu lan thắng hội tại chùa Xá Lợi (quận 3, TP HCM) Ảnh: QUANG HUY

Hồi đó, ở quê tôi, phụ nữ sinh đẻ thường vào trạm xá hoặc đến nhà bà mụ hoặc nằm nhà kêu bà mụ tới chứ hiếm khi đi bệnh viện. Vì trạm xá nằm gần nhà nên những khi má đau đẻ vào nằm chờ thì tôi cũng quanh quẩn ở đó. Tôi nhớ khi má đẻ xong thì có mấy dì, mấy cô bên cạnh nhưng lần nào tôi cũng được giao nhiệm vụ mang cái túi nhau đi chôn. Tôi - một thằng bé gầy gò, vác trên vai cây cuốc cùn (có sẵn ở trạm xá), tay xách cái túi nhau đi lên quả đồi gần đó, loay hoay tìm chỗ đào một cái hố, rồi mở túi nhau ra chôn xuống. Thường thì tôi chọn một chỗ đất mềm, nơi có một cái cây lẻ loi nhưng tươi tốt để chôn. Cũng không hiểu sao mình chọn nơi như vậy. Chỉ biết đó là một nơi đẹp. Lúc đó, tôi hoàn toàn chưa có khái niệm gì về cái gọi là “chôn nhau cắt rốn”. Tôi chỉ thấy cái nhau thai rất to, nặng trịch, xù xì và kỳ dị nhưng tôi không sợ. Không sợ vì nghĩ nó từ bụng má tôi mà ra, nối giữa má và em tôi.

Sau này, khi kể lại chuyện chôn nhau thì má tôi mới biết là tôi đã từng làm việc đó. Còn lúc ấy, trong cơn đau mệt mê man vì sinh nở, má thường thiếp đi, trên gương mặt ràn rụa nước mắt vì nghĩ mình đã... không biết đẻ ra một cô con gái cho ba tôi vui lòng.

2. Má, là từ mà chúng tôi gọi về người đã mang nặng đẻ đau ra mình. Hình như đó cũng là cách gọi phổ biến ở miền Trung. Nhưng sau này, khi đến tuổi trưởng thành, lấy vợ sinh con, tôi lại thích dùng từ mẹ. Chữ mẹ, khi nghĩ, khi đọc, dường như nó có một cái gì đó chan chứa, lắng đọng hơn. Nghĩ vậy nên khi có con, chúng tôi dạy con kêu mẹ.

Nhưng tôi thì vẫn gọi má là má. Chữ má nghe nhẹ nhàng thân thương lắm. Nếu như mẹ là ngọn sóng cuộn về thì má là ngọn gió bay lên. Nhưng đấy chỉ là cảm nhận về mặt ngữ âm thôi, còn tận cùng ngọn nguồn thì má hay mẹ đều là tên gọi kính yêu, đằm sâu trong mỗi trái tim người con.

Má, là ý nghĩ đầu tiên và cuối cùng.

Không biết những người khác thì sao, còn tôi đã từng trải nghiệm qua chuyện này. Chuyện hồi nhỏ, khi tôi tập bơi ngoài sông, bị “giã gạo”, chìm dần xuống đáy cát. Trong khi chìm xuống, tuyệt vọng vì không còn chút sức lực vùng vẫy thì tôi thấy mình khóc với ý nghĩ lan đi như một tia điện: “Nếu như mình chết đi thì chắc má sẽ khóc nhiều lắm. Má ơi”.

Lúc tôi tưởng mình đã chết, ý nghĩ tôi chợt bay về má, hay hình ảnh má chợt nhập vào tôi. Phải chăng đó là lúc bay về nguồn cội, bay về núm nhau ruột rà của mình?

Sau này, dù không trải qua những lúc cận kề cái chết nhưng những khi đau buồn, đơn độc, tuyệt vọng, tôi vẫn hay nghĩ về má và thầm kêu lên: “Má ơi!”.

3. Trên thế gian này có không biết bao nhiêu những bài thơ, bài văn, tập sách viết về người mẹ song tôi đồ chừng rằng trước tình cảm thiêng liêng cao quý của người mẹ, mọi ngôn từ đều trở nên bất lực.

Nhưng thương mẹ, đâu phải là khoe cái tình yêu đó ra ngoài, bằng những ngôn từ véo von hay những hình ảnh “làm màu”. Thương mẹ, thực sự là không cần nói gì, mà lặng lẽ làm những việc để mẹ vui lòng.

Tôi nhớ có lần ngồi giữa những bạn văn, một người hỏi: “Nếu như chỉ chọn một chữ để nói, để giải quyết những xung đột trong cuộc sống này thì sẽ chọn chữ gì?”. Mỗi người đưa ra một chữ. Còn mình, tôi chọn chữ: Thương.

Hãy nghĩ về chữ Thương. Hãy hành động vì chữ Thương. Hãy sống vì tình thương.

Nhưng chúng ta có bao giờ thực sự thương nhau?

Vợ chồng anh bạn tôi có một đứa con, lúc nhỏ nó rất hiền ngoan nhưng khi lớn thì bỗng mê bài bạc, cá độ bóng đá, rồi cuối cùng là nghiện ma túy. Khi thằng con bị bắt đi trại cai nghiện, vợ chồng bạn tôi tan nát cõi lòng. Rồi tới ngày cậu con trở về, họ chào đón với niềm vui lẫn nỗi hoang mang vì không ai có thể lường trước điều gì với một người từng nghiện ngập. Trong lúc lo lắng, họ nhờ tôi gặp cháu để “tư vấn”. Tôi nhận lời mặc dù hoàn toàn không có kinh nghiệm gì trong chuyện này. Khi gặp cháu, tôi chỉ nói một câu như thế này: “Cháu có còn thương ba mẹ cháu không? Cháu hãy thật sự nghĩ về chữ Thương. Nếu cháu còn thương, biết thương thì cháu biết mình sẽ nên làm gì”.

Từ đó, cậu con trai tìm một công việc tại nhà, chăm chỉ, từng chút một làm lại cuộc đời.

Nhân mùa Vu lan, cho phép tôi được lan man câu chuyện về má và chữ Thương nhiệm màu. Báo hiếu, có lẽ không phải là việc thờ cúng linh đình, không phải là đốt vàng mã cho hoành tráng. Báo hiếu là tưởng nhớ về người đã khuất và hành động cho người còn sống.

Hãy nghĩ về chữ Thương để biết ta sẽ làm gì để báo hiếu cho cha mẹ.

Hãy nghĩ về chữ Thương để sống cho xứng đáng với hai chữ: Con người.

Sống chậm, buồn ít, cười nhiều

... Các quán chay đông nghẹt. Nhiều người ăn chay nửa tháng hoặc cả tháng. Mùa Vu lan, nếu ăn chay chắc chỉ cầu sức khỏe, bình an hoặc cầu siêu cho cha mẹ, mình đoán vậy.

Ba má mình cưới nhau đã 38 năm không chịu tổ chức kỷ niệm ngày cưới, anh em tụi mình nhất định hùn nhau bày biện ăn uống sum họp. Dĩ nhiên, ba má rất vui. Tụi mình cũng vui. Vui hơn là má nhất định đòi mua nhẫn cưới và ép ba đeo. “Hồi đó nghèo, không có tiền mua nhẫn cưới. Không lẽ bây giờ anh cũng không cho tui đeo nhẫn cưới?!”. Vậy là đôi vợ chồng già đeo nhẫn cho nhau dưới sự chứng kiến của 3 đứa cháu nội và kết thúc bằng tiết mục cháu gái cưng ôm tay ông nội hun cái chụt. Mình đoán là ông bà vui cả ngày.

Mùa Vu lan này mình không đi chùa, không khấn vái điều gì, không cầu xin gì. Ông trời cho thế nào thì mình nhận thế đó. Ba má chưa già đã yếu, đã bệnh, mình không cầu xin ba má trường thọ mà chỉ mong ba má luôn sống vui vẻ, hạnh phúc. Bệnh thì chữa, yếu thì bồi bổ, vậy thôi. Có lẽ mình đang tiệm cận với tuổi già nên suy nghĩ và hành động hơi khác trước nhưng có hề gì. Mỗi ngày trôi qua là một trải nghiệm. Sống chậm hơn, buồn ít lại, cười nhiều hơn và về nhà sớm hơn để các “bô lão” khỏi trông ngóng - bấy nhiêu cũng đã là hạnh phúc... Thanh Nhân

 

Ơn nghĩa sinh thành

Mới đó mà đã đến tháng 7, tháng của những ngày Vu lan hiếu hạnh. Hơn 30 tuổi đầu, tôi nay đã đủ lớn để tự quyết định cho con đường riêng của mình. Nhưng mẹ hiền vẫn luôn là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc nhất trong mọi quyết định của tôi.

 

img

 

Tôi sinh ra trên mảnh đất miền Trung khô cằn. Những cơn gió Lào làm cho cuộc sống con người nơi đây thêm cơ cực. “Đói” cái ăn, “thiếu” cái mặc, gia đình tôi đành phải rời xa quê hương đi “kinh tế mới” những mong đổi đời. Gần một ngày trời, xe đò đưa cả nhà tôi đến vùng đất mới Bảo Lâm (Lâm Đồng).

Nơi đây nhà cửa thưa thớt, những con đường mòn sâu hun hút. Gia đình tôi sống trong cái lán nhỏ bằng tranh nứa lá. Hằng ngày, ba mẹ tôi thay nhau phát rẫy tạo nương. Gia đình tôi nghèo như chưa từng được nghèo vậy, hạt cơm phải cõng lát khoai toát mồ hôi lên nắp vung có vị chua lè hòa cùng khói bếp... Những tưởng khi rời xa quê hương cuộc sống sẽ khá hơn; vậy mà cái khó, cái khổ vẫn theo mãi vào tận đất Lâm Đồng.

Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, niềm vui chưa trọn thì đó lại là nỗi lo, là gánh nặng của gia đình. Ba tôi thở dài: “Con đỗ đại học là vinh dự cho gia đình và cho cả dòng họ nhưng làm sao ba mẹ lo được cho con suốt 4 năm trong khi ở nhà còn 3 đứa em nhỏ... Việc học đành phải gác lại thôi con!”. Lòng tôi buồn miên man, đôi mắt mọng nước. Tôi vẫn không tin mình phải bỏ lỡ cơ hội bay xa.

Nhờ sự giúp đỡ, động viên của bà con hàng xóm, tôi cũng đã bước vào giảng đường đại học. Bốn năm, tôi học vì bản thân và vì ơn nghĩa sinh thành. Hình ảnh ba mẹ với chiếc áo sờn vai vì dãi dầu mưa nắng, mái tóc pha sương, nhất là người mẹ gầy gò suốt ngày cặm cụi đi nhặt mót từng cọng chè già, từng que củi trên nương, từng hạt cà phê còn sót lại trên cành nhưng vẫn luôn nở nụ cười hiền hậu đã trở thành động lực cho tôi chuyên cần đèn sách.

Nay ba mẹ tuổi ngày càng cao, đôi mắt đã nâu đục, tóc trắng đã lấn hết tóc xanh, tôi vẫn tin đó là chỗ dựa an lành, đầm ấm nhất cho tôi và các em.

Nếu hỏi rằng tình cha mẹ dành cho con cái to lớn như thế nào, không có một mỹ từ nào hay bất cứ điều gì trên thế gian này có thể so sánh được. Đó là những hy sinh thầm lặng, cao cả và kiên trì suốt cả đời người cho đi mà không mong được nhận lại bao giờ.

Nguyễn Đình Thi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo