xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đoàn tụ

Truyện dự thi của TRẦN KIM KHÔI

Trong lá thư mời mọi người đến dự buổi trình diễn nghệ thuật sắp đặt đầu tiên mang tên "Đoàn tụ", Lục Bình "quảng cáo": Chỉ có ở Thánh đường nghệ thuật!

"Thánh đường nghệ thuật" là một ngôi nhà bỏ hoang nằm trong diện giải tỏa. Gặp được ông chủ khi ổng đứng treo tấm bảng "Nước mắm HH dời về…", vậy là hỏi, vậy là gật đầu, vậy là ký hợp đồng… miệng, ngay lập tức. Ở đây thì riêng, rộng, rẻ - "3R". Mỗi tội suốt ngày em phải thưởng thức mùi nước mắm thum thủm đã thấm vào trong đất theo gió biển lùa vào.

Đoàn tụ - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sống được ba tháng, "thánh đường" của em đã biến thành cái chợ phế liệu và khoảng sáu tháng sau, không phân biệt được đâu là nhà, đâu là bãi rác.

Nhìn cái đống phế phẩm nào là bột màu, nào là cọ vẽ, nào tranh, nào giá, nào chai, nào lọ, thậm chí cả mấy con chuột chết chưa được "an táng" nằm khô queo, tôi chỉ biết lè lưỡi: "Nhà này thiếu một con chó nữa thì em trở thành bà… Robinson".

Thấy em lụi cụi một mình, ông chủ nước mắm hăm hở lui tới hỏi han… Ông bảo cái dự án giải tỏa khu này còn treo lâu lắm, nếu thích, em ở đây đến khi ra trường mà không mất tiền. Có điều lúc nào ông muốn đến thăm nhà, sống lại với kỷ niệm xưa thì em không được từ chối… Lục Bình hiểu ý ông chủ nhưng vẫn giả vờ ngây ngô: "Bà thím cùng đi với ông chú nữa chứ?".

Một lần, ông gọi cho Lục Bình lúc em vừa ngủ để lấy tiền nhà. Biết là ông không cần tiền mà chỉ cần thứ khác nên em tính kế. Điện vẫn để nhờ nhờ, em ra mở cửa rồi chạy thật nhanh vào trong. Ông chủ hí hửng đi vào. Á… á… á! Ông vừa vào nhà thì kinh hồn bạt vía và hét lên mấy tiếng rồi chạy thẳng ra đường mà không dám quay đầu nhìn lại. Thỉnh thoảng em tập tành trình diễn nghệ thuật sắp đặt cùng với một nhóm bạn, sẵn sợi dây thòng lọng treo giữa nhà và cái hình nộm em làm ra để tập vẽ body art, ghép chúng lại với nhau thành tác phẩm người đẹp treo cổ.

Vài ngày, tôi lại đến "thánh đường nghệ thuật" của Lục Bình một lần. Một, làm mẫu cho em vẽ body art vì tôi có thân hình cân đối nở nang. Hai, tranh thủ để tiếp cận em nhưng âm mưu này chỉ có mình tôi biết. Dù vậy, tôi vẫn không quen với mùi nước mắm nơi đây. Lần đầu vừa bước vào ngôi nhà "3R" của Lục Bình, tôi đã nôn thốc nôn tháo vì cái mùi kinh khủng kia. Một thằng công tử được nuôi trong lồng kính như tôi thì nơi đây chẳng khác gì địa ngục. Nhiều lần, tôi bảo Lục Bình nếu muốn sống lâu để sáng tạo thì tôi sẽ giúp em tránh xa cái mùi này. Lục Bình xua tay: Nghệ thuật đích thực phải được sinh ra từ những nơi "khó thở" như vầy. Nói xong, em lấy trong cặp ra nửa ổ bánh mì vừa nhai ngấu nghiến vừa đặt cọ trên lưng tôi vẽ ngon lành.

Tôi nhớ đến Lục Bình không phải em có tài vẽ body art; cũng chẳng phải vì hàm răng em thừa một cái chắc để làm duyên mà mỗi khi em cười như tạo ra một thứ vắc-xin tiêu diệt những ưu tư, phiền muộn với người đối diện; càng không phải vì những câu chuyện cảnh giác vô cùng hấp dẫn của em làm cẩm nang cho các bạn nữ trong lớp… Hôm đó, nhà trường tổ chức văn nghệ, giữa những hip hop, disco… sôi động ồn ào của giới trẻ, em lặng lẽ trong tà áo dài xuất hiện mượt mà với bài vọng cổ "Trầu xanh" làm chết lặng cả khán phòng. Lần đầu tiên, sau mấy năm học chung, tôi đón nhận một cảm giác ngọt lịm như vậy từ em để rồi sau đó bắt đầu thổn thức.

Một tuần nay không thấy Lục Bình đến lớp, tôi đâm lo. Điện thoại Lục Bình ngoài vùng phủ sóng nên tôi đến "thánh đường" để tìm. Sau khi gõ cửa không thấy mở, tôi đánh liều leo rào vào. Lạ thật. Em đi đâu chứ? Tôi quyết định ngồi lại chờ Lục Bình. Càng về khuya ở đây càng yên tĩnh. Lâu lâu, vài cơn gió nhẹ lành lạnh từ những khu đất trống thổi vào khiến tôi ngán ngẩm, hồi hộp và thấy sợ. Cái sợ mông lung của một thằng công tử lần đầu tiên nói dối bố mẹ để sống xa nhà. Tiếng kéo cửa nặng nề làm tôi giật mình tỉnh giấc. "Ai đó?" - tôi vừa dụi mắt vừa lớn giọng như để tự trấn an mình. Vẫn tin đó là Lục Bình nhưng sao tôi thấy lo lo. Im lặng. Im lặng kéo dài… Lục Bình từ từ khóa cửa rồi đi vào. Trái với dự đoán của tôi, khi hai đứa giáp mặt nhau, Lục Bình không hề ngạc nhiên và cũng chẳng mảy may cảm động: "Dạo này em không có nhu cầu tìm người ngồi mẫu". Lục Bình buông một câu vô hồn khiến tôi tức anh ách. Không biết đến cảm giác lo lắng của người khác hay sao mà nói kiểu đó? Em đi đâu bây giờ mới về? Sao cả tuần nay lại bỏ học? Tôi hỏi một dây liên thanh nhưng Lục Bình vẫn ngồi bất động. Tôi cảm giác nơi đây ngột ngạt đến không còn không khí để thở.

"Mẹ em đang bị bệnh, em sợ mẹ không thể chờ lâu hơn được nữa" - Lục Bình bắt đầu cất tiếng trước sự lắng nghe chân thành của tôi. Em nói cha em là một họa sĩ thiết kế sân khấu. Mẹ em là cô đào chính của một đoàn cải lương mà ông đến cộng tác. Do cảm phục tài năng của nhau nên họ đến với nhau bằng tình yêu sét đánh. Khi mẹ em mang bầu thì tình yêu đó không giấu được nữa và điều quan trọng là nó lọt đến tai vợ của ba em - một người giàu có, quyền lực, sống với chồng 5 năm rồi vẫn chưa có con. Biết chuyện, bà "đánh ghen" bằng cách dùng tiền mua chuộc trưởng đoàn để họ cho mẹ em nghỉ hát và mua chuộc truyền thông nói xấu mẹ em, khiến mẹ không còn chỗ dung thân. Vậy là từ một người được mến mộ, vì tình yêu mà mẹ em trốn biệt, lang bạt khắp nơi. Ba em có đi tìm nhưng trước áp lực của vợ, ông đành bỏ cuộc, chấp nhận có lỗi với mẹ con em.

"Em đến với ước mơ vẽ body art bằng những đồng tiền mẹ kiếm được từ những lần đi hát ở đình, ở chùa, ở chợ" - Lục Bình kể tiếp: "Nói nôm na là cái nghề hiện đại của em được nuôi dưỡng bằng cái nghề truyền thống của mẹ. Con không cha như nhà không nóc. Mẹ muốn em dựa vào cái nghề này để tìm cha. Hơn một tuần nay, em đi làm thêm kiếm tiền để thực hiện nguyện ước đó".

Còn tôi thì sao? Mẹ tôi nói nhà mình thừa tiền rồi, con học nghề gì cũng vậy thôi, chi bằng con học lấy một nghề nghệ thuật gì đấy, nếu sau này con nổi tiếng thì nhà mình sẽ được nhiều người biết đến. Tôi nghe lời mẹ, vừa ôn vừa luyện vừa chạy lòng vòng 3 năm mới đậu. Mấy đứa bạn trong lớp gọi tôi là họa sĩ… cố gắng. Nghe mai mỉa làm sao.

Tối nay rất đông khách mời, thầy cô và các bạn đến với Lục Bình. Còn là sinh viên mà tổ chức được một sô như em là giỏi lắm. Trong ánh mắt mọi người, tôi nhìn được rất nhiều sự cảm phục. Những người mẫu body art với nhiều tư thế khoác lên mình rất nhiều hình vẽ khác nhau. Nhìn rất sống động. Trên những bức tường trong nhà em toàn quyền sử dụng toàn tranh là tranh. Có bức được em vẽ từ khi mới vào ở. Tranh ở đây mỗi bức có một cái tên khác nhau nhưng không bức nào mang tên "Đoàn tụ" cả.

Ông chủ nước mắm cũng có mặt sớm. Ông đến vừa để chúc mừng vừa xin lỗi vừa cảm ơn em. Chẳng là một lần vào quán ăn nhậu, vô tình nghe em hát bài "Trầu xanh" để kiếm tiền làm chương trình "Đoàn tụ", ông xúc động quá trời. Ông nói nhờ bài này mà cha ông yêu mẹ ông nên mới có ông. Và nhờ ông hát bài này mà ông tán được người vợ xinh đẹp. Lần này ông đến với vợ của mình và giới thiệu với Lục Bình đây mới là người lấy tiền nhà trong thời gian sắp tới.

Tôi cũng tự hào làm một người mẫu body art để cho Lục Bình "sắp đặt". Mọi người nói có vẻ như tôi phù hợp với nghề này hơn là cầm cọ. Đành vậy thôi. Mình chọn nghề không được thì cứ để nghề chọn mình.

Điểm nhấn của đêm trình diễn là một bức tượng bằng đồng tạc một người phụ nữ với mái tóc dài rất đẹp. Nó được đặt trang trọng chính giữa với những ánh đèn tô điểm xung quanh. Mọi người ai cũng bị cuốn hút vào bức tượng này. Một phần vì nó giông giống Lục Bình. Một phần vì nó được làm rất công phu, tinh xảo. Lục Bình hay là ai đã tạc nó? Thắc mắc này cứ lởn vởn trong đầu tôi từ lúc vào.

Để cuối buổi trình diễn, đến khi mọi người chuẩn bị kéo nhau ra về, Lục Bình mới lại đứng cạnh bức tượng và nói lời cảm ơn: "… Khi mẹ bước vào thời đẹp nhất của tuổi đời và tuổi nghề, cha đã kỳ cục làm bức tượng này tặng mẹ. Nhưng bây giờ mẹ sắp đi xa vì lao lực quá nhiều… mà tin cha vẫn bóng chim tăm cá. Đem được cha về cho mẹ thông qua bức tượng này, đó mới là cuộc trình diễn sắp đặt lớn nhất của tôi. Và "Đoàn tụ" là bức tranh mà tôi muốn vẽ cho gia đình mình bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu; có khi đến hết cuộc đời… trong hy vọng, trong mơ ước". 

Thánh đường nghệ thuật là ngôi nhà bỏ hoang, sực nức mùi nước mắm, ngổn ngang giá vẽ, bột màu, chai lọ và xác chuột chết. Sô trình diễn nghệ thuật sắp đặt mang tên "Đoàn tụ" nhưng không có tác phẩm nào mang tinh thần đoàn tụ. Quan niệm "nghệ thuật đích thực phải được sinh ra từ những nơi khó thở"... Và, tréo ngoe hơn nữa, cô họa sĩ trẻ đến với body art - bộ môn nghệ thuật hiện đại - bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mẹ cô - một cô đào cải lương thất thế, kiếm được từ những lần đi hát rong ở đầu đường xó chợ...

11-cd

Một truyện ngắn như mang đầy tinh thần giễu nhại. Nhưng đấy chỉ là cảm giác ban đầu. Khi hiểu ra tất cả những gì cô họa sĩ trẻ đang làm đều nhắm tới mục tiêu tìm được người cha lang bạt về cho mẹ và lắng nghe tâm sự tha thiết của cô: "Đoàn tụ là bức tranh tôi muốn vẽ cho gia đình mình... có khi đến hết cuộc đời, trong hy vọng, trong mơ ước", người đọc mới thấm thía cái giá phải trả, đôi khi có vị chua xót, cay đắng như thế nào, cho một hạnh phúc bình dị.

Trần Kim Khôi sinh năm 1983, quê Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại TP HCM, là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh TP HCM... Anh là một gương mặt biên kịch trẻ, xông xáo và nhiều sáng tạo với những tác phẩm tiêu biểu như: "Bông hồng vàng", "Cây bàng vuông"...

TRẦN ĐỨC TIẾN


CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Đoàn tụ - Ảnh 4.
Đoàn tụ - Ảnh 5.
Đoàn tụ - Ảnh 6.
Đoàn tụ - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo