xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vĩnh biệt thầy - “Người dẫn đường cho các thế hệ”

NSƯT Trần Minh Ngọc

Ra đi, NSND, GS-TS Đình Quang đã để lại một di sản lớn là kiến thức về nghề trong những học trò ông đang làm việc, sáng tạo trên sàn diễn…

Tin NSND, GS-TS Đình Quang mất đến với tôi vào sáng 13-7 này thật đột ngột, bất ngờ. Từ sáng sớm hôm nay đã có nhiều cuộc gọi cho nhau. Những người học trò khóa I Khoa Kịch nói Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam báo tin thầy Đình Quang đã tạ thế vào hồi 1 giờ sáng tại Đà Nẵng, hưởng thọ 88 tuổi.

Ký ức về thầy Quang vẫn còn đậm nét trong tôi khi nhớ lại hơn 50 năm về trước, lần đầu gặp được thầy Quang cũng là người thầy của chúng tôi tại nhà Lộng Chương ở đường Hàm Long - Hà Nội. Lúc này, thầy Quang mới từ Bắc Kinh về nước, phong thái trẻ trung, tự tin, trí thức và nhiệt huyết. Buổi hôm đó, chúng tôi nghe thầy nói về tương lai sân khấu, về nghệ thuật biểu diễn và ý định mở một lớp bồi dưỡng về biểu diễn theo phương pháp mới, khoa học hơn, chân thực hơn.Thầy đang nói bỗng quay lại hỏi tôi: “Có muốn học lớp bồi dưỡng nghệ thuật diễn viên ngắn hạn không?”. Lúc này, tôi mới chỉ học việc ở phòng kế toán công ty xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) thuộc Bộ Ngoại thương, không hiểu biết gì về nghệ thuật và lý luận, học thuật nhưng say “diễn” lắm. Câu hỏi của thầy Quang đã lay động tâm can khiến tôi xúc động và không cân nhắc, nghĩ ngợi xa xôi, tôi đã trả lời thầy bằng cách bỏ ngay Tocontap vào ở hẳn làng Vân Trì - nơi mở lớp bồi dưỡng 9 tháng của thầy, cách Hà Nội hơn 10 km mà không về thủ đô…

Tại lớp học này, tôi được thầy giao làm thư ký, ghi chép tất cả những bài thầy giảng, những bài tập lớp phải làm, những lý luận về sân khấu, về phương pháp biểu diễn mới…, nói chung về tất cả những kiến thức cần có đối với người làm nghề.

Lớp học hơn 100 người lúc đó toàn là những bậc đàn anh, đàn chị của các đoàn tuồng, chèo, cải lương, các ty văn hóa, các xí nghiệp lớn có phong trào sân khấu… Tôi nhớ trong lớp có các nghệ sĩ cải lương tên tuổi như Sỹ Tiến, Sỹ Hùng, Hoàng Anh, Tuấn Sửu, Tuấn Nghĩa, Ngọc Đại, Minh Nghĩa (Hải Phòng), Hoàng Lan (chèo), Hồ Sàng (Năm Tịch), Kim Thoa (Sơn Tây), Kim Liên (Nam Định). Chỉ có tôi là mới toanh nhưng có ưu thế là chăm chỉ ghi chép một cách trung thành nhất những lời giảng của thầy Đình Quang. Kết thúc lớp “Trung ương Vân Trì” đó, thầy dàn dựng  vở “Gia đình cách mạng” và vai Ô. Trương đã theo tôi trong suốt cuộc đời mình sau này.

 

NSND, GS-TS Đình Quang. (Ảnh do gia đình cung cấp)
NSND, GS-TS Đình Quang. (Ảnh do gia đình cung cấp)

 

Từ đó, cuộc đời tôi thay đổi. Sau khóa học ngắn hạn 9 tháng ở Vân Trì, tôi được phiên chế về Vụ Nghệ thuật - Bộ Văn hóa, được điều về làm giáo vụ Trường Điện ảnh số 9 Trần Phú. Theo thầy Quang về Khoa Kịch Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, tôi được thầy cho theo học lớp diễn viên khóa I. Tốt nghiệp lớp diễn viên, tôi được phân về Nhà hát Kịch Việt Nam, Đoàn kịch Thanh Niên cùng với các đồng nghiệp nay là NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSND Doãn Châu, NSƯT Mỹ Dung, NSƯT Ngọc Hiền, NSƯT Tú Mai… Năm 1967, tôi được cử đi đào tạo đạo diễn tại Bulgaria. Về nước làm công tác đào tạo ở trường cũ đến năm 1980 thì thầy Quang được cử làm hiệu trưởng. Từ đó đến nay, cuộc đời tôi luôn gắn với những việc thầy đã làm cho tôi. Việc tôi được vào làm việc ở Trường Nghệ thuật Sân khấu II cũng do thầy Đình Quang quyết định.

Nhớ về thầy Quang, nói về thầy Quang, ngoài những trải nghiệm bản thân là người chịu ơn thầy về sự thay đổi lớn lao của cuộc đời, tôi đã học được ở thầy cũng như các thầy Nghi,  thầy Linh đã quá cố những kiến thức sâu rộng, những cách ứng xử, những kinh nghiệm sống. Nếu thầy Quang dạy tôi cách tư duy logic, thầy Nghi dạy cách đào sâu vấn đề thì thầy Ngô Y Linh cho tôi hướng tới sự bay bổng của nghệ thuật.

Với chúng tôi, thầy là “cao thủ” về sư phạm đào tạo. Ở lĩnh vực này, thầy Quang có lẽ là người có nhiều học trò thành danh, nhiều thế hệ diễn viên là NSND, NSƯT, nhiều nhà quản lý đương chức đã qua tay thầy đào tạo, nhiều tác giả có kịch được thầy dàn dựng như Tất Đạt, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ. Cuốn sách “Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý” của thầy đến nay đã hàng chục năm vẫn là cuốn gối đầu giường của diễn viên. Nhiều người trẻ làm công việc đào tạo vẫn dùng cuốn sách này làm tài liệu định hướng cho việc giảng dạy thế hệ diễn viên trẻ tại các trường nghệ thuật hiện nay.

Tên tuổi của thầy Đình Quang nổi lên ở nhiều lĩnh vực: biểu diễn, đào tạo, lý luận và quản lý. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến nghệ thuật đạo diễn với những vở gây sốc một thời như “Bạch đàn liễu” của tác giả Xuân Trình, “Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ mà Nhà hát Kịch Việt Nam hôm nay đang dựng lại với sự cố vấn của đạo diễn lần đầu GS-NSND Đình Quang. Rất tiếc là thầy đã ra đi khi chưa kịp hoàn thành công việc.

Ra đi, NSND, GS-TS Đình Quang đã để lại một di sản lớn là kiến thức về nghề trong những học trò ông đang làm việc, sáng tạo trên sàn diễn, ông đã để lại một nền tảng mỹ học đúng đắn và sáng tạo trong các tác phẩm viết và diễn trên sân khấu và nhất là một phương pháp đào tạo được hầu hết các giảng viên, cán bộ nghệ thuật ứng dụng trong nhà trường. Vĩnh biệt thầy, người đã để lại một tấm gương đạo đức của người dẫn đường cho các thế hệ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo