xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Leng keng tàu điện

Phong Ca

Tàu điện Hà Nội, cũng như bao nhiêu ký ức vụn vặt khác về một thời bao cấp, đã đồng hành cùng tôi suốt chặng đường dài. Ngày đó, tàu điện chỉ chạy dọc theo các tuyến phố chính của trục đường mà không rẽ ngang xương cá.

Dọc đường Thụy Khuê, đường ray tàu điện nối một đầu lên Bưởi, vùng không gian văn hóa của Hà Nội với các làng nghề, các làng hoa quanh hồ Tây, hồ Tây sương khói của những sáng mùa đông. Qua ô cửa rộng của trường cấp ba nhìn ra hồ, một ngày, tôi bỗng hiểu được tại sao tên gọi xưa cũ của hồ Tây là hồ Dâm Đàm.

Sương hồ mù mịt và trắng xóa. Ngày đó, đi trên đường Cổ Ngư - Thanh Niên, nhìn qua bên kia hồ, mạn Yên Thái, Trích Sài chỉ thấy mờ mờ xanh của làng xóm. Ở đó, làng Tứ Liên trồng quất, làng Nhật Tân trồng đào, làng Phú Thượng trồng hoa, làng Nghi Tàm cây cảnh và cá cảnh, hồ Quảng Bá với những rặng ổi xanh trĩu... Hết làng Yên Phụ bên hồ đã là địa giới giáp ranh của nội thành và ngoại đô rồi.

Đường tàu điện theo đường Thụy Khuê, qua cổng trường cấp ba của tôi, nơi tôi và lũ bạn thường trốn học tiết sinh hoạt đầu tuần, ra cổng trường đón sẵn tàu qua mà nhảy lên, theo đường Quán Thánh tót thẳng xuống chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, bắt đầu lượn phố. Cái sự nhảy tàu này cũng là một nghệ thuật, gọi là bổ tàu.

Nhảy bất kỳ lúc nào, cả lên lẫn xuống, bất chấp tốc độ, tuy không thể so sánh như Tám Bính, Năm Sài Gòn trong "Bỉ vỏ" nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng nhưng cũng đã là điệu nghệ. Để không trầy trụa tay chân, sứt gối rách quần, hay tệ hơn là ngã vào gầm tàu, thì phải thực tập nhiều, từ cách lấy đà, đặt chân đến nương theo tốc độ mà thả người, rơi theo mặt đường...

Chiếc tàu điện cũ kỹ với ‘"Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya...’’ đã đi vào câu hát như một chứng nhân lịch sử của một thời Hà Nội khó khăn và vất vả. Sự thanh bình, nét tĩnh lặng trong tiếng leng keng đó của Hà Nội thời đó, nếu lấy sự hào nhoáng, bóng bẩy của các cao ốc; sự chen nhích của các phương tiện trên phố thì khó mà thay thế được.

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố... Chả biết ra đời từ bao giờ nhưng câu nói đó quả là đúng, đúng với nhiều số phận đã gắn bó với vỉa hè Hà Nội từ những thúng mủng trên những chuyến tàu leng keng khuya sớm. Cũng chẳng phải rằng bây giờ, khi tàu điện đã đi vào dĩ vãng như là một nhắc nhớ không hẳn là nuối tiếc, nhưng gời gợi một sự cảm thán nao nao, thì những nhọc nhằn mưu sinh kia đã hẳn là giảm bớt. Vỉa hè Hà Nội, xe buýt không còn chỗ cho những gánh gồng thúng mủng nữa, mà đã được lên đời từ nhiều thứ phương tiện khác.

Tâm khảm tôi, trong cái trôi nổi những đan xen ký ức, tiếng tàu điện như không bao giờ quên. Những trật bánh xe đạp, thậm chí xe máy vào làn rãnh ray tàu, ngã bổ ngang bổ ngửa, thậm chí những đáng tiếc phận người không may dưới làn bánh sắt, cũng chẳng thể nào quên. Những buổi mua sách hiệu Quốc Văn, đón tàu không chờ được để về đến nhà mới mở sách, cứ dựa ghế mở ào ra đọc, ngốn ngấu, nghiền ngẫm mà tàu qua Cát Linh lúc nào không hay, đành thêm tiền cho quãng quá bến mà xuống thẳng Cầu Giấy, rồi cuốc bộ về nhà.

Những ký ức vụn vặt về thời xưa cũ, tuổi thơ như một góc Hà Nội cũ sót lại qua chiếc tàu điện, chẳng thể chở hết cái mênh mang, nhưng nhắc nhớ đôi khi thành nhưng nhức.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo