xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ruộng đợi cơn mưa

HOÀNG KHÁNH DUY

Chỉ mong sao miền Tây mưa về. Mưa sẽ cứu những dòng kinh, cứu cây lúa trên đồng và giấc mơ của người nông dân lương thiện...

1. Bắt nguồn từ lời mời của Tú hơn 2 năm về trước, tôi quyết định dừng hết mọi công việc để về miền Tây một chuyến. Vừa để tham quan, thâm nhập đời sống của người nông dân miền Tây Nam Bộ vừa để chắp nối lại những hồi ức đẹp mà đã có lúc nó bị rời rạc, tưởng như đã chìm khuất giữa những tất bật đời thường.

Tú đưa tôi về miền Tây trong những ngày hạn mặn. Năm nay chắc hạn hán lâu, Tú nói vậy, nét mặt thoáng buồn. Chúng tôi ngồi trên chiếc đò dọc chạy trên quãng kinh nước chỉ còn xâm xấp. Ngay cả lục bình cũng héo úa, chùm nụ nhô lên chẳng nở nổi một bông. Có chỗ lục bình chết sạch, xót xa kết thúc phần đời trong nắng cháy.

2. Cha tôi ấn nút tắt cái radio sắm hồi cha mẹ mới cưới nhau, giờ đã cũ. Sau khi cô phát thanh viên vừa đọc bản tin dự báo thời tiết những ngày sắp tới các tỉnh cực Nam sẽ gặp phải một kỳ hạn hán dài, ruộng đồng khát nước, lúa đứng trước nguy cơ chết khô. Năm nay mà mất mùa nữa thì khổ. Nỗi lo âu cũng thoáng hiện trên khuôn mặt mẹ. Mấy hôm nay tôi cứ thấy cha đi ruộng hoài, sáng cha thức sớm đi ruộng mang theo ấm trà còn nóng để trên bờ, trưa cha trở về mồ hôi nhễ nhại, chiều cha lại ra đồng và trong những cơn ngủ chập chờn cha lấy đèn pin ra thăm ruộng.

Ruộng đợi cơn mưa - Ảnh 1.

Người dân miền Tây Nam Bộ nối ống bơm nước ngọt để cứu ruộng đồng. Ảnh: LÊ KHÁNH

Một buổi chiều ra đồng, tôi bỗng thấy nước ruộng sụt xuống để lộ mặt đất khô và nứt ra thành từng đường lớn, giăng giăng như mạng nhện. Tôi hốt hoảng. Cha nói trời đất này nắng hạn kéo dài, cứ đà này thì độ chừng mươi bữa nữa lúa sẽ chết sạch chứ không đợi được đến ngày vàng bông. Nghe đến đó lòng tôi dợn lên một nỗi ám ảnh. Đó là những ngày thiếu gạo, mẹ tôi chạy vạy khắp xóm vẫn không vay mượn được lon nào. Chúng tôi cũng thấu hiểu được nỗi lòng của người xứ mình, không cho mượn gạo (hoặc không có gạo để cho mượn) cũng chỉ vì ai cũng kham khổ như ai, cả một vùng khô hạn chứ không riêng gì nhà tôi. Vậy là trong khạp còn bao nhiêu gạo mẹ phải chia đều cho các bữa, rồi độn thêm khoai mì, khoai lang vào để cái bụng được no.

Chúng tôi không còn rủ nhau tắm trên dòng kinh trước nhà, trong những buổi chiều yên ả. Nước dưới kinh cũng sụt xuống vài tấc và tôi cảm giác nó không được trong lành như trước. Phèn mặn tụ lại thành từng mảng to đùng trên mặt kinh, dưới nắng xối chúng vỡ ra rôm rốp và nước sông cũng dần chuyển sang màu vàng ối. Rong rêu chết chùm. Con vịt xiêm cũng không muốn lội xuống sông mò cá bắt ốc như những ngày mưa dầm thấm đất. Ngày trước chị tôi hay ra bờ sông ngồi vớt lục bình, vớt bèo tai chuột về băm ra trộn với cám hoặc trấu cho vịt ăn. Còn bây giờ thì lục bình, bèo tai chuột trôi đi đâu hết để trên dòng sông chẳng còn màu xanh cây lá, chỉ có hai bãi đất lài lài từ trên bờ sông đáy sông cũng khô còng.

Đêm qua tôi thấy mẹ ngồi trên võng kéo vạt áo thấm nước mắt. Mẹ thương cho cây lúa trên đồng, thương cho dân xứ mình phải chịu cực, chịu khổ vì hạn mặn. Tôi theo mẹ ra đồng, bàn chân mẹ chạm vào mặt đất nứt nẻ rồi tứa máu. Một vạt lúa đã vàng trước tuổi. Cha đào đập khơi dòng dẫn nước vào ruộng nhưng cũng chẳng cứu nổi được bọn lúa đồng. Một ngày tôi phát hiện chúng đã gục ngã hẳn đi. Những cánh đồng trơ trụi, những cánh đồng hanh hao. Nỗi đau cuộn lên trong lòng người một đời bám trụ với dãy đất quê, với cánh đồng nhưng chưa bao giờ họ có ý định sẽ từ bỏ đất.

3. Chúng tôi đi qua Bạc Liêu, hướng về Cà Mau, chỗ ấy năm xưa được người ta đặt cho cái tên nghe vừa cười vừa thương đứt ruột: "Cánh đồng chó ngáp". Đặt tên như vậy cũng chỉ vì đất xứ này phèn mặn, cây cối không sống nổi, chỉ còn một dãy đồng không mông quạnh kéo dài trong gió xào xạc khô khốc. Mùi phèn vẫn hắt lên nồng nặc.

Nhờ những cải tiến của khoa học kỹ thuật cũng như cách thức canh tác mới được áp dụng mà cánh đồng này được cứu trong những năm gần đây. Thế mà mùa hạn năm nay nó vẫn trở về với hình hài "Cánh đồng chó ngáp". Mỗi lần có dịp đi qua cánh đồng này là tôi lại nhớ. Căn nhà nhỏ của tôi năm xưa cũng ở trên mảnh đất này, tôi đã từng sống những ngày vui vẻ với cha mẹ, với đám trẻ đồng trang lứa của tôi. Tôi đã từng có những ký ức đẹp. Gọi là "Cánh đồng chó ngáp" nhưng cũng có những khi nó đẹp vô kể, nhất là mùa lúa chín. Người đồng này réo gọi người đồng kia, gặt lúa xong bắt cá lóc nướng trui lên bờ ngồi chấm nước mắm dầm ớt, mấy người đàn ông còn uống với nhau vài ly rượu gạo. Vui lắm! Trong hoài niệm của tôi, vui nhất, đẹp nhất, đong đầy kỷ niệm nhất có lẽ là những ngày sống với đồng với sông, gửi tâm tình cùng cây lúa.

Đã xa rồi những ngày ấy. Chúng tôi rời đồng lên thành phố. Vì hoàn cảnh bắt buộc phải đổi dời nhưng trong tim tôi lúc nào cũng xa xót, ân hận vì mình đã không làm đúng lời hứa năm xưa: chẳng bao giờ rời đồng, rời đất. Nhưng cuộc đời là những ngả trăm chiều, sao ta đoán được chiều nào mình sẽ đi qua, chiều nào bình an, chiều nào giông bão?

Mọi thứ chỉ còn là hồi ức.

Chỉ mong sao miền Tây mưa dầm, để giọt nước tưới trên bao nhọc nhằn của người nông dân. Mưa sẽ cứu những dòng kinh, cây lúa trên đồng và giấc mơ của người nông dân lương thiện… 

Tôi thoáng thấy ai đó đi trên đồng, lưng còng, tóc cháy, tự nhiên nước mắt tôi rơi. Sao dáng hình đó giống ba tôi đến thế! Tôi biết người cũng lo âu, phấp phỏng trong lòng những ngày hạn mặn kéo dài, vết nứt trên đồng như nếp nhăn hiện hình trên khuôn mặt.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo