xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ý nguyện của một nhà điêu khắc lớn

Nguyễn Minh Sơn

Nhiều tác phẩm của Điềm Phùng Thị được công nhận như là những kiệt tác nghệ thuật. Bà đã công bố hiến toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình cho đất nước, TP Huế

imgTự bạch: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng hơn nói theo cách của Bissière, tôi trao tôi cho các bạn (Journal en images, Editions Hermann). Và nếu ai đó ngắm nhìn, dừng chân và cảm mến con người trong tôi, tức là tôi đã thành công. Nếu tôi thất bại và chẳng ai chìa tay cho tôi, tôi sẽ đút tay vào túi, thật sâu. Mặc kệ. Không sao đâu, Marie, em vẫn đẹp như thường!”.

“... Những gợi cảm giàu chất thơ toát ra từ tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị vừa mang giá trị thần bí của nghệ thuật đồ họa, vừa có tứ thơ của chất liệu, những thành tố kết hợp với nhau tạo ra một thế giới bí ẩn sống động thật lạ lùng”. Ngày 13-10-1966 trên tờ Le Figaro, Raymond Cogniat - nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng của tờ báo này - đã đánh giá như vậy ngay lần triển lãm đầu tiên của Điềm Phùng Thị tại nhà trưng bày Tuổi Trẻ do Elizabeth Thins tổ chức. Nhà văn André Malraux sau này trong thư riêng gởi cho nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị ngày 22-10-1971 đã khẳng định chắc chắn “tài năng của chị là hiển nhiên...”. Raymond Cogniat, André Malraux, Jean Bouret, Volti... là những người đã đánh giá rất cao nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.

Từ nha sĩ đến nhà điêu khắc.-  Sinh năm 1920 tại Châu Ê (Huế), Phùng Thị Cúc là con một vị quan gốc người Hà Tĩnh của triều đình nhà Nguyễn. Cha bà là một trong những người được triều đình giao cho nhiệm vụ coi sóc việc xây dựng lăng Khải Định ở Châu Ê. Tuổi thơ của Phùng Thị Cúc trải qua ở những vùng đất cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên khi cha bà đi nhận nhiệm sở ở những nơi này. Năm 1946, bà tốt nghiệp nha khoa Đại học Hà Nội - khóa đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau một thời gian phục vụ Chính phủ ở vùng tự do, bà bị bệnh nặng phải sang Pháp chữa. Tại đây bà tiếp tục học nha khoa, mở phòng khám. Năm 1954, bà trình luận án bác sĩ đề tài Tục ăn trầu  - một luận án khoa học mà sau này luôn được các nhà phê bình nghệ thuật nhắc đến như một tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao. Nha sĩ Phùng Thị Cúc đến với điêu khắc vào năm 1959 với cái tên Điềm Phùng Thị - ghép chung với chồng bà là nha sĩ Bửu Điềm, một người cháu của dòng họ “ông hoàng nhà thơ” Tuy Lý Vương. Ban đầu, bà đến với nghệ thuật rất tự nhiên bằng tài năng bẩm sinh. Đến năm 1961 bà theo học ở xưởng của Volti, lớp dạy nghệ thuật thực hành. 

Bảy mẫu tự, ghi danh trong từ điển Larousse.-  Mady Ménier, giáo sư ưu tú Đại học Paris I Sorbone, nói: “Điềm Phùng Thị có thể có mối liên hệ bền chặt với một người bạn thân, một giáo sư; nhưng chị không có ai là thầy. Những khía cạnh khác nhau của cảm hứng, và nghề điêu khắc của chị nói chung, không phải nhờ vào một ai”. Tại sao vậy? Chính vì Điềm Phùng Thị sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng dành cho mọi người.

Thực ra, không phải dễ dàng gì hiểu hết những điều bí ẩn trong nghệ thuật điêu khắc Điềm Phùng Thị. Cái đẹp dường như lúc nào cũng không thể diễn tả trọn vẹn bằng lời. Nghệ thuật mô-đuyn của Điềm Phùng Thị thoạt nhìn trông rất giản đơn. Nhưng “tính chất hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc bằng mô-đuyn nằm ở sự uyển chuyển trong bố cục và sự đơn giản trong tạo dựng” (Điềm Phùng Thị). Ban đầu, vào những năm 60, bà đã sáng tạo ra những mẫu tự trong điêu khắc đầu tiên mà sau này người ta gọi là “ngôn ngữ Điềm Phùng Thị”. Số mẫu tự sơ khai gồm 10 chữ cái đơn giản. Những năm 70, bà tìm tòi và giản lược còn 6 chữ và sau đó, ở thời kỳ đỉnh cao bà đã hoàn chỉnh 7 mẫu tự. Chỉ bằng 7 mẫu tự này thôi, Điềm Phùng Thị đã tạo dựng nên cả một thế giới nghệ thuật riêng biệt. Một thế giới sinh động được hình thành từ sự thay đổi kích thước, bố cục sắp đặt của 7 ký tự. Những bức tượng nghệ thuật mô-đuyn của Điềm Phùng Thị luôn kích thích trí tưởng tượng của người xem.  Nhiều tác phẩm của Điềm Phùng Thị được các học giả châu Âu, các nhà phê bình nghệ thuật đánh giá là những kiệt tác nghệ thuật.

Hơn 25 năm sáng tác tại Pháp, Điềm Phùng Thị đã có hàng chục cuộc triển lãm ở các nước. Bà nổi tiếng khắp châu Âu. Riêng tại Pháp đã có 38 tượng đài do bà sáng tác dựng khắp nơi. Nghệ thuật của Điềm Phùng Thị vươn ra tầm thế giới. Năm 1992, bà được ghi danh trong từ điển Larousse: “Nghệ thuật thế kỷ 20; Tự điển tranh và tượng”. Cũng năm này, Điềm Phùng Thị được bầu làm viện sĩ thông tấn Hàn lâm viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu.

“Tôi muốn gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật của tôi”.-  Cùng năm ấy, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và chồng về lại Việt Nam. Thành phố Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của bà, đã dành hẳn ngôi biệt thự số 1 đường Phan Bội Châu để làm nhà trưng bày Điềm Phùng Thị. Tuổi đã cao nhưng thời gian này bà cũng đã có nhiều cuộc triển lãm ở Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Bà mở một lớp dạy nghệ thuật cho trẻ câm điếc. Thời gian còn lại bà dành tất cả cho sáng tác và xây khu lăng mộ trên đồi Châu Ê cho gia đình bà. Đấy là nơi đi về cõi vĩnh hằng của bà được dựng nên bằng các tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

Giữa lúc sức sáng tạo mãnh liệt của một nghệ sĩ ngoài thất thập còn đang sung mãn thì ngày 5-9-1998 căn bệnh tai biến mạch máu não thình lình ập đến. Có lúc bà đã trải qua những khoảnh khắc vô thức rồi tỉnh lại. Cuối tháng 8 vừa qua, bà đã công bố hiến toàn bộ tài sản nghệ thuật của bà cho đất nước, cho thành phố Huế. Những tác phẩm của bà tại Pháp hiện đang được làm thủ tục để đưa về nước. Cũng trong thời gian này, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), địa phương đầu tiên có việc làm táo bạo là dựng tượng đài nghĩa trang liệt sĩ huyện bằng tác phẩm Cầu nguyện hòa bình của Điềm Phùng Thị. Tiếp xúc với bà bây giờ khó lắm, mọi người khuyên nên nhờ một người khác giới thiệu. Tôi đã nhờ nhà văn Tô Nhuận Vỹ.

Bà ngồi chờ ở phòng khách, gác hai nhà số 1 Phan Bội Châu trên chiếc xe lăn, nửa người bị liệt hẳn, vẻ lịch lãm của một người theo Tây học còn thể hiện ở cách đưa bàn tay một cách khó khăn ra mời khách uống nước chè xanh. Hóa ra sự khó khăn là ở hai vị bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bà. “Tôi rất vui vì anh đã đến nói chuyện” - bà nói một cách khó nhọc, ngắt quãng. Những ký ức rời rạc về nhà văn  André Malraux, những ý nguyện của một người nghệ sĩ lúc cuối đời được bà diễn đạt chậm rãi. “Tôi rất buồn vì căn nhà này (số 1 Phan Bội Châu) xuống cấp quá. Tôi muốn giữ gìn, chăm sóc những tác phẩm nghệ thuật của tôi”. Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, nơi đang lưu giữ hơn 100 tác phẩm nghệ thuật của bà, hàng năm đón trên 1.000 lượt khách chủ yếu là người nước ngoài, còn lại là các văn nghệ sĩ và bạn bè thân hữu ở Huế. Từ ngày bà ngã bệnh, cây cỏ trong vườn tượng mọc lòa xòa, nhiều nhóm tượng đã có dấu hiệu xuống cấp bởi không có bàn tay chăm sóc của chủ nhân. Chị Tùng - người giúp việc bên cạnh bà - đã nói: “Cô (Điềm Phùng Thị) quý tượng hơn bản thân mình”. Nhiều đêm mưa, nghe trần nhà bị nước làm bong ra rơi xuống, bà bảo người giúp việc khiêng xe lăn đưa bà xuống cầu thang để xem những tác phẩm có hề hấn gì không... Thành phố Huế, quê hương của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, trong thời gian qua đã có những nghĩa cử  cao quý đối với bản thân bà. Còn những tác phẩm nghệ thuật, theo cách nói của bà “tôi trao lại cho các bạn”, nó chắc chắn không còn của riêng ai nữa mà là một di sản văn hóa của quốc gia. “Tôi muốn giữ gìn, chăm sóc những tác phẩm nghệ thuật của tôi” - đó cũng là ý nguyện của những nhà văn hóa lớn, như Điềm Phùng Thị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo